THỜ MẪU ở MIỀN TRUNG

PÔ INƯ NƯGAR, MẪU THẦN CHĂM

Tín ngưỡng thờ cúng trong tôn giáo của các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, với mỗi đất nước, mỗi dân tộc, xuất phát từ môi trường tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế xã hội và truyền thống văn hóa, thì việc phụng thờ Nữ thần, Mẫu thần và Thánh Mẫu có nét đặc thù riêng. Mẫu thần của dân tộc Chăm cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.
Mẫu thần Pô Inư Nưgar đã trở thành một biểu tượng linh thiêng nhất của dân tộc Chăm, xứ sở Chămpa, mà ngày nay còn in đậm trong huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, kiến trúc, thờ cúng, lễ hội, phong tục và tâm thức của người dân.

I. Thần thoại, truyền thuyết

Hiện nay, trong kho tàng thần thoại, truyền thuyết Chăm, chúng ta vẫn còn thấy hai hệ thống giải thích nguồn cội của vị nữ thần tối thượng này: một hệ thống mang tính chất vũ trụ luận tôn giáo của đạo Bàlamôn và Hồi giáo Bà Ni, và một hệ thống mang đậm tính dân gian phi tôn giáo.

  1. Hiện tại, trong thư tịch cổ Chăm Bàlamôn cũng như trong trí nhớ dân gian, vẫn lưu truyền thần thoại về vị nữ thần sáng thế Pô Inư Nưgar. Bà là vị thần từ cõi trời xuống trần gian, Bà có 97 người chồng, 36 người con tượng trưng cho 37 màu máu, 37 màu máu biến thành 37 giống cây trồng, vật nuôi và các tục lệ cúng thần khác. Thân thể Bà đồng nhất và tượng trưng cho các phần khác nhau của vũ trụ: Thân của Bà chính là bầu trời, đầu của Bà là mũ đội của các vị vua, của các sư cả Bàlamôn, cánh tay của Bà tượng trưng cho Sao Cày, đôi chân Bà là sao Bắc Đẩu, răng của Bà là rìu đá của Thần sấm sét, giọng nói của Bà chính là tiếng sấm sét, hơi thở của Bà là gió bão, võng nằm của Bà tượng trưng cho bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Nữ thần còn có 8 bùa phép để tạo ra trời đất, mặt trời, mặt trăng, con người, tạo thành Chăm Ahiêr (Bàlamôn) và Chăm Awal (Bà Ni). Nữ thần còn tạo ra lịch pháp, các vùng miền khác nhau của xứ sở Chăm.

Người Chăm Awal (Bà Ni) còn truyền tụng một huyền thoại sáng thế khác, sản phẩm của sự pha trộn giữa Bàlamôn và Bà Ni. Truyện kể rằng: Vũ trụ thuở ban đầu còn tối tăm, mù mịt, bồng bềnh. Pô Kuk sai thần Atmưkekát xuống tạo dựng vũ trụ và mang ánh sáng cho muôn loài. Atmưkekát dùng phép thuật tạo ra 12 mặt trời, 12 mặt trăng. Tuy nhiên, do quá nhiều mặt trời, mặt trăng nên trái đất quá nóng bức, ngột ngạt, vì vậy vị thần On Sibakayong phải dùng cung bắn rơi hết mặt trời, mặt trăng, làm cho trái đất trở lại thời hoang sơ, tăm tối, mù mịt. Lúc này, thần Pô Kuk phải giáng thế cùng với thần Auloat (Alla), Mohamat cùng 9 vị thần Hồi giáo khác, làm bầu trời sáng lại, vạn vật sinh sôi. Làm xong, Pô Kuk quay về trời, sai người con gái đầu của mình là Pô Inư Nưgar cùng với Pô Auloat, Pô Yang Mư, Pô Debatathuor xuống trần gian để cai quản muôn loài. Đến ngày thứ hai, năm con chuột, Pô Kuk truyền lệnh cho Pô Inư Nưgar chính thức giáng trần ở Bal Lai (Mỹ Tường, Ninh Thuận). Tại đây, Pô Inư Nưgar lập ra xóm làng Sari-Rawan. Từ đó, Pô Inư Nưgar lập ra nước Chăm, sinh ra các vua Chăm để cai trị đất nước, rồi Bà hóa phép trở về trời.

Trong thần thoại Pô Inư Nưgar kể trên, việc sáng tạo vũ trụ đã diễn ra nối tiếp qua 4 thế hệ: Thế hệ Bà Atmưkekát, thế hệ ông Auloat (Alla), thế hệ Pô Kuk, và thế hệ Bà Pô Inư Nưgar. Các vị thần này, dù là nam thần hay nữ thần, thì cũng đều là những vị thần lưỡng tính như Siva, vị thần vừa sáng tạo vừa hủy diệt, một trong ba vị thần Bàlamôn giáo được thờ phụng nhiều hơn hai vị thần còn lại là Visnu và Brahma.

Hai thần thoại sáng thế trên phản ánh thực tế rằng, trên nền tảng thần thoại chung, Chăm Bà Ni đã Hồi giáo hóa Pô Inư Nưgar của Chăm Bàlamôn thành Pô Kuk, do thánh Auloat (Alla) sai xuống để cai quản trần gian. Điều này không chỉ thể hiện qua thần thoại, truyền thuyết mà còn cả trên phương diện nghi lễ. Põ Kuk, do thánh Auloat (Alla) sai xuống để cai quản trần gian. Điều này không chỉ thể hiện qua thần thoại, truyền thuyết mà còn cả trên phương diện nghi lễ. Chẳng hạn trong nghi lễ tống Ôn (Rija Nưgar) vào dịp đầu năm thì ngày đầu (ngày mở lễ, cúng gà) cúng các vị thần Chăm Bàlamôn. Trong khi ông Mưduôn nặn hình nhân bằng bột gạo thì người ta hát bài thánh lễ Pô Inư Nưgar đã tạo nên trời đất, con người, vật nuôi, cây trồng; nhưng đến ngày thứ hai (ngày kết thúc lễ, cúng dê), thì ông Mưduôn cũng nặn hình nhân và lại hát bài thánh lễ sáng thế với vị thần Pô Sah Inư do Auloat (Alla) sai xuống trần gian để tạo ra đất đai, con người, muôn vật. Thực ra, Pô Inư Nưgar và Pô Sah Inư chỉ là một, nhưng lại thuộc về hai hệ thống thần tích tôn giáo khác nhau.

  1. Bên cạnh hệ thống thần thoại tôn giáo mang tính sáng thế kể trên, trong dân gian người Chăm còn lưu truyền truyền thuyết khác về Thánh Mẫu Pô Inư Nưgar.
    Theo nhà học giả trẻ người Chăm Văn Món, văn bản cổ của người Chăm có ghi lại sự tích Thần mẹ Pô Inư Nưgar, có thể tóm tắt như sau:
    “Ngày xưa, có hai ông bà nghèo cưới nhau lâu năm nhưng không có con. Hai ông bà lên núi phát rừng làm rẫy tại chân núi uLang Lỉrih (núi Đại An vùng Khánh Hòa ngày nay). Rẫy hai ông bà trồng dưa hấu. Đến mùa dưa hấu có trái, thần trời (Mưng Ngauk Akai) sai một cô gái dậy thì rất đẹp giáng trần xuống rẫy hái trộm dưa hấu của ông bà lão nghèo. Hàng đêm, khi lúc thanh vắng, cô gái hiện hình hái trộm dưa hấu ông bà lão ăn và để lại nhiều vỏ dưa trong rẫy. Hàng đêm cứ diễn ra như vậy. Ông bà lão nghèo buồn rầu, tức giận không biết ai là kẻ trộm dưa của mình. Hai ông bà bèn nghĩ bụng lập mưu và quyết tâm rình bắt cho được kẻ trộm. Quả vậy, một đêm ông bà lão rình bắt được kẻ trộm đang hái dưa. Nhưng lạ thay, kẻ trộm là một cô gái dậy thì, xuân sắc. Ông bà lão thấy vậy, chạy vào ôm chầm và bắt được cô gái đem về nhà. Sau này, cô gái ấy trở thành con nuôi của ông bà lão.

Sống chung với vợ chồng ông bà lão vài năm, một hôm cô gái đi tắm sông gặp khúc gỗ trầm hương, cô gái hóa thân vào cây gỗ trầm trôi ra biển cả. Gỗ trầm lại trôi ngược lên biển Bắc gặp hoàng tử Trung Hoa vớt về cung vua. Ít lâu sau từ thân trầm hiện ra một cô gái xinh đẹp, kết hôn với hoàng tử Trung Hoa sinh ra được hai đứa con trai tên là Hai và Tray. Sống ở Trung Hoa được 5, 6 năm, một phần vì bất đồng với chồng, một phần vì nhớ nhà, nên bà lại nhập vào thân trầm trôi về chốn cũ. Bà đi tìm lại hai ông bà lão nghèo nhưng hai ông bà đã mất. Từ đó, bà ở lại xứ Chăm, tổ chức dân chúng kiến thiết đất nước. Bà dạy dân cày cấy, trồng bông, dệt vải, xây dựng đền tháp, thực hiện các lễ nghi tín ngưỡng để thờ thần. Sau đó, bà hóa phép về trời và hiển linh. Từ đó người Chăm suy tôn bà là Nữ thần xứ sở (Pô Inư Nưgar). Người Chăm xây dựng nhiều đền tháp và hàng năm cúng lễ tưởng nhớ công lao của Nữ Thần Mẹ Xứ Sở đến ngày nay.”

“Những cái CÓ và những cái không có” và đã cúng cho bức tượng nữ thần “vương miện, đai thắt lưng nhiều màu sắc, bình bằng bạc, ô lọng, trướng rộng bằng bạc…”

Sự ngưỡng mộ đối với vị Nữ thần xứ sở còn thể hiện qua các bài tụng ca của các thầy cả sư khi nhắc tới vị thần này.

Bài tụng ca thứ nhất:

“Ngài là nữ thần mẹ của Vương quốc
Ngài tạo dựng nên vùng đất cho cây cối và rừng gỗ quý sinh sôi
Ngài tạo ra giống lúa và dạy dân trồng lúa
Vua trên trời ngửi thấy hương thơm của lúa đang trổ đồng, pha lẫn hương thơm gỗ trầm của người trần gian dâng tế trời
Pô Inư Nưgar mới đưa lên trời một hạt lúa có cánh trắng như đám mây
Vua trên trời gieo hạt lúa ấy mà làm nên tất cả các giống lúa
Tuy chúng khác nhau về màu sắc bề ngoài nhưng trong từng hạt lúa thì hoàn toàn như nhau
Pô Inư Nưgar ghét hạng người độc ác, giúp những người hiền lành.”

Bài tụng ca thứ hai:

“Thần còn có tên khác là Pô Inư Nưgar Tahữ (Thần Mẹ Xứ sở), là nữ thần lớn của nước Chăm
Thần có tên nữa là Muk Juk (Bà Đen), thường được tôn gọi là Potao Kumăy (vua đàn bà) hoặc Stri Rani (chúa của phụ nữ)
Thần sinh ra từ mây và bọt biển
Thần có 97 chồng, nổi tiếng nhất là Pô Amư (hay Pô Yan Amư – ngài thần cha)
Thần sinh ra 38 cô gái
Thần sinh ra lúa gạo
Thần phù hộ cho mọi người và cho người làm ruộng.”

Bài tụng ca thứ ba:

“Ngày xưa, Pô Inư Nưgar sinh ra đất, gỗ, trầm, lúa gạo
Gỗ trầm, gỗ kỳ nam từ Pô Inư Nưgar mà tỏa ngát hương thơm
Không gian bao quanh nữ thần, từ Pô Inư Nưgar nức hương thơm dịu dàng của lúa gạo, cây bồ đề thiêng từ Pô Inư Nưgar mà sinh ra.
Kẻ nào đang sửa soạn têm trầu và ngửi thấy mùi hương của lúa gạo thì hãy dâng lên thần một lễ phẩm trái cây.
Ôi nữ thần! xin Ngài nhận lễ này
Xin Ngài chấp nhận lời cầu xin của gia chủ.”

II- Di tích và linh tượng

Với tư cách là vị thần tối thượng của toàn vương quốc, Pô Inư Nưgar đã được rất nhiều địa phương từ Huế ở phía Bắc đến Bình Thuận ở phía Nam tôn thờ và còn để lại di tích thờ Bà. Tuy nhiên, các di tích thờ Pô Inư Nưgar từ Nha Trang trở ra dần Huế đã bị Việt hóa, thành nơi thờ phụng các nữ thần mang danh thần Việt, như Thiên Ya Na, Bà Chúa Ngọc… Còn từ Phú Yên trở vào, tức trên phần đất tiểu vương (Mandala) Panduranga là còn các di tích do người Chăm thờ Pô Inư Nưgar. Người ta đã liệt kê các địa danh sau có di tích thờ phụng Bà:

  • Pô Inư Nưgar Aia Ru (Phú Yên)
  • Pô Inư Nưgar Aia Trang (thánh địa Nha Trang)
  • Pô Inư Nưgar Taha (Hữu Đức, Ninh Thuận)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Ram (Maram – Hữu Đức)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Mbang Katheh (Hữu Đức – Ninh Thuận)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Ak (Vụ Bổn – Ninh Thuận)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Gin (?)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Kut (Bình Nghĩa – Ninh Thuận)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Mưraau (vùng người Raglai – Ninh Thuận)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Marom (Mưrom – Raglai – Ninh Thuận)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Parik (Phan Ri – Bình Thuận)
  • Pô Inư Nưgar Hamu Pajai (Lòng Sông – Bình Thuận)

Trong các di tích thờ phụng trên, có ba địa điểm cho tới nay dấu ấn thờ Pô Inư Nưgar còn thể hiện rõ rệt nhất, đó là Tháp Bà Nha Trang, đền Hữu Đức (Phan Rang), và đền Hamu Kut Bình Nghĩa (Ninh Hải, Ninh Thuận).

1. Tháp Bà Nha Trang

Nhóm đền tháp thờ Pô Inư Nưgar ở Nha Trang mà người Việt quen gọi là Tháp Bà, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các đền tháp Chăm nói chung và đền tháp thờ Pô Inư Nưgar nói riêng. Quan sát tổng thể kiến trúc cũng như các minh văn còn lại chứng tỏ khu đền tháp này được xây dựng và bổ sung trong thời gian dài. Ai cũng rõ, từ giữa thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ IX, kinh đô vương quốc Chămpa đã được chuyển từ Trà Kiệu (Quảng Nam) vào vùng Khánh Hòa thì khu vực cửa sông Nha Trang, trên đồi Cù Lao đã xây dựng khu đền tháp tôn thờ vị nữ thần cao nhất của Vương quốc – Pô Inư Nưgar và nơi đây trở thành trung tâm tôn giáo của vương quốc thuộc thị tộc Cau (Pi Năng). Các minh văn của Tháp Bà còn lưu lại cho ta biết những niên đại xây dựng tháp, trong đó sớm nhất là năm 739 và muộn nhất là năm 1153 và kéo dài tới thế kỷ XIV.

Đây là hệ thống kiến trúc gồm nhiều đền tháp và các kiến trúc phụ. Đầu thế kỷ XX, các học giả Pháp đã thống kê được khoảng 10 di tích kiến trúc. Tuy nhiên, cho đến nay, nơi đây chỉ còn giữ lại được 3 đền tháp, có niên đại từ thế kỷ X đến XII, mà sau này các nhà nghiên cứu kiến trúc phương Tây xếp khu đền tháp này vào cụm di tích phong cách Pô Nagari.

Cụm di tích gồm 5 đền tháp này bố trí trên hai mặt bằng, ở mặt bằng thứ nhất, với độ cao khoảng 10m là một mandapa (cổng đình, tức kiểu nhà chuẩn bị hành lễ của các tín đồ).

Tích hình chữ nhật, dài 20 m, rộng 15 m, còn lại 4 hàng cột hình bát giác, cao từ 2,2 m (hàng cột ngoài) đến 5,2 m (hàng cột trong). Dựa vào các cột hiện còn, có thể suy ra mandapa này có 24 cột, trên cột còn dấu tích lỗ mộng, có thể hệ thống mái của di tích là mái ngói. Các nhà nghiên cứu cũng suy đoán rằng, ở mặt bằng này có thể có kiến trúc tháp cổng, tuy nhiên hiện nay không còn nữa.

Từ Mandapa có lối đi theo các bậc dốc dẫn lên mặt bằng phía trên, nơi tọa lạc các đền tháp chính, gồm 4 tháp thờ (kalan). Tháp thờ chính hay còn gọi là tháp Pô Nagar, thờ nữ thần Bhavapara (còn gọi là Uma – âm tính, vợ của Shiva của Ấn Độ giáo), được người Chăm bản địa hóa thành Pô Nagar (Pô Inư Nưgar). Đây là tháp có quy mô lớn và đẹp nhất trong quần thể di tích này.

Tháp cao 22,8 m, với ba tầng thu nhỏ dần từ dưới lên: đế, thân và mái, tượng trưng cho ba thế giới: trần tục, tâm linh và thần thánh. Mặt ngoài tháp trang trí bằng 5 hàng trụ áp tường chạy quanh tháp, trang trí hoa văn. Mặt chính thân tháp là vòm cửa duy nhất dẫn vào trong tháp. Trên vòm cửa có bức phù điêu nổi tiếng chạm hình Uma (hay có người gọi đây chính là Shiva) đang nhảy điệu múa trên trụ, tay hai bên cầm bánh xe luân hồi, bút và hoa sen, chân đạp trên mình bù thần, mà theo minh văn còn sót lại thì phù điêu này được làm từ năm 1065, khi vua Rudravarman cho tu sửa tháp.

Các góc mái, dọc theo rìa mái có gắn các mô hình của tháp nhỏ, hình vũ nữ Apsara duyên dáng bằng đá, hình các con vật như bò thần, nai, voi, ngỗng, sư tử, chim… Ở bốn góc mái mỗi tầng và trên đỉnh tháp đều gắn khối đá hình trụ mang biểu tượng linga, như vậy số lượng linga nhiều ít là phụ thuộc vào số lượng tầng tháp, nếu tháp 3 tầng thì số lượng linga là 13.

Trong ngôi đền kalan chính này, như đã nói ở trên, đặt tượng thờ Pô Inư Nưgar, mặt tượng quay về phía bắc, dưới chân bệ có một đường thoát nước bằng đá xuyên qua tường tháp ra ngoài. Tượng tựa lưng vào tấm đá hình lá đề, chạm khắc hoa văn hết sức công phu cả mặt trước và sau. Tượng Mẫu thần Chăm đặt trên bệ đá hình Yoni thể hiện dưới dạng Uma (vợ và cũng là một sakti của Shiva). Tượng tạc nữ thần có bộ ngực căng sữa hơi xệ xuống, bụng có sáu nếp nhăn của người phụ nữ đã qua nhiều lần sinh nở, khác với tượng Uma trinh nữ thường gặp ở các nơi khác. Tượng có 10 tay, 4 cặp tay trên cầm các linh vật khác nhau, hai tay để xuôi trên đầu gối, bàn tay trái úp, bàn tay phải mở rộng trong tư thế an ủi, ban phát.

Tượng Pô Inư Nưgar ở Tháp Bà, theo Nguyễn Duy Hinh, có nhiều nét độc đáo khác biệt. Thông thường, trên Yoni là Linga, nhưng ở đây là Bà ngồi trên tòa sen hai lớp ngược xuôi, rồi tòa sen mới đặt trên Yoni. Dạng tượng nữ thần đứng trên tòa sen có thể quan sát thấy ở nghệ thuật Chăm, nhưng tòa sen đặt trên Yoni thì đây là duy nhất. Cũng thông thường Linga hình trụ đá đặt trên Yoni, cũng có khi là Linga mặt người – mukhalinga (như trường hợp linga mặt người của Vua Pô Krông Krai, Pô Rơ Mê), nhưng đây là nữ thần đặt trên Yoni, tạo nên cặp âm – âm, trái với giáo lý Bàlamôn. Điều này có thể giải thích rằng, lúc đầu nghệ nhân Chăm hoàn toàn tuân thủ giáo lý nghệ thuật Ấn Độ dựng nên hệ thống tháp và tượng không liên quan gì tới Pô Inư Nưgar (Mẫu thần Chăm), mà chỉ thể hiện Shiva và tính lực, sau này mới được người Chăm đồng nhất với vị thần nữ của mình.

Trên cùng mặt bằng với Tháp Bà, còn có Tháp Nam và hai ngôi miếu ở phía đông nam và tây bắc. Đáng chú ý là trong 3 di tích còn lại này, ngôi tháp phía nam mang dáng vẻ kiến trúc Chăm khá thuần nhất, tháp với tầng nền hình vuông, rồi dần thon vuốt nhọn lên với khối đá biểu tượng Linga trên đỉnh, cao 18 m, tạo cảm giác toàn bộ tháp là một biểu tượng Yoni – Linga. Trong tháp nam thờ bộ Linga – Yoni tạc bằng sa thạch với những nét trang trí hình cánh sen cách điệu quanh chân Linga.

Hai ngôi miếu còn lại, với kiến trúc các khối vuông chồng lên nhau, thu nhỏ dần về phía trên. Thay vì kiến trúc thu nhỏ dần về phía trên và trên đỉnh là hình Linga, thì hai ngôi miếu này là bộ mái hình thuyền, mô phỏng mái nhà sàn, đầu hồi hình lá đề. Trong miếu đều thờ ngẫu tượng Linga và Yoni.

Trên đây chúng tôi mô tả sơ lược Tháp Bà Nha Trang với những nét kiến trúc, điêu khắc và phù điêu thuần Chăm. Tuy nhiên, cũng phải nói ngay rằng, ít nhất là từ thời Tây Sơn – Nguyễn, người Chăm đã ít lui tới đây cúng lễ, thay vào đó là người Việt, do vậy, nhiều nét thờ phụng, thần tượng đã được Việt hóa, mẫu thần Pô Inư Nưgar đã trở thành Thánh mẫu Thiên Ya Na của người Việt (chúng tôi sẽ đề cập tới ở phần sau).

2. Đền thờ Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức

Tương truyền, do có việc ngăn trở người Chăm tới cúng lễ ở Tháp Bà Nha Trang vào khoảng nhà Tây Sơn, nhất là càng ngày vùng tụ cư của họ càng lùi xa về phía nam, nên người Chăm đã chuyển tượng thờ Pô Inư Nưgar từ Nha Trang về Ninh Thuận. Lúc đầu, đền dựng ở làng Mông Đức, nhưng tới thời kỳ chống Pháp, ngôi đền bị giặc Pháp đốt cháy, nên sau đó được di dời về làng Hữu Đức, cách nơi cũ khoảng 3 km, nay thuộc địa phận xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang 14 km về phía tây.

Đền thờ Nữ thần Pô Inư Nưgar Hamu Ram xưa kia vốn được xây cất bằng tre, mái lợp tranh. Vào năm 1955, ngôi đền được người Chăm xây lại theo lối kiến trúc đình làng người Việt. Đền xây theo hình chữ nhất, mái có hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Vừa qua, do ngôi đền này xuống cấp nên năm 2000, nhân dân Hữu Đức đã quyên góp tiền tu sửa lại.

Trong đền có thờ 3 pho tượng. Tương truyền rằng đây là 3 mẹ con của Nữ Thần Pô Inư Nưgar: Tượng Bia Atakal chính là con đầu của Nữ thần Pô Inư Nưgar, có chiều cao khoảng 0,8 m; tượng Pô Dara là con thứ, cao khoảng 0,7 m; tượng Nai Tưh Tabha (con út) cao 0,5 m. Tất cả 3 pho tượng trên đều cùng phong cách như nhau. Tượng được tạc bằng đá granit xanh, ngồi tựa lưng vào tấm bia (phù điêu) và 2 tay đặt lên đầu gối. Tượng đội chiếc mũ hình trụ cong ra phía trước như chiếc mũ đội thần Shiva ở các tháp Chăm. Tượng mặc chiếc váy sarông, thắt dây lưng có dệt hoa văn 4 cánh và đeo nhiều vòng cổ, vòng tay, bắp tay và hoa tai. Tất cả trang phục này đều được tạc bằng đá, thể hiện trên cùng một khối liền với tượng.

Ngoài 3 pho tượng chính nêu trên, trong đền thờ còn có 1 bộ Linga – Yoni, bò thần Nadin bằng đá và tấm bia khắc chữ Phạn. Bia này ghi niên đại là năm 776 Saka (= 854 A.D). Năm 1997, 3 pho tượng thờ đã bị mất cắp, do vậy, người ta phải đắp tượng mới bằng vôi và vữa xi măng, tô màu như hiện nay vẫn thờ.

Ngoài các tượng thờ, đền Pô Inư Nưgar – Hữu Đức còn có di vật khác như: 1 bộ võng (kiệu khiêng), váy, áo, dây lưng, khăn đội đầu, một trống lớn, cờ, phướn và một số đồ cúng lễ khác như khay trầu, chén bát, mâm lễ… Tất cả những hiện vật này đều do người Raglai cất giữ ở làng của họ, chỉ khi có dịp cúng lễ thì người Chăm Hữu Đức mới lên rước về mở hội. Những năm gần đây, các y trang và đồ cúng lễ này được lưu giữ luôn ở đền Hữu Đức, tuy nhiên khi mở hội, đều phải có sự hiện diện của người Raglai với tư cách là người lưu giữ những đồ lễ của Mẫu thần Pô Inư Nưgar. Hiện tượng người Raglai lưu giữ đồ vật của thần và của vương triều cuối cùng Chăm không chỉ thấy ở Hữu Đức, mà cả ở tháp Pô Krông Krai (Phan Rang), nên khi người Chăm mở hội Kate thì đều có tục lên làng Raglai rước đồ vật đó về để mở hội.

Tôi có lần trao đổi với TS. Thành Phần, nhà nghiên cứu người Chăm, thì anh giả định rằng, có thể chính người Raglai là hậu duệ của quý tộc vương quốc Chămpa xưa. Đây là gợi ý độc đáo, cần tiếp tục đi sâu thẩm định.

3. Đền thờ Pô Inư Nưgar Hamu Kut – Bình Nghĩa

Di tích đền thờ Nữ thần Pô Inư Nưgar Hamu Kut thuộc thôn Bình Nghĩa, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang – Tháp Chàm 20 km về phía đông bắc. Nếu với các làng Chăm ở vùng trung tâm Phan Rang thì làng Bình Nghĩa này ở hơi cách biệt trên miền đất khô cằn gần biển hơn, lịch lễ hội của Bình Nghĩa cũng có sai lệch thời gian so với đại đa số làng Chăm khác. Theo một số trí thức Chăm thì người Chăm của làng này gắn với truyền thống biển, còn các làng Chăm ở vùng trung tâm cánh đồng màu mỡ Phan Rang thì thuộc về truyền thống núi.

Đây là ngôi đền thờ thần xứ sở vùng Bal Lai (Ra Tháp). Xưa kia, ngôi đền thờ này chỉ làm bằng tre, mái lợp tranh, thờ nhiều phiến đá. Sau này, do chiến tranh, vào năm 1971 ngôi đền được dời về làng Bình Nghĩa. Đền xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa người Kinh. Đền xây theo hình chữ đinh (T), có tiền đền và hậu đền, tường xây xi măng, mái lợp ngói. Vừa qua, ngôi đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng, được tài trợ về tài chính của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, ngôi đền đã được xây dựng mới lại vào năm 2002.

Đền Pô Inư Nưgar Hamu Kut – Bình Nghĩa thờ 12 phiến đá tự nhiên. Mỗi phiến đá được đặt trên cái bệ mang hình dạng Linga – Yoni giống như ở các đền tháp Chăm khác. Tất cả các phiến đá không được ghè đẽo, tạc khắc mà chỉ được vẽ hình mặt người (mắt, mũi, miệng) bằng loại vôi ăn trầu khi có dịp cúng tế. Tương truyền rằng 12 phiến đá chính là hiện thân của 12 vị nữ thần – tượng trưng cho 12 vùng đất Chămpa. Phiến đá to nhất trong 12 phiến, cao 0,5 m được đặt chính giữa bệ thờ là Nữ thần mẹ xứ sở vĩ đại – Pô Inư Nưgar Tahứ. Còn những phiến đá còn lại mang tên 12 nữ thần nêu trên. Như vậy, so với tượng Nữ thần Pô Inư Nưgar (hay là Bhavapara) ở Tháp Bà Nha Trang mang phong cách Ấn Độ giáo rõ rệt hay tượng ba mẹ con Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức thì lại mang phong cách dân gian không chút sắc thái Ấn Độ, thì 12 tượng đá ở Bình Nghĩa còn ở dạng hòn đá tự nhiên mang biểu tượng Linga-Yoni ở giai đoạn thô sơ nhất.

Đền thờ Nữ thần Pô Inư Nưgar Hamu Kut còn có một số hiện vật cúng lễ như váy, áo, khăn trùm đầu, dây lưng… Tất cả các hiện vật trên được đựng trong chiếc hộp do Bà bóng (Muk Pajaư) nắm giữ. Y trang này chỉ được đưa ra mặc cho tượng thần trong mỗi dịp cúng lễ, hội hè hàng năm.

III. Nghi lễ và lễ hội

Hàng năm, tại đền thờ Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức – Ninh Thuận, người Chăm thường cử hành 4 loại lễ sau:

  • Lễ mở cửa đền tháp (Pơh băng yang) vào đầu tháng giêng lịch Chăm nhằm cầu xin nữ thần mẹ xứ sở cho dân làng khai mương, cày cấy, gieo trồng, mùa màng bội thu.
  • Lễ cầu đảo (Yôr yang) tại đền Pô Inư Nưgar vào tháng 4 lịch Chăm nhằm cầu xin thần mẹ xứ sở cho mưa thuận gió hòa.
  • Lễ Katê được tổ chức vào tháng 7 lịch Chăm nhằm để tưởng nhớ các vị nam thần Chăm như Pô Kluang Garai, Pô Rôme nhưng vẫn cầu cúng tại đền Pô Inư Nưgar.
  • Lễ Chabun, đây là lễ cúng chính thức Nữ thần Pô Inư Nưgar Chăm. Lễ được tổ chức vào tháng 9 lịch Chăm. Trong dịp lễ này, ngoài việc diễn ra lễ rước trang phục, lễ mở cửa đền, lễ tắm tượng, đại lễ (cúng cơm, dâng rượu, hoa quả) và phần hội, lễ còn có tục móc trầm hương, múa phồn thực, tục dâng gạo và nhiều lễ cầu xin con cái, cầu lộc tài, may mắn…

Trong 4 lễ cúng Nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar vừa nêu trên, mặc dù lễ được tổ chức ở các thời điểm và tên gọi lễ khác nhau nhưng nghi thức, nội dung diễn lễ lại tương tự như nhau. Có thể mô tả tóm tắt lễ cúng Nữ thần Pô Inư Nưgar Hamu Ram – Hữu Đức vào tháng 9 lịch Chăm như sau:

Lễ cúng Nữ thần Pô Inư Nưgar tại đền tháp được điều hành bởi Ban tế lễ chức sắc đạo Bàlamôn bao gồm:

  • Thầy cả sư (Pô Dhia) trụ trì đền tháp làm chủ lễ.
  • Thầy kéo đàn Rabap (một đàn Kanhi) hát thánh ca.
  • Bà bóng (Muk Pajâu) dâng lễ vật lên các vị thần.
  • Ông Từ (Camưnay) chủ trì lễ tắm tượng.
  • Và cùng một số tu sĩ Bàlamôn (Paseh) phụ lễ.

Lễ vật dâng cúng Nữ thần Pô Inư Nưgar bao gồm:

  • 1 con dê.
  • 3 con gà làm lễ tẩy uế đền thờ.
  • 5 mâm cơm và canh cúng với thịt dê.
  • 1 mâm cơm với muối vùng (ithey thap).
  • 3 cỗ bánh gạo và hoa quả.
  • 1 đĩa gạo lễ và 3 vỏ sò (brah krari).

Ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè…

Lễ rước y phục của Nữ thần Pô Inư Nưgar: Như trên đã trình bày, y trang của Nữ thần Pô Inư Nưgar do người Raglai nắm giữ. Đến ngày lễ, đoàn người Raglai chuyển xuống cho người Chăm. Người Chăm làm lễ đón rước và cùng người Raglai tham gia cúng lễ, múa, đánh mã la tại đền Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức.

Lễ mở cửa đền (Pơh mbăng yang): Sau khi lễ rước y phục kết thúc, sáng hôm sau các tu sĩ xin phép thần Siva (Pô Ginôr mưtrí) làm lễ mở cửa đền. Lễ này được điều hành bởi cả sư (Pô Dhia) và ông Từ giữ tháp (Camưney). Lễ vật cúng xin mở cửa đền gồm có: rượu trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương và các hương vị khác. Trong không khí trang nghiêm, thầy cúng tế hát cầu lễ thần linh.

Lễ tắm tượng Pô Inư Nưgar (Mưney yang): Lễ tắm tượng thần diễn ra bên trong đền. Tham gia lễ có Pô Adhia (thầy Cả sư), thầy kéo đàn rabap (Kadhar), Muk Pajau (Bà bóng), ông Từ (Camưney) và một số tín đồ nhiệt thành. Mọi người cùng nhau thực hiện nghi lễ tắm tượng, dùng nước thiêng rưới lên tượng đá, và tín đồ cũng lấy nước từ trên tượng bôi lên đầu và thân thể mình để cầu sức khỏe, tài lộc, may mắn.

Lễ mặc y phục cho tượng thần (Angui khan aw Pô yang): Sau lễ tắm thần là lễ mặc áo cho thần. Lễ thức được tiến hành tuần tự theo lời hát lễ của thầy Kanhi. Lời thầy hát đến đâu thì y phục của thần được mặc vào đến đó.

Mưh thiam lamu hala guôc ayớt,
Prah ghak paliêng halo kanư thruk thìam mưda payak tok jrư payak.

Nghe tiếng thác đổ trên cao,
Pô Inư Nưgar mặc váy viền hoa về dự lễ.
Tiếng thác đổ xuống rì rào,
Thần Pô Inư Nưgar mặc áo lụa về dự lễ.
Tiếng thác đổ xuống vịnh sâu,
Pô Inư Nưgar đội mão vàng về dự lễ.

Khi thầy kéo đàn kanhi hát thì ông Từ và Bà bóng mặc váy, áo cho tượng thần. Cứ như vậy cho đến khi kết thúc bài hát.

Đại lễ (Mưniêng yang):

Sau khi lễ mặc y phục hoàn tất, lúc này tượng thần đã mang trên mình màu áo lộng lẫy, thì cũng là lúc lễ vật được dâng cúng được bày ra trước tượng thờ. Đại lễ bắt đầu, lúc này cả sư Bàlamôn làm chủ điều khiển nghi lễ, Bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn kanhi hát với Nữ thần về dự lễ. Bài hát có đoạn như sau:

Hát về Nữ thần Pô Nưgar Taha (dauh tanư yang):
Sinh ra đất đai, sinh ra con người,
Sinh ra gỗ trầm hương là thần Pô Inư Nưgar.
Sinh vạn vật trên đời,
Dựng lên làng xóm ruộng vườn là thần Pô Inư Nưgar.

(Pajương tanưh hu pajương kau
Mưng pajương gi lau yang Pô Inư Nưgar
Mưng lương tanưh juơng drey
Mưng pajương palay yang Pô Nưgar)

Từ thiên đường thần hiện về,
Mang theo mùi hương lúa mới.
Bay khắp cõi dương gian, hạt lúa mầm
Thần biến mình vào lại cây to.

(Pô Dar mung thôr mưrai
Bâu hơp padai apuh bi nịaung
Bịđong siam pô đong di ịrai abhwa
Prey ơik brey đa clalak plah di jai.)

Têm trầu bay phảng phất mùi thơm,
Thần hưởng lễ trầu cau làm phép thần thông.
Xin phép thần thông từ chân nữ thần,
Bước đến hưởng lễ trầu cau mà phù hộ, độ trì chúng con.

(Hala bak tal Inu biak ủak gar ngan ginuk tarai
Pô paliêng hala kakun canâu mưda pô paliêng hala,
Bat takay jhuh lơh kakun canâu,
Limư Pô paliêng pinưng hala ayớt…)

Hát về thần mẹ xứ sở Hamu Ram:
Ai thấy tháp cao đẹp,
Xa đằng kia là tháp Pô Inư Nưgar.
Bà bóng ngồi dáng hạt lúa trắng (lúa nổ),
Tay cầm lọng che mát cho thần.

(They boh bimuôn pruang klong, bimôn rah kruang yang Pô Inư Nưgar
Payau grơn gar kaman,
Liak angín pasang yang Pô Inư Nưgar…)

Bà bóng ngồi cẩn thận,
Kính dâng lễ vật mời thần Pô Inư.
Xứ sở Nữ thần ở Phan Rang,
Thần mẹ theo chồng đi xứ người xa.

(Payau grơn gar payak
Padak da a yang Pô Inư Nưgar
Bhum dauk di ngauk parang,
Nai tui pasang nau bhum mi…)

Từ xứ rừng sinh ra em,
Lá lúa dệt nên tấm chiếu nằm.
Anh sinh ra từ xứ rừng,
Lá lúa dệt nên áo mặc cho ta.

(They nau pajai lac hai
Lac thong nau bia atakal
They nau pajai lac hai
Gilac di adey bia atakal…)

Cứ như thế, thầy kéo đàn Kanhi hát mời Nữ thần và cùng mời các vị thần khác như Pô Kluang Garai, Pô Rôme về dự lễ. Mỗi vị thần đều có một bài hát lễ. Trong lúc thầy kéo đàn Kanhi hát lễ, thầy cả sư (Pô Adhia) làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ vật mà phù hộ độ trì dân làng.

Lễ cúng Pô Inư Nưgar được kết thúc bằng vũ điệu múa thiêng của bà bóng và những người dự lễ cùng tham gia múa mừng.

Năm 1919, H. Maspero đã sưu tầm được bài thánh ca tắm tượng khá đầy đủ, mà khi nhắc tới nghi lễ này thì ai cũng phải trích dẫn.

“Chúng con là thầy Kadhar, bà Pajuv và ông Camnai đến đền để chuẩn bị trầu cau lễ. Chúng con gảy đàn kanhi để thức tỉnh Ngài. Rồi chúng con mở cửa để tắm Bà. Chúng con hát bài thánh ca tắm Bà:

Con xuống sông đong lu nước, đội lên đầu bước mau mau
Dâng nước trong rửa khoé miệng Yan Pô Nagar.
Con xuống sông đong lu nước, đội lên đầu đi chầm chậm
Dâng nước trong rửa đôi môi Yan Pô Nagar.
Con xuống sông đong lu nước, đội lên đầu chẳng ngửa nghiêng
Dâng nước trong rửa mũ niệm Yan Pô Nagar.
Con xuống sông đong lu nước, đội lên đầu mang lễ tiến
Dâng nước trong tắm rửa ngực Yan Pô Nagar.
Con xuống sông đong lu nước để mang đến
Dâng nước trong rửa tay chân Yan Pô Nagar.

Con dâng chiếc khăn này, Bà lau sạch mồ hôi.
Bà đến con không thấy, mồ hôi đọng trên khăn.
Con dâng chiếc khăn này, Bà lau sạch mặt mày.
Bà đến đứng nơi đây, mồ hôi đọng trên khăn.
Con dâng chiếc khăn này, Bà lau sạch toàn thân.
Bà đến xóm làng con, mồ hôi đọng trên khăn.
Con dâng chiếc khăn này, Bà lau sạch bụi bặm.
Bà đến đây uy nghi, mồ hôi đọng trên khăn.

Làn da bụng sáu nếp nhăn,
Tấm vải rua ngâm trong nước, Bà đứng lên rửa ngay đi.
Làn da bụng nhăn nheo đó,
Tấm vải rằn ngâm trong nước, Bà đứng lên rửa ngay đi.
Làn da bụng một nhúm rốn. Rồi chúng con xoa,
Vỏ chanh vàng đặt lên mắt,
Con quỳ xuống tâu lên rằng quan viên đã tế tự.
Vỏ chanh thanh tứ phương đông,
Sắc trắng trong con xoa Pô Nagar.
Vỏ chanh này lên lông mày,
Bột chanh trắng con xoa Pô Nagar.
Vỏ chanh này lên đôi má,
Sắc trắng hồng con xoa Pô Nagar.
Vỏ chanh này lên đôi má,
Con xoa sao cho một tháng còn thơm!

Chúng con đã hát xong. Chúng con cầu xin Bà nhập tượng. Chúng con là ông Athia, bà Punjuv, ông Kathar đã cùng Yihau dâng lễ.”

Kết thúc hát đối đáp là múa phồn thực. Tham gia múa phồn thực là Bà Bóng và một người nam giỏi có khả năng về múa và tính tình hơi khác thường để có thể tham gia điệu múa này. Ba cái sinh thực khí nam (Linga) được đẽo gọt từ đoạn gỗ, bôi đen đỏ ở phía đầu. Mở đầu, người nam giới cầm ba chiếc sinh thực khí múa phỏng theo động tác giao hợp, sau đó Bà Bóng cầm các sinh thực khí ở hai tay (một tay hai cái, tay kia một cái) múa dang rộng tay về hai bên, như múa quạt của thiếu nữ. Cuối cùng, người nam giỏi vừa múa vừa cắm sinh thực khí xuống đất với ý nghĩa giao nối âm dương, truyền sinh lực, màu mỡ cho đất, cầu mong cho cây cỏ sinh sôi.

Rõ ràng, hát đối đáp và múa sinh thực tuy một bên mang tính thăng hoa, còn một bên mô phỏng hành động cụ thể, nhưng đều xuất phát từ một quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ, đó là sự giao hòa âm dương, đực cái là nguồn cội của sự sinh sôi, giàu có, tươi tốt.

Để kết luận phần này, chúng tôi muốn nhấn mạnh vào mấy điểm chủ yếu sau:

  • Việc thờ Mẫu thần với vị trí là vị thần Mẹ Xứ sở tối thượng của dân tộc Chăm không chỉ là nét độc đáo của văn hóa tín ngưỡng Chăm, mà còn là nét đồng văn với người Việt và nhiều tộc người khác ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Châu Á. Có thể coi đây là mẫu số chung của văn hóa khu vực, tuy ở mỗi dân tộc có những nét đặc thù.

  • Để hình thành nên tục thờ Mẫu thần của dân tộc Chăm như trình bày trên, trong lịch sử hàng ngàn năm đã diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa rất sâu sắc. Trước nhất, trên cái nền thờ cúng nữ thần mang tính bản địa của người Chăm, ít nhất từ các thế kỷ đầu công nguyên đã diễn ra quá trình hỗn dung với Ấn giáo mà trong đó trung tâm là tục thờ Shiva và các Sakti (tính lực) của Shiva là nữ thần Uma, Bhavapara. Có thể nói, trong hình tượng Mẫu thần Pô Inư Nưgar có hình bóng Bhavapara của Ấn giáo và ngược lại, nữ thần Bhavapara trong văn hóa Chăm là hiện thân của Pô Inư Nưgar bản địa.

Chậm nhất là từ thế kỷ thứ X, một bộ phận văn hóa Chăm đã tiếp thu văn hóa Hồi giáo từ người Ả Rập, sau đó tới khoảng thế kỷ XV thì lại ảnh hưởng Hồi giáo từ các quốc gia Hải Đảo, do vậy, về phương diện tôn giáo cũng đã diễn ra quá trình Hồi giáo hóa Mẫu thần Pô Inư Nưgar – Bhavapara. Thần thoại sáng thế Pô Kuk và các nghi lễ kèm theo của người Chăm Bà Ni đã thể hiện rõ quá trình tiếp biến văn hóa đó.

Cũng từ sau thế kỷ X, cùng với quá trình Nam tiến, một quá trình Việt hóa Mẫu thần Pô Inư Nugar cũng đã diễn ra ở miền Trung Bộ, mà kết quả ra đời hình tượng Thánh Mẫu Việt-Chăm Thiên Y A Na mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.