Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Trung Tâm Thờ Mẫu Phủ Dầy: Hành Trình Tôn Kính Vị Thần Chủ Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ

Thánh mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ, Thánh mẫu Liễu Hạnh bao giờ cũng đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, mặc mũ áo đỏ, ngồi chính giữa, hai bên là Mẫu Thoải (bên trái) và Mẫu Thượng Ngàn (bên phải). Cũng có khi Bà đồng nhất với Địa Tiên Thánh Mẫu (Mẹ Đất). Dù ở đâu có điện thần thờ Mẫu, dù vị thần ở đó được thờ là ai, nam thần hay nữ thần, thì đều có linh tượng Bà. Nơi thờ chính của Bà là Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định), nơi Bà giáng trần lần đầu tiên, cũng là nơi quê hương của cha mẹ, chồng con của Bà. Phủ Sòng Sơn (Thanh Hóa), nơi Bà hiển Thánh, Phủ Tây Hồ (Hà Nội), nơi Bà từng gặp gỡ, đàm đạo thơ văn với nhà thơ Phùng Khắc Khoan và các thư sinh họ Ngô, họ Lý. Ngoài những nơi chính đó ra, Bà còn được thờ vọng ở khắp mọi nơi, trong Nam ngoài Bắc, miền xuôi cũng như vùng núi. Trong chương này, chúng tôi xin giới thiệu hai nơi thờ chính Thánh mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy và Phủ Tây Hồ.

A- PHỦ DẦY, TRUNG TÂM THỜ MẪU Phủ Dầy là tên gọi một vùng đất thiêng, cư dân từ xa xưa tụ cư trên gò Bánh Dày, nên có địa danh là Kẻ Dầy, tên chữ là làng An Thái. Năm Gia Long thứ 5 (1806), thôn Vân Cát tách khỏi An Thái, thành lập xã riêng là xã Vân Cát, đến năm Tự Đức thứ 14 (1860), xã An Thái đổi thành xã Tiên Hương. Năm 1947, người ta lại nhập hai xã Tiên Hương và Vân Cát lại thành xã Kim Thái, gồm 3 thôn Tiên Hương, Vân Cát và Bãng Già (Xuân Bảng). Xã Kim Thái nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong 3 thôn này, thì Vân Cát là nơi sinh của Liễu Hạnh công chúa, Tiên Hương là quê Đào Lang, chồng của Liễu Hạnh, còn Bãng Già là nơi đặt lăng mộ của Liễu Hạnh sau khi qua đời.

Cũng cần nói thêm rằng, Vụ Bản xưa kia gọi là Thiên Bản (Gốc Trời), nổi tiếng với câu “Thiên bản lục kỳ”, đó là các nhân vật nổi tiếng:

  1. Trạng Lường, tức Lương Thế Vinh, thành hoàng làng Cao Hương
  2. Đề Sát, thành hoàng làng Vân Cát
  3. Cường Bạo Đại Vương
  4. Bà Chúa Giáp
  5. Bà Liễu Hạnh
  6. Bà Phùng Thị Ngọc Đài, đều được các làng thờ là Thành hoàng.

Hiện nay, toàn xã Kim Thái có trên 20 di tích tôn giáo – tín ngưỡng, có thể chia thành hai nhóm:

  1. Nhóm di tích tín ngưỡng vốn xưa không thuộc hệ thống thờ Mẫu
  2. Nhóm di tích thuộc hệ thống thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

1- Các di tích vốn không thuộc hệ thống thờ Mẫu Đó là các ngôi chùa làng, đền thờ Đức Vua Lý Nam Đế, đình thờ Thành hoàng làng.

Xã Kim Thái có 3 ngôi chùa thuộc về ba làng: Chùa Bãng hay Chùa Cao, chùa Cầu (Linh Sơn Tự) thuộc làng Bãng, ngôi chùa lớn và cổ nhất vùng này, trước chùa có tháp Linh Quang cao 9 tầng. Chùa Tiên Hương (Tiên Linh Tự) tại làng Tiên Hương và chùa Long Vân (Ngọc Tiên Tự) ở làng Vân Cát. Việc xuất hiện các ngôi chùa trong quần thể di tích Phủ Dầy, trung tâm của đạo Mẫu, là điều dễ hiểu, bởi vì giữa đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ trong quá trình hình thành của nó đã có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo. Vào ngày giỗ Mẫu đều có nghi thức rước Mẫu từ phủ Tiên Hương qua phủ Vân Cát rồi lên chùa thỉnh mời Phật Bà Quan Âm về dự hội. Cũng như quy luật chung của hầu hết các ngôi chùa ở Bắc Bộ, trong khuôn viên của chùa, ngoài thờ Phật còn có điện Mẫu, theo mô thức “Tiền Phật hậu Mẫu”.

Cũng như bao làng quê khác, bên cạnh ngôi chùa là ngôi đình làng. Ở Vân Cát có ngôi đình làng vốn thuộc thôn Tiên Hương (ngay sát đường 56) thờ ông Khổng làm thành hoàng, gọi là đình Ông Khổng. Ông Khổng ở đây theo quan niệm dân gian là Khổng Minh Không, một vị thần mang dáng vóc người khổng lồ ở vùng sông nước ven biển, có công đắp đê chống lụt. Do vậy, đền thờ ông thường nằm rải rác suốt dọc vùng duyên hải từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương. Tương truyền ông còn là tổ sư nghề đúc đồng, do vậy cứ vào phiên chợ Viềng, dân đúc đồng ở các làng Tống Xã (huyện Ý Yên), Bảo Ngũ (Vụ Bản) thường mang sản phẩm đúc đồng, rèn sắt ra bày trước đình để bán. Ngôi đình này hiện không thờ phụng ai mà địa phương dùng làm nơi hội họp của các cụ Hội người cao tuổi.

Một vấn đề đặt ra là, từ sau thời kỳ đổi mới, các làng xã đều khôi phục lại tục thờ Thành hoàng làng, tuy nhiên đình Ông Khổng vốn xưa xây dựng to cao, khiến sách Nam Định tỉnh chí ca ngợi “tạo dựng cột kèo cao to, nên dân chúng không với tay tới được mái đình”. Thế mà nay không ai thờ cúng, biến thành ngôi nhà thế tục. Có lẽ là do nó nằm giữa một quần thể di tích thờ Mẫu quá sầm uất nên bị lép vế.

  1. Các di tích tín ngưỡng Phủ Dầy như một điện thần đạo Mẫu Tam phủ Các di tích thuộc hệ thống thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ nằm trải rộng khắp xã Kim Thái và có mật độ các đền phủ dày đặc với trên 20 di tích. Có thể phân chúng thành cụm di tích trực tiếp thờ vị thần chủ Thánh mẫu Liễu Hạnh và các di tích tích hợp điện thần Tam phủ, Tứ phủ.

a) Cụm di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh Cụm di tích này gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu.

  • Trước tiên phải kể đến Phủ Tiên Hương (còn gọi là Phủ Chính). Phủ tọa lạc trên một khoảnh đất rộng thuộc thôn Tiên Hương, mặt hướng ra đường 56, một phía nằm liền sát đường liên xã. Đây là thế đất đẹp, theo quan niệm dân gian nó nằm trên đầu của con rồng, hồ bán nguyệt trước phủ là hàm rồng, phía nam có con lạch chảy dài là vòi rồng. Nguyên xưa di tích phủ Tiên Hương còn làm bằng tranh, mãi năm Dương Hòa thứ 8 (1642) vua Lê Thần Tông xuống chỉ cho dân địa phương xây lại đền và lợp ngói.

“Tòa nhà Phủ Chính là một công trình kiến trúc liên hoàn nối mái với nhau theo kiểu nhiều lớp từ ngoài vào trong, hình thành tứ cung. Cung đệ nhất là dãy nhà hậu cung, gọi là Cung cấm hay Nội cung, chiều dài 10m, rộng 7m6, ngăn cách với cung đệ nhị bằng lớp cửa bức bàn có song tiện, kín đáo. Trong cung cấm có đặt một khám thờ lớn, khảm trai, bên trong đặt ba pho tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, trong đó Mẫu đệ nhất mặc áo đỏ, đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh, thần chủ ngôi phủ. Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn, mặc áo xanh, ngự phía bên trái, còn Mẫu đệ tam Thoải phủ, mặc áo trắng, ngự phía bên phải Mẫu Liễu Hạnh. Trần Đăng Ngọc, người đã từng nhiều năm đứng đầu cơ quan quản lý di tích và bảo tàng ở Nam Định, lại cho rằng ba bức tượng đó chỉ là phân thân của Thánh Mẫu Liễu Hạnh với 3 dạng Mẫu – Quy y, Mẫu – Tiền nhân, Mẫu – Người dân thường, hay Mẫu – Liễu Hạnh, Mẫu – Nhà sư, Mẫu – Đạo nhân. Các giả thuyết trên đều hợp lý, kể cả Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn), bởi Thánh Mẫu là duy nhất, nhưng hiện thân (phân thân) thành nhiều, theo kiểu Tam vị nhất thể của các tôn giáo khác.

Trong hậu cung còn có tượng Tổ phụ và Tổ mẫu được phối thờ ở hai bên khám thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Những năm gần đây, Tổ phụ và Tổ mẫu được chuyển ra nơi thờ riêng ở gian thờ bên cạnh cung đệ tam. Do vậy, cung cấm chỉ thờ riêng Tam Tòa Thánh Mẫu, càng tạo nên ấn tượng thâm nghiêm và linh thiêng nơi cung cấm, nơi không phải ai cũng có thể bước chân vào, mà phần nhiều chỉ bái vọng Mẫu từ phía ngoài cung đệ nhị.

Cung đệ nhị là ngôi nhà hẹp lòng, nối cung đệ nhất với cung đệ tam, dài 11,3m, rộng chỉ có 2,5m. Trong cung có ban thờ Tứ vị Chầu bà và Tam Tòa Quan lớn. Từ cung này, người đứng bái vọng vào Tam Tòa Thánh Mẫu trong cung đệ nhất (cung cấm), và còn là một chỗ dùng để lên đồng.

Cung đệ tam và cung đệ tứ là tòa nhà dài rộng, hai bên có sập thờ, bày đặt các đồ bát bửu, hai giá chiêng trống, ở giữa đặt ban thờ Vua cha Ngọc Hoàng cùng các cận thần. Ngoài cùng, giáp với cửa chính, là ban thờ Tứ phủ Công đồng. Phía sau cung cấm, ngoài vườn có đắp động Sơn Trang, có hồ, có núi. Nơi đây còn có di tích nhà học, tương truyền xưa là nơi Công chúa Liễu Hạnh học hành, đánh đàn, vẽ tranh khi sinh thời.

Tương truyền, xưa kia ở đây, bên cạnh Phủ Chính còn có Phủ Cổ, thậm chí Phủ Cổ còn có trước cả Phủ Chính, có 4 gian. Từ năm 1991, Phủ Cổ được thủ nhang xây lại thành ngôi nhà to đẹp, nơi thờ Thân mẫu và Thần phụ của Thánh Mẫu và thờ Đức Thánh Trần.

Phủ Vân Cát nằm ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, cách Phủ Tiên Hương chừng khoảng 1km, trên một khoảng đất rộng chừng trên 2 mẫu Bắc Bộ (trên 644m²), giữa cánh đồng, tách biệt với khu dân cư. Quá trình xây cất Phủ Vân Cát đã được ghi trong tấm bia ‘Thánh Mẫu Cố Trạch Linh Từ Bi Ký’, soạn năm Thành Thái Tân Sửu (1901), như sau: ‘Chọn đất dựng nền từ đời Lê Cảnh Thịnh (1663-1671) làm đơn giản mà đẹp. Khoảng thời Cảnh Thịnh (1794-1800) hội nguyên Trần Gia Dụ thiếu tả giám Trần Công Bán đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879), quan huyện Lê Kỳ đã sửa hợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), đền phủ hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành’. Riêng Phương Du thì được làm muộn hơn, vào cuối triều Nguyễn.

Phủ Vân Cát nằm giữa đền thờ Lý Nam Đế (thần) một bên và chùa (Phật) một bên, có chung khoảng sân rất rộng, tạo thành quần thể Mẫu – Thần – Phật. Toàn bộ công trình kiến trúc được chia làm hai phần: phía trong Ngũ môn hay Ngọ môn (cổng năm cửa) là khoảng sân rộng và phủ thờ, bên ngoài là Phương Du và hồ bán nguyệt. Đây là công trình kiến trúc hai tầng, to cao, bề thế. Dưới chân Ngũ môn là các bia ký, ghi lại sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh và việc tiến cúng để dựng phủ qua các thời kỳ.

Bên ngoài Ngũ môn là Phương Du nằm trên hồ bán nguyệt. Trước bờ hồ bán nguyệt là con đường vòng ôm lấy hồ, hai đầu hồ là hai cầu đá nối lên tòa Phương Du. Phương Du là kiến trúc ba gian, làm bằng gỗ lim, lợp ngói nam, hoành vuông cột tròn với bốn đao góc, các xà bảy đều chạm hình mai điếu, trúc hóa, quy sen, mai ẩn. Xung quanh Phương Du có lan can bằng đá, được đục chạm trang trí bằng hình hoa cúc, hoa thị. Trên bốn trụ lớn có bốn con nghê chầu bằng đá tinh xảo. Phương Du bốn mặt thoáng nhìn ra cánh đồng xung quanh, là nơi để quan khách về dự hội xem trò kéo chữ mừng Thánh Mẫu.

Phía trong Ngũ môn là sân rộng, tiếp giáp với Phủ thánh Mẫu. Phủ Vân Cát kiến trúc theo mô hình ‘Nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc’. Hai bên tả hữu có hai dãy nhà giải vũ để tiếp khách. Cung đệ nhất (chính cung) là ngôi nhà lợp ngói ba gian, trong cùng là thờ Tam Tòa Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên – Liễu Hạnh ngồi giữa, hai bên là Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Cung đệ nhị thờ Tứ vị Chầu bà phía hàng trong, còn hàng ngoài ở giữa là Tam Tòa Quan lớn và hai vị Hoàng Mười và Hoàng Bà ở hai khám bên cạnh.

Cung đệ tam là năm gian gỗ lim, với sáu hàng xà hàng cột đều sơn son thếp vàng hình rồng và hoa lá rất lộng lẫy. Cung này thờ Công đồng Tứ phủ và Bà chúa bản đền. Cung đệ tứ còn gọi là tòa tiền bái năm gian, thờ Ngũ vị tôn quan, Công đồng Tứ phủ và Quan Giám sát. Bên sườn trái phủ còn có cung thờ Bà cai bản mệnh, trông giữ các bát hương bản mệnh của con nhang, đệ tử gửi bát hương bản mệnh vào chùa, cùng Lầu Cô, Lầu Cậu.

Lăng Mẫu nằm trên cánh đồng thuộc địa phận thôn Tiên Hương, nằm trên con đường từ Phủ Tiên Hương đến Phủ Vân Cát. Tương truyền xưa kia có gò đất nhô cao lên khỏi mặt ruộng, gọi là Cồn Cá Chép, có một ngôi mộ cổ, xung quanh cây cối um tùm xanh tươi cả năm. Dân làng ai mắc bệnh gì đều ra đây hái lá làm thuốc mang về sao vàng, sắc uống đều khỏi bệnh. Thời Minh Mạng (1820-1840), quan huyện Vụ Bản cho người xây gạch quanh mộ và bệ nhỏ để người trần cầu cúng. Đó chính là lăng Mẫu Liễu Hạnh hiện nay.”

Người ta cũng tương truyền rằng năm 1937, Vua Bảo Đại lấy vợ lâu không có con, nên Nam Phương Hoàng hậu đến cầu tự ở Đền Sòng (Thanh Hoá). Sau linh nghiệm, bà sinh hoàng tử Bảo Long. Sau đó, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã báo mộng cho biết mộ của Người ở xứ Cây Đa, thôn Tiên Hương, Phủ Dày. Để trả ơn Mẫu, năm 1938, vua Bảo Đại cho Hội Xuân Kinh triều đình Huế tiến hành hưng công xây dựng khu lăng mộ Mẫu bằng đá.

Lăng được xây dựng trên khu đất rộng 652 m², hướng lăng xây mặt về phủ Tiên Hương. Trung tâm lăng là ngôi mộ hình bát giác, mỗi cạnh khoảng 10 m với đồ hình bát quái. Xung quanh có đường viền tạo hình như những núm vú hình quả lựu, tượng trưng cho bầu sữa mẹ, mang tính sinh sôi. Từ ngoài vào tới mộ có 5 vòng tường tháp, mỗi vòng cách nhau từ 3,6 m đến 1,2 m. Trên các cột bổ trụ chạy quanh vòng tường đều đặt các nụ sen bằng đá, toàn bộ quanh lăng có 60 búp sen. Màu đá thay đổi theo ánh sáng mặt trời, khoảng trưa các búp sen đều nhuốm màu hồng, như màu nụ sen mới nở. Bao quanh lăng là các hàng cây cổ thụ râm mát, ngoài cùng là 4 trụ đồng xây cao ở bốn góc. Hiện tại, không gian bên ngoài lăng mộ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đang bị biến dạng nghiêm trọng, cây cối bị chặt phá, nhà cửa được xây lên, làm mất vẻ tự nhiên và thâm u xưa kia của lăng mộ.

b) Các di tích được tích hợp vào hệ thống Đạo Mẫu
Bên ngoài phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu, là các di tích chính thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chúng ta còn thấy hàng loạt di tích mà về cội nguồn là các nơi thờ các vị thần núi, thần nước, các thành hoàng bản thổ và cả các di tích của dòng họ Lê (của Liễu Hạnh) và họ Trần (họ của chồng Liễu Hạnh). Tuy nhiên, từ sau thế kỷ XVII-XVIII, thậm chí đến tận ngày nay, khi Đạo Mẫu đã hình thành và phát triển với vai trò Thánh Mẫu Liễu Hạnh là thần chủ, thì các di tích tín ngưỡng dân gian khác nằm rải rác khắp vùng Phủ Dầy đều tích hợp và trở thành nơi thờ phụng của đạo Mẫu.

  • Đền Thượng nằm trên núi Tiên Hương, nguyên xưa là đền thờ thần núi Tả Sơn, vị thần bản thổ. Tượng thần được đúc bằng đồng đặt tại chính cung. Theo câu đối của tiến sĩ Lê Huy Vịnh viết vào thời vua Tự Đức, ngôi đền này được xây dựng vào năm Quang Hưng thứ nhất (1578), lúc đầu chỉ là ngôi đền nhỏ, sau này được mở rộng dần. Cùng với việc mở rộng, đền thờ vị thần núi đã tích hợp lớp thờ Mẫu sau này, trở thành đền thờ Mẫu Thượng Ngàn, vị Thánh Mẫu chuyên trông coi vùng rừng núi. Hai bên điện Mẫu Thượng Ngàn có Diệu Mẫu thiền sư, giúp Mẫu trông coi rừng núi, bên kia thờ Diệu Nghĩa thiền sư, giúp Mẫu trông coi các dòng suối, thác ghềnh. Nơi đây còn thờ Đông Cuông Thánh Mẫu, Bắc Mục Thánh Mẫu cùng 12 Cô Sơn Trang cai quản rừng Nam Giao, và tất nhiên trên điện thần không thể thiếu Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

  • Đền Quan Lớn nằm dưới chân núi Ngăm thuộc xã Tiên Hương. Trước kia đền xây to đẹp, nhưng trong kháng chiến đã bị phá huỷ, nay chỉ còn lại ngôi đền nhỏ, gồm hai cung. Vốn xưa đền thờ Hữu Sơn thần đương cảnh thánh hoàng, sau này, khoảng đầu thế kỷ XX, người ta rước bát nhang Quan Lớn Đệ Tam thuộc dòng Bát Hải Long Vương từ đền Lảnh Giang, huyện Ninh Giang, Hải Dương về thờ, nên nay gọi là Đền Quan Lớn (hay đền Công núi).

  • Đền Giếng Găng nằm bên con đường liên xã, ở xóm 3 thuộc thôn Tiên Hương. Ngôi đền nhỏ này được xây dựng từ lâu, bên trong đền có một cái giếng nước luôn đầy và trong, tương truyền thờ Đông Tỉnh Đại Vương. Đây là hệ thống thờ thần tự nhiên, thần núi và thần nước theo thế phong thủy hài hòa. Năm 1911, dưới thời vua Duy Tân, đền được xây theo hình chữ Công, cung chính xây cuốn, cung đệ nhị và đệ tam kiến trúc bằng gỗ ba gian, khung bằng gỗ lim khá bề thế, mái lợp ngói. Cùng với việc trùng tu thì đền Giếng Găng từ thờ thần giếng nay đã đồng nhất với đền thờ Mẫu Thoải ở cung đệ nhị, còn cung đệ tam ngoài cùng thờ Công đồng. Người dân ở đây đã xin chân nhang Mẫu Thoải từ đền Hàn (Thanh Hóa) về thờ.

Theo thần tích, Mẫu Thoải là công chúa Tam Giang, con gái Động Đình Long Vương, đã kết duyên với Kinh Xuyên, con vua Thủy Tề. Do Kinh Xuyên nghe người thiếp là Thảo Mai xúi giục nên đem nàng giam cầm trong rừng sâu. May thay, người thư sinh Liễu Nghị đi qua đường bắt gặp nên đã về tâu Long Vương cứu thoát Tam Giang, trừng phạt Kinh Xuyên. Từ đó, Long Vương giao cho nàng trông coi miền sông nước, dân gian tôn làm Mẫu Thoải. Cứ vào dịp tháng 8 giỗ Mẫu, người ta đến Giếng Găng lấy nước về làm lễ mộc dục rồi mới mở hội ở các đền phủ.

  • Đền Cống nằm ở xóm 1 thôn Tiên Hương, gần đền Ông Khổng, được xây từ đầu thế kỷ XX, gồm 3 cung, cung ngoài 5 gian, cung giữa 5 gian, còn hậu cung có 3 gian. Nguyên xưa là nơi thờ thành hoàng Đinh Lôi, nguyên là vị tướng của Lý Nam Đế. Tương truyền, ông vốn là người Châu Lý Nhan, nay thuộc xã Liêm Chung, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Là viên tướng đi dẹp giặc Chiêm, đã từng qua đây và đồn trú tại địa phương, khi thắng giặc trở về, ông khao binh ở Phủ Dầy đêm mồng 2 tết. Khi ông mất, dân lập đền thờ.

Áo trắng. Cả ba vị được thờ đều có sắc phong từ thời Nhà Nguyên. Cung ngoài cùng thờ Công đồng. Năm 1988 dòng họ Mẫu, họ Trần – Lê đã đóng góp tiền tu sửa lại Phủ nội. Nơi đây còn lưu giữ phả ký họ Lê, nay là họ Trần Lục. Như vậy, đây cũng là trường hợp nhà thờ họ dần biến thành phủ để thờ Mẫu Liễu và Tam tòa Thánh Mẫu. Phủ Khải thánh cũng là trường hợp có gốc tích từ nơi thờ dòng họ Trần Ngọc. Bia dựng năm Bảo Đại thứ 13 (1938) ghi rõ “Dòng họ nhà ta vốn là họ Lê… khi họp họ ở đây để tỏ lòng tôn kính, do vậy vốn xưa gọi là từ đường dòng họ, sau biến thành phủ sau khi bị ‘Mẫu hóa’. Ngôi từ đường dòng họ Trần này dựng năm Thành Thái thứ nhất (1889), đến năm Khải Định thứ 8 (1923), tu sửa và mở rộng hơn. Hiện nay, trong ngôi phủ này thờ ông Thủy tổ Lê Tiên Công ở cung đệ nhất, cùng bố mẹ Thánh Mẫu. Cung đệ nhị thờ Tam tòa Thánh Mẫu, cung ngoài cùng thờ Tứ phủ công đồng.

  • Phủ Khâm sai xây dựng ở xóm 2 thôn Tiên Hương, thờ bà Chiêu Dung công chúa. Theo thần tích thì bà tôn là Chầu Bạch Mai. Ông nội của bà là Lê Duy Thịnh, chú của vua Lê Anh Tông, đã chạy loạn (có lẽ là loạn thời nhà Mạc) về làng An Thái (tức Kim Thái ngày nay), lấy vợ và ở ẩn. Bố đẻ của bà Bạch Mai là Lê Duy Cánh, làm quan tới chức Binh bộ Thượng thư Thái bảo Quốc công. Bà sinh ngày 9 tháng 9 năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1624), lấy chồng người cùng làng là Trần Lý và mất ngày 14 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1642). Bà vốn là tiên nữ vì có lỗi phải giáng trần, sau này hết hạn về trời, nhưng vẫn nhỏ nhẹ giỏi giang nên trở lại giúp dân, giúp nước. Nhân dân tôn thờ bà như một nữ thần trong Tứ vị Chầu bà, nên lập miếu thờ. Trong cung cấm đặt tượng Chiêu Dung công chúa và hai thị nữ, cung ngoài thờ Tứ phủ Công đồng. Trong hệ thống Tứ phủ, bà được coi như là Chầu Khâm sai của Thánh Mẫu.
  • Phủ Nguyệt Lãng cũng là dạng chuyển từ nhà thờ chi họ Trần Lê thành nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, do bố con ông Trần Lê Lãng xây dựng từ 1988, lấy tên là Nguyệt Lãng phủ (tên bố và tên con). Khi chuyển thành nơi thờ Mẫu thì trong phủ có ban thờ Phật và ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu.
  • Đền Đông Cuông (Thái Linh từ) ở xóm 3 thôn Tiên Hương, nằm ven đường 56. Theo văn bia “Tiên Hương thái linh từ bi ký” dựng năm Bảo Đại thứ 8 (1933) hiện đang đặt tại Phủ Bóng thì ngôi đền này vốn là của chi họ Trần xây dựng từ 1926, thờ ông bà Trần Thái Công, người đã đóng hương hỏa 24 mẫu ruộng để gửi hậu cho làng. Những năm đầu thế kỷ XX, cùng với việc rước Thánh Mẫu Thượng Ngàn về thờ ở đền Thượng trên núi Tiên Hương, thì người ta rước Đông Cuông Chầu bà với tư cách là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn về thờ ở đây. Do chiến tranh đền bị phá hủy, năm 1997, ngôi đền được xây dựng lại thành hai cung thờ, cung thờ Mẫu Đông Cuông và cung ngoài thờ Tứ phủ công đồng và Trần Triều. Trần Thái Công không được thờ ở đây nữa vì đã có nơi thờ riêng.
  • Phủ Bóng (Nguyệt Du cung) nằm cạnh Lăng Mẫu Liễu. Tương truyền, vào những đêm trăng sáng, Mẫu Liễu cùng các tiên nữ vẫn quây quần bên gốc đa để múa hát, dân làng cho là linh dị, nên lập đền thờ, gọi là Phủ Bóng hay Đền Cây Đa Bóng (Nguyệt Du cung). Ngôi đền này xây rất to đẹp, bề thế do Hội Xuân Kinh ở Huế đứng ra quyên góp cùng với Làng Mẫu. Tuy nhiên, trong chiến tranh, Phủ Bóng bị tàn phá, mãi đến năm 1980 bắt đầu xây dựng lại nhiều đợt, tới năm 2000 thì hoàn tất.
  • Đền Cây đa hay còn gọi là Đền Trình, nằm ở thôn Xuân Bảng đầu đường 56, từ thị trấn Gôi rẽ vào Phủ Dầy. Vốn xưa, dưới gốc đa có bộ thờ thổ thần. Tới năm 1994, trong xu hướng ‘Mẫu hóa’ các đền phủ trong toàn vùng, thì nơi đây trở thành Đền Trình, tức là ai đến lễ Mẫu thì đều phải qua đền trình (nơi trình báo). Từ các miêu tả trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét quan trọng về quần thể di tích Phủ Dầy:
  1. Phủ Dầy tuy không phải là nơi Liễu Hạnh công chúa hiển thánh, mà chỉ là nơi Mẫu giáng trần lần thứ nhất, nhưng sau khi Mẫu hiển thánh ở Đền Sòng – Phố Cát và trở thành vị thần chủ của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thì với tất cả những gì đã có và hiện tồn trên mặt đất, trong lòng đất và quan trọng hơn là trong niềm tin tâm linh của người Việt thì Phủ Dầy thực sự trở thành trung tâm của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của nước ta. Vào thế kỷ XVI và sau đó nữa, Phủ Dầy trở thành trung tâm của Đạo Mẫu không chỉ vì nơi đó là cố trạch của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, mà còn vì các nhân tố khác của địa-chính trị, địa-kinh tế và địa-văn hóa. Trước đó, vào thời Nhà Trần, một triều đại có nguồn gốc từ các cư dân ven biển, thì Phủ Dầy nằm ngay sát phía nam của Thiên Trường, vừa là quê hương vừa là trung tâm của đế chế, nhất là nơi đổ ra đời và sau đó hiển linh Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, một nhân vật lịch sử, một vị Thánh tối anh linh, luôn luôn là “cặp bài trùng” với Thánh Mẫu Liễu Hạnh sau này. Còn vào thời ra đời của Liễu Hạnh thì Phủ Dầy nằm trên đường thiên lý, nơi nối liền không chỉ quê hương của Nhà Lê mà cả quê của Chúa Trịnh nữa. Sự hanh thông hay bất ổn một thời trên con đường này đã từng làm cho cả triều đình Lê – Trịnh bất an. Về phương diện kinh tế, khi hình thành và phát triển của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì đã là thời kỳ phát triển các con đường thương mại nội địa. Vào thế kỷ XVI, Phủ Dầy còn là dải đất nằm cách biển không xa, nơi có con đê đắp thời Hồng Đức, nơi có cửa sông Đáy, một con sông nối với Thăng Long, đổ ra biển ở một nơi nào đó gần kề, mà nay đã lùi ra biển đến hơn 10 km, tại cửa Đại An (Đại Ác). Xuôi về phía nam và ngược lên Thăng Long ở phía bắc đều là con đường buôn bán, với đường nước là sông Đáy và đường bộ là Quốc lộ 1. Đây là con đường thông thương buôn bán, mà Đạo Mẫu chính là một hình thức tín ngưỡng hỗ trợ tâm linh cho những thương nhân cả phụ nữ và nam giới. Như chúng tôi đã nói ở các chương trên, thời kỳ tạo dựng đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là thời kỳ dân gian hóa những tác động của đạo giáo dân gian, với hai dòng, dòng tiên với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, còn dòng phủ Thủy với hai nhân vật lớn: Đức Thánh Trần ở phía Bắc và Dòng nội đạo của Trần Lộc (Quảng Xương), Độc Cước chân nhân ở phía Nam (đều trên địa bàn Thanh Hóa).
  2. Nói Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần chủ của Đạo Mẫu Việt Nam thể hiện trên mấy phương diện:

    • Thứ nhất, với sự xuất hiện của Liễu Hạnh công chúa thì tục thờ Nữ thần, Mẫu thần, một thứ tín ngưỡng bản địa chân chất, do tiếp nhận những ảnh hưởng Đạo giáo Trung Hoa mới trở thành Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ với tất cả những đặc trưng về quan niệm thế giới quan và nhân sinh quan, hệ thống điện thần và nghi lễ thờ cúng.

    • Thứ hai, trong hệ thống điện thần Tam phủ, Tứ phủ, Thánh Mẫu hóa thân thành Tiên thiên Thánh Mẫu, mặc áo đỏ ngự ở vị trí trung tâm. Cũng có khi Bà hóa thân trong vị trí Địa Tiên Thánh Mẫu, trông coi đời sống trần tục của con người với quyền năng chữa bệnh, ban phát tài, lộc.

    • Ở bất cứ một ngôi đền phủ nào của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ trên đất nước ta, dù ở nam hay bắc, miền xuôi hay vùng núi, dù đền phủ đó thờ vị thần bản thổ nào thì cũng đều có hiện diện của Tam tòa Thánh Mẫu, mà thực chất đó là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

3. Thực chất quần thể di tích Phủ Dầy là một siêu điện thần của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, mà Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một thần chủ. Việc hình thành siêu điện thần ở đây có một quá trình đã và đang diễn ra. Ban đầu, ba nơi thờ chính về Bà, đó là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, sau đó lan rộng và “Mẫu hóa” các đền thờ thần khác, như Thần núi, Thần nước (giếng), thờ các nhân vật lịch sử: Lý Nam Đế, Không Minh Không, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, các Thành hoàng làng, các ngôi chùa Phật, và gần đây nhất là tất cả các nhà thờ họ Trần, lễ cũng bị thu hút và tích hợp vào hệ thống di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh nói riêng và đạo Mẫu nói chung. Quá trình này khiến cho ở mỗi di tích, nhất là ở hai phủ chính là Tiên Hương, Vân Cát, đã trở thành một điện thần đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ hoàn chỉnh. Tuy nhiên, toàn bộ trên 20 di tích ở Phủ Dầy đã được xếp đặt như một siêu điện thần với đầy đủ các phủ (Thiên phủ, Địa phủ, Thoải phủ, Phủ Thượng Ngàn), các hàng từ Vua cha Ngọc Hoàng, Phật bà Quan Âm, Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Quan lớn, Tứ vị Chầu Bà, Ngũ vị Ông Hoàng, các Cô, Cậu…