Thời cổ đại, trước ngày Thanh Minh một ngày là Tết Hàn Thực. Vào ngày này, nhà nhà đều cấm lửa, khói. Mọi người chỉ ăn những món ăn nguội đã làm sẵn từ trước.
Tiết Hàn Thực cấm lửa, dân gian truyền miệng nó bắt nguồn từ việc kỷ niệm Giới Tử Thôi. Thời Xuân Thu, Tấn Văn Công cùng Giới Tử Thôi lưu vong các nước tới 19 năm. Vào lúc khó khăn nhất, Giới Tử Thôi đã từng cắt thịt ở bắp chân mình để cho Tấn Văn Công ăn khỏi chết đói. Về sau, Tấn Văn Công phục quốc, lên làm vua, phong thưởng các quần thần cũ, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Sau đó được người nhắc, Văn Công hối hận mãi, vội sai người đi mời Giới Tử Thôi đến nhận phong của vua. Nhưng Giới Tử Thôi không cần công lộc, cùng mẹ già lên Miên Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công biết việc này cho người đốt núi, buộc ông phải ra. Nhưng Giới Tử Thôi cuối cùng không ra và chết cháy trên núi Miên Sơn. Sau việc này, Tấn Văn Công khóc mãi không thôi, hạ lệnh trước ngày Giới Tử Thôi chết cháy, mọi nhà phải cấm không được đốt lửa, chỉ cho phép ăn những thứ lạnh nguội, hàng năm phải cúng tế. Dân gian truyền nhau và gọi là Tết Hàn Thực.
Câu chuyện này đến nay vẫn còn lưu truyền. Nhưng chúng ta ngược dòng lịch sử, tìm kiếm cặn kẽ cội nguồn, có thể thấy Tết Hàn Thực cấm lửa không phải bắt nguồn từ việc kỷ niệm Giới Tử Thôi, mà là bắt nguồn từ phong tục “thay lửa” của xã hội nguyên thủy, từ đó mà phát triển thành chế độ cấm lửa ở xã hội nô lệ.
Thời kỳ thị tộc nguyên thủy, lửa là của cải chung của loài người, nó có tác dụng và địa vị vô cùng quan trọng trong sản xuất và đời sống của con người, người ta rất sùng bái lửa. Lúc ấy, hễ đến khi hết thời gạo cũ, có thóc gạo mới thì phải “thay lửa” (thay lửa). Thay lửa chính là tắt lửa cũ, châm lửa mới. Thời cổ người ta lấy lửa bằng cây gỗ, gỗ dùng để lấy lửa thì bốn mùa đều thay đổi; mùa xuân thì dùng cây Du, Liễu; mùa hạ thì dùng cây Táo, Hạnh; mùa thu thì dùng cây Lịch, Đậu; mùa đông thì dùng cây Hoè, Thông. Một năm một vòng. Việc thay đổi lửa theo một vòng như thế dần trở thành tục lệ thời Chu. Đến thời Xuân Thu, “thay lửa” là việc làm thường lệ hàng năm. Về sau, mọi người đều nhận thấy, bốn mùa đều thay lửa thì quá phiền phức, bận rộn, cho nên từ sau đời Tần Hán, liền cố định việc “thay lửa” vào mùa xuân. Trong xã hội có giai cấp, lửa cũng là thứ của cải giống các loại của cải khác, được giai cấp thống trị coi là tượng trưng của quyền lực. Vì thế, bắt đầu từ xã hội nô lệ trở đi, trước lễ “thay lửa”, dân gian đều ngừng các ngọn lửa, đó chính là hình thành tục lệ “hỏa cấm” (cấm lửa). Như vậy, nhà nhà đều cấm lửa, vì thế không thể không ăn các món ăn nguội lạnh.
Sắm lễ:
Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn Thực gồm: Hương, hoa, trầu cau và 5 (hoặc 3 bát) bánh trôi, 5 (hoặc 3 bát) bánh chay dâng lên bàn thờ.
Văn khấn Tết Hàn Thực: Tết Hàn Thực ngày 3 tháng 3 khi cúng Tổ Tiên thì phải khấn thần ngoại trước, thần nội sau.