ĐẠO MẪU, NGHI LỄ VÀ LỄ HỘI
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hệ thống nghi lễ và lễ hội rất phong phú và đa dạng, mang nhiều sắc thái độc đáo có thể phân biệt với các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, tập trung và điển hình nhất vẫn là nghi lễ Lên đồng (Hầu bóng) và hệ thống lễ hội như “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”.
Lên đồng (Hầu bóng)
Lên đồng là nghi lễ chính của thờ Mẫu Tứ Phủ cũng như một số dạng thờ Mẫu khác. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tam Phủ, Tứ Phủ vào thân xác các ông đồng, bà đồng, là sự tái hiện lại hình ảnh các vị Thánh, nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu.
Nghi lễ Lên đồng mang những sắc thái địa phương, trong đó có thể kể đến Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu những nét chính của một nghi lễ Lên đồng tại Hà Nội theo phong cách khá cổ điển. Còn Hầu bóng ở Huế và Nam Bộ sẽ được trình bày ở các phần thờ Mẫu ở Huế, Sài Gòn, Tây Nguyên.
Lên đồng là thuật ngữ quen thuộc trong tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ. “Đồng” là từ gốc Hán chỉ người con trai dưới mười lăm tuổi với tư chất trong trắng, ngây thơ, tự nhiên, để thần linh có thể nhập vào. Dần dần sau này người ta dùng các cô gái thay thế các thiếu niên. Tuy nhiên, trong số các ông đồng, bà đồng, thỉnh thoảng người ta còn thấy các em trai nhỏ trên dưới mười tuổi. Lên đồng tức là thần linh cưỡi lên thân xác đồng nhi ấy. Hầu bóng, trong đó từ “Bóng” chỉ vị thần linh nào đó nhập cái bóng (hồn) của mình vào ông đồng hay bà đồng và ông bà đồng này chỉ là người hầu hạ cái bóng thần linh mà thôi.
Lên đồng là hiện tượng nhập hồn nhiều lần của các vị thần linh. Trong đó, thời gian mỗi lần một vị thần linh nhập hồn (giáng đồng, nhập đồng), rồi làm việc quan (thực hiện các nghi lễ, nhảy múa, ban lộc, phán truyền) và xuất hồn (thăng đồng), được gọi là một giá đồng (tức thời gian thần linh ngự trị trên cái giá của mình là các ông đồng bà đồng).
Trong dân gian hay nhắc tới thuật ngữ đồng cốt và có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo sách của Phan Kế Bính, có hai dòng đồng, đó là đồng cốt thờ Thánh Mẫu và Thanh đồng thờ Vua Cha Bát Hải, Đức Thánh Trần. Theo đó thì cốt có nghĩa là Bà cốt mà Tavernier giải thích là tên gọi người phù thủy ở Đàng Ngoài, biến âm Bà Cô Tí (cô gái nhỏ) thành Bacoti, tức Bà cốt. Cốt còn được giải nghĩa là thân xác, xương cốt của con đồng mà thần linh nhập vào. Hay cốt là từ “cốt cách đồng nhi”, tức những người nhỏ tuổi, trong trắng, hồn nhiên.
Lên đồng thường diễn ra vào nhiều dịp trong một năm. Với những thầy đồng đền, trong một năm có lễ hầu xông đền (sau lễ giao thừa năm mới), lễ hầu Thượng Nguyên (tháng Giêng), lễ hầu Nhập hạ (tháng tư), lễ Tán hạ (tháng bảy), lễ Tất niên (tháng chạp), lễ Hạp ấn (25 tháng Chạp). Trong các dịp trên, hai lần được coi là quan trọng hơn cả là vào tháng Ba giỗ Thánh Mẫu và tháng Tám là dịp giỗ Vua Cha Bát Hải, Đức Thánh Trần. Đối với mỗi đền hay mỗi ông đồng và bà đồng thì các dịp hầu đồng còn nhiều hơn nữa, như đầu tiên là lễ trình đồng, lễ Lên đồng, lễ hầu bản mệnh, lễ hầu ngày tiệc của các vị Thánh, như tiệc Cô Bơ (12-6), tiệc Quan Tam Phủ (24-6), tiệc Ông Hoàng Bảy (17-7), tiệc Trần Triều (20-8), tiệc Đức Vua Cha (22-8), tiệc Chầu Bác Lệ (tháng 9), tiệc Ông Hoàng Mười (10-10), tiệc Quan Đệ Nhị (11-11).
Khi Lên đồng, các ông đồng và bà đồng thường phải chọn ngày lành. Mấy hôm trước, người hầu đồng phải báo trước cho đồng đền, mời bạn bè cũng đều là các con nhang, đệ tử, các bạn đồng, những người thân nhưng có cùng lòng tin vào Thánh tới dự. Chủ đền hay trực tiếp ông đồng mời những người hầu dâng (dâng), tức người giúp họ trong suốt buổi lễ hầu đồng, mời cung văn.
Việc chuẩn bị các lễ vật dâng cúng trong lễ hầu đồng cũng tốn kém khá nhiều tiền của và thời gian. Trước nhất, bà đồng hay ông đồng phải đưa một khoản tiền cho chủ đền để làm một bữa cơm cúng và thiết đãi những người tới dự sau khi kết thúc buổi hầu đồng. Lễ vật dâng cúng phải tùy theo con đồng vào dịp lễ nào trong năm hay tính chất của buổi hầu đồng đối với bản thân người hầu, như là lễ trình đồng, lễ hầu bản mệnh, các tiệc khao… Các thứ rượu, thuốc lá gói (xưa kia dùng thuốc cuốn kiểu loa kèn), các loại đồ chơi, đồ trang sức dùng trong các giá hầu Cô và Cậu, trầu, cau. Những thứ này chọn sao cho màu sắc phải phù hợp với các giá đồng thuộc về phủ nào của Tứ Phủ (như màu đỏ thuộc Thiên phủ, màu vàng thuộc Địa phủ, màu trắng thuộc Thủy phủ và màu xanh thuộc Nhạc phủ). Sau khi hầu xong mỗi giá, ông đồng hay bà đồng thường dùng các loại đồ cúng này, cùng với tiền để ban phát lộc cho mọi người tới dự.
Từ khi làm lễ trình đồng, tức là từ vai trò của con nhang đệ tử bước lên bậc của những ông đồng, bà đồng, họ phải mua sắm trang phục cho các buổi Lên đồng sau đó. Lúc đầu, người ít của thường mua sắm những trang phục chính, sau đó họ sắm sửa bổ sung cho đầy đủ, hoặc thay dần các loại trang phục ít tiền ban đầu bằng các loại trang phục đắt tiền hơn, có khi một bộ quần áo hầu trị giá tới hai, ba chỉ vàng.
Trước buổi Lên đồng, các ông đồng, bà đồng gấp trang phục các giá và cất giữ trong một vali riêng. Có những ông đồng hay bà đồng giàu có, họ sắm riêng những bộ khác nhau, bộ sang trọng chỉ dùng ở đền sở tại, trong các dịp lễ lớn, còn bộ khác thì dùng khi đi hành hương, hầu ở các đền thuộc địa phương khác.
Về nguyên tắc, mỗi giá đồng thờ một vị thần linh nào đó phải có một trang phục riêng, không được dùng lẫn trang phục của các vị Thánh khác. Nên trong một buổi hầu đồng, ông đồng hay bà đồng định hầu bao nhiêu giá thì phải chuẩn bị ngần ấy bộ trang phục. Trên thực tế, tùy theo điều kiện, trang phục cho hầu đồng cũng khác nhau. Với những người nông dân nghèo túng xưa kia, chỉ cần chiếc khăn phủ diện màu đỏ là đủ để người ta hầu các giá đồng. Nhưng với lớp thị dân, hình thức hầu đồng từ lâu đã ít nhiều cung đình hóa thì trang phục trong hầu đồng là rất hệ trọng, không thể thiếu.
Những trang phục cơ bản không thể thiếu trong các buổi hầu đồng ở các thành phố lớn hay Việt kiều ở nước ngoài gồm: khăn phủ diện màu đỏ dùng chung cho tất cả các giá đồng khi Thánh giáng đồng hay thăng đồng. Các loại áo dài ít nhất cũng năm cái, năm màu dùng cho riêng hàng Thánh phù hợp với màu của Tứ Phủ, các loại mũ khăn, thắt lưng, đai, thẻ ngà, vòng.
Với các Thánh nam, từ hàng Quan tới hàng Ông Hoàng, hàng Cậu, đều có những bộ áo riêng, tùy theo vị Thánh đó là võ quan hay văn quan, thuộc phủ nào trong Tứ Phủ, lứa tuổi, tính cách. Áo may từ các loại gấm, thêu hình tứ quý, tứ linh các màu, gắn thêm hạt cườm, hạt xoàn lóng lánh. Ngoài áo là trang phục chính, người ta còn thấy các loại khăn đội đầu, đai lưng, gậy kiếm, cờ quạt dùng trong các điệu múa hầu Thánh.
Trước khi hầu, ông Đồng hay bà Đồng thông qua người chủ đền phải làm lễ Chúng sinh và lễ Trình. Đồ lễ Chúng sinh được đặt trên một cái mâm, trên đó có các đồ vàng mã cắt thành hình quần áo, tiền, lá vàng, thỏi bạc, những bát cháo, bánh trái và những thức ăn khác. Có khi trên mâm còn có mấy đồng tiền bỏ vào chậu nước dành cho những vong hồn chết đuối. Lễ Chúng sinh có mặt trong tất cả các nghi lễ của tín ngưỡng Tứ Phủ và các tín ngưỡng dân gian khác, dành cho những vong hồn chết dữ hay không có người thừa nhận, không có người hương khói cúng giỗ.
Trong lúc làm lễ hầu, cũng có lễ cúng Thánh tại đền. Vật dâng cúng là thức ăn và những thứ hoa quả, bánh trái. Tuy nhiên, trong lễ này bắt buộc phải có ba loại thịt (tam sinh), đó là gà, vịt và lợn. Cúng xong, người ta đốt vàng mã cho chúng sinh và các Thánh Tứ Phủ rồi rắc quanh chùa hay đền.
Giúp trực tiếp cho ông Đồng và bà Đồng trong buổi hầu, phải kể tới Hầu dâng và Cung văn. Người hầu dâng thường cũng là những người đã từng hầu đồng. Họ giúp ông Đồng và bà Đồng trong việc hầu Thánh, như thắp hương, dâng các loại vũ khí, dâng thuốc lá, rượu, trầu, đặc biệt giúp người hầu trong việc thay lễ phục khi chuyển từ giá này sang giá khác. Hai hay bốn người hầu dâng ngồi hai bên người hầu trước bàn thờ Thánh, họ mặc áo dài đen, quần trắng, đội khăn xếp (nếu là nam), áo dài màu (nếu là nữ).
Cung văn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong hầu đồng. Họ xướng nhạc và hát cho việc trình diễn của con Đồng khi Thánh nhập. Nhạc cụ chủ đạo của Cung văn là đàn nguyệt, ngoài ra còn có trống, băng, chập chõa, phách, thanh la… Trong cung văn, có người gảy đàn, gõ trống, phách, nhưng cũng có thể họ vừa chơi nhạc vừa hát, chỉ dừng lại những lúc Thánh nhập, Thánh xuất, lúc dâng hương. Đặc biệt trong khi múa đồng, ban phát lộc, đọc thơ phú thì cung văn phải vừa chơi nhạc vừa hát. Cung văn hát hay, đàn giỏi, mở đầu và dừng ngắt đúng lúc đều được người hầu đồng thưởng tiền và ban lộc.
Theo trật tự thời gian, có thể phân một buổi Lên đồng thành các bước: Thánh giáng và Thánh thăng, thay lễ phục, thắp hương làm phép, múa đồng, ban lộc và nghe văn chầu, Thánh thăng.
Sau khi làm lễ và xin phép mọi người được nhập đồng, ông Đồng hay bà Đồng trùm khăn đỏ phủ diện lên đầu để thực hiện nghi thức Thánh giáng, một nghi thức quan trọng bậc nhất trong hầu đồng. Bà Đồng hay ông Đồng trùm khăn phủ diện, hai tay chắp dâng ba nén hương, đầu và thân lắc lư cho tới khi nào Thánh giáng (nhập) thì buông các nén hương, rùng mình, tay báo hiệu Thánh thuộc hàng thứ bậc nào. Lúc đó, cung văn tấu nhạc và xướng văn chầu phù hợp với vị Thánh vừa giáng.
Có hai hình thức Thánh giáng, giáng trùm khăn (gọi là hầu tráng mạn) và giáng mở khăn. Các giá Thánh Mẫu đều hầu theo hình thức trùm khăn (tráng mạn). Khi Mẫu Đệ Nhất giáng, thì người hầu giơ ngón tay lên báo hiệu Mẫu đã giáng, cung văn chỉ tụng kinh theo tiếng chuông và mõ. Khi người hầu khẽ rùng mình, bắt chéo tay trước trán báo hiệu Mẫu đã thăng (xa giá), cung văn chuyển sang hát điệu xa giá hồi cung.
Nếu Mẫu Đệ Nhất mặc áo đỏ, khăn đỏ, quạt đỏ thì ở giá Mẫu Đệ Nhị, người hầu mặc áo xanh, khăn xanh, quạt xanh (dấu hiệu Nhạc phủ), vẫn hầu phủ diện. Khi Mẫu giáng thì người hầu giơ hai ngón tay trái. Cũng có khi người hầu giá này đổi hình thức lộ diện, bằng cách xoay ngang khăn, dùng quạt lông công màu xanh che trước mặt, quay từ trái sang phải phán bảo, chúc tụng. Khi Thánh thăng, người hầu giơ quạt lên che đầu. Giá Mẫu Đệ Tam cũng hầu không lộ diện như Mẫu Đệ Nhất.
Hình thức hầu mở khăn, tức Thánh nhập thực sự và xuất hiện trước mặt mọi người, là hình thức đồng dành cho hầu hết các Thánh từ hàng Quan trở xuống. Tuy nhiên, trong một buổi hầu đồng không phải ai cũng hầu tất cả các vị Thánh, mà chỉ một số các vị Thánh nào đó người ta được biết rõ cả về thành tích cũng như vai trò phù trợ của họ đối với người trần. Ngay trong số các vị Thánh mà nhiều người thường hầu, tùy theo căn đồng của mỗi ông Đồng hay bà Đồng (căn Quan, căn Cô, căn Cậu, căn ông Hoàng), họ thường xuyên hầu một hay một số vị Thánh nào đó.
Một cuộc điều tra xã hội về hầu đồng của Việt kiều tại Pháp (Paris) do J. Simon và I. Simon Bathouh thực hiện vào những năm 70 cho thấy: trong 27 buổi hành lễ, cả 27 lần đều thấy Thánh Mẫu giáng, 6 lần Đức Thánh Trần giáng, 21 lần Quan Lớn Đệ Nhất, 25 lần Quan Lớn Đệ Nhị, 23 lần Quan Lớn Đệ Tam, 16 lần Quan Lớn Đệ Tứ, 26 lần Quan Lớn Đệ Ngũ, còn các hàng quan từ đó tới Quan Lớn Đệ Thập thì không giáng hay rất hiếm hoi. Hàng Chầu bà cũng vậy: Đệ Nhất 12 lần, Đệ Nhị 26 lần, Đệ Tam 16 lần, Đệ Tứ 16 lần, Đệ Ngũ 4 lần, Chầu Lục 23 lần, còn Đệ Thất tới Chầu thứ 11 không giáng, trong khi đó Chầu Bé lại giáng 16 lần. Hàng ông Hoàng, các ông Hoàng Đệ Nhất (2 lần), Đệ Nhị (8 lần), Đệ Tam (21 lần), Đệ Thất (26 lần), Hoàng Mười (23 lần). Hàng Cô thì có các lần giáng thường tập trung vào Cô Cả (5 lần), Cô Đôi (17 lần), Cô Bơ (24 lần), Cô Chín (17 lần) và Cô Bé (22 lần). Hàng Cậu thì Cậu Đôi (16 lần), Cậu Bơ (16 lần) và Cậu Bé (11 lần). Quan Ngũ Hổ giáng 14 lần. Ông Lốt giáng 4 lần và chỉ có 4 lần là vong hồn tổ tiên giáng.
Như vậy, ngoài ba vị Thánh Mẫu bao giờ cũng giáng, tuy dưới hình thức không mở khăn, thì các vị Thánh nhập nhiều hơn cả và thường là nhập lâu, như các Quan Lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Ngũ; Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục; ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy và Hoàng Mười; Cô Bơ Thoải, Cô Bé Thượng Ngàn, Cậu Bơ. Trong quan niệm của các con nhang, đệ tử, các vị Thánh trên khi giáng thường ban lộc cho những người cầu xin. Các vị Thánh ít giáng hơn là Quan Đệ Tứ, Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên, Chầu Đệ Tam (Mẫu Thoải), Chầu Đệ Tứ, Chầu Bé, ông Hoàng Cả, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Chín. Tuy họ ít giáng hơn các vị kể trên, nhưng cũng là các vị Thánh quan trọng trong hầu bóng.
Trong một buổi Lên đồng, thường là có nhiều vị Thánh giáng, ít nhất cũng khoảng trên 10 lần giáng của các vị Thánh, bình thường.
“Cúng 15 vị giáng, còn nhiều hơn thì cúng trên 20, còn đầy đủ thì phải tới 36 giá. Việc giáng của các vị Thánh phải theo thứ tự, từ Thánh Mẫu đến các hàng Quan, hàng Chầu, hàng Ông Hoàng, rồi hàng Cô và Cậu. Thánh Ngũ Hổ, Ông Lốt, vong linh tổ tiên giáng sau cùng, tuy cũng ít thấy xảy ra.
Trùm khăn phủ diện có ý nghĩa quan trọng nhất trong nghi lễ Thánh giáng. Từ quan niệm cho rằng người hầu đồng chỉ là cái xác, cái giá, cái ghế để Thánh nhập vào, nên khi ông Đồng và bà Đồng trùm khăn lên đầu, thì họ được coi như người đã chết. Có lẽ vì thế mà khi người ta đã tắt thở, người ta bao giờ cũng phủ khăn mặt, còn với người đang sống mà lấy khăn che mặt là điều cấm kỵ.
Cũng có nhiều trường hợp Thánh không giáng hay đúng hơn là ông Đồng, bà Đồng không làm được việc tự thôi miên bản thân mình. Người ta thường phân biệt hai trường hợp trong nghi lễ nhập hồn này là Thánh giáng và Thánh nhập. Thánh nhập tức là bước thứ hai sau khi giáng, bởi vậy, cũng có trường hợp Thánh chỉ giáng chứ không nhập. Trong trường hợp như vậy, bằng dấu hiệu tay, ông Đồng hay bà Đồng ra hiệu cho người hầu dâng và những người ngồi quanh biết vị Thánh nào vừa giáng đã thăng ngay, không chịu nhập hồn, và họ lại làm nghi thức cầu khẩn vị Thánh tiếp theo. Cũng có khi ông Đồng và bà Đồng cầu xin mãi mà không có vị Thánh nào nhập, họ đành buồn bã tung khăn phủ diện, rời khỏi chiếu hầu đồng. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy là rất hiếm hoi.
Khi Thánh đã giáng và nhập hồn, lúc đó ông Đồng, bà Đồng không còn là mình nữa, mà là hiện thân của thần linh, những người ngồi quanh thưa gửi bằng những cung cách tôn kính nhất, như người trần gian xưng hô với vua quan thời phong kiến. Những trường hợp con cái, vợ hay chồng, thậm chí một cậu bé 9, 10 tuổi ngồi đồng, thì khi Thánh đã nhập, những người lớn hay bố mẹ cũng phải xưng hô, cư xử như với thần thánh.
Khi Thánh đã nhập, ông Đồng hay bà Đồng dùng tay ra hiệu (Thánh nam nhập thì ra hiệu tay trái, Thánh nữ nhập thì ra hiệu tay phải) và tung khăn phủ diện. Lúc này, hai người hầu dâng giúp người hầu đồng thay lễ phục phù hợp với vị Thánh đã nhập ấy. Việc thay lễ phục khá mất thời gian. Mỗi vị Thánh đều có lễ phục riêng phù hợp với vị trí và tính cách từng người. Các sư công người Choang (Trung Quốc) không thay quần áo khi một vị thánh nào đó nhập mà thay bằng mặt nạ tương ứng.
Nói chung, các Thánh ở cùng một hàng, như hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, hàng Cô… đều mặc theo một kiểu, sự khác biệt chính là màu sắc lễ phục sao cho phù hợp với Phủ của từng vị, phù hợp với gốc tích dân tộc là Mán, Thổ, Mường, phù hợp với vị thế là bên văn hay bên võ.
Chẳng hạn, ở hàng Quan, các vị đều mặc võ phục, màu áo đỏ (Quan Đệ Nhất), xanh (Quan Đệ Nhị), vàng (Quan Đệ Tứ), trắng (Quan Đệ Tam)… khăn xếp, khăn quàng chéo trước ngực, đội khăn xếp có dải buộc thêu hình rồng chầu, bao lưng quanh người, trước ngực đeo thẻ ngà… Riêng quan Tuần Tranh thì có hai lá cờ lệnh cắm sau lưng, buộc một giải vải đỏ quanh cổ… Với những giá Chầu Bà, việc thay đổi trang phục lại càng phức tạp và thường mất nhiều thời gian hơn. Các bộ y phục may mô phỏng hình thức dân tộc Mán (Dao), Nùng và Tày (Thổ), Mường, Chăm… Sau khi được người hầu dâng giúp đỡ thay lễ phục xong, các ông Đồng và bà Đồng lựa chọn các đồ trang sức thích hợp. Đôi khi, với các giá ông Hoàng, Cô, Cậu mà các phục trang và tính cách có phần đỏm dáng hơn, thì các vị Thánh có vẻ ỏng ẹo lựa chọn tới vài ba lần các đồ trang phục, bôi nước hoa lên quần áo…
Sau khi thay đổi lễ phục, ông Đồng hay bà Đồng làm lễ dâng hương. Đó là nghi thức không thể thiếu được của bất cứ sự hiện diện nào của các vị Thánh. Các ông Đồng hay bà Đồng nhận một số nén hương hay một bó hương từ tay người hầu dâng (còn gọi là Tay hương), nhấc một nén hương cầm trong tay phải, huơ lên phía các nén hương khác làm động tác phù phép, mà những người hầu đồng gọi là “khai quang” (nói chệch đi là khai cuông), tức là xua đuổi đi các trần tục, ma quỷ, làm thanh sạch hương để dâng cho các vị Thánh. Sau khi làm phép “khai quang”, ông Đồng hay bà Đồng ném nén hương xuống đất hay đưa cho người hầu dâng, rồi cầm bó hương tiến đến trước bàn thờ Thánh làm lễ dâng hương.
Nghi thức dâng hương có sự khác biệt giữa Thánh nam và Thánh nữ. Thánh nữ quỳ dâng hương, rập trán xuống đất ba lần. Các Thánh nam thì quỳ lạy, giơ cao bó hương trước trán. Mỗi lần vái lạy Thánh như vậy thì người ta lại đánh một tiếng chuông. Việc dâng hương là một hành vi tôn kính, một lời cầu nguyện thầm lặng biểu hiện bằng khói hương bốc lên trời. Hương cũng như các màu sắc chói lọi, mùi hương thơm của nước hoa, màu trái cây… không những làm cho các vị thần linh thích, mà còn có tác dụng xua đuổi tà ma, chống lại những cái gì chết chóc, không có sự sống.
Sự nhập hồn và tái sinh của Thánh vào cơ thể các ông Đồng, bà Đồng còn được biểu hiện sống động bằng các động tác múa. Động tác múa của người hầu đồng kết hợp nhịp nhàng theo âm nhạc và lời hát, tạo nên không khí nhộn nhịp, lúc hào hứng, khi duyên dáng. Tùy theo vị trí và tính cách của mỗi vị Thánh mà động tác múa cũng khác nhau.
Với các Thánh hàng Quan thường có múa kiếm, long đao, kích thì cung văn chơi nhạc và hát điệu hát dồn, lưu thủy, có tiếng trống và cảnh đồng đệm nhịp.
Với các Thánh hàng Chầu Bà thường có múa mồi, múa quạt theo nhịp điệu Xá thượng, Xá dây lệch.
Với các Thánh hàng ông Hoàng thường có múa cung, múa hèo theo nhịp điệu lưu thủy, hát bộ.
Với các Thánh hàng Cô thường múa mồi, múa quạt, múa chèo đò, múa thêu hoa, dệt gấm, múa hái hoa… theo các nhịp bỏ bộ, lưu thủy, diệu xá.
Với các Thánh hàng Cậu thường múa hèo, múa lân theo điệu lưu thủy, bỏ bộ, có đệm theo nhịp trống sư tử.
Múa xong, Thánh lại ngồi xuống. Lúc này, cung văn hát những bài chầu văn kể lại sự tích, lai lịch và ca ngợi tài năng, sắc đẹp, công đức của vị Thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng, cung văn ngâm các bài thơ kể theo điệu phú, những đoạn hay các vị Thánh hài lòng, biểu lộ bằng cách vỗ gối đang tựa và thưởng tiền cho cung văn. Lúc này, người hầu dâng cũng lên dâng Thánh rượu, thuốc lá, trầu, nước…Trước khi Thánh dùng các đồ dâng đó, đều phải làm nghi thức “khai quang”, tức làm thanh sạch hóa các đồ dâng cúng cho thần linh. Những chất kích thích như rượu, thuốc, trầu…”
Có tác dụng trực tiếp tới trạng thái ngây ngất của các ông Đồng, bà Đồng, một trạng thái cần thiết cho Thánh giáng. Mặt khác, theo quan niệm cổ xưa, nước uống vào cơ thể coi như máu tiếp thêm sức sống, làm các vị thần linh sống lại trong cơ thể các ông Đồng và bà Đồng. Đây cũng là lúc những người ngồi dự xung quanh xúm lại bên các ông Đồng hay bà Đồng nghe Thánh phán truyền về tương lai, hay dâng lễ vật cầu xin bảo hộ, cầu tài lộc, xin chữa bệnh… Cũng có những ông Đồng, bà Đồng đáp lại những lời cầu xin, phán truyền bằng lời, hay chỉ bằng ánh mắt, điệu bộ bởi vì họ nhập đồng theo kiểu ‘cảm khải’. Trong lúc Thánh ngồi nghe hát chầu văn, truyền phán thì cũng là lúc Thánh phát lộc. Người hầu đồng cũng như các con nhang, đệ tử đi dự đều với ước muốn được Thánh thần ban phát lộc cho bản thân và gia đình mình, khác với người đi tu niệm Phật là để cầu phúc cho đời sau. Trong hầu đồng, lộc thánh gồm nhiều thứ, từ nén nhang cháy dở, đoạn mồi khi Thánh miết đến điếu thuốc, lá trầu, quả cau, các thứ bánh trái, hoa quả, một vài thứ vật dụng (như gương, lược, khăn tay, cặp tóc…), tiền bạc. Đó là những thứ quà thiêng liêng của Thánh ban cho những ông Đồng, bà Đồng, cho những con nhang đệ tử tới dự cuộc hầu Thánh. Đặc biệt, đối với những người làm ăn buôn bán thì những buổi hầu Thánh như vậy là sự hỗ trợ tinh thần giúp họ ăn nên làm ra. Có những người chưa có điều kiện hầu thì cũng sắm mâm lễ và nhờ các ông Đồng, bà Đồng cầu xin giúp để sau đó được nhận lộc Thánh từ trong số những lễ vật của mình. Mọi người nhận lộc Thánh với thái độ hết sức cung kính. Nhận được nén nhang hay đoạn mồi cháy dở Thánh ban, người ta hơ qua mặt và đầu, coi như thứ xua đuổi ma tà, rủi ro, rồi dập tắt, gói lại và đem về nhà để lên bàn thờ gia tiên lấy may (khước) cùng với các đồ trầu cau, hoa quả, bánh trái khác… Có không ít người dùng những đồng tiền nhận lộc Thánh đi mua bán, làm ăn và tin rằng những đồng tiền này sẽ đem lại may mắn cho gia chủ… Nói chung, những người dự hầu đồng, không phân biệt thân sơ, sang hèn đều được Thánh ban phát lộc. Tuy nhiên, trên thực tế, khi ban lộc Thánh, các ông Đồng và bà Đồng ban phát lộc nhiều hay ít, trước sau là tùy thuộc vào mức độ thân mật hay địa vị xã hội của những người tham dự. Qua việc phát lộc, người ta cũng thấy được ông Đồng, bà Đồng không hoàn toàn “nhập” hồn Thánh, tức tự thôi miên, trở thành một cái xác để Thánh nhập đồng. Tùy theo từng vị Thánh hay sở thích của từng ông Đồng, bà Đồng mà việc truyền phán, phát lộc nhanh hay lâu, rồi sau đó Thánh thăng, tức Thánh xe giá hồi cung. Dấu hiệu Thánh thăng đường là lúc ông Đồng, bà Đồng ngồi yên, khẽ rùng mình, hai tay bắt chéo trước trán, hay che quạt lên đỉnh đầu thì lúc đó người hầu dâng phải nhanh chóng phủ khăn đỏ lên đầu ông Đồng, bà Đồng, những người cung văn tấu nhạc và hát điệu Thánh xe giá hồi cung. Cũng từ đó, ông Đồng, bà Đồng lại chuẩn bị nhập đồng vị Thánh khác. Chúng tôi đã trình bày sơ bộ những giai đoạn khác nhau của một cuộc hiện thân của Thánh. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải tất cả các vị Thánh đều diễn ra theo các giai đoạn diễn tả trên. Có những vị, việc thăng giáng chỉ diễn ra dưới tầm khán phủ diện (như vị Thánh Mẫu), hay chỉ sau lễ dâng hương xong là Thánh thăng, không ban phát lộc hay truyền phán gì, đặc biệt là với một số vị hàng Quan Lớn. Cũng có những vị Thánh đặc biệt làm những nghi thức nào đó trong lễ hầu đồng. Thí dụ, Cô Bơ là vị Thánh chuyên chữa bệnh, nên thường có nghi thức ban phát nước Thánh (nước lã pha tàn nhang) cho những người cầu xin Cô chữa bệnh. Hay ông Hoàng Mười, theo quan niệm của các tín đồ đạo này thì vị Thánh được Ngọc Hoàng và Thánh Mẫu giao cho việc tuyển chọn những con đồng mới bằng nghi thức ban cho họ cây hèo mà ông Hoàng thường cầm trong tay. Tùy theo địa phương, như Hà Nội, Huế hay Sài Gòn mà một cuộc lên đồng kéo dài từ khoảng 2 đến 6-7 tiếng đồng hồ. Trong thời gian này, những người ngồi dự theo dõi buổi lễ và tùy theo từng người tham gia ở những mức độ khác nhau vào các bước của buổi lễ. Cũng tùy theo thân phận và ước muốn, có người chỉ ngồi xem, nhưng cũng có người lại dâng lễ cầu xin. Thậm chí, có những người bị ốp đồng (tức cùng bị Thánh nhập như các ông Đồng, bà Đồng đang hầu). Họ ngã lăn ra chiếu mê man, hay đứng dậy cùng múa với các ông Đồng, bà Đồng. Với các giá Thánh Mẫu hay các Quan lớn thì không khí trang nghiêm, thành kính bao trùm. Với các giá Chầu Bà thì không khí trang nghiêm đã bớt đi một phần. Đặc biệt đến giá các ông Hoàng, các Cô và Cậu thì không khí trở nên náo nhiệt và vui vẻ hơn nhiều, khi đó tính sinh hoạt văn hóa biểu hiện rõ nét hơn cả. Khi vị Thánh cuối cùng ra đi, thường là Thánh Cậu hay Quan Hề, Ông Lốt, thì các ông Đồng hay bà Đồng cởi bỏ trang phục Thánh, tạ ơn các Thánh Tứ Phủ, rồi cảm ơn những người tới dự. Các ông Đồng hay bà Đồng sau buổi hầu thường cảm thấy khỏe mạnh, vui tươi và mãn nguyện. Ông Đồng, bà Đồng mời các quan khách tới dự ăn bữa cơm lộc Thánh, và tùy theo tính chất buổi lễ mà món ăn có sự thay đổi chút ít. Trên các mâm cơm bao giờ cũng có những phần để người ngồi ăn mang về nhà, như oản, bánh, hoa quả. Một cách khái quát nhất, chúng ta có thể nêu các đặc trưng cơ bản của lễ nhập hồn của các ông Đồng, bà Đồng: Trước nhất, đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần. Một ông Đồng hay bà Đồng như trong một buổi lễ, tùy theo tính chất của buổi lễ trong năm hay tính cách đồng (căn đồng), theo nhu cầu của từng ông Đồng hay bà Đồng mà họ làm giá (ghế) để cho các vị Thánh nào nhập. Đánh dấu mỗi lần vị Thánh nào nhập và thăng là căn cứ vào nghi thức trùm khăn phủ diện đỏ lên đầu và ông Đồng, bà Đồng thay lễ phục cho phù hợp với vị trí và tính chất của vị Thánh ấy. Như phần trên chúng tôi đã trình bày, trong điện thần đạo Tứ Phủ, có một số vị Thánh thường hay nhập hồn vào ông Đồng, bà Đồng, còn có một số vị Thánh ít thấy nhập hơn, thậm chí có vị Thánh người ta không rõ lai lịch và hầu như không bao giờ nhập hồn cả. Trong nghi thức lên đồng, các vị Thánh nhập hồn bao giờ cũng là các vị Thánh làm những điều tốt đẹp, phù hộ cho ông Đồng, bà Đồng và các con nhang đệ tử làm ăn may mắn, chữa khỏi các bệnh tật, trừ đuổi rủi ro, ma quỷ quấy ám. Hơn thế nữa, các vị Thánh đó lúc sinh thời đều là những con người tài giỏi, có đức độ, có vị trí cao trong xã hội và đã từng mang lại danh tiếng, công ơn đối với dân, với nước. Điều này phân biệt với các hình thức nhập hồn khác như nhập hồn không tự nguyện của người bị nhập hồn, nhập hồn của những ma quỷ dữ, mang lại tai họa cho người bị nhập và những người khác. Thánh nhập vào bản thân mình và như chúng ta thấy, không phải bao giờ những lời cầu xin ấy cũng được các Thánh chấp nhận, khác với nghi thức đuổi ma tà, do các quỷ dữ ám vào người nào đó để gây tai họa. Bệnh tật và những rủi ro…
Trong nghi thức Lên đồng, để cho Thánh nhập, người hầu phải thoát khỏi trạng thái tâm sinh lý bình thường, họ không còn là họ nữa, mà chỉ là cái xác để Thánh nhập vào. Do vậy, tùy theo từng vị Thánh mà con đồng có những hành động, tư thế, nét mặt sao cho phù hợp với các vị Thánh đó. Để tạo nên trạng thái tâm sinh lý như vậy, ông Đồng và bà Đồng phải tự thôi miên bản thân tạo ra trạng thái ngây ngất. Hỗ trợ cho trạng thái ngây ngất này, ngoài bàn thờ và hương khói, các màu sắc “mãnh” của đồ thờ, quần áo; còn có vai trò của các chất kích thích như rượu, trà, thuốc lá, trầu, rồi tiếng trống, âm nhạc và lời hát. Bởi thế, hầu đồng, đứng về phương diện tâm sinh lý, là việc tự đưa cơ thể vào trạng thái ngây ngất (Ecstasy), giống như kiểu tôn giáo ngây ngất rất phổ biến ở thế giới đa đạo, mà trong tác phẩm của D. Durand, ông đã có lần nhắc tới.
Quyền năng cơ bản của nghi thức nhập hồn của các Thánh vào các ông Đồng và bà Đồng là để chữa bệnh, đoán số và ban phúc lộc. Có không ít trường hợp những người phải chịu đội bát nhang với tư cách là con nhang của các Thánh hay mức cao hơn phải làm lễ trình đồng là do họ bị bệnh tật lâu ngày mà chạy chữa không khỏi. Những người này tin rằng, với việc các Thánh, nhất là các Quan Tuần, Thánh Trần, Cô Sáu… là những vị Thánh có chức năng chữa bệnh cứu người, nhập hồn vào người hầu đồng thì bệnh tật người đó ắt là mau khỏi. Trên thực tế, do chúng tôi quan sát hoặc những lời truyền tụng thì hiện tượng khỏi bệnh đã từng biết tới ở một số người. Điều này cũng không có gì lạ một khi chúng ta quan niệm rằng yếu tố tâm lý và tâm thần có tác dụng không nhỏ trong chữa lành bệnh cho con người.
Trong Lên đồng, khi Thánh nhập, tùy theo từng vị Thánh và căn đồng của từng ông Đồng và bà Đồng, mà Thánh có thể truyền phán về tương lai của những người thỉnh ngài. Cũng có những người hầu đồng nhưng không hề hé răng truyền phán gì cả, gọi là hầu câm khẩu. Việc hầu đồng để mưu cầu tài lộc cho bản thân mình, nhất là trước lúc làm ăn có tính chất được thua. Chẳng thế mà những người buôn bán hàng năm bỏ ra hàng cây vàng chỉ cho các buổi hầu Thánh như thế. Ngày nay, việc lên đồng để mưu cầu tài lộc thường là mục tiêu hàng đầu.”