Tín ngưỡng thờ thần và thành hoàng làng của Hà Nội

Do đặc điểm Thăng Long là kinh đô của cả nước trước đây, nên thần và thành hoàng được thờ ở các đình, đền rất phong phú. Bộ mặt các thần ở đây gần như tiêu biểu cho thần trong cả nước: thần bản địa ở kinh đô từ thời Lý như Long Đỗ, tức thần Bạch Mã và Tô Lịch (thần đất và thần sông); các thần có tính huyền thoại từ thời kỳ cổ đại như Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh; các tướng tá, con cháu các Vua Hùng có lẽ đều đưa vào thờ cùng với sự di dân từ miền trung du xuống châu thổ sông Hồng theo thời gian. Từ một làng trở thành đô thị và là kinh đô, nên hầu như thần ở tất cả các nơi đều theo chân con người về cư ngụ tại Hà Nội được thờ ở các đình, đền như thần Đồng Cổ (có trước tiên ở Thanh Hoá).

Do lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm, do dân tộc Việt Nam luôn luôn có lòng yêu nước nồng nàn, vì vậy trong các thần, thành hoàng thờ ở Hà Nội thì hầu hết là những nhân vật lịch sử đã giúp vua đánh giặc, giữ nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… và các tướng tá của các triều đại.

Do từ chỗ một làng dần dần trở thành một thành phố và thị trấn, nên các nghề thủ công và việc buôn bán phát triển. Trên đất Thăng Long đã có thờ nhiều thành hoàng là tổ sư nghề như nghề đúc đồng, nghề làm vàng bạc, nghề làm lọng, nghề hát thờ…

Một đặc điểm nữa cũng cần lưu ý là kinh đô Thăng Long trước đây là trung tâm hành chính và buôn bán của cả nước, nên đã có người nước ngoài sinh sống. Người Trung Hoa sang mang theo vị thánh là Quan Công được thờ trong các đình đền của họ và người dân kinh đô cũng thờ theo. Bên cạnh người Trung Hoa, có người Chiêm Thành do vua Việt Nam bắt về hoặc theo vua quan Việt Nam về sinh sống ở kinh đô, nên xung quanh Thăng Long có những đình đền của họ. Các con cháu họ (Việt hóa) đã thờ tổ tiên của họ, là những người có công khai phá vùng đất đó, làm thành hoàng làng như ở Lĩnh Nam, Vĩnh Tuy (Thanh Trì).

Nhìn vào bản đồ các đình đền được xếp hạng ở Hà Nội, chúng ta dễ thấy là trong các quận nội thành, số đình còn tồn tại rất ít so với các huyện ngoại thành. Điều đó phản ánh quá trình đô thị hóa của Thăng Long trước đây. Vai trò của ngôi đình trong cộng đồng làng xã nông nghiệp không còn thích hợp với nơi đô thị; chức năng của ngôi đình gần như không còn tác dụng. Những ngôi đình cổ đã dần dần đổ nát, thu hẹp, phá hủy cùng với thời gian theo quá trình phát triển đô thị. Những ngôi đình được giới thiệu phần lớn là thuộc các làng ven nội thành.

Hiện nay, đối với cư dân nội thành Hà Nội, do tính chất nghề nghiệp, phi nông nghiệp, do tính chất hội nhập cư từ dân khắp các nơi, không có mối quan hệ với nhau như công xã nông thôn, nên không cần đến thành hoàng. Thành hoàng là một thế lực tinh thần ít phổ quát, quá nhỏ bé đối với dân tộc Việt Nam; vì vậy, họ không thiết tha với đình và thành hoàng. Dân làm nghề thủ công thì thờ các thành hoàng là tổ sư nghề, số này cũng không phải là nhiều. Chỉ còn dân các làng ven nội thành và các huyện mới quan tâm đến đình và thành hoàng là sợi dây gắn bó, kết nối họ lại theo dòng máu và nơi sinh sống. Thế lực thành hoàng ở các làng cổ truyền có khá mạnh, vì ở nông thôn hiện nay, chùa hình như chỉ dành cho phụ nữ, còn nam giới thì ít hoặc không lên chùa. Vai trò của nam giới trong đời sống gia đình và xã hội ở nông thôn là khá quyết định; vì vậy, việc tu sửa, tế lễ ở đình, đền đã được chú ý hơn các chùa ở nông thôn. Các hội mở ra trong các dịp tế lễ thần ở nông thôn hiện nay vẫn là mảng quan trọng của sinh hoạt văn hóa làng xã. Do trước đây không được quan tâm, lại bị coi là mê tín dị đoan, lễ hội không được tổ chức, nên ngày nay nhiều nơi đã phục hồi lễ hội rầm rộ nhưng chưa được hướng dẫn phát huy và loại bỏ những gì để cho phù hợp với thời đại mới, với xã hội đang trên đà công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Các đình, đền và chùa ngày nay không còn cơ sở ruộng đất như trước; việc tu sửa và lễ hội là do dân đóng góp dưới nhiều hình thức. Các làng ngoại thành ngày nay không còn khép kín như ngày xưa, quanh năm im lìm trong lũy tre xanh; người dân tha thiết mong chờ lễ hội là một dịp để giải tỏa những khát khao mong đợi trong cả năm. Làng ngày nay đã mở rộng giao lưu, các phương tiện truyền thông, văn hóa đã thâm nhập phổ biến, ngành nghề đã mở rộng. Nhịp điệu sống công nghiệp của thời đại mới đã làm đổi thay tâm lý và cả văn hóa tâm linh của người nông thôn; vì vậy, trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc tế lễ thần thành hoàng và mở lễ hội, cũng cần sao cho phù hợp.

Có thể coi đình, đền là cái vỏ vật chất, hình thức của nội dung tín ngưỡng thần, thành hoàng của người Việt Nam. Chi phối bồi thế giới quan thần linh nên các sự tích đều nhuốm một màn sương huyền thoại hoang đường, phi hiện thực, phản ánh một giai đoạn phát triển lịch sử của dân tộc. Nếu tách rời các truyền thuyết huyền thoại đó với kiến trúc vật chất (đình, đền) thì di tích chỉ còn là vôi gạch vỗ tri, vô giác. Nội dung truyền thuyết từ xa xưa đã phả vào từng viên gạch, từng ngọn cây cái Thiêng, cái Kính và đã làm nên ý nghĩa thiêng liêng của sông núi. Vượt lên ý nghĩa của tín ngưỡng thờ thần, thành hoàng, loại bỏ yếu tố hoang đường, những di tích đình, đền như những chứng tích, những cuốn sử lộ thiên mà người không biết chữ cũng đọc được, để tưởng tượng, để tái hiện những chiến công anh hùng của dân tộc, để giáo dục thường xuyên những bài học đoàn kết yêu nước, chống ngoại xâm. Có thể coi những di tích lịch sử văn hóa, trong đó có đình, đền thờ thần, là một giáo dục bền bỉ, hiệu nghiệm những phẩm chất quý báu của dân tộc. Có thể chính biện pháp giáo dục này đã nuôi dưỡng truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, tạo nên những sức lực dẻo dai chống lại việc đồng hóa, cổ vũ quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược. Chính vì vậy, nên hầu hết các đình, đền ở Hà Nội cũng như trong cả nước đều thờ các thần và thành hoàng là những nhân vật lịch sử đã phò vua giúp nước, đánh giặc bảo vệ dân, có lòng yêu nước thương dân. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay chúng ta vẫn nói đến “Hồn thiêng sông núi”, đó chính là truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc. Vì vậy, ngày nay chúng ta phải ra sức gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử – văn hóa, cũng chính là cái gạch nối sáng chói của tinh thần yêu nước Việt Nam, của truyền thống Việt Nam giữa các thế hệ trước với các thế hệ sau.

Tín ngưỡng thờ thần và thành hoàng làng của người Việt thực chất là thờ phúc thần. Nó đóng vai trò liên kết cộng đồng trong làng xã và mở rộng ra cả nước, nhằm giáo dục lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, đạo đức trong những hình thức và phù hợp với mỗi miền; đó chính là những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc mà ngày nay chúng ta cần thừa kế và phát huy.