Nghi lễ Lên đồng
Cũng như ở nhiều đền phủ khác, các cuộc Lên đồng phần lớn diễn ra ở trước ban công đồng. Diện tích dành cho Bà đồng làm lễ khoảng chưa đến 10 mét vuông, phía trước là ban thờ, còn ba mặt là chỗ ngồi của cung văn và người ngồi dự.
Nghi lễ dâng sớ và cúng chúng sinh bao giờ cũng được thực hiện trước khi Bà đồng H ngồi vào chiếu đồng. Dâng sớ là lời thỉnh cầu của Bà đồng H lên vị thần chủ đền, xin phép được làm lễ. Việc này do một pháp sư thực hiện với sự trợ giúp của một thầy cúng phụ việc. Còn việc cúng chúng sinh (vong hồn của những người chết không được thờ cúng) thường thực hiện ở phía cửa Đền với vật dâng cúng tiêu biểu là cháo, bỏng (gạo rang, ngô rang), nước lã, chậu nước có thả mấy đồng xu, mà người ta giải thích đó là để cho vong hồn người chết đuối.
Khi mọi việc đã xong xuôi, Bà đồng H từ trong phòng riêng bước ra với bộ quần áo trắng muốt, thể hiện sự trong trắng của mình trước khi trở thành cái bóng, cái ghế cho thần linh nhập vào. Bà cúi chào bạn bè quan khách, rồi thong thả bước vào chiếu đồng giữa bốn người hầu dâng (tứ trụ). Hầu dâng gồm hai hoặc bốn người, hai nam và hai nữ. Hai nam ngồi hai phía tả hữu gần ban thờ, còn hai nữ ngồi phía sau. Nam thì mặc áo dài the, trong lót áo trắng, nữ mặc áo dài. Họ là những con nhang tin thờ Thánh Mẫu hay người đã ra đồng, còn trẻ, là học trò hay người thân cận của Bà đồng H. Hầu dâng sẽ giúp Bà đồng H trong việc thắp hương, dâng rượu, che quạt, thay lễ phục trong suốt buổi hầu.
Về phía bên phải chiếu đồng là ban cung văn gồm những người hát các bài văn chầu với các nhạc cụ đệm, như đàn nguyệt, trống, phách, sáo, nhạc xóc, trong đó đàn nguyệt là nhạc khí tiêu biểu cho hát văn chầu và lên đồng. Cũng có khi người hát văn chầu đồng thời là người đệm đàn nguyệt. Ban cung văn có người chủ xướng, thường xuyên tập luyện làm sao có thể ứng tác kịp thời, ăn nhịp với các hành động của ông đồng, Bà đồng. Nếu tốt thì được thưởng hậu, còn sai nhịp sẽ bị phạt. Trong các ban cung văn như vậy thường xuất hiện những người hát văn chầu nổi tiếng, được các Ông đồng, Bà đồng ưa thích, suốt đời gắn bó với ngôi đền. Ngày nay, trong nhiều ban cung văn có sự tham gia của một số nghệ sỹ các đoàn chèo ca nhạc chuyên nghiệp, một phần vì tâm linh, nhưng có lẽ phần nhiều đây là cơ hội tăng thêm thu nhập bù vào đồng lương ít ỏi mà họ nhận được ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Bởi vậy, ngày nay, nhiều ban cung văn không còn giữ được chất giọng hát văn chầu như xưa, mà nhiều nơi hát văn pha chèo, cải lương, thậm chí cả opera nữa!
Sau khi Bà đồng H ngồi vào giữa bốn người hầu dâng thì những người hầu dâng trùm lên đầu bà một tấm khăn màu đỏ, gọi là khăn phủ diện, một nghi thức quan trọng bậc nhất sẽ được lặp đi lặp lại, khi các Thánh giáng đồng hay thăng đồng, biểu tượng cho sự tái sinh của Thần linh trong thân xác của các ông đồng, Bà đồng, dấu hiệu cho sự chuyển động và hành trình của các vị Thánh. Ở đây màu đỏ biểu tượng cho sự sống và tái sinh, còn trong kỹ thuật nhập hồn, thì màu đỏ cùng với các nhân tố khác như âm thanh, nhảy múa, mùi hương hoa… góp phần tạo ra các ảo giác và tụ khí cần thiết cho quá trình nhập hồn.
Mở đầu là các giá giáng đồng của Tam vị Thánh Mẫu. Bà đồng H được hầu dâng trùm khăn phủ diện, hai tay đặt ngửa lên gối, lặng người một lúc rồi bỗng nhiên người khẽ lắc lư, chuyển động theo vòng tròn. Lúc này cung văn xướng nhạc và lại thỉnh Thánh Mẫu:
“Đệ Nhất Tiên Thiên, cung thỉnh mời Đệ Nhất Tiên Thiên.”
Nếu vị Thánh Mẫu nào giáng đồng thì Bà đồng H giơ một, hai hay ba ngón tay trái báo hiệu, cung văn theo đó mà chuyển bài hát văn cho phù hợp. Còn khi vị Thánh thăng (tức ra đi) thì Bà đồng giơ hai tay bắt chéo trước trán để ra hiệu “Thánh xe giá hồi cung”.
Cũng như ở tất cả các cuộc Lên đồng, ba giá Thánh Mẫu (Mẫu Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam) chỉ giáng chứ không nhập đồng, do vậy tấm khăn đỏ vẫn phủ trên đầu Bà đồng H. Người ta gọi việc Thánh giáng mà không nhập là hầu trùm khăn (hầu tráng bóng, hầu tráng mạn) để phân biệt với các vị Thần khác giáng và nhập đồng gọi là hầu mở khăn. Đây là hiện tượng lạ, tôi quay sang hỏi người ngồi cạnh, bà giải thích: “Thánh Mẫu là vị Thánh cao nhất, vì vậy mà không lộ diện để người trần nhìn thấy. Ngài chỉ giáng chứ không nhập đồng”.
Bà đồng H không “sát căn” Đức Thánh Trần, nên Bà chỉ hầu trùm khăn các giá Đức Thánh Trần, Vương Cô Đệ Nhất, Vương Cô Đệ Nhị (con gái Đức Thánh Trần). Nếu ai có căn Phủ Trần Triều thì thường nhập đồng dưới hình thức ngồi bắc ghế với các nghi thức dùng tấm khăn lụa trắng thắt cổ, xiên lềnh mang đậm tính ma thuật để trừ ma tà chữa bệnh. Hay vào dịp giỗ Thánh tháng 8, có nghi lễ xẻ lưỡi lấy máu làm bùa trừ tà chữa cho bệnh nhân cho cả năm, gọi là “cắt dấu mặt”.
Bà đồng H vốn theo dòng đồng bói, thờ Bà Chúa Ngũ Phương và Chúa Nguyệt Hồ, có đền thờ chính ở Bắc Giang, nên lần nào hầu thánh, bà cũng thỉnh mời Chúa Ngũ Phương và Chúa Nguyệt Hồ giáng đồng, mà các giá đồng này ở Hà Nội vốn không hay gặp. Chúa Ngũ Phương mặc toàn đồ xanh, còn Chúa Nguyệt Hồ thuộc Thủy phủ mặc toàn đồ trắng. Bà nói với tôi sau khi lên đồng là, nếu Chúa Nguyệt Hồ giáng đồng thì sau này xem bói sẽ chính xác hơn vì được Chúa mách bảo.
Sau các giá giáng đồng của Thánh Mẫu là các giá nhập đồng của các Thánh hàng Quan. Trong 10 vị Thánh hàng Quan, lần này có 4 vị nhập đồng. Đó là Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị (hay Quan Giám Sát), Quan Tam Phủ và Quan Đệ Ngũ. Các vị Thánh hàng Quan đều thuộc võ quan, nên ăn mặc và điệu bộ rất uy nghi, mạnh mẽ, thường mang theo cờ lệnh, cung, kiếm. Bốn vị quan này thuộc nhiều phủ khác nhau. Quan Đệ Nhất thuộc Thiên Phủ, mặc lễ phục màu đỏ, gốc tích Thiên thần. Sau khi giáng trần hành việc quan thì đi tu, không tiếp xúc với người trần, do vậy sau khi dâng hương Thánh Mẫu thì Quan Đệ Nhất “xe giá hồi cung”.
Quan Đệ Nhị và Quan Đệ Ngũ thuộc Nhạc Phủ, trấn giữ Thượng Ngàn (rừng núi) nên các vị đều mặc lễ phục màu xanh. Khác với Quan Đệ Nhất, hai vị Thánh Quan này tiếp xúc với người trần nhiều, nên sau khi dâng lễ Thánh Mẫu, Quan Đệ Nhị và Đệ Ngũ nhập đồng với điệu múa kiếm và long đao, ngồi thưởng thức lời văn chầu kể.
Đặc biệt, Quan Đệ Nhị giám sát việc sinh tử của người trần:
“Lên sổ hội đồng, một tay Quan biên chép Số mệnh trần gian, sinh tử Quan chép biên
Ai mà hiếu thuận thảo hiền, tu nhân tích đức Quan lớn chép biên cho thọ trường.”
(Văn chầu Quan Đệ Nhị)
Trong hai giá này, Thánh Quan còn phán truyền, nhận lời thỉnh cầu của người trần, ban phát lộc rồi một lúc, “xe giá hồi cung.”
Quan Đệ Tam hay Quan Tam Phủ thuộc Thoải Phủ nên lễ phục màu trắng. Sau khi nhập đồng, Quan Đệ Tam dâng lễ, múa kiếm, nhận rượu và thuốc lá dâng, thưởng thức lời hát văn, phát lộc và “thăng.” Trong các giá Hàng Quan của Bà đồng, Quan Đệ Tứ chỉ giáng đồng trong trạng thái trùm khăn rồi “thăng” ngay, chứ không nhập đồng như các Thánh Quan khác.
Trong các giá hàng Quan, đặc biệt là Quan Lớn Tuần Tranh, đền thờ chính ở Lảnh Giang (Hà Nam), với dáng điệu mạnh mẽ. Vì vậy, đến giá Quan Lớn Tuần Tranh, người trần thường dâng lễ để trừ tà, giải hạn vào dịp đầu năm. Trong nghi lễ giải hạn, người nào gặp năm có sao xấu chiếu mạng phải giải hạn bằng cúng hình nhân thế mạng và các đồ vàng mã khác. Người nào mãi mà không lấy được chồng, được vợ, đi xem do có tiền duyên với người âm, thì phải làm nghi lễ cắt tiền duyên. Người cắt tiền duyên đội lễ lên đầu, Bà đồng hay Ông đồng dùng kéo cắt lễ vật và sơ thành hai, một phần hóa, còn phần kia mang về, gặp dòng sông thì ném xuống, mặt quay đi để người âm không nhận mặt được nữa.
Trong số 12 vị Thánh hàng Chầu (Chúa), Bà đồng H chỉ nhập đồng 5 vị Thánh, đó là Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Chầu Thác Bờ, Chầu Lục, Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Bé Bắc Lệ, còn các vị Chầu Đệ Nhất và Chầu Đệ Tứ thì chỉ giáng chứ không nhập đồng. Căn cứ vào thần tích và các bài văn chầu thì các vị Thánh hàng Chầu đều là nữ thần có nguồn gốc nhân thần, đại diện và giúp việc cho Thánh Mẫu ở bốn phủ. Hơn thế nữa, các vị thần này phần lớn có nguồn gốc người dân tộc thiểu số như Dao (Chầu Đệ Nhất), Nùng (Chầu Lục), Tày (Chầu Mười), Mường (Chầu Thác Bờ), vì vậy, trang phục, âm nhạc, múa trong các giá này ít nhiều mang sắc thái của các dân tộc thiểu số kể trên.
Ở tất cả các giá đồng, sau khi Thánh “thăng” thì những người hầu dâng đều gấp rút chuẩn bị lễ phục cho ông đồng, Bà đồng. Họ cởi lễ phục cũ thay lễ phục mới. Lễ phục hàng Chầu gồm áo, váy, khăn, thắt lưng, đồ trang sức rất đẹp và mang sắc thái trang phục của dân tộc thiểu số. Sau khi dâng lễ, các giá hàng Chầu đều có múa, như múa mồi, múa chèo đò, múa quạt, múa kiếm… Trong đó, múa mồi là điệu múa tiêu biểu. Khi Bà đồng H múa, con nhang đệ tử ngồi dự xung quanh đều chắp tay, ca ngợi Chầu mặc đẹp, múa khéo: “Lạy Chầu, Chầu đẹp quá!” Thấy tôi rất hứng thú với điệu múa mồi, một bà ngồi bên giải thích: “Các Chầu thường ở trên rừng núi, không khí âm u, nên đốt mồi lửa để soi đường, xua tan âm khí.”
Được khen, Chầu tung tiền thưởng cho cung văn và các con nhang đệ tử và quan khách ngồi dự. Lời hát văn trong các giá Chầu cũng rất hay, giàu hình ảnh và được cung văn hát theo điệu Xá thượng, Xá lệch, là những điệu mang sắc thái âm nhạc các dân tộc thiểu số:
“Trên ngàn gió cuốn rung cây
Dưới khe cá lặn chim bay về ngàn
Canh khuya nguyệt lặn sao tàn
Chiếc thoi bản nguyệt khoan khoan chèo vào
Gập ghềnh quán thấp lầu cao
Khi ra núi đỏ, khi vào ngàn xanh
Thượng ngàn Đệ Nhị tới linh.”
(Văn Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn)
Trong các giá đồng hàng Chầu lần này của Bà đồng H, thì các Thánh Chầu Đệ Nhất và Đệ Tứ chỉ giáng chứ không nhập đồng.
Ở các giá hàng Chầu, bị tác động bởi trang phục đẹp, lời hát hay, điệu múa đẹp, các con nhang đệ tử có căn đồng, nhất là căn Chầu, khi ngồi dự thường hay bị “ốp đồng.” Hôm đó, trong không khí nhảy múa rộn ràng, bỗng nhiên có người phụ nữ trạc khoảng 40 tuổi đứng bật dậy, múa theo điệu múa của Chầu Đệ Nhị. Khi Bà đồng H kết thúc giá Chầu thì người bị ốp cũng tức khắc ngồi thụp xuống ôm mặt, tỏ vẻ ngơ ngác như không rõ việc gì đã xảy ra với bản thân mình. Cũng có những trường hợp ốp đồng theo kiểu ngã lăn ra đất bất tỉnh.
Sau các giá hàng Chầu là các giá hàng Ông Hoàng. Theo quan niệm dân gian, Ông Hoàng là các Quan văn võ song toàn. Có tất cả 10 Ông Hoàng, được gọi từ Ông Hoàng Đệ Nhất đến Hoàng Mười, đều là các vị có nguồn gốc nhân thần, có công lao giúp dân và mở mang đất nước. Lần này, chỉ có ba giá Ông Hoàng được nhập đồng. Khi nhập đồng, các Ông Hoàng có phong thái trang trọng, phong nhã, vui tươi và gần gũi với mọi người nên không khí buổi lễ cũng vui vẻ hơn.
Giá Ông Hoàng Bơ (Ba) thuộc Thoải Phủ nên lễ phục của ông màu trắng: áo gấm trắng dài, khăn trắng quấn quanh đầu, cài trâm hoa trắng bên tai, khoác tấm choàng đính cườm màu trắng, đai lưng màu vàng:
“Hoàng Bơ Thoải đường đường dung mạo
Mặt nhường gương tiết tháo oai phong
Thanh xuân một đấng anh hùng
Toàn tài văn võ đầu thông mọi đường
Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi
Bầu rượu tiên, thơ túi xênh xang
Vua ban áo trắng đai vàng
Võ hài chân dậm vai mang đôi hèo
Cưỡi ngựa bạch vai đeo cung tiễn
Tay kiếm vàng trước điện bước ra
Thương dân trên cõi hạ sa.”
(Văn Hoàng Bơ)
Giá Hoàng Bảy (Hoàng Bảy Bảo Hà) thuộc Nhạc Phủ, mặc lễ phục màu xanh, gốc tích là vị quan trấn giữ vùng Lào Cai – Yên Bái:
“Quan Hoàng Bảy trấn miền Bắc địa
Hợp binh hùng dực thủy Thao giang
Quân cơ mưu lược luận bàn
Doanh trung tướng có hai Hoàng vào ra
Quan Hoàng Bảy Bảo Hà chính vị
Cùng tướng công đệ nhị Hoàng Hai
Can qua dâu bể biến dời
Anh hùng xưa đã ra người cõi tiên.”
(Văn Hoàng Bảy)
Các Ông Hoàng đi ngựa nên trên tay luôn cầm đôi hèo, là người chấm lính hay bắt đồng cho Thánh Mẫu, tức chọn người trong số các con nhang đệ tử (tín đồ Đạo Mẫu) ai có căn đồng thì bắt phải ra đồng, trở thành các ông đồng, bà đồng.
Lần này bà đồng H trong giá ông Hoàng đã “bắt lính,” “chấm đồng” cho Thánh Mẫu. Sau khi dâng hương, ông Hoàng Bảy múa hèo, mọi người đều lộ vẻ hồi hộp, căng thẳng. Đột nhiên, ông Hoàng Bảy ném hèo vào một chị là thương nhân bán hàng ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Chị nhận hèo, dắt vào đầu hèo tờ giấy 10 ngàn đồng rồi trả hèo lại cho ông Hoàng Bảy, coi như chấp nhận việc “chấm đồng,” “bắt lính” của Thánh Mẫu. Sau buổi hầu này, chị phải chuẩn bị khăn áo để ra trình đồng. Tôi rất ngạc nhiên về việc Thánh Mẫu bắt lính này, một bà ra vẻ thông thạo giải thích: “Việc ông Hoàng Bảy bắt lính hôm nay chỉ là hình thức thôi, chứ cái chị vừa bị bắt lính đã ốm lên ốm xuống mấy năm, chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác không khỏi, người ta nói là có căn mạng, phải ra đồng mới khỏi, hôm nay đến dự để nhận hèo bắt lính mà thôi.”
Ông Hoàng Mười thuộc Địa Phủ, mặc lễ phục màu vàng, sinh thời vốn là viên quan trấn thủ tại đất Nghệ An, có công lao lớn với dân với nước. Sau khi mất, ông hiển linh và được dân lập đền thờ ở nhiều nơi, nhưng lớn nhất là đền Xuân Am (Hưng Nguyên, Nghệ An) và đền Chợ Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ông nổi danh là ông Hoàng với vóc dáng thanh cao, hào hoa phong nhã, hào phóng, vui vẻ:
“Trời Nam có Đức Hoàng Mười
Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai
Nền trí dũng bậc nhân tài
Văn thao võ lược tỏ trời thông minh
Tiêu dao di dưỡng tâm tình
Thơ tiên một túi Phật kinh trăm tờ
Ải phong nguyện lực từ bi
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”
(Văn chầu Hoàng Mười)
Bản văn Đức Chầu Mười thể hiện tư chất văn thơ sáng láng. Sau khi làm các nghi lễ, bà đồng H ngồi tựa gối thưởng thức văn chầu điệu “Phú cổ” (ngâm thơ cổ), lúc ngài thích chí thường vỗ gối rồi “ha” lên mấy tiếng tỏ vẻ khen ngợi và thưởng tiền cho cung văn. Ông Hoàng Mười bao giờ cũng rộng rãi trong việc phát lộc, như thưởng tiền, hoa quả, bánh kẹo, đồ trang sức cho phụ nữ. Mọi người cung kính nhận lộc từ tay ông Hoàng và cung kính thưa “Lạy Ông.” Trong khi ông phát lộc, thưởng thơ, có khá nhiều con nhang đệ tử đưa lễ lên dâng (tiền, hiện vật dâng cúng) và xin được lời phán truyền hay thỉnh cầu sự che chở của thần thánh. Mỗi khi nhận lễ vật dâng cúng của con nhang đệ tử, ông đều làm nghi thức “khai quang” bằng cách cầm nén hương huơ trên lễ vật, dường như để xua đi cái gì chưa thanh sạch, làm cho lễ vật thanh khiết hơn để dâng Thánh Mẫu. Ông nhận lễ vật dâng và bao giờ cũng “lại lộc” cho chủ nhân kèm theo những lời phán truyền và chúc phúc.
Lần này, có một con nhang mang lễ vật lên dâng ông Hoàng và thỉnh cầu ông phù hộ cho việc học hành và thi cử của con trai mình. Ông nhận lễ và phán truyền rằng con chủ nhân sẽ được toại nguyện trên con đường học hành thi cử. Khi ông Hoàng ra hiệu “xe giá hồi cung,” các hầu dâng tung khăn phủ diện lên đầu bà đồng H trước sự nuối tiếc về giá đồng vừa đẹp vừa vui vẻ, nhộn nhịp.
Tiếp sau giá các ông Hoàng là giá các Cô, gồm 12 cô gọi tên từ Cô Cả (Cô Đệ Nhất) tới Cô Bé (Cô thứ 12), nhưng lần hầu này của bà đồng H chỉ có 6 cô giáng và nhập đồng, đó là Cô Đôi (Cô Đệ Nhị), Cô Bơ (Cô Đệ Tam), Cô Sáu (Cô Đệ Lục), Cô Chín, Cô Bé Bắc Lệ và Cô Bé Đông Cuông. Các Thánh Cô đều còn ở tuổi trẻ, trong trắng, ngây thơ, chưa lấy chồng, do vậy giá các Cô thường nhộn nhịp, vui vẻ, áo lễ nhiều màu sắc, múa hát tưng bừng.
Cũng như giá Chầu, nhiều cô có nguồn gốc từ dân tộc thiểu số, nên lễ phục cũng mang màu sắc dân tộc, khăn, áo, váy đều may bằng vải thổ cẩm. Vào giá các Cô, người hầu dâng luôn tay sửa soạn trang phục. Nếu ở các giá Quan, ông Hoàng người hầu dâng áo lễ gì thì bà đồng H mặc nấy, còn ở giá Chầu và đặc biệt giá Cô thì bà đồng còn ngắm nghía lựa chọn, bỏ cái này, đòi cái khác, có lúc tỏ vẻ dỗi hờn, nhõng nhẽo, nhiều lúc khiến cho hầu dâng lúng túng. Âu đó cũng là phong cách của các cô gái trẻ!
Trong các giá đồng Cô, sau phần nghi lễ nhanh gọn, sơ sài, là các hoạt động múa hát. Các bài văn chầu kể sự tích các Thánh Cô thì ít, còn ca ngợi vẻ đẹp của Thánh Cô thì nhiều:
“Đồi xanh bướm lượn hoa cười
Rừng xanh cô lượn xuống cợt người hành hương
Quạt là áo lượt hoa xảo xinh tươi
Đồi sơn đàng sáng tỏa lưng trời
Nhác trông lên sáng tựa hào quang
Thắt lưng đai lược dắt hoa cài
Sơn đăng cô sáng tỏa gần xa”
(Văn chầu Cô Đôi)
Hay ngợi ca phép thuật chiếc quạt của Cô Chín:
“Cô Chín quạt cho gió lộng sơn hà
Quạt cho nam nữ trẻ già đều vui
Cô Chín quạt cho hoa nở núi đồi
Quạt cho mát rượi lòng người nhân gian”
(Văn chầu Cô Chín)
Các giá Cô đều có múa, như múa quạt, múa chèo đò, múa thêu hoa, múa mồi, múa khăn, múa gùi, múa gánh, múa lắc chuông… Khác với các điệu múa của các Then của người Tày, hay múa của các thầy Shaman mang tính mạnh mẽ, ma thuật, thì múa của các Thánh Cô nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc nhộn nhịp vui tươi khiến mọi người tham dự vỗ tay làm nhịp, hết lời ca ngợi: “Lạy Cô, Cô múa đẹp quá!” “Lạy Cô, Cô múa dẻo quá!” Với điệu múa gánh hoa, cô vừa gánh hai lẵng hoa duyên dáng, đi khắp lượt quan khách và khi nghe con nhang hô lên: “Lạy Cô, Cô mua đi” thế là cô tung tiền, hoa quả cho mọi người, còn mọi người thì cố tranh lấy phần lộc mà cô vừa ban ra, cả buổi lễ tưng bừng, náo nhiệt như một buổi sinh hoạt văn hóa, tính chất nghi lễ gần như bị xóa mờ!
Các Thánh Cô, đặc biệt là Cô Chín, có biệt tài trị bệnh cứu người, nên tới giá Cô, các con nhang đệ tử thường dâng lễ thỉnh cầu cô chữa bệnh. Hôm nay, tới giá Cô Chín có hai người, một nam một nữ, thỉnh cầu cô chữa bệnh. Bà đồng H cầm chén nước đặt lên đĩa, rồi rút ba nén hương đang cháy trước ban thờ, miệng vừa niệm tay vừa thả tàn nhang vào chén nước, ngậm hương vào mồm và phả vào chén nước ba lần. Lúc đó cung văn nổi lên nhạc ca ngợi tài chữa bệnh của Cô:
“Sáng linh chỉ thiên thiên thanh
Sáng linh cô Chín định dành thuốc tiên”
Thánh Cô đưa chén nước cho người bệnh uống, dặn dò rằng về nhà ăn chay nằm đất và hứa trong vòng ba tháng bệnh sẽ thuyên giảm. Nhận chén nước thánh từ tay Cô, người bệnh kính cẩn lạy tạ và nhận lộc của Cô ban, là những đồng tiền lẻ đã được cô làm phép.
Lễ hội Phủ Dầy
Tháng ba, vào cuối tiết xuân, những người nông dân đang buổi nông nhàn, rủ nhau mở mùa trẩy hội. Từ muôn nơi người ta đổ về Phủ Dầy, nơi có phong cảnh non nước tươi đẹp, công trình đền miếu nguy nga, nơi con người có thể cầu mong Mẫu mang lại cho mình những điều tốt lành, may mắn, tài lộc. Trong mười ngày hội Phủ, người về dự tính tới hàng vạn. Đứng trên non Gôi nhìn xuống, dòng người trẩy hội y phục rực rỡ từ muôn ngả đổ về tựa như những mình rồng muôn màu sắc đang uốn, trườn trên những cánh đồng lúa xanh đang thì con gái.
Xưa kia hội Phủ kéo dài mười ngày, ngày bắt đầu là 30 tháng hai âm lịch. Ngày mở hội bao giờ cũng là nghi thức cúng tế, ngày cuối hội thì rước Thánh Mẫu, suốt trong mười ngày đều diễn ra nhiều trò vui chơi dân dã. Ngày 30 tháng hai và mồng một tháng ba là hai ngày dành cho dân làng tế kỳ, từ ngày mồng ba trở đi là ngày quốc tế, ngày tế của các quan chức hành chính hàng tỉnh, hàng huyện. Xưa, quan tổng đốc hàng tỉnh vào làm chủ tế, rồi đến quan tri huyện cùng với chánh, phó tổng cũng vào chủ tế hàng huyện và hàng tổng. Nghi thức tế lễ cũng giống như trong nhiều lễ hội khác, có các tuần dâng hương, dâng hoa, dâng rượu…
Tiêu biểu nhất trong hội Phủ Dầy là nghi lễ rước Thánh Mẫu từ Phủ Chính lên chùa Gôi vào ngày mồng sáu và hội kéo chữ vào ngày mồng bảy. Kiệu rước bát nhang Thánh Mẫu phần lớn do các bà các cô đảm nhận, y phục rực rỡ, xúm xít dưới kiệu vàng, võng điều, cờ quạt, tán, lọng, phướn… đủ màu sắc lồng lộng bay trong gió tiết cuối xuân, đầu hè. Theo đoàn rước còn có đội nhã nhạc, bát âm. Các cô gái đồng trinh của đồng quê được cử vào khiêng long đình, võng, kiệu, che tàn, che quạt. Các bà trung niên thì cầm phướn, vác cờ, dẹp đường. Đoàn rước tiến bước giữa tiếng loa thét, rừng cờ phướn tung bay, trong đoàn thiện nam tín nữ đi trẩy hội.
Nghi thức rước Thánh Mẫu giữa phủ thờ và chùa không phải chỉ diễn ra ở Phủ Dầy, nó phản ánh thực tế có sự giao kết giữa tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian và Phật giáo. Trong huyền thoại về Chúa Liễu, trận Sùng Sơn thể hiện sự xung đột giữa Chúa Liễu và triều đình phong kiến, sau đó phải cần có sự cứu giúp và can thiệp của đức Phật. Tương truyền, Chúa Liễu sau đó đã nhận mũ áo nhà Phật, noi theo Phật, chỉ làm việc ban phát ân đức. Hiện nay, trong nhiều ngôi chùa thờ Phật ở Việt Nam đều có điện thờ Mẫu, theo kiểu “tiền Phật hậu Mẫu”. Sinh hoạt tín ngưỡng Mẫu trở thành một bộ phận sinh hoạt nhà chùa.
Ngày bảy tháng ba là ngày hội kéo chữ, nét độc đáo nhất của hội Phủ Dầy. Theo lời kể của nhân dân địa phương thì sự tích hội kéo chữ như sau: Thời Hậu Lê, ở thôn Đông Khê, tổng Đồng Nội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có một kỹ nữ tài sắc tuyệt vời, đó là Phùng Thị Ngọc Đài. Ngọc Đài lấy lẽ ông Quận Công Ngà, rồi đến lấy lẽ ông Quận Công Hiển, sau đó về ở xã Bảo Ngũ, huyện Vụ Bản – là nguyên quán của ông Quận Công Hiển. Năm 1623, vua Lê Thần Tông phong chức Thần Đông vương cho chúa Trịnh Tráng, chúa ra lệnh mở tiệc ăn mừng, cho tuyển nhiều ả đào đẹp ở các địa phương tiến dẫn về Thăng Long để múa hát mua vui trong bữa tiệc.
Ngọc Đài tuy đã góa chồng, nhưng nhan sắc xinh đẹp, kiều diễm, nên lần đó nàng cũng xin đi ứng tuyển. Trước khi lên đường nàng đến Phủ Dầy quỳ trước bàn thờ Thánh Mẫu cầu khẩn: “Nếu lần này đi mà được vua yêu, chúa dùng thì không bao giờ quên ơn Mẫu, xin hứa làm cái gì để ghi nhớ Mẫu mãi mãi về sau”. Quả nhiên lời cầu xin của Ngọc Đài được ứng nghiệm. Trong bữa tiệc, có rất nhiều mỹ ca kỹ tài sắc, nhưng chúa Trịnh Tráng chỉ say đắm một mình Ngọc Đài. Nàng được vời vào dinh, được chúa sủng ái và phong cho chức Vương Phi.
Thời kỳ Ngọc Đài làm Vương Phi trong phủ chúa thì cũng là lúc cuộc xung đột Trịnh – Nguyễn nổ ra dữ dội hơn, chúa Trịnh ra lệnh bắt phu về Thăng Long xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố phòng chúa Nguyễn tấn công.
Trong số phu bắt về Thăng Long có những người quê ở Vụ Bản. Biết tin này, bà Vương Phi Ngọc Đài liền tìm cách cứu giúp, đã mật báo cho dân phu khi về tới Kinh chỉ mặc áo rách và ăn cháo cám. Một hôm chúa và Vương Phi cùng đi thị sát, chúa thấy một đám phu ngồi ăn cháo cám. Chúa hỏi mới biết đó là những dân phu quê ở Vụ Bản. Nhân lúc đó Vương Phi tỏ ra buồn rầu, cảm động khiến chúa Trịnh phải vặn hỏi. Khi biết đó là những người cùng quê với Vương Phi, chúa Trịnh tức khắc ra lệnh miễn phu cho họ, cấp lương thực, quần áo cho về quê quán làm ăn sinh sống. Hơn thế nữa chúa Trịnh còn cấp lương thực, vải vóc, cho toàn bộ dân làng Bảo Ngũ – làng Vương Phi đã ở trước khi vào cung. Ghi nhớ công đức đó, nay dân làng thờ Vương Phi là Thành Hoàng làng.
Sau khi nhận được gia ân của chúa Trịnh, Vương Phi muốn làm điều gì đó để lại tỏ lòng ghi nhớ ơn phù trợ của Thánh Mẫu, nên dặn dân làng Phủ Dầy là cứ sau ngày rước Mẫu từ Phủ Chính lên chùa Gôi, thì dân làng đem xẻng, cuốc, mai, thuổng đến trước Phủ Dầy vứt ngổn ngang xuống đất, tỏ ý nhờ linh ứng của Thánh nên dân làng không phải cảnh phu phen nhọc nhằn, rồi xếp người thành hai chữ “Cung tạ”.
Từ đó về sau, năm nào cũng có tục kéo chữ. Trước kia, hàng năm cứ tới ngày này, mỗi tổng trong huyện Vụ Bản góp 10 người tuổi từ 20 đến 35 về Hội làm phu cờ. Cả huyện có mười tổng, gộp thành 100 phu cờ. Ngoài ra, còn có một số tổng khác, như Mỹ Lộc, Bình Lục vẫn nhớ tục cũ, cũng góp thêm người vào cuộc hội này.
Phu cờ mặc đồng phục: áo cánh vàng, quần trắng, đầu đội khăn đen có phủ dải lụa vàng ra ngoài, chân đi đất. Mỗi người còn vác một cây gậy dài bốn, năm thước, trên đầu gậy buộc một cái ngù bằng lông gà, các đốt gậy đều dán vòng giấy màu xanh đỏ, có tua. Chỉ huy toàn bộ phu cờ là Tổng cờ.
Đoàn phu cờ hẹn tập trung tại một địa điểm nào đó, rồi lần lượt theo sự chỉ huy của Tổng cờ đi hàng đôi tiến vào khoảng đất rộng trước Phương Du của Phủ Chính. Khoảng trưa, có lệnh Tổng cờ cho phu cờ chuẩn bị đến giờ xếp chữ (ngả chủ). Giữa tiếng trống cái, trống con gõ liên hồi, rộn rã, theo cả lệnh trong tay Tổng cờ, các phu cờ tiến, lùi, đứng lên, ngồi xuống thành hình chữ. Khi ngồi xuống các phu cờ vứt gậy xuống đất như mô phỏng lại tục vứt cuốc, xẻng xưa của dân phu trước đền Thánh Mẫu. Việc xếp chữ gì là do những người tổ chức hội làng năm ấy quy định, nhưng thường là “Mẫu Nghi Thiên Hạ” hoặc “Cung Tạ”, có khi là tên xã, tên làng, năm hội, hoặc tên người chức dịch chủ tế năm ấy.
Người đi xem thường tiện dịp mua sắm thêm vài thứ vật dụng trong ngày hội. Xem thế, hội không chỉ là sự thể hiện đời sống tâm linh, thưởng thức sinh hoạt văn hóa, mà còn thúc đẩy hoạt động kinh tế, thương mại.
Các mặt hàng bày bán thật đa dạng, phong phú, từ những vật dụng lặt vặt như cái kim, sợi chỉ, chiếc cần câu, đến các công cụ kiếm sống như lưới, vỏ, dậm, nơm đánh bắt cá. Các loại giường, tủ, bàn, ghế, sản phẩm của làng mộc La Xuyên kề cạnh, không năm nào vắng mặt. Cũng có cả các loại phục vụ cho đời sống thông thường như giày, dép, đồ đan, áo tơi… Các mặt hàng sơn mài của Phủ Dầy vốn có tiếng từ lâu, các loại gỗ khảm trai, các bức hoành phi, câu đối… được bày bán trong hội Phủ Dầy với chất lượng và kỹ xảo không kém gì trong các cuộc hội chợ triển lãm.
Nói tới đi hội không thể không nói tới thưởng thức các món ăn, nhất là các món đặc sản địa phương, mà ở Phủ Dầy nổi tiếng là món thịt bò tái, tương gừng rất hợp vị với tiết trời tháng ba.
Vui hội như vậy, nên người nào đã trẩy hội Phủ Dầy một lần là còn muốn đến nữa.
Còn trời còn nước còn non Mồng năm rước Mẫu ta còn đi xem Ai về nhắn chị cùng em Bảo nhau dắt díu đi xem hội này…
Lễ hội Phủ Dầy sau nhiều năm bị gián đoạn không mở hội, do hoàn cảnh chiến tranh, do nhận thức cho đây là mê tín dị đoan, từ năm 1994, được phép mở lại. Sau hơn 10 năm mở lại lễ hội Phủ Dầy, đã có nhiều thay đổi của cả cán bộ và nhân dân về nhận thức và thực hành nghi lễ, lễ hội.
Trước nhất là về nhận thức
Mười năm qua, có khá nhiều công trình nghiên cứu về hiện tượng Đạo Mẫu nói chung và tín ngưỡng, di tích và lễ hội Phủ Dầy nói riêng, trong đó đặc biệt phải kể tới hai cuộc hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Mở đầu, năm 1991, tại Văn Miếu quốc tử giám, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Viện Văn học và Hội văn nghệ dân gian phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia về Thánh Mẫu Liễu Hạnh và lễ hội Phủ Dầy. Sau đó đúng một thập kỷ, năm 2001, Trung tâm KHXH&NV Quốc gia đã phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Đạo Mẫu và Lễ hội Phủ Dầy với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế thuộc hơn mười nước khác nhau. Kết quả của hàng loạt các hoạt động khoa học và thực tiễn của giới nghiên cứu và quản lý ở cả trung ương và địa phương đã đi đến một số nhận thức mới sau:
a) Trước nhất, chúng ta đã có sự nhận thức rõ hơn về mối quan hệ giữa di tích, tín ngưỡng và lễ hội Phủ Dầy. Di tích và lễ hội Phủ Dầy là sự thống nhất biện chứng giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, tựa như giữa thân xác và linh hồn, cái này là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của cái kia. Phục hồi và hoàn thiện hệ thống lễ hội không thể tách rời việc trùng tu, tôn tạo di tích và ngược lại. Trước thập kỷ 90, không ít người cho rằng Phủ Dầy được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia chỉ là về di tích mà thôi, chứ tín ngưỡng thờ Mẫu và đặc biệt là vị thần chủ Thánh mẫu Liễu Hạnh là không được thừa nhận. Nay, sau 10 năm không biết còn ai băn khoăn như vậy nữa không? Di tích, tín ngưỡng và lễ hội Phủ Dầy là một sự thống nhất hữu cơ, là di sản văn hóa tiêu biểu không chỉ của Nam Định mà còn của cả nước. Đó là điều đã được khẳng định cả trên phương diện nhận thức và thực tiễn.
b) Từ thập kỷ 90 tới nay, chúng ta đã có bước tiến khá dài trong việc nhận thức về Đạo Mẫu nói chung và Mẫu tam phủ, tứ phủ nói riêng. Đạo Mẫu là một hệ thống các tín ngưỡng dựa trên nền tảng thờ nữ thần, rồi trên cơ sở đó tiếp thu những giao lưu ảnh hưởng từ bên ngoài để hình thành các lớp thờ Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đạo Mẫu lấy biểu tượng của người Mẹ (Mẫu) với thiên năng sinh sản, nuôi dưỡng và bảo trợ, nó phản ánh trên bình diện tín ngưỡng, tâm linh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu và quan hệ xã hội. Đạo Mẫu sản sinh và tích hợp vào nó những giá trị văn hóa, giá trị đạo đức, nó sớm được lịch sử hóa và trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
“Thường là có hai mô hình chính: 1) Cộng đồng dân cư (thôn hay xã) đứng ra quản lý di tích và hoạt động lễ hội, đó là trường hợp của đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) và 2) Tư nhân đứng ra quản lý và điều hành dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, có trách nhiệm đóng góp cho công quỹ địa phương và các công việc phúc lợi khác, như trường hợp Phủ Dầy. Theo tôi, mỗi mô hình đều có mặt mạnh và mặt yếu, và hơn thế nữa nó còn phụ thuộc vào thực tế ở mỗi địa phương. Chúng ta nên đa dạng hóa các hình thức, mô hình quản lý, tổ chức lễ hội dân gian, miễn sao, thông qua các cơ quan chức năng của mình, nhà nước định hướng, giám sát để di tích và hoạt động lễ hội đi đúng hướng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của địa phương, nhân dân thực sự là người làm chủ, được thể hiện những truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình thông qua các sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng này và tất nhiên, nhân dân được hưởng những lợi ích vật chất một cách hợp lý mà di tích và lễ hội mang lại. c) Lễ hội Phủ Dầy sau nhiều năm vắng bóng, từ 1994 đến nay đã được mở lại. Đó là bước đột phá cả về nhận thức lẫn hành động của chính quyền địa phương, của nhân dân và của cả các nhà khoa học và hoạt động văn hóa nữa. Cái gì làm lại bao giờ cũng có sự chuệch choạc, lúng túng, có cái tốt và cái chưa tốt, do vậy mới có sự nhìn nhận lại sau 10 năm phục hồi lễ hội Phủ Dầy. Thực ra, lễ hội Phủ Dầy là một hệ thống các nghi lễ và lễ hội kéo dài gần hết ba tháng xuân, mà tập trung nhất từ ngày mồng một đến mồng chín tháng ba âm lịch, mở đầu bằng phong tục Chợ Viềng hội Phủ vào đầu tháng giêng và kết thúc vào những ngày đầu tháng ba với nghi thức rước Mẫu lên chùa và mở hội Hoa trượng. Về phương diện thời gian, hội Phủ Dầy có nét giống với hội Chùa Hương, một trong những lễ hội mùa xuân điển hình của người Việt. Đấy là chưa kể, còn hơn cả Chùa Hương, Phủ Dầy là nơi người hành hương từ muôn nơi để về trong suốt cả năm. Như trên đã nói, nét độc đáo của hội Phủ Dầy là kết hợp giữa hội chợ với hội Phủ – chợ Viềng hội Phủ, năm duy nhất chỉ có một lần mà theo phong tục là dịp con người mua may bán rủi. Chắc còn có nguyên nhân sâu xa nữa về sự gắn bó từ xa xưa giữa Đạo Mẫu với vai trò của người phụ nữ trong buôn bán chợ quê. Mấy năm qua chúng ta đã khôi phục tốt nét độc đáo này của hội Phủ Dầy, biến Chợ Viềng – Hội Phủ thành nơi hành hương kết hợp với việc trưng bày và trao đổi các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp của địa phương. Nói đến lễ hội Phủ Dầy là nói tới đám rước Mẫu lên chùa Gôi thỉnh Phật Bà Quan Âm vào ngày 6 tháng giêng. Phong tục này nói lên nhiều điều về mối quan hệ giữa Đạo Mẫu và Phật giáo dân gian, khiến cho ngày nay, trong Mẫu có Phật và trong Phật có Mẫu. Tôi không rõ xưa kia cha ông ta làm như thế nào, nhưng tham dự mấy đám rước trong những năm qua thì nghi lễ rước của hội Phủ Dầy thật hoành tráng, uy nghiêm, khiến cho nó trở thành tâm điểm của hội Phủ Dầy, thu hút hàng vạn khách thập phương. Quả thực, trong lễ hội nước ta, tôi chưa từng dự đám rước nào gây ấn tượng mạnh mẽ như vậy, các bạn quốc tế dự Hội thảo khoa học về Đạo Mẫu và lễ hội Phủ Dầy đều hết lời ca ngợi và khâm phục. Nghi thức Hoa trượng – xếp chữ có ở nhiều nơi, tuy nhiên không có ở đâu mỹ tục này lại quy mô, hoành tráng và mang tính nghệ thuật cao như ở hội Phủ Dầy. Đặc biệt, nghi thức này lại được gắn với sự tích Vương phi của Chúa Trịnh là Trịnh Thị Ngọc Đài, người gốc Phủ Dầy, vì có công lớn với dân làng nên được thờ làm thành hoàng làng Bảo Ngũ. Mấy năm qua, mỹ tục này đã được khôi phục khá thành công, góp phần không nhỏ vào việc tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của Hội Phủ Dầy, khiến bạn bè quốc tế đánh giá cao trình độ dân trí của nông thôn Việt Nam, mà trước đó họ cứ tưởng đó chỉ là nơi sinh sống của những người mù chữ vô học. Trong nghi lễ và lễ hội Phủ Dầy, chúng ta không thể không kể tới nghi lễ Lên đồng. Như trên đã nói, nghi lễ nhập hồn này là một hình thức của shaman giáo, phổ biến ở hầu khắp các tộc người trên thế giới, ở nước ta, sau một thời gian dài bị cấm nay đã và đang hoạt động trở lại, ở cả thành thị và nông thôn, trong đó sôi động hơn cả là ở đô thị, ở các đền, điện, phủ thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ. Phủ Dầy cũng không nằm ngoài thực tế đó. Tình trạng hiện nay là, trong các văn bản cũ của nhà nước không cho phép Lên đồng vì coi nó là hành động mê tín dị đoan, nhưng nếu làm thì hầu hết các nơi đều không ngăn cản và nghiễm nhiên nó diễn ra một cách công khai trước sự tò mò, thích thú của mọi người. Như nhiều lần chúng tôi đã phân tích, hát văn-hầu đồng là sinh hoạt tín ngưỡng-văn hóa của đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ của một lớp người có những lệch chuẩn nào đó về tâm sinh lý, mà thông qua nghi lễ hầu đồng giúp họ khắc phục những khiếm khuyết về sức khỏe và cân bằng hơn về tâm lý, khiến họ có niềm tin và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Nếu không có những lợi dụng nào đó về tư lợi hay các mục đích cá nhân khác, chúng tôi thấy đây là những sinh hoạt tín ngưỡng bình thường, nằm ngoài phạm trù mê tín dị đoan mà Nhà nước ngăn cấm. Lâu nay người ta đã bàn nhiều tới việc dùng hương, vàng mã tràn lan trong nghi lễ và lễ hội, khiến xã hội khá bức xúc và không ít lần lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước hết hương hoa và vàng mã là một trong những phương tiện mà theo quan niệm cổ truyền, nó giúp con người thông quan với trời đất, thần linh để trời đất, thần linh thấu rõ những lời cầu xin của họ, giúp họ giải thoát khỏi các oan nghiệt, rủi ro trong đời sống trần tục. Ở một khía cạnh nào đó, vàng mã còn là một sản phẩm văn hóa-nghệ thuật, thể hiện tài năng, sự khéo léo của con người, nó trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh lại vừa tạo ra công ăn việc làm nuôi sống, thậm chí làm giàu cho khá nhiều làng, nhiều gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, so với xã hội trước kia, ngày nay, không rõ vì lý do gì, con người đã lạm dụng hương hoa, vàng mã một cách quá mức, khiến nó từ một sản phẩm tín ngưỡng, văn hóa thành thứ phi văn hóa, ảnh hưởng tới sức khoẻ, môi trường và tiêu tốn nhiều tiền bạc một cách không cần thiết. Có lẽ chúng ta không thể và không nên cấm đoán hương hoa, vàng mã, mà chỉ nên hạn chế việc sử dụng nó ở mức độ cho phép. Đó là việc của những người quản lý các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Trong thực tế, chúng tôi thấy ở nhiều nơi đã làm khá tốt việc hạn chế này. Với các di tích ở Phủ Dầy, những người đang quản lý các đền phủ cũng cần nghiêm khắc hơn trong việc hạn chế sử dụng hương hoa, vàng mã. Nhìn trên những nét tổng quan, theo ý kiến của chúng tôi, sau 10 năm khôi phục lễ hội Phủ Dầy, tuy còn không ít những hạn chế trong khâu tổ chức, quản lý các di tích và lễ hội, nhưng về cơ bản chúng ta đã khôi phục lại được một quần thể di tích và lễ hội với quy mô lớn, hoành tráng với nhiều sắc thái văn hóa độc đáo và lành mạnh, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.”