Trang Trí Bàn Thờ Tổ Tiên

Bàn thờ thường được thiết lập ở gian giữa nhà chính, tức là nhà trên, nếu không có một nhà riêng để làm nhà thờ.
Bàn thờ kê hai lớp:

  • Lớp trong:
    Lớp trong kê sát ngay vào tường hậu và gồm:

    • Chiếc rương thật lớn, cao khoảng một thước, dài trên hai thước và rộng gần hai thước. Mặt trước chiếc rương có đóng nẹp chia làm ba ô, ở các ô này, có khi là ba chữ đại tự, có khi là những bức tranh được dán vào trong những dịp Tết. Trên nẹp có những đồng tiền đồng hoặc kẽm tùy theo từng nhà.
    • Trong chiếc rương cất đựng những bát đĩa, nồi đồng, xanh đồng lớn. Hàng ngày không dùng đến, chỉ những khi giỗ tết mới lấy ra.
    • Tại những gia đình sung túc, chiếc rương lớn này được thay thế bằng một chiếc bàn to, hoặc là một chiếc sập sơn son thếp vàng, kê nên cao vào khoảng một thước. Phía đằng trước thường có một tấm màn bằng vải đỏ che giấu những mâm thau đồ dùng cúng bát đĩa, được xếp dưới gầm sập thay vì để trong rương.
    • Ít nhất hai chiếc mâm nhỏ chân quỳ mặt hình chữ nhật: Một chiếc bề dài độ tám tấc, bề rộng độ sáu tấc, kê ở giữa chiếc rương hoặc chiếc sập nói trên. Chiếc mâm thứ hai nhỏ hơn, kê đằng sau chiếc thứ nhất. Hai chiếc mâm này cao chừng bốn tấc, trông giống như hai chiếc bàn nhỏ thấp, dùng để bày đồ lễ trong những ngày sóc vọng giỗ tết. Trong những ngày giỗ tết có làm cỗ, cổ bàn bày trên chiếc mâm thứ nhất, còn hương hoa trầu nước để trên chiếc mâm thứ hai nhỏ hơn.
    • Bên trong cùng lớp thứ nhất là thần chủ dựng trong long khám kê trên một chiếc bệ, chiếc bệ này cao ngang mặt hai chiếc mâm.
    • Có những gia đình không thờ thần chủ chỉ kê ở nơi đây một chiếc ỷ hoặc một chiếc ngai, tượng trưng cho ngôi vị của tổ tiên.

Hai chiếc mâm kê trên một rương, chiếc ỷ hoặc chiếc ngai cũng như tất cả các đồ thờ khác thường bằng gỗ mít hoặc gỗ dổi thứ gỗ này ít mọt, có mùi thơm, và bền đẹp. Tại những gia đình sung túc, những đồ thờ này thường được sơn son thếp vàng rất lộng lẫy.
Riêng về chiếc ngai, dù bằng gỗ mít hay bằng loại gỗ khác, được sơn son thếp vàng, hai tay ngai đều mang hình đầu rồng, rồng dựng đầu lên mạnh mẽ và dũng mãnh.

Trên chiếc mâm nhỏ kê bên trong, ở trước thần chủ hay chiếc ngai, ta thường thấy một cái tam sơn, một đồ thờ để đặt đĩa trầu, chén rượu, ly nước, đĩa lễ trong những cúng lễ.
Tại nhiều gia đình, thay vì chiếc tam sơn có kê một chiếc đài mà công dụng cũng như chiếc tam sơn. Mỗi chiếc đài thường cao độ năm phân và nhỏ nhắn để đặt vừa chiếc ly, chiếc chén hay đĩa đựng trầu rượu nước hoa trong khi cúng lễ.

Đó là lớp trong bàn thờ.
Lớp trong này được ngăn cách với lớp ngoài bằng một chiếc y môn, tức là một chiếc màn thờ, thường màu đỏ, bằng the nhiễu hay vải tùy theo gia cảnh từng gia đình. Chiếc y môn treo từ trên cao thõng xuống, lúc buông che kín hết bàn thờ lớp trong, khi vén lên cũng vẫn đủ ngăn chia hai lớp bàn thờ.

  • Lớp ngoài:
    Lớp ngoài bàn thờ bắt đầu từ chiếc y môn trở ra.

    • Trước tiên là một hương án cao.
    • Trên hương án này, tại chính giữa là một bình hương bằng sứ để cắm hương khi cúng lễ.
    • Đằng sau bình hương là một chiếc kỷ nhỏ, giống chiếc mâm kê ở trước thần chủ lớp trong, chiều cao độ ba mươi phân, dài năm mươi phân, rộng độ hai mươi nhăm phân.
      Đặt trên chiếc kỷ nhỏ này là ba chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cầm. Khi mở nắp ra, nắp kê xuống dưới, đài đặt lên trên. Đài bằng gỗ đã được tiện rỗng dưới để khi đặt lên trên nắp đài, đài sẽ ăn khớp với nắp. Hoặc đài bằng đồng cũng vậy.
    • Ba đài này đựng chén rượu nhỏ lúc cúng lễ. Hàng ngày đài đậy nắp để tránh bụi bặm, chỉ mở ra trong những dịp giỗ tết sóc vọng, và trong những dịp này bao giờ chén cũng được rót rượu vào.
    • Hai bên bình hương là hai cây đèn, cao khoảng bốn tấc, chân tiện và lưng chừng có vành rộng ra gọi là đĩa đèn. Hai cây đèn này chính ra chỉ là hai đế đèn, vì không có chỗ đựng dầu để thắp.
    • Trong những ngày cúng lễ xưa kia, người ta đặt lên trên hai cây đèn này hai đĩa dầu lạc hoặc dầu lai dùng bấc đốt. Từ khi tiếp xúc với Tây phương, hai đĩa dầu trên được thay thế bằng hai ngọn đèn dầu lửa. Tại các nhà hàng sang trọng, những nơi đô thị, từ ngày có điện người ta mắc bóng điện thẳng vào hai cây đèn.
    • Gần hai bên bình hương, ngoài hai cây đèn có khi còn có hai con hạc chầu hai bên. Trên đầu hai con hạc cũng có chỗ để thắp nến.
    • Ở mé ngoài hai cây đèn, gần hai đầu hương án là hai ống hương, dùng để đựng hương. Hai ống hương này chân tiện, miệng hơi loa.
    • Nhiều khi ngoài các đồ thờ trên, còn có một lọ độc bình hoặc đôi song bình bày trên hương án, có cắm cành đào trong dịp Tết cũng như các cành hoa khác trong ngày giỗ chạp hoặc sóc vọng.
    • Trong trường hợp chỉ có một chiếc độc bình, đối diện với chiếc độc bình là một chiếc mâm bồng để bày hoa quả trong lúc cúng lễ, cũng có khi là một chiếc mâm chân quỳ.

Tất cả những đồ thờ trên, hương án, kỷ nhỏ, đèn, nến, ống hương, mâm bồng v.v… tại các gia đình bình thường, thường bằng gỗ mít, hoặc sang hơn thì sơn son thếp vàng, trừ bình hương và lọ độc bình, song bình bằng sành hoặc bằng sứ.
Thay cho các đồ gỗ trên, các gia đình sang trọng dùng đồ bằng đồng gọi là những bộ tam sự, ngũ sự hay thất sự. Cũng có nhà sắm toàn đồ sứ Giang Tây rất quý.

Trong bộ tam sự, chiếc đỉnh đồng thường thay thế cho bình hương. Hai bên đỉnh là hai con hạc đồng trên mỏ ngậm hai bông hoa, trên đầu có chỗ cắm nến, cũng có khi hai cành hoa được đúc khéo để biến thành hai nơi cắm nến.
Nếu là bộ ngũ sự, thêm vào ba thứ trên có hai ống hương, còn bộ thất sự lại có thêm đôi đèn nữa.

Bài trí càng tinh xảo, gia đình càng sung túc càng sắm sửa nhiều tiền của. Nhưng gia đình nghèo túng, dù sao cũng cố cho có được một bình hương và đôi đèn nến.

Trước bàn thờ, tại các nhà giàu có, đôi khi còn bày thêm giá binh khí, có tám thứ vũ khí của quân sĩ thời xưa.
Những đồ tử khí được coi là rất thiêng liêng, nghèo thiếu đến đâu cũng không ai dám đem cầm bán, người nào bất đắc dĩ phải cầm bán đồ thờ đều bị dân làng chê cười.