Lễ Hội Đạo Mẫu: Tháng Tám Giỗ Cha, Tháng Ba Giỗ Mẹ

Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ

Khuôn theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ” của lịch lễ hội dân tộc, nhưng với đạo Mẫu thì đó là “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Đạo Mẫu lấy Mẹ làm linh tượng, nhưng bên cạnh Mẹ còn có Cha. Nếu tháng Ba, người người muôn nơi đổ về Phủ Dầy và các đền thờ Mẫu khác để giỗ Mẹ, ngày hóa của các vị thần chủ đạo Mẫu – Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thì tháng Tám là ngày kỵ Cha. Vua Cha Bát Hải Đại Vương, Đức Thánh Trần được thờ phụng chính ở đền Đồng Bằng (Thái Bình), đền Kiếp Bạc (Hải Hưng) và Bảo Lộc (Nam Hà). Cũng chính vì vậy, hội Phủ Dầy, hội Đồng Bằng và Kiếp Bạc không còn là những hội làng, hội vùng như nhiều ngày hội khác được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu, mà từ lâu đã trở thành những quốc lễ, tiêu biểu nhất của lễ hội Việt Nam cổ truyền.

  1. Tháng Tám giỗ Cha
    Tháng tám là tháng giỗ Cha, nhưng thời gian lại tập trung vào các ngày từ 20 đến 28.
    Tháng tám, tương truyền ngày 20 tháng 8 là ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày 28 là ngày hóa của Bát Hải Đại Vương. Bởi thế, từ ngày 15 đến 20 tháng 8 là ngày hội chính của đền Kiếp Bạc, nơi thờ Đức Thánh Trần và tiếp đó, từ ngày 20 đến 28 tháng 8 là ngày hội chính ở đền Đồng Bằng, nơi thờ Bát Hải Đại Vương và Đức Thánh Trần (Bát Hải – Trần Triều). Đây là nói tới những nơi thờ tự chính, chủ trong đền Mẫu nào mà không có điện thờ Vua Cha Bát Hải Đại Vương, thờ Đức Thánh Trần, nên cứ tới tháng tám là kỵ Cha – mở hội.

Đền Đồng Bằng thờ Vua Cha Bát Hải Đại Vương nằm sát bờ sông Đồng Bằng, xưa thuộc thôn Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phương, nay là xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nơi đây là vùng sông nước, thời xưa ăn thông với biển, là địa bàn hoạt động của Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông.
Đền Đồng Bằng thuở ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ thờ Thành hoàng làng Đào Động, đó là Rắn Thần. Truyền thuyết kể rằng: Xưa kia nơi đây có hai vợ chồng người đánh cá già không con. Một hôm, trong cảnh dông bão, bà thấy dáng rồng ấp rồi thụ thai, sinh ra bọc nước. Từ bọc nước sinh ra ba con rắn thần, mỗi con bơi về một hướng khác nhau, trong đó con lớn nhất bơi về cửa sông Luộc, theo sông Đại Lãm ra cửa biển Diêm Điền… Khi đất nước có giặc, Vua Hùng ra chiếu kêu gọi người tài giúp nước, con rắn lớn nhất hóa thành người, đem đoàn quân gồm cả thuồng luồng, rồng, rắn, cá sấu… đi đánh giặc. Sau chiến thắng trở về, ông được nhà Vua phong là Trấn Tây A Nam Vĩnh Công Bát Hải Đại Vương và dân Đào Động lập đền thờ, tôn là vị Thành hoàng làng. Hai người em cũng được sắc phong vì cũng góp sức cùng người anh cả ra trận. Lời hát văn ở đền Đồng Bằng còn ghi:

“Năm Canh Dần tháng tám giờ Mùi
Thái hậu sinh được tức thì ba ông
Đức vua đệ nhất bẩm sinh Đào Động
Từng tiết ra khí chất cảnh thanh
Oai phong dậy khắp thiên đình
Làm mưa làm gió phá thành lấp sông
Đức vua đệ nhị trí lực thần thông
Xách non, lấp biển, ngăn sông hải hà
Đức vua đệ tam lắm phép oai hùng
Sông Ngân cũng vượt, biển rùng bước qua.”

Nơi đây vào thế kỷ XIII, là mảnh đất quê hương của dòng họ Trần, là địa bàn hoạt động quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chống quân Nguyên, nay còn để lại nhiều di tích. Tương truyền, Trần Hưng Đạo cùng tướng lĩnh của mình như Phạm Ngũ Lão đã từng đến ngôi đền thờ vị thủy thần này cầu xin phù trợ diệt giặc. Sau khi Trần Hưng Đạo mất, ngôi đền này cũng thờ Đức Thánh Trần và hàng năm mở hội giỗ Cha vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.
Ở đây, theo quan niệm dân gian, người ta có phản nào đồng nhất giữa Vua Cha Bát Hải Đại Vương thuộc dòng Long Thần (Lạc Long Quân) với Đức Thánh Trần (Bát Hải – Triều Trần), ngày giỗ Vua Cha đồng thời cũng là ngày giỗ Đức Thánh Trần. Có nơi người ta còn coi Đức Thánh Trần như Vua Cha, còn bên kia là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Điều này không phải là sự nhầm lẫn của dân gian, mà đứng ở góc độ nào đó thể hiện quy luật, hệ quy chiếu riêng của tâm thức dân gian. Trần Hưng Đạo không chỉ là vị anh hùng dân tộc, tiếng tăm lẫy lừng mà từ lâu đã trở thành vị Thánh – Đức Thánh Trần. Dòng dõi nhà Trần vốn là cư dân vùng sông nước, đã từng lập chiến công “thủy chiến” với giặc Nguyên ở vùng sông nước. Trở thành vị thần, ông cũng được quy về dòng thủy thần mà cội nguồn xa xưa là Long Vương.
Ở đền Đồng Bằng, trong hậu cung thờ Vua Cha Bát Hải Đại Vương, còn hai bên tả hữu là điện thờ Tam Tòa Thánh Mẫu (phái) và Đức Thánh Trần cùng 10 vị Hoàng tử (con Long Vương).
Ở đền Kiếp Bạc, nơi có điện thờ và phần mộ của Trần Hưng Đạo cùng với thân mẫu, thân phụ, các con trai, gái, con rể, các tướng lĩnh của ông. Bên cạnh đó có điện thờ Mẫu. Cũng phải nói thêm rằng, trong tâm linh dân gian, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm mà từ lâu đã trở thành vị Thánh – Đức Thánh Trần, cứu giúp dân lành, đặc biệt là phụ nữ thoát khỏi sự quấy ám của tà ma gây ra nạn vô sinh hay hữu sinh vô dưỡng của phụ nữ. Mà có lẽ cũng chính vì vậy mà ông được thờ phụng ở khắp nơi, cứu giúp người dân trong đời sống hàng ngày.
Trong những ngày hội “giỗ Cha” ở Kiếp Bạc và Đồng Bằng ngoài hình thức cúng tế tôn vinh Vua Cha Bát Hải Đại Vương và Đức Thánh Trần, còn có các nghi lễ liên quan tới sông nước và ma thuật diệt trừ tà ma.
Để tái hiện lại chiến công oai hùng của Bát Hải Đại Vương giúp Vua Hùng diệt giặc và sau này Trần Hưng Đạo chống quân xâm lược Nguyên – Mông, trong ngày hội người ta tổ chức lễ rước trên sông và hội đua thuyền. Các đoàn rước từ các địa phương, các đền miếu xuôi theo các dòng sông đều đổ dồn về bến sông Đồng Bằng trước đền Đồng Bằng hay sông Lục Đầu trước đền Kiếp Bạc. Đoàn rước gồm hàng trăm thuyền, trên đặt ngai kiệu của Vua Cha Bát Hải và Đức Thánh Trần diễu hành trên sông. Trước khi đoàn rước trở về đền, người ta tổ chức đua thuyền giữa các làng, làng nào đoạt giải thì coi như sẽ gặp mọi sự may mắn, dân làng khỏe mạnh, làm ăn tấn tới cả năm. Do vậy, đây không chỉ là trò vui mà còn mang tính lễ nghi và phong tục.

Hát chầu văn ở đền Đồng Bằng trong ngày hội giỗ Cha là một hình thức diễn xướng tín ngưỡng – văn hóa độc đáo. Lời hát văn cùng với điệu múa thiêng nhằm tái hiện lại nguồn cội, lai lịch và các chiến công lừng lẫy của hai vị tướng chống giặc, đồng thời là “Cha” trong đạo Mẫu. Trước ngày hội, các tổng, các ấp sở tại tập hợp lại, luyện các giọng hát chầu, các điệu múa võ, múa chiến trận, múa chèo tải lương, múa hổ, múa gươm. Ngay đêm hội đầu tiên, ngày 20 tháng 8, đã có cuộc hát chầu văn đầu tiên, trước bàn thờ Vua Cha Bát Hải và Đức Thánh Trần, người ta hát bài chầu “Văn Triều Trần”, văn “Tam vị Đức Vua”, văn “Đức vua Bát Hải”. Đó là những bài văn kể lại thần tích, các chiến công của các vị Thánh, có kết hợp với các điệu múa thiêng của các con nhang đệ tử. Chỉ sau nghi thức hát văn chầu và các điệu múa võ kể trên, các ông Đồng và bà Đồng mới tản về các điện thờ Đức Thánh Trần, Thánh Mẫu, Công đồng Tứ Phủ để họ thực hiện các giá hầu đồng theo nghi thức hầu đồng chung của đạo Mẫu Tứ Phủ. Như vậy, bên cạnh những hình thức nghi lễ chung của đạo Mẫu, hội Cha tại đền Đồng Bằng vẫn duy trì những sắc thái riêng của mình, liên quan trực tiếp việc thờ phụng các vị Thánh thuộc dòng Cha – Long Vương, mà Đức Thánh Trần là một hiện hữu tuy muộn màng nhưng đã được hội nhập một cách khá nhuần nhuyễn.

Tại Kiếp Bạc, bên cạnh những nghi lễ thờ phụng, tế, rước trên sông, là các hoạt động đồng bóng, ma thuật khá nhộn nhịp. Ở đây, từ lâu đời đã thực sự tồn tại và duy trì một hình thức lên đồng thuộc dòng thanh đồng, khác với hầu đồng của dòng đồng cốt, mà trong dịp hội giỗ Cha, nó đã được phơi bày khá nhộn nhịp.

Nếu dòng Đồng cốt lấy thờ Mẫu là thần chủ, việc hầu đồng là để cầu xin tài lộc, may mắn và sức khỏe, thì dòng Thanh đồng thờ vị thần chủ là Đức Thánh Trần, việc lên đồng là để tiêu trừ tà ma, nhất là tà thần Phạm Nhan, chuyên hãm hại phụ nữ trong việc sinh đẻ và nuôi con. Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Phạm Nhan là tên phản bội chỉ đường cho giặc. Khi bị bắt và trước khi xử trảm, Phạm Nhan xin Trần Hưng Đạo một bữa ăn ngon. Với sự khinh bỉ tột cùng tên Việt gian phản quốc, ông đã cho dọn một mâm đồ ăn toàn là đồ lót của phụ nữ dính đầy kinh nguyệt. Phạm Nhan đã nguyền rủa sẽ trả thù bằng cách phá hoại sự sinh đẻ của phụ nữ. Bởi thế, ai mắc bệnh vô sinh hay hữu sinh vô dưỡng thì đến cầu xin Đức Thánh Trần ra tay trị ác thần Phạm Nhan, ngày hội Kiếp Bạc trở thành ngày hành lễ của các ông đồng, bà đồng ở khắp mọi nơi.

Trong ngày hội này, trước sân đền, đâu đâu ta cũng thấy cảnh tượng những người phụ nữ không có con, hay sinh con nhưng không nuôi được, quỳ niệm thần chú. Một ông đồng mặc quần áo lòe loẹt, dắt cờ xanh, đỏ quanh người, nhảy múa, gõ trống, khua thanh la để đuổi tà ma đang ẩn nấp trong người chị để làm hại. Một lúc, từ chỗ sợ sệt, chị ta cảm thấy mình bị thôi miên và bỗng nhiên như nhìn thấy hồn ma Phạm Nhan, chị lăn lộn, đập đầu xuống đất như để xua đuổi, đánh đập chính tà ma. Cơ thể chị như không chịu đựng được đã ù té chạy ra sông, lao xuống dòng nước như để dìm chết hồn ma. Tới khi lả đi vì mệt, người ta vớt chị lên, thân thể rũ rượi, coi như hồn ma đã bị xua đuổi.

Trước đền Kiếp Bạc cũng có một giếng nước mà mọi người coi như nước thần, ai uống nước đó vào thì có thể trừ được ma tà, giúp sinh con đẻ cái theo nguyện ước. Nơi đây cũng phổ biến hình thức bùa ngải để trừ ma tà. Đó là những mẩu đất ở sau ban thờ linh thiêng, ăn vào có thể giúp người phụ nữ sắp sinh con có thể “nở nguyệt khai hoa”, mẹ tròn con vuông, mang lại điều lành cho đứa trẻ sơ sinh.

Năm 2006, với kế hoạch nâng cấp quốc gia lễ hội Kiếp Bạc, ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, bên cạnh việc phục hồi lại các nghi thức truyền thống, như ban bùa ấn của Đức Thánh Trần cho khách hành hương, thì có thử nghiệm phục hồi nghi lễ Hầu đồng trước đền thờ ngài, thu hút sự quan tâm của nhân dân và dư luận đồng tình, vì đó là nét truyền thống của lễ hội ở đây.

Tóm lại, có thể nói việc tiến hành nghi lễ nước trên sông, mở hội đua thuyền, hát chầu và tiến hành các nghi thức lên đồng để trừ ma tà của dòng thanh đồng là những nét tiêu biểu của ngày hội giỗ Cha tháng tám tại đền Đồng Bằng và Kiếp Bạc.

2. Tháng Ba giỗ Mẹ

Giỗ Mẹ tháng ba diễn ra ở tất cả mọi ngôi đền thờ Mẫu, nhưng trung tâm vẫn là Phủ Dầy, nơi giáng sinh cũng là nơi hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vào chính ngày mồng ba tháng ba. Toàn bộ nghi thức lễ hội Phủ Dầy chúng tôi sẽ trình bày khá chi tiết ở chương thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy, bởi vậy, ở đây chúng tôi chỉ xin nêu những nét chính của lễ hội “giỗ Mẹ” trong sự so sánh với “tháng Tám giỗ Cha”.

Nếu lễ hội tháng tám giỗ Cha tiến hành nghi thức rước trên sông, gắn với các vị thủy thần, thì tháng ba giỗ Mẹ lại là đám rước trên bộ, rước từ đền Mẫu đến chùa, gắn với sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh quy y, nhận sự hộ trì của Phật Bà Quan Âm. Tương truyền trong cuộc Sòng Sơn Đại chiến giữa công chúa Liễu Hạnh và đạo sĩ của phái Đạo Nội được triều đình phái tới, công chúa Liễu Hạnh đã bị mắc mưu của bọn đạo sĩ nên các phép mầu bị mất hiệu nghiệm, tình thế nguy kịch, nhưng đã được Phật Bà Quan Âm ra tay cứu giúp. Từ đó Mẫu Liễu chịu nghe kính, tuân pháp, nhận áo cà sa, mũ hoa sen, chuyển hóa từ bí, chuyên làm việc thiện. Truyền thuyết đã phản ánh sự thâm nhập giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và đạo Phật dân dã, mở đường cho sự thâm nhập các điện Mẫu vào các chùa và nghi thức rước Mẫu về chùa trong ngày “giỗ Mẹ” trở thành nghi thức quan trọng nhất. Ngày 5 và 6 tháng ba ở Phủ Dầy đã diễn ra lễ rước từ phủ Tiên Hương và Vân Cát lên chùa Gôi và chùa Dần. Bởi thế từ lâu dân gian vẫn còn lưu truyền:

“Bốn phương tụ lại một nhà
Mồng 5 rước Mẫu thật là vui thay
Kiệu hoa võng giá đã đầy
Cò đấu đã thoắt đến ngay.”

Chùa Dần.

Hội Kéo chữ, Kéo gậy hay Hoa trượng cũng là một tục lệ diễn ra trong hội Mẫu Phủ Dầy. Truyền thuyết vòng này về hội Kéo chữ (Kéo gậy) gắn với sự tích bà Phùng (Trần) Thị Ngọc Đài, Thái phi của chúa Trịnh Tráng. Việc kéo chữ được coi là một nghi thức tôn vinh, tạ ơn của Bà Thái phi đối với Mẫu Liễu Hạnh, người đã phù hộ cho bà từ một con hát trở thành Thái phi của chúa Trịnh. Thực ra tục kéo chữ hay kéo gậy ở đây gắn với một hình thức nghi lễ cầu xin sự phán bảo của thần linh, kiểu như nghi lễ “cầu cơ” mà sau này dần dần đã được bác học hóa, thành nghi thức giáng bút mang tính thưởng thức văn chương.

Hầu bóng là nghi lễ không thể thiếu trong ngày hội giỗ Mẹ vào tháng Ba. Hình thức hầu bóng này chúng tôi đã có dịp trình bày ở phần trên. Ở đây chỉ xin nhắc lại rằng, nghi thức hầu bóng thuộc dòng Đồng cốt này khác biệt nhiều với hình thức lên đồng của dòng Thanh đồng mang tính ma thuật trừ ma tà, thường diễn ra trong dịp giỗ Cha, đặc biệt là ở Kiếp Bạc.

Như vậy, tục lệ “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” như điểm quy tụ nét đặc sắc nhất của nghi lễ hội hè của đạo Mẫu người Việt. Ở đây, nó thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ – âm dương tương khắc tương đồng, nguồn gốc tạo ra mọi hiện tượng vũ trụ, với hộ quy chiếu gia tộc trong ứng xử xã hội: Gia đình, cha – mẹ và con cái có âm dương, có vợ chồng, dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê (Nguyễn Gia Thiều) được phóng đại và trở thành khung ứng xử xã hội, để từ giỗ cha mẹ, tổ tiên gia tộc trở thành giỗ Tổ Hùng Vương, giỗ Cha – Mẹ của Đạo Mẫu.