Lễ Hội Thờ Mẫu Bắc Lệ: Nét Đặc Sắc Tín Ngưỡng Tam Phủ – Tứ Phủ

Thánh mẫu Liễu Hạnh, vị Thánh Mẫu ở Bắc Lệ

Tục thờ Mẫu của người Việt ở Lạng Sơn được biểu hiện khá đầy đủ trong một ngôi đền: đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng. Đây là nơi thường được người dân quan niệm như là di tích thờ Mẫu Thượng Ngàn – Bà Chúa cai quản rừng xanh. Phác thảo một bức tranh toàn cảnh về đền Bắc Lệ, có lúc là điều cần thiết để minh chứng cho sự phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng biên giới nơi địa đầu Tổ Quốc.

1. Truyền thuyết – Thần tích

Trong tâm thức người dân xứ Lạng, đền Bắc Lệ thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn, thường được quan niệm là Mẫu Đệ Nhị trong Tam Tòa Thánh Mẫu. Bà sáng tạo và cai quản tất cả mọi vùng rừng núi. Bà được lưu truyền trong dân gian dưới dạng truyền thuyết, nên có rất nhiều dị bản. Chúng tôi sẽ điểm qua một số dị bản:

Có truyền thuyết coi Bà Chúa Thượng Ngàn là con gái vua Hùng Vương. Chuyện kể rằng đời Hùng Định Vương, ba hoàng hậu của nhà vua cùng có mang vào một mùa xuân. Đến kỳ sinh nở, hai bà sinh được hai hoàng tử, còn bà Ba tên là An Nương, mãi sau ba năm mới sinh được một người con gái khi đi dạo chơi trong rừng. Bà vịn tay vào cây quế cổ thụ, sinh con xong thì kiệt sức chết. Để ghi nhớ sự kiện này, nhà vua đặt tên con gái là Mỵ Nương Quế Hoa. Mỵ Nương Quế Hoa càng lớn càng xinh đẹp, da trắng, môi đỏ, mái tóc dài thướt tha. Nàng thờ ơ với tất cả mọi lời cầu hôn của các hoàng tử. Điều nàng quan tâm là mẹ nàng đâu thì không ai có thể nói chính xác. Mỵ Nương quyết định ra đi tìm chốn rừng xanh, nơi mẹ nàng mất. Nàng cùng với 12 thị nữ rời Phong Châu, trèo đèo lội suối. Nàng đi mãi, lương thực mang theo đã cạn. 12 nàng hầu thay nhau tìm kiếm rau rừng, hoa quả cho công chúa ăn. Bao ngày tháng trôi qua, Mỵ Nương và đoàn thị nữ vượt qua nhiều khó khăn nguy hiểm. Một hôm, đoàn lữ hành dừng chân gần một khu rừng xơ xác vì vừa qua một trận cháy, bản mường tiêu điều, dân làng vào rừng đào củ mài, tìm rau rệu ăn qua ngày. Mỵ Nương hỏi thăm một vài nhà thì bị xua đuổi. Nàng trú chân nơi vách đá, thương xót những người dân đói khổ. Tại đây, nàng linh cảm có hơi ấm của mẹ và trong đêm âm u nàng chợt thốt ra: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Bỗng nhiên một ông tiên xuất hiện và nói: “Mỵ Nương Quế Hoa, con thực sự là người hiếu thảo với cha mẹ, biết thương dân hết mực. Ta cho con học phép màu nhiệm làm thay đổi núi sông, cứu dân tình khỏi khổ. Làm được việc đó con sẽ trường sinh bất lão.” Dứt lời, tiên ông biến mất, trên tay Mỵ Nương xuất hiện một cuốn sách. Qua phút bàng hoàng, nàng lật giở kỹ càng và suy ngẫm từng trang. Cả 12 nàng thị nữ cùng luyện tập phép tiên theo Mỵ Nương. Học đủ phép tiên, Mỵ Nương đã biết cách khai thông sông biển với rừng núi, làm hồ nước rộng trên núi cao, chia nước tỏa các ngả trên sông suối, làm cho đất đai phì nhiêu và cỏ cây thêm màu mỡ xanh tốt. Cuộc sống của người dân no ấm, yên vui trở lại. Một đám mây ngũ sắc trên trời cao sà xuống đón Mỵ Nương Quế Hoa và 12 nàng thị nữ đi. Dân gian đã phong tặng cho Mỵ Nương là Bà Chúa Thượng Ngàn, trước cả khi triều đình phong kiến ban tặng các sắc phong cho Bà.

Theo truyền thuyết khác đã được ghi trong Các nữ thần Việt Nam, người dân Bắc Lệ quan niệm rằng Bà Chúa Thượng Ngàn có tên tục là La Bình. Nàng vốn là con gái Sơn Tinh và Mỵ Nương (công chúa con vua Hùng thứ 18). La Bình là người con gái đẹp người, đẹp nết nên Tản Viên Sơn Tinh rất yêu quý, thường cho đi cùng khắp núi non hang động. Đi đến đâu nàng cũng quyến luyến phong cảnh, làm bạn với các loài cây và muông thú. Nàng còn giúp đỡ các vị Sơn thần, dạy bảo các loài làm điều thiện, tránh điều ác. Thượng Đế biết chuyện, rất khen ngợi Tản Viên và Mỵ Nương, phong cho La Bình là Thượng Ngàn công chúa, cai quản tất cả 81 cửa rừng cổ Nam Giao. Ngoài việc trông nom và thuần hóa muôn loài ở chốn rừng xanh, nữ chúa còn giúp đỡ các triều đại Lý, Trần đánh thắng quân xâm lược phía Bắc. Nàng cũng đã báo mộng cho Lê Lợi, để nghĩa quân Lam Sơn né tránh địch, đỡ tổn thất. Trong đêm tối, nàng đã hóa thân thành bó đuốc dẫn đường cho nghĩa quân băng qua rừng rậm đến đóng quân ở vùng Yên Thế. Nhờ sự giúp đỡ của nữ chúa mà Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã lãnh đạo nghĩa quân chiến thắng giặc Minh, giành độc lập dân tộc. Nhớ đến công ơn của Bà Chúa Thượng Ngàn, nhân dân nhiều nơi đã tôn Bà làm “Mẹ” và lập đền thờ phụng Bà. Đền Bắc Lệ, theo dân địa phương, được lập nên thờ Bà cũng bắt nguồn từ sự tích này.

Bên cạnh huyền thoại về nàng La Bình, người dân Bắc Lệ còn đồng nhất Mẫu Liễu Hạnh – “Mẫu nghi thiên hạ” – với Bà Chúa Thượng Ngàn. Vì thế, có người lại cho rằng đền Bắc Lệ thờ Liễu Hạnh công chúa. Khái niệm Mẫu được người dân hiểu một cách chung chung. Người ta kể rằng trong lần lên Lạng Sơn chu du vùng sơn cước, Mẫu Liễu đã ghé vùng Bắc Lệ một thời gian. Tương truyền, xứ Bắc Lệ xưa là vùng rừng thiêng nước độc, nhiều loài thú dữ. Khi đến đây, Liễu Hạnh đã quy phục các loài muông thú trở nên hiền lành, không hãm hại những người dân thường. Từ đó, người dân dễ sống hơn. Nhớ ơn Bà, đền Bắc Lệ được xây dựng để thờ phụng và lưu lại dấu vết xưa của Mẫu Liễu.

Như vậy, dù có rất nhiều dị bản khác nhau nhưng rõ ràng Bà Chúa Thượng Ngàn là tên gọi gắn biểu tượng đặc biệt của vị thần cai quản miền rừng núi, miền thượng nguồn nơi xuất phát loài người. Bà đã trở thành một vị anh hùng văn hóa, trở thành Mẹ trong tâm thức người dân và được thờ phụng ở nhiều nơi. Dù vị thần tối linh được thờ phụng ở đền Bắc Lệ có sự tích hoặc tên gọi cụ thể khác, đền vẫn là một trong những di tích thờ Mẫu tiêu biểu của cư dân vùng núi phía Bắc. Điều này đã được nêu ra từ những khảo sát cụ thể về kiến trúc, cách bài trí của di tích cũng như lễ hội ở nơi đây.

2. Di tích

Bắc Lệ là tên gọi chung quần thể di tích nằm trên một quả đồi, giữa khu nam của phố Bắc Lệ (Bắc Lệ được người dân ở đây gọi là phố khi công trình đường sắt hoàn thành). Xung quanh đền, nhiều cây cổ thụ lớn tỏa bóng mát, tăng thêm vẻ đẹp yên bình cho di tích.

Không có bằng chứng nào để khẳng định chính xác thời gian ra đời của ngôi đền. Song, căn cứ vào hai bia hiện còn (năm 1919 và 1933), đền Bắc Lệ từ đầu thế kỷ XX đến nay đã trải qua năm lần trùng tu tôn tạo. Theo văn bia khác năm Khải Định thứ 4 (1919), người ta được biết, trước đó đền là một am thờ nhỏ, sau bị hỏa hoạn. Năm 1919, được sự cúng tiến của ông Trần Khải Bân, người Trung Quốc sống ở Hải Phòng cùng với vợ là Nguyễn Thị Hiệp và một số thanh đồng, đền Bắc Lệ đã được xây dựng thành một ngôi nhà ba gian gồm ba cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam (cung cấm). Ngôi đền mang bóng dáng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc. Trong bia khắc năm Bảo Đại thứ 8 (1933) có ghi lại công đức của nhiều người trong đợt trùng tu ngôi đền lần thứ hai. Sau lần tu sửa này, đền càng trở nên linh ứng. Năm 1940, đền được tu sửa lần thứ ba. Ngôi nhà ba gian cũ được quay ngang lại và xây thêm cung đệ tam ở phía sau và cung đệ nhất (ba gian tiền tế). Một số gian nhà khách cũng được xây thêm cho khách hành hương nghỉ chân. Một cổng tam quan to cao được xây nơi có bậc tam cấp trước cổng đền bây giờ. Sau lần sửa chữa này, đền Bắc Lệ đã trở nên khang trang, thu hút đông đảo khách đến lễ bái. Nhưng, năm 1968, bom Mỹ đã gần như san phẳng ngôi đền này. Nhiều di vật quý đã bị chôn vùi hoặc thất lạc. Tháng 3-1973, được sự cúng tiến của các con nhang đệ tử, đền Bắc Lệ lại được trùng tu lần thứ tư. Tuy nhiên, chỉ dựng được ba gian nhà làm ba cung, còn nhà khách chưa phục hồi được. Từ năm 1982 đến năm 1989, đền Bắc Lệ được chính quyền xã dùng làm trường học và trụ sở ủy ban, vì vậy việc thờ cúng bị gián đoạn. Cuối những năm 80, trong xu thế chung phục hồi nền văn hóa dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng cũng đã được nhìn nhận đánh giá lại. Năm 1989, đền Bắc Lệ đã được sửa sang và từ đó đến nay, liên tục được củng cố để tồn tại như ngày nay.

Tuy trải qua nhiều lần tu bổ, nhưng ngôi đền hiện nay giữ được dáng vẻ cổ truyền kết hợp với các yếu tố hiện đại. Trong quần thể di tích, ngoài đền chính còn có một số gian thờ khác. Bên phải mặt tiền của đền là một gian thờ nhỏ khoảng 10m² thờ Chầu Bé Bắc Lệ. Phía tây nam, gần cung đệ tam của đền chính là ngôi nhà ba gian – nơi làm việc của Ban Quản lý đền. Phía trước, bên trái, hướng đông bắc của mặt chính diện có một ban thờ Ngũ Hổ ngoài trời. Đền chính vẫn nằm trên khu đất cũ xưa kia. Đó là một dãy nhà ba gian nối mái, xây bằng gạch, cột gỗ và lợp mái tây. Ba gian nhà này đồng thời là ba cung. Bốn phía đều là tường gạch. Tổng diện tích đền chính là 126m². Mặc dù đã bị thất lạc nhiều, song đền vẫn còn giữ được một số di vật cổ và thêm các hiện vật mới được cúng tiến. Hiện nay, đền có 19 bức tượng lớn nhỏ chủ yếu làm bằng gỗ mít, nhiều y môn được làm sặc sỡ, treo trên các lối đi, có hai văn bia và nhiều hoành phi câu đối.

Cũng như bất kỳ một đền thờ Mẫu nào, đền Bắc Lệ thờ Công Đồng Tứ Phủ, thờ tất cả các vị chư linh của bốn miền vũ trụ. Thế nhưng, người dân ở đây đặc biệt coi trọng các vị thần gắn với địa phương họ như Mẫu Thượng Ngàn, Chầu Bé, Cô Bé. Mẫu Thượng Ngàn – Bà Chúa Sơn Trang – là người cung cấp, ban phát nguồn của cải vô biên nơi núi rừng cho con người, trở thành biểu tượng của sự sống vĩnh hằng. Chầu Bé, theo quan niệm của người dân, vốn là người thật có quê quán ở Bắc Lệ. Tại đây, Chầu Bé có thể thay mặt Mẫu để thực hiện các ý đồ sáng tạo. Cô Bé Bắc Lệ cũng đã đi vào lời hát văn một cách rất sinh động và được coi trọng.

Cũng như các đền thờ Mẫu khác, bên cạnh trung tâm là Mẫu, còn có các thần linh hóa thân của Mẫu như Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu Bà, Ông Hoàng, Tứ Phủ Thánh Cô, Thánh Cậu. Quan niệm ấy được thể hiện qua việc bài trí thờ cung trong các di tích.

Đền chính

Cung đệ nhất có ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông và hạ ban thờ Ngũ Hổ. Ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông đặt ở phía sau, chính giữa cung và chia làm ba bậc: trên cùng là năm bức tượng Quan Lớn ngồi thành hàng ngang, quay mặt ra ngoài, đội mũ cánh chuồn và mang y phục kiểu xưa. Quan Lớn Đệ Nhất ngồi giữa mặc áo đỏ, Quan Đệ Nhị áo xanh lá cây bên trái. Bên phải, cạnh Quan Đệ Nhất là Quan Lớn Đệ Tam mặc áo trắng. Cạnh đó là Quan Đệ Tứ với sắc phục màu vàng. Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh mặc áo xanh chàm – sắc màu quen thuộc của người dân tộc thiểu số – ngồi bên trái Quan Đệ Nhị giám sát. Bậc dưới của ban thờ đặt một bát hương to bằng đồng. Hạ ban của ban thờ là nơi thờ Ngũ Hổ. Nhân dân trong vùng giải thích rằng uy linh của thần Hổ khiến con người khiếp sợ phải thờ phụng để tránh hiểm họa, mong Ngài phù hộ cho dễ làm ăn. Nhưng thần Hổ cũng phải quy phục bởi quyền năng của thần linh, do vậy ban thờ thần Hổ phải đặt dưới ban thờ của thần linh.

Nối cung đệ nhất với cung cấm là cung đệ nhị. Trong cung này có ba ban thờ: ban thờ Đức Vua Cha Ngọc Hoàng, ban thờ Đức Thánh Trần và ban thờ Chúa Sơn Trang. Ban thờ Vua Cha Ngọc Hoàng được đặt chính giữa cung. Tượng Vua Cha ở trên cao nhất, được đúc bằng đồng ở tư thế ngồi. Vua Cha Ngọc Hoàng đội mũ bình thiên màu đỏ, khoác khăn, áo cũng màu đỏ, hai tay trong tư thế vòng trước ngực. Hai bên bức tượng có hai bức tranh tượng trưng cho thần mặt trời với bốn con rồng (thân người đầu rồng) ở tư thế “tứ long chầu nhật”.

Cách trang trí này nhằm đề cao Vua Cha Ngọc Hoàng – đấng tối cao của thế giới thần linh. Ở hàng trước, tượng ông Hoàng Bảy và Hoàng Mười được đặt đứng ở hai bên. Bên trái, ông Hoàng Bảy mặc áo vàng, tay cầm bình rượu; ông Hoàng Mười mặc áo dài hoa nền xanh với chiếc quạt trên tay. Hai ông Hoàng trong tư thế hầu cận Vua Cha.

Ban thờ Bà Chúa Sơn Trang được đặt ở góc trái, đằng sau ban thờ Vua Cha. Trên ban có ba pho tượng đều được đặt trên khán nhỏ. Chúa Sơn Trang ngồi giữa, đầu chít khăn xanh vành đỏ, cài nhiều trâm, khoác khăn màu xanh lá cây, hai tay đặt trên đầu gối. Hai bên trái và phải của pho tượng Chúa Sơn Trang là khán thờ Cô Bơ Thoải Phủ áo trắng và Cô Đôi Thượng Ngàn áo xanh lá cây.

Phía bên phải, sau ban thờ Vua Cha Ngọc Hoàng là ban thờ Đức Thánh Trần, người dân quan niệm đây là ban thờ cả cung Trần Triều. Trên ban thờ không có tượng, chỉ có một bức tranh lồng kính miêu tả Trần Hưng Đạo ngồi giữa, sắc phục đại vàng, mũ cánh chuồn, khuôn mặt nghiêm trang. Hai bên Ngài là các quan võ và con gái Ngài.

Trong cung cấm (đệ tam) có hai ban thờ: ban thờ Phật và ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Ban thờ Phật được đặt trong cùng, trên có hai pho tượng Phật Tổ Như Lai và Phật Bà Quan Âm. Ban thờ Mẫu phía ngoài với ba pho tượng Mẫu ở vị trí cao nhất: Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên ngồi ở giữa, mặc áo và choàng khăn đỏ, khăn vành trắng. Bên trái, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn mặc áo xanh, choàng khăn xanh – tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối miền sơn cước. Bên phải Mẫu Đệ Nhất là Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ, áo và khăn trắng, khăn vành dây xanh. Màu trắng được coi là biểu tượng của quyền năng sáng tạo mọi nguồn sông nước, điều kiện sống quan trọng bậc nhất đối với cư dân trồng lúa nước.

Thấp hơn ở hàng dưới Tam Tòa là tượng Mẫu Địa (một số người địa phương lại quan niệm đây là Mẫu Bán Địa) mặc áo và trùm khăn xanh thẫm, khăn vành dây đen. Đối với cư dân nông nghiệp nước ta, Mẫu Địa rất gần gũi vì Mẫu không chỉ là người sản sinh ra đất đai màu mỡ, mà còn vì – đối với họ – Mẫu luôn luôn chăm lo đến mọi mặt của đời sống con người.

Đền Chầu Bé

Sau khi bị bom giặc san phẳng, đền Chầu Bé mới được xây dựng lại, nằm bên phải, cách đền chính 15m. Trong ngôi đền nhỏ này có ban thờ chia làm hai bậc: ở hàng trên có ba pho tượng đặt trong ba khán thờ. Tượng Chầu Bé đặt trong khán thờ giữa, hai bên là hai cô hầu: một cô áo trắng, một cô áo xanh.

Đền Đèo Kẻng

Tuy đền này cách Bắc Lệ 2 km nhưng người dân ở đây luôn hình dung nó như một bộ phận trong quần thể di tích Bắc Lệ. Trong lễ rước người ta đã mời Phật, Mẫu từ đền chính đến đây làm lễ đại tế rồi lại quay lại. Vì thế, khách hành hương đến Bắc Lệ lễ bái không quên ghé vào Đèo Kẻng. Người dân quan niệm đền này thờ Ngũ Hổ – nhân vật có liên quan chặt chẽ đến tín ngưỡng Tứ Phủ. Đền Đèo Kẻng nằm trên một khu đồi, hướng mặt về phía tây nam. Đền được kiến trúc như đền Bắc Lệ thu nhỏ với ba cung: đệ nhất, đệ nhị, cung cấm. Các di vật trong chùa còn lại ít ỏi.

Từ những khảo sát, chúng ta nhận thấy cách bài trí thờ cúng của khu di tích Bắc Lệ, tuy có những khác biệt so với những đền phủ khác nhưng vẫn có nét chung của tục thờ Mẫu và cả những nét riêng biệt đặc thù cho khu vực. Nét đặc biệt là trong quần thể di tích đền thờ Chầu Bé với tư cách là người địa phương được tách riêng ra. Ở ban thờ Chúa Sơn Trang, Cô Đôi Thượng Ngàn – nhân vật ít thấy xuất hiện trên ban thờ Tứ Phủ ở miền xuôi – được đề cao bên cạnh Chúa Sơn Trang và Cô Bơ Thoải Phủ. Như vậy, ngay cả ở phần bài trí, chúng ta đã bắt gặp sự nổi trội của yếu tố địa phương trong quan niệm thờ Mẫu tương đối thống nhất.

3. Lễ hội

Xuất phát từ niềm tin truyền thống của nhiều thế hệ về sự linh ứng của các thần linh được phụng thờ ở đền Bắc Lệ nên tại đây đã diễn ra nhiều sinh hoạt lễ hội, thu hút một số lượng đông đảo người tham dự. Vào ngày sóc, ngày vọng và cả ngày thường, vẫn có nhiều người đến đây lễ bái, nhưng chủ yếu là dân quanh khu vực đền. Họ đến đây lễ cúng đơn giản như người miền xuôi đến chùa thắp hương. Nhưng ở đền Bắc Lệ có năm ngày lễ lớn trong năm thu hút được đông đảo khách thập phương nhất: đó là lễ Thượng nguyên, lễ vào hè, lễ ra hè, lễ Mẫu và lễ tất niên.

Lễ Thượng nguyên được tổ chức vào khoảng mùng 2 đến mùng 5 tháng Giêng và lễ Tất niên vào khoảng nửa cuối tháng Chạp mỗi năm, như là hai thứ lễ mở đầu và kết thúc một vòng quay của thiên nhiên. Lễ Thượng nguyên, con người kính báo với trời đất, thần linh một năm mới bắt đầu và những lời thỉnh mang tính chất chúc Tết, hy vọng ở năm mới. Trong lễ Tất niên, con người tiến hành các nghi thức tạ ơn sự gia ân của thần linh đối với cuộc sống của họ năm ấy. Còn lễ vào hè (đầu tháng Tư) và lễ ra hè (đầu tháng Tám) lại là hai lễ gắn với chu trình sản xuất nông nghiệp chỉ có một vụ của cư dân vùng này. Lễ hội vào hè, con người cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng tươi tốt. Lễ ra hè con người cảm tạ thần linh phù hộ cho quá trình sản xuất (được mùa thì phải tạ ơn, mất mùa cũng phải làm lễ để sám hối, xin thần linh tha tội). Bốn ngày lễ này được nhân dân chuẩn bị khá cẩn thận từ đồ cúng lễ các ban, các cung (chẳng hạn ở cung Đệ Nhất thường lễ cỗ tam sinh: lợn, gà, vịt và cỗ mặn, còn ở cung cấm chỉ có cỗ chay; hoặc ban Chúa Sơn Trang bên cạnh cỗ mặn phải có đĩa cua, ốc luộc; ban Ngũ Dinh phải có thịt, trứng sống), cách sắp xếp đồ lễ (nếu trên ban thờ đặt cả cỗ mặn lẫn cỗ tam sinh thì phải đặt cỗ tam sinh ở giữa – thủ lợn là trung tâm, gà, vịt ở hai bên – còn xôi, thịt xếp hai cạnh), đến thứ tự các bài thỉnh: Phật Thánh – Tứ Phủ Chầu Bà – Ngũ Vị Quan Lớn – Tứ Phủ Quan Hoàng – Thánh Cô – Thánh Cậu, v.v. Trong các lễ, đáng chú ý nhất là lễ tiệc Mẫu – chính hội. Đây là ngày hội lớn, nghi thức trọng thể nhất và chuẩn bị công phu nhất. Chúng tôi tập trung trình bày về lễ hội này.

Nếu như bốn ngày lễ trên chỉ án định thời gian tổ chức (có thay đổi theo từng năm, tùy theo tình hình khí hậu, mùa vụ và ngày lành) thì chính hội được tổ chức vào ngày 20-9 hàng năm. Lịch hội được quy định như sau:

  • Ngày 18: Mở cửa đền.
  • Ngày 19: Chuẩn bị cỗ cúng.
  • Ngày 20: Tổ chức rước và khao.

Ngày 20-9 được coi là ngày chính hội. Vì sao hội được tổ chức vào ngày này? Trước hết, đây là ngày giỗ Mẫu. Theo dân địa phương, nếu ngày 3-3 là ngày thác lần thứ nhất thì ngày 20-9 là ngày Mẫu thác lần thứ hai (chúng tôi không tìm thấy tài liệu nào nói về điều này). Một số người khác lại cho rằng đây là ngày giỗ Cha – Trần Hưng Đạo. Câu “Tháng tám giỗ Cha” đã cho biết ở các nơi, ngày giỗ Cha là ngày 20-8, còn ở đây lại đẩy lùi thời gian ra một tháng. Có giả thuyết rằng, theo lễ nghi nông nghiệp, đã có lễ vào hè thì phải có lễ ra hè, mà lễ ra hè đã tổ chức vào tháng 8 nên người ta không muốn nhập chung với lễ giỗ Cha, vì vậy lễ giỗ Cha đã bị làm muộn đi. Lâu dần, ngày 20-9 giỗ Cha đi vào tâm thức và người ta cũng không cần biết đến sự mâu thuẫn ở nơi này với nơi khác.

Quá trình chuẩn bị cho lễ hội đã được tiến hành nhiều tháng trước (nuôi gà vịt lợn, chọn gạo, làm đồ mã…) nhưng công việc chuẩn bị chính thức bắt đầu vào lễ mở cửa đền. Cũng như mọi nơi, ở lễ này, người ta dọn dẹp và tiến hành lễ tắm ngai (ngai Vua Cha Ngọc Hoàng và ngai Mẫu Thượng Thiên) và lau rửa các kiệu rước. Nước làm lễ Mộc Dục phải là nước mưa hoặc nước lấy ở đầu nguồn suối Bắc Lệ từ sớm tinh mơ, sau đó là nước trầm hương. Người được giao việc lau tượng phải là người được thừa nhận là trong sạch, người khiêng kiệu là các nam thanh nữ tú. Các ban cúng được quy định chặt chẽ: cỗ tam sinh, cỗ mặn cho ban Công Đồng, Ngũ Vị Tôn Ông; cỗ chay (có khi cả cỗ mặn) cho ban Mẫu; cỗ trứng, thịt sống cho ban Ngũ Hổ; cỗ có cua, có ốc luộc cho ban Chúa Sơn Trang. Ngoài ra còn phải lo các đồ mã: 2 voi, 2 ngựa, 6 thuyền, 5 mũ quan, 6 hình nhân (mỗi hình có 3 đầu) để đặt vào ban tiền sảnh vào ngày chính hội. Vào ngày 20, các nghi lễ trọng thể được diễn ra tại đền chính. Sau nghi thức lễ có tính chất mời Mẫu đi xem hội được làm vào sáng sớm, bắt đầu đến lễ rước.

Mở đầu, theo lệnh người cai đám, hiệu chuông, hiệu trống chiêng hòa nhịp, pháo hiệu nổ vang, các chân cờ chân kiệu bắt đầu di chuyển. Đoàn chân cờ với 11 lá cờ đi đầu tiên. Sau cờ tiết (cờ vua trao để làm tin), cờ mao (tượng trưng cho mật lệnh của vua) đến cờ ngũ hành vuông có đuôi nheo (tương ứng với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ là cả năm màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng), cờ tứ linh (cờ có bốn con vật long, ly, quy, phượng). Đội chân cờ mặc y phục thống nhất: đội nón dấu, áo nâu nẹp đỏ, thắt lưng bó que, cổ đeo một chiếc cối nhỏ nhằm nâng cán cờ cho nhẹ. Sau hai người cầm biển dọn đường (biển ghi chữ “Hồi tỵ” – tránh xa và “Tĩnh túc” – yên lặng) đến bốn người khiêng trống và chiêng. Voi, ngựa và những đồ mã được xếp lên kiệu khiêng có người che tàn lọng. Sau kiệu voi, ngựa đến phường nhạc bát âm (trống, nhị, sáo, não bạt, thanh la, kèn dàn, hồ) và kiệu bát bửu (đàn, sáo, quạt vả, lẵng hoa, sách kiếm, bầu rượu, túi thơ). Một đoàn tùy tùng đội nón dấu, thắt lưng bó que, mang gươm hộ tống.

Kiệu long đình được móc đỉnh trầm hương và mâm ngũ quả do bốn người khiêng (bên cạnh có bốn người dự bị) đi trước, tiếp theo là kiệu Vua Cha Ngọc Hoàng, hai kiệu bát cống rước Mẫu, Đức Trần Triều và kiệu vọng rước hàng các Chầu. Cuối cùng đoàn người kéo theo đám rước gồm các con nhang đệ tử, những người đi hội và dân làng sở tại. Có những năm đám rước kéo dài đến hai cây số, rất náo nhiệt và đông vui.

Đoàn rước đến Đèo Kẻng vào khoảng 10-12 giờ trưa, lễ đại tế được tiến hành, số người chủ trì lễ đại tế gồm chủ tế, 2-4 người bồi tế, người Đông xướng, Tây xướng, người nội tán và 8-10 người chấp sự. Buổi tế kéo dài khoảng 2 giờ, tiến hành qua các bước: chuẩn bị, đón thần, dâng rượu, đọc chúc và hóa, lễ tất, lễ hồi cung. Lễ tế diễn ra trên chiếu trước ban thờ Ngọc Hoàng, vốn đặt ở vị trí trung tâm. Đầu tiên, người chủ tế đọc lời tế với nội dung hân hạnh đón bậc thần linh và mời họ dự lễ. Người bồi tế đọc mời thánh thần thưởng thức rượu, những người chấp sự vái lạy và mang rượu dâng đến từng ngai. Trong khi đó, Đông xướng, Tây xướng đối đáp về việc tế thần, công trạng của thần và ngỏ lời cầu xin phúc lộc cho cả cộng đồng người dự lễ. Trước khi châm lửa các đồ mã “xác vật” ở hai bể hóa, người chủ tế đọc bài chú kính dâng đồ hiến tế tới các vị thần. Người ta quan niệm vật cháy càng nhanh và cháy hết thì buổi lễ càng thành công. Lễ tất được tiến hành nghiêm trang kết thúc buổi đại lễ. Sau đại lễ ở Đèo Kẻng có lễ rước hồi cung (mời các vị thần trở lại đền), đám rước được diễn theo thứ tự y như lúc đi. Khi về đền chính, đại tế được diễn ra đúng trình tự trên. Ở đền Bắc Lệ chiều tối 20 có “đại tiệc” phân phát lộc thờ với ý nghĩa “một miếng lộc Thánh bằng một gánh lộc trần.”

Trong các tối hội, người ta thường hầu đồng thâu đêm. Tính chất trang trọng, nghiêm ngặt của lễ hội đã được hòa quyện trong không khí vui vẻ, thoải mái của các sinh hoạt hội.

Như vậy, từ chỗ khảo sát di tích và lễ hội thờ Mẫu – đền Bắc Lệ, người ta dễ dàng nhận ra những điểm chung có tính phổ biến của tín ngưỡng Tam Phủ – Tứ Phủ không chỉ ở các trung tâm lớn ở miền xuôi mà cả vùng núi phía Bắc, nơi số lượng cư dân chiếm đông đảo là người thuộc các dân tộc ít người như Tày, Nùng. Tất nhiên, sự di cư của người Việt lên vùng núi này đã mang theo những phong tục tín ngưỡng truyền thống của mình, nhưng để tồn tại và trở thành nhu cầu tâm linh của một cộng đồng nhiều tộc người, tín ngưỡng ấy đã có sự dung hội, đan xen với những tín ngưỡng có tính địa phương.