Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong bối cảnh đời sống tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII
Thần linh chỉ trở thành linh thiêng và được con người tín thờ, ngưỡng vọng, khi thần linh đó nảy sinh từ ngay chính nhu cầu và nguyện vọng thiết thân của con người, trong một hoàn cảnh xã hội nhất định của con người. Đừng đi tìm sự xác thực lịch sử ở các hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng vì ở đó chỉ có sự xác tín. Mà với con người, nhiều khi sự xác tín còn cao hơn và quan trọng hơn cả sự xác thực!
Xã hội Việt Nam từ sau thế kỷ XVII bước vào thời kỳ khủng hoảng, một sự khủng hoảng không phải là dấu hiệu đi xuống của chế độ phong kiến Việt Nam như một số sử gia đã nhận định, mà là sự khủng hoảng của một thực thể xã hội đang đà phát triển. Trước nhất, đó là cuộc tranh giành Lê – Mạc, rồi sau đó là hình thái Vua Lê – Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và hình thái chia cắt Trịnh – Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Cuộc chiến tranh nội bộ giữa Lê – Mạc và sau đó là Trịnh – Nguyễn, một mặt đẩy đời sống nhân dân vào vòng loạn lạc, phiêu tán, nhưng khách quan lịch sử lại tạo cơ hội cho việc Chúa Nguyễn củng cố thế lực ở Đàng Trong, vươn dần vào mảnh đất phương Nam, mở rộng bờ cõi để sau này tạo cơ hội cho nhà Tây Sơn – Nguyễn thống nhất đất nước thành quốc gia Đại Việt lớn rộng hơn bao giờ hết. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động của quốc gia Đại Việt, nhiều bi kịch nhưng cũng thật hào hùng! Chúng ta thử hình dung, cương vực Đại Việt không vươn vào đến tận phía Nam, mà chỉ dừng ở đèo Ngang, thì thử hỏi liệu bây giờ nước Việt Nam có còn tồn tại trước thế lực và sự đồng hóa của phong kiến phương Bắc hay không?
Trước những biến động lịch sử và xã hội như vậy, thường tâm trạng người dân là bất định, muốn tìm sự an toàn trong đời sống tâm linh. Hơn thế nữa, từ thế kỷ XV, với cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh do Lê Lợi lãnh đạo thắng lợi, thiết lập nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng. Khác với thời Lý, Trần, Tam giáo (Phật, Đạo, Nho), trong đó Phật giáo có vị trí vượt trội hơn, khiến sau này một số nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo đóng vai trò quốc giáo.
Từ sau thế kỷ XV, một khi Nho giáo trở thành hệ ý thức độc tôn thì Phật giáo và Đạo giáo có xu hướng dân gian hóa, từ bỏ đời sống cung đình, đi vào đời sống dân dã ở nông thôn. Đây là dịp các đình, đền, chùa mọc lên ngày một nhiều ở nông thôn, nhất là từ thời Nhà Mạc trở đi. Phật giáo khi đi vào đời sống dân gian, nó xa rời dần các kinh sách với các triết lý cao xa, để dần trở thành một thứ đạo lý ứng xử xã hội. Vai trò của Phật Bà Quan Âm với chức năng cứu khổ cứu nạn cho dân chúng trở nên gần gũi khiến cho Phật giáo dân gian nước ta trở thành Phật giáo Quan Âm. Rồi các xu hướng thâm nhập giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian, làm cho Phật giáo cũng biến dạng, tạo nên những sắc thái khác nhau. Cuộc Sòng Sơn đại chiến giữa Liễu Hạnh với đoàn Nội đạo là cơ hội để Phật Bà Quan Âm ra tay cứu giúp khiến Liễu Hạnh quy y, đã mở ra con đường thâm nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Chính trong bối cảnh đó đã hình thành sự thâm nhập giữa Phật giáo với Đạo Mẫu dân gian, tạo nên một mô thức thờ cúng “tiền Phật hậu Thánh” hay “tiền Phật hậu Mẫu” trong các ngôi chùa ở Bắc Bộ cho tới nay.
Đạo giáo Trung Hoa với các dòng thờ tiên và dòng phù thủy cũng thâm nhập và phát triển mạnh ở Việt Nam. Thực ra, Đạo giáo Trung Hoa thâm nhập vào nước ta từ lâu, ngay từ đầu thời Bắc thuộc. Đến thời phong kiến tự chủ, các tư tưởng của Đạo giáo đã có những ảnh hưởng nhất định đến các tầng lớp vua quan, quý tộc ở cung đình, thậm chí tư tưởng Tam giáo (Phật, Đạo, Nho) cũng đã được đưa vào các đề thi ở cung đình. Nhiều vương công, quý tộc thời Trần cũng đã từng là đạo sĩ. Tuy nhiên, phải sau thế kỷ XV, khi mà Nho giáo độc tôn thì Đạo giáo và Phật giáo mới thâm nhập sâu vào đời sống dân dã ở nông thôn. Đạo giáo với các dòng thờ Tiên và dòng Phù Thủy mới phát triển mạnh ở nông thôn, kết hợp với các tín ngưỡng dân gian hình thành các kiểu Đạo giáo dân gian, mà sau này các nhà nghiên cứu gọi đó là Nội đạo, như thờ Đức Thánh Trần, thờ Mẫu, thờ Tam Thánh của Trần Đoàn. Chính trong bối cảnh như vậy, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa đã kết hợp với ảnh hưởng của Đạo giáo để hình thành nên đạo Tam phủ, Tứ phủ mà Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một thần chủ
Những ảnh hưởng của Đạo giáo đối với việc hình thành đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ từ thế kỷ XVI-XVII chủ yếu trên mấy phương diện.
Thứ nhất là về quan niệm vũ trụ luận, phân chia thế giới thành ba (Thiên, Địa, Thủy) hay bốn (Thiên, Địa, Thủy, Thượng ngàn) và sự cai quản của các Thánh Mẫu đại diện. Ở đây, người ta đã đồng nhất vũ trụ với nữ tính, một sản phẩm của tư duy theo nguyên lý Mẹ (chữ của Trần Quốc Vượng) của người Việt truyền thống. Trong Đạo giáo Trung Hoa có quan niệm Tam Quan (Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan), nhưng đại diện các quan ở đây là nam thần. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, nó trở thành nữ thần, với tư cách là các vị thần cai quản các miền khác nhau của vũ trụ. Còn quan niệm về phủ Thượng Ngàn, là phủ thứ tư trong Tứ phủ, cai quản việc sinh tử, thì có thể là sự lắp ghép sau của quan niệm Trung Hoa.
Trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ cũng có sự gán ghép từ điện thần của Đạo giáo Trung Hoa, đó là Ngọc Hoàng với tư cách là Vua cha của Liễu Hạnh công chúa. Rồi, như đã nói ở trên, chính sự quy y của Liễu Hạnh đã mở đường cho Phật Bà Quan Âm thâm nhập vào điện thần Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và chiếm vị trí cao nhất. Tuy nhiên, xét cho cùng, những ảnh hưởng như vậy vẫn là hình thức, còn thực chất vị thần chủ đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ vẫn là các vị Thánh Mẫu, trong đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn ngồi ở vị trí trung tâm.
Cũng đã có tác giả đề cập tới nguồn gốc thần biển của người Chăm đã tham gia vào quá trình tạo dựng nên hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những giao lưu văn hóa Việt – Chăm, tuy nhiên, có lẽ đây là hiện tượng tương đồng văn hóa, nhất là văn hóa thờ nữ thần, hơn là do nó bắt nguồn từ người Chăm hay các dân tộc khác.
Chúng ta cũng không thể phủ nhận những ảnh hưởng của văn hóa Kitô giáo với hình tượng Đức Mẹ Maria đã ảnh hưởng vào nước ta bắt đầu từ thế kỷ XVI, nhất là ở các vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ. Cùng là tôn thờ Mẹ (Thánh Mẫu/Đức Mẹ), hai hình thức tôn giáo này vừa giao thoa vừa tranh giành ảnh hưởng, một bên là yếu tố bản địa, một bên là yếu tố ngoại lai, ít nhiều cũng đã tạo nên sự kích thích cho sự phát triển mạnh của đạo Mẫu vào thế kỷ XVII-XVIII.
Nói tóm lại, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần đã có từ lâu và chiếm vị trí quan trọng trong điện thần của các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, đó là một thứ tín ngưỡng dân gian còn phân tán, rời rạc trong phạm vi cộng đồng thôn làng. Chỉ sau khi xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh thế kỷ XVII-XVIII thì Đạo Mẫu mới được ấn khuôn, định hình, cấu trúc lại thành hệ thống với các quan niệm về vũ trụ luận và nhân sinh. Chính Liễu Hạnh chứ không phải ai khác đã vừa nâng tục thờ Nữ thần nguyên thủy lên tầm của một tôn giáo dân gian, vừa kéo nó gần lại với đời sống nhân sinh của con người: Sức khỏe, Tài, Lộc, một ước vọng vĩnh hằng của con người ở mọi thời đại. Điều đó giải thích vì sao đạo Mẫu phổ cập một cách rộng rãi, ở mọi tầng lớp nhân dân, có sức sống tiềm ẩn và cập nhật với mọi sự thay đổi của xã hội, kể cả xã hội hiện đại.