THÁNH MẪU LIỄU HẠNH – THẦN CHỦ CỦA ĐẠO MẪU TAM PHỦ, TỨ PHỦ
- Kho tàng huyền thoại, thần tích về Liễu Hạnh
Có lẽ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Nữ thần – Thánh Mẫu được dân gian truyền tụng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết nhất và cũng là vị thần linh được các nhà văn thơ Nho học, nhà văn Tây học đến công sưu tầm thần tích, phóng tác thành tiểu thuyết về cuộc đời của Bà. Trong báo cáo khoa học của Vũ Ngọc Khánh tại Hội thảo khoa học về Bà chúa Liễu Hạnh tại Văn Miếu (Hà Nội) năm 1992, trong thư viện Khoa học xã hội hiện đang lưu giữ 25 đầu sách, trong đó có 17 đầu sách Hán – Nôm viết từ thế kỷ XVII và 8 đầu sách viết bằng quốc ngữ và chữ Pháp viết vào nửa đầu thế kỷ XX viết về Bà. Đó là chưa kể các công trình viết vào nửa sau thế kỷ XX tới nay. Đây thực sự là một kho tàng với nhiều thể loại văn học khác nhau.
Trong kho tàng huyền thoại và thần tích rất phong phú ấy, từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi quan tâm đến những chuyện kể dân gian, mà sau này đã được Nguyễn Đổng Chi hệ thống khá đầy đủ trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam tập 4, Vân Cát thần nữ truyện của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (thế kỷ XVII), Tiên phả dịch lục của Kiều Oánh Mậu (1905) và Nữ thần Liễu Hạnh, in trong tập sách Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam (1944) của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên.
Trong các tác phẩm nêu trên, chúng tôi lấy Vân Cát thần nữ làm văn bản chuẩn để so sánh, bởi lẽ đó là văn bản sớm nhất (thế kỷ XVII) ghi lại thần tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Dĩ nhiên, trước đó đã có nhiều truyền thuyết và huyền thoại dân gian truyền tụng về Thánh Mẫu. Các cuốn sách viết sau sách của Đoàn Thị Điểm thì bên cạnh cốt truyện đã có trong Vân Cát thần nữ của nữ sĩ thì cũng có một số chi tiết gia giảm thêm.
Có thể tóm tắt cốt truyện Vân Cát thần nữ như sau:
Ở làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản, tỉnh Nam Định), có ông Lê Thái Công, hiền lành phúc đức. Năm Thiên Hựu (dưới Lê Anh Tông 1557), bà vợ ông có mang, quá kỳ sinh thì mắc bệnh, chữa mãi không khỏi. Có người đạo sĩ đến giúp, làm phép cho ông được nằm mộng lên thiên đình. Tại Thiên đình, ông được chứng kiến việc công chúa Quỳnh Hoa phạm lỗi đánh vỡ chén ngọc (Ngọc trản), nên bị Vua cha Ngọc Hoàng đày xuống trần gian. Khi tỉnh giấc, vợ ông liền trở dạ, sinh được một cô gái, lúc đó cả nhà thơm mùi hương lạ, quyện vào ánh trăng soi bên cửa sổ. Ông bà đặt tên con gái là Giáng Tiên. Cô gái lớn lên, nhan sắc xinh đẹp mà lại đủ tài văn thơ đàn nhạc, ông bà gả nàng cho Đào Lang, con nuôi của bạn ông là Trần Công.
Vợ chồng Giáng Tiên sinh được hai người con thì Giáng Tiên mất lúc mới có 21 tuổi, nhằm ngày mồng 3 tháng 3. Nàng đã hết hạn đi đày, phải trở về trời. Trên thiên đình, nhớ chồng con, nàng luôn luôn sầu não, cố xin vua cha Ngọc Hoàng cho tái hợp với gia đình. Vua cha không cách nào khác phải đồng ý cho nàng xuống trần lần nữa, lấy hiệu là Liễu Hạnh công chúa. Nàng về thăm cha mẹ, chồng con, nhưng vì là thần tiên, nên không thể ở lại như người phàm tục được. Khi cha mẹ và chồng mất, con cái đã trưởng thành, Liễu Hạnh đi mây về gió, hóa phép để đùa cợt với người đời. Khi thành bà già đi trên đường, khi là cô gái trong quán trọ. Nàng lập Chi, trích lại từ Vân Cát thần nữ của Vũ Ngọc Khánh, NXB. Văn hóa Sài Gòn, 2006.
Lên Lạng Sơn, nàng biến thành người đẹp họa thơ, thách đố với Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), lại về Hồ Tây họp bạn văn chương với các danh sĩ họ Phùng, Ngô, Lý. Rồi lại vào làng Sóc ở Nghệ An. Tại đây nàng kết hôn với một thư sinh, tương truyền là hậu sinh của chồng cũ, nhưng chỉ ít lâu lại phải về trời.
Ở thiên cung, Liễu Hạnh vẫn khao khát cuộc đời, lại nằng nặc xin xuống trần lần nữa. Ngọc Hoàng Thượng đế phải chiều ý, cho thêm hai cô Quế và Thị cùng với Liễu Hạnh về Phố Cát (Thanh Hóa). Nàng vẫn tiếp tục tác oai, tác quái. Dân địa phương phải lập đền thờ. Vua chúa cho quân đến dẹp, nhưng phép của Liễu Hạnh cao hơn. Đền miếu thờ nàng bị phá, bệnh dịch lan tràn, dân chúng cho là Chúa Liễu trừng phạt, nên triều đình lập lại đền và phong cho nàng là Mẫu Hoàng công chúa. Tiên chúa có công giúp vua đánh giặc, nên được gia tặng là Chế thắng Hòa diệu Đại vương.
Truyện dân gian về Liễu Hạnh:
Chuyện kể rằng vào đầu đời Lê, Ngọc Hoàng có một cô công chúa tên là Liễu Hạnh, rất xinh đẹp, có tài năng, nhưng tính tình rất ương bướng. Cô thường không chịu theo khuôn phép của Thiên đình, đến nỗi làm cho Thượng đế nổi giận, bắt đày xuống trần gian trong thời hạn ba năm.
Xuống cõi trần, Liễu Hạnh biến thành một cô gái đẹp, mở quán hàng ở vùng Đèo Ngang. Hàng của cô rất đông người qua lại. Cô buôn bán thành thạo, niềm nở với mọi người và vẫn giữ được tính tình phóng khoáng, thường hay treo chọc bọn quan khách. Thấy người đẹp có vẻ lả lơi, nhiều anh chàng đã lỡ dại tán tỉnh, nhưng những kẻ đùa giỡn rồi bỏ quán hàng thì hoặc phát điên, hoặc lăn ra chết. Tiếng đồn xa gần. Tuy ai cũng nơm nớp nghi ngại, nhưng ai cũng tò mò muốn đến.
Hoàng tử, con vua Lê, nghe tiếng nàng, đã giấu vua và hoàng hậu cải trang vào tìm người đẹp. Liễu Hạnh đã biết trước (vì nàng có phép tiên) liền dùng phép để cho hoàng tử một bài học. Nàng cho hiện ra một cây đào, quả chín mọng. Hoàng tử hái ăn, nhưng quả đào đưa đến gần miệng thì bỗng teo nhỏ lại rồi biến mất. Hoàng tử không thấy đó là đòn cảnh cáo, vẫn cứ vào quán hàng, lân la đòi nghỉ lại. Buổi tối, hoàng tử tỏ trò tán tỉnh, quyến rũ cô chủ hàng. Cô bằng lòng cho hoàng tử ôm vào lòng vuốt ve, nhưng khi nâng má đào lên hôn thì lại là một con khỉ nhe bộ răng gớm ghiếc. Hoảng hốt, hoàng tử buông con khỉ ra, khỉ lại biến thành một con rắn loang lổ, trườn vào thân chàng. Khiếp sợ quá, hoàng tử ngã vật ra mê man. Cả ngôi hàng và cô gái biến đi đâu mất. Đoàn quân lính vội vàng đưa gấp hoàng tử về kinh.
Từ đó, hoàng tử trở thành điên dại. Các thầy thuốc đành chịu bó tay, vua phải mời tám vị đạo sĩ (Bát vị Kim cương) làm phép mới chữa khỏi bệnh cho con trai.
Thấy Liễu Hạnh lộng hành như vậy, vua sai quan đến hỏi tội. Quân quan kéo theo cả bọn pháp sư đến đối phó nhưng tất thảy đều chịu nhục quay về. Chắc cô gái là một loài nữ quái, vua cho mời cả Bát vị Kim cương đến, cùng Liễu Hạnh đánh nhau rất dữ dội ở Đèo Ngang. Rút cục, cả mấy vị Kim cương đều bị Liễu Hạnh đánh cho thua liểng xiểng. Tám vị Kim cương đi nài rủ Phật Bà mượn được một cái túi, và trở lại giao chiến.
Lần này, Liễu Hạnh bị thua, rơi gọn vào túi Phật Bà. Vua sai đưa nàng về kinh tra xét, nàng trả lời rất đường hoàng cứng cỏi. Nàng chỉ trừng trị những kẻ xấu, và luôn luôn làm ơn cho người chịu khổ chịu nạn, thì làm gì nên tội? Cả hoàng tử nữa, hoàng tử không biết giữ gìn phẩm hạnh, bị trừng phạt như vậy mà chưa bị giết chết thì nàng đã khoan hồng. Vua đuối lý phải tha. Cũng đúng lúc này, thời hạn biếm trích của nàng đã hết. Nàng đã trở về trời, để lại một đứa con trai mỗi bàn tay có đến sáu ngón, gửi cho nhà sư dưới chân núi Hồng Lĩnh (Nghệ An) nuôi hộ.
Ở trên trời, nhưng lòng trần chưa nguôi, Liễu Hạnh lại xin Thượng đế cho xuống cõi nhân gian. Nàng về đến Ba Dội, vẫn hóa thân thành cô gái lập quán bán hàng, giao du với các danh sĩ. Liễu Hạnh lại sinh đứa con thứ hai, gửi nhờ một ni cô ở chùa Bà Đá (?) nuôi, còn mình thì đi vân du nơi này nơi khác. Nàng vẫn cứ treo chọc người đời, nhưng thường giúp kẻ khó nhiều hơn, nên được nhiều nơi thờ phụng, xem bà như một bà Thánh Mẫu.
Dân gian đồn đại thêm về chúa Liễu. Có người nói, trong những đứa con chúa Liễu sinh ra, có người sau này là Trạng Quỳnh. Nhưng phần lớn lại cho rằng Trạng Quỳnh là người có thực, không phải dòng dõi tiên thánh gì cả. Trạng Quỳnh chỉ là một nhà nho nghịch ngợm, có tài biện bác, có mưu mẹo thông minh, hay đả kích châm biếm, trêu chọc không nể mặt quan thần thánh. Quỳnh đã đến đền thờ chúa Liễu, xưng em, gọi chúa là chị, nói năng biến báo để ngang nhiên lấy tiền dân chúng đem đến lễ trước ngai thờ chúa. Nhưng chúa chịu phép, không trừng phạt được Quỳnh.
Lại có người kể rằng chúa Liễu đi đây đi đó, có lúc bị một pháp sư cao tay lừa bắt giam vào chiếc lọ, treo trên cây đa đầu làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông. Có vợ chồng một ông lão đi qua, Liễu Hạnh từ trong lọ nói ra, nhờ ông bà đập vỡ lọ nên chúa thoát nạn. Lập tức ngay sau đó, viên pháp sư kia bị trả thù, chúa Liễu đã làm phép cho y tắt thở ngay trên giường nằm của y.
Nếu chúng ta so sánh giữa truyện kể dân gian với truyện “Thần nữ Vân Cát” thì rõ ràng ngoài cốt truyện chung, Đoàn Thị Điểm đã dày công san định, biến những truyền thuyết mộc mạc trở thành thần tích với các chuẩn mực nho giáo của một nữ thần.
Theo bản ngọc phả này thì khoảng thế kỷ XVI, có người con trai thứ 5 của vua Lê, có lẽ là Lê Chiêu Tông hay Lê Tư Vĩnh. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê thì Lê Tư Vĩnh lánh về thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Ông lấy vợ là bà Trần Thị Thục, sinh được con trai là Lê Tư Thắng. Lê Tư Thắng lấy vợ là Trần Thị Tự, sinh được con gái là Giáng Tiên, tức Liễu Hạnh. Giáng Tiên mất khi còn ít tuổi, ngày hóa là 3 tháng 3. Lê Tư Thắng để lại gia tài, ruộng vườn cúng cho dân làng để cúng hậu cho Giáng Tiên. Đó là vào năm Gia Thái thứ 5, đời Lê Thế Tông (1577). Như vậy, ở đây có sự ăn khớp giữa ngọc phả và ghi chép của Đoàn Thị Điểm trong Truyền kỳ tân phả về ngày sinh của Giáng Tiên (1557) và mất năm 21 tuổi. Cần ghi nhận thêm là năm 1939, Tổng đốc Thanh Hóa khi tu sửa đền Sòng đã tìm thấy bản gia phả bằng đồng có nội dung như đã nói ở trên.
Nếu bản gia phả này là một tư liệu xác thực thì Giáng Tiên – Liễu Hạnh là một nhân vật có thật, có dòng dõi hoàng tộc nhà Lê, sinh ra từ đất Vân Cát, có ngày sinh tháng đẻ, có mồ mả sau khi mất (nay là ngôi mộ Thánh Mẫu ở Phủ Dày, do Nam Phương Hoàng hậu bỏ tiền xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX). Sau này, trong một môi trường xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Giáng Tiên đã hiển linh và hóa thành Liễu Hạnh công chúa, rồi Thánh mẫu Liễu Hạnh, một sự tạo thần mang tính phương Đông, giống như Thiện Hậu Thánh Mẫu thời nhà Tống ở Trung Quốc.