Đảo Lý Sơn thuộc huyện đảo Lý Sơn, nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, gồm đảo Lớn (Cù lao Ré), đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu. Toàn huyện đảo có ba xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thường được các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa xưa (như họ Võ, họ Phạm…) tổ chức vào dịp “cúng việc lề” của họ và do cộng đồng tổ chức tại đình làng vào ngày 15, 16 tháng Ba âm lịch.
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép rằng: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng Hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng (đến tháng Tám về), đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm, thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc…”. Còn trong Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú thì chép rằng: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng Ba nhận lệnh mang lương thực trong sáu tháng rồi dùng năm chiếc thuyền ra khơi, đi trong ba ngày ba đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng Tám thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân.” Qua các nguồn sử liệu cho thấy, Hải đội Hoàng Sa vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ, để tiện luồn lách trong quần đảo có nhiều rạn san hô và bãi đá ngầm hiểm trở. Khi vào trấn nhậm vùng đất phía nam, Chúa Nguyễn đã cho lập Đội Hoàng Sa để bảo vệ và khai thác Biển Đông. Đội Hoàng Sa chính thức được thành lập từ năm nào chưa rõ, sử liệu cũ chỉ ghi “hồi đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước” và chấm dứt hoạt động vào những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh hai làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là hai phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Họ thật sự là những anh hùng vô danh, mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi hôm nay và mai sau. Từ thực tiễn hoạt động của Đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển thô sơ và luôn phải đối mặt với nguy cơ “một đi không trở lại”, đã hình thành ở Lý Sơn những câu hát dân gian: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tĩòn mấy sợi dây mây”; “Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về”,… Rất nhiều câu ca nói về Đội Hoàng Sa và Trường Sa được nhiều người dân trên đảo nhớ và thuộc để truyền cho thế hệ con cháu sau này biết về một thời bi hùng oanh liệt trong lịch sử bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta. Tương truyền, mỗi người lính trong Đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, bảy nẹp tre và bảy sợi dây mây để nếu không may xấu số bó mạng trên biển thì sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển. Từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nên ở đây đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn – cúng thế cho người sống để cầu mong người đi có thể bình an trở về quê hương, bản quán. Vì vậy, có thể khẳng định nguồn gốc sâu xa của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay