THỜ MẪU ở LẠNG SƠN

Thờ Mẫu của người Tày – Nùng và người Việt

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”

Câu ca ấy đã đi vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam như sự nhắc nhở về một mảnh đất rất đỗi thân quen nơi địa đầu Tổ Quốc. Lạng Sơn trong tiến trình lịch sử lâu dài, và với vị trí địa lý đặc biệt, những kỳ tích nổi tiếng như động Tam Thanh, sông Kỳ Cùng, hòn Vọng Phu với sự hỗn dung, giao thoa phong phú về mặt văn hóa và tín ngưỡng của nhiều tộc người đã tạo nên nét đặc sắc, tiêu biểu cho một nền văn hóa xứ Lạng. Mặc dù tên các đơn vị hành chính trực thuộc vùng đất này đã được ghi chép trong sử của các triều đại cũ, nhưng mãi đến năm 1831 (Minh Mệnh thứ 12) tên tỉnh ‘Lạng Sơn’ mới thấy xuất hiện trong các công văn giấy tờ của triều Nguyễn. Trải qua bao thăng trầm, Lạng Sơn đã tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc, trở thành phên dậu bảo vệ cho cả dải đất quê hương đất nước. Là một đầu mối giao thông quan trọng, Lạng Sơn cũng đã là sinh tụ của nhiều tộc người như Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, là nơi gặp gỡ của nhiều luồng văn hóa. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng người Tày – Thái cổ (Tày – Nùng) là cư dân bản địa ở vùng này. Cùng với thời gian, người Việt từ miền xuôi lên, người Hoa ở bên kia biên giới sang hòa nhập, giao lưu với cư dân bản địa tạo thành một cộng đồng lớn: một mặt, mỗi tộc người đều có những nét văn hóa riêng biệt, mặt khác mang dáng vẻ chung của cộng đồng cư dân xứ Lạng. Chính sự phong phú về thành phần tộc người đã dẫn đến sự phức tạp về hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng. Bên cạnh những quan niệm về ‘phi’ (ma), thờ thần bản mệnh, trời đất, tổ tiên, Tam giáo (Phật, Đạo, Nho) đã có ảnh hưởng trong đời sống tín ngưỡng của người dân.

Dù vào bằng con đường nào thì các tôn giáo ngoại lai này cũng đã buộc phải địa phương hóa và ngược lại, các tín ngưỡng bản địa không còn thuần nhất mà cũng chịu ảnh hưởng và biến đổi. Sự hỗn dung tôn giáo ấy đã tạo nên một diện mạo khá độc đáo cho đời sống tinh thần tín ngưỡng của cư dân Lạng Sơn. Chúng ta dễ nhận ra điều này khi xem xét khá nhiều các di tích tôn giáo trong vùng có thờ phụng đan xen cả Phật, Đạo, Mẫu, linh vật. Ngay từ thế kỷ XVIII, theo sách Lạng Sơn thành đồ của tác giả Nguyễn Nghiễm (viết năm Cảnh Hưng thứ 19, 1758) ở trấn thành Lạng Sơn có 17 đền như đền Mẫu Sơn ở xã Khuất Xá, đền Pha Long ở xã Mai Pha, đền Đồng Môn, đền Cây Ngài, Bắc Môn, đền Cao Bá tại xã Nhân Lý, đền Ca My ở xã Hoa Sơn, đền Kỳ Cùng ở xã Vĩnh Trại, đền Tả Phủ ở phố Khâu Lư, đền Đá Hòa ở xã Lạc Dương, đền Đá Rạch ở xã An Hái, đền Pha Duy ở xã Chu Túc, đền Lạc Quyên ở xã Vân Mộng, đền Hố Lao, Phục Ba (Mã Viện). Ngày nay, đến nhiều ngôi chùa của người Tày ở các xã Chi Lăng, Hùng Việt, Hùng Sơn (Tràng Định), ta cũng thấy sự phức hợp thờ cúng của nhiều loại hình tôn giáo.

Trong các loại hình tín ngưỡng tồn tại ở vùng đất xứ Lạng, tín ngưỡng thờ Mẹ đã có chiều dài lịch sử. Sống giữa thiên nhiên, gần gũi với núi rừng, cỏ cây, trong tâm thức của người Tày, Nùng bình dị dường như còn ít nhiều duy trì dấu vết của chế độ Mẫu hệ. Dấu vết ấy ta bắt gặp qua tục thờ cúng Mẹ Trăng, Mẹ Hoa, Mẹ Phật. Vào những đêm trăng mùa xuân tháng Giêng, Hai, người Tày, Nùng thường tổ chức lễ hội mừng Mẹ Trăng: đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống trần, rồi lại tiễn Mẹ Trăng về trời. Mẹ Trăng còn xuất hiện trong các hội Lượn, các câu chuyện kể, trong lời ca tiếng hát của thanh niên nam nữ.
Một điều đáng chú ý là tục thờ Mẹ Hoa (Bjoóc). Có thể nói, cây và hoa hết sức thiêng liêng trong đời sống tín ngưỡng Tày – Nùng. Dân gian Tày vẫn lưu truyền phổ biến huyền thoại về một bông hoa chúa: hoa vặc viện (hay pặc piền) mỗi năm chỉ rụng một cánh, trai gái may mắn nhặt được cánh hoa ấy sẽ trẻ mãi không già và suốt đời hạnh phúc. Người dân tin rằng ‘hoa’ chính là linh hồn của họ, Hoa là Mẹ Hoa, còn được gọi là Chúa Hoa, Chúa Ba, Công chúa Bạch Hoa, Bà Mụ, Hoa Vương Thánh Mẫu.”

Trong hát Then, người Tày có hẳn một chương cầu Bjoóc để cầu tự, cầu Bà Hoa Vương Thánh Mẫu nặn nên con cái cho loài người. Bà có cả vườn hoa vàng sinh ra con trai, vườn hoa bạc sinh ra con gái. Vì thế, trong các nghi lễ hội còn có lễ hồn hoa (khăn Bjoóc) với lời khấn:
Mẹ Hoa sinh ra, Mẹ Hoa đặt lại

Theo một số nhà nghiên cứu, có thể Mẹ Hoa là thay cho Mẹ Bầu vốn là nữ thần Tày – Thái cổ, và cũng có thể tên gọi này có mối liên quan với các ý niệm “Hoa nương Tiên cỏ” hoặc “Hoa nương Thánh Mẫu,” vốn là một nữ thần tồn tại trong tâm thức các tộc người trong khu vực Hoa Nam và Bắc Đông Dương.
Bên cạnh việc thờ phụng các vị thần tự nhiên, mang nữ tính, người Tày – Nùng còn có một vị thần tối cao: Pựt Luông (Luông nghĩa là lớn, cả, cao nhất), ý thức về “Mẹ” đã in một cách sâu đậm vào cư dân ở đây đến mức Đức Phật Thích Ca – vốn là nam giới – đến vùng này đã bị chuyển hóa thành Mẹ Phật Thích Ca (Mẹ Pựt Thích Ca) và được gọi là Mẹ Pựt (Pựt biến âm thành Phật), người Kinh gọi là Bụt. Cả một hệ thống truyện Pựt Luông và các nàng tiên con gái Mẹ Pựt đã được lưu truyền trong dân gian Tày – Nùng. Điều nhận thấy là dường như có một mối liên hệ giữa các Mẹ Then, Mẹ Hoa, Mẹ Pựt, thậm chí cả Mẹ Bầu. Mẹ Then và Mẹ Hoa đã tồn tại từ xa xưa trong tâm thức dân gian. Tục ngữ Tày có câu:
Mẹ Then ở trên cao, Mẹ Hoa ở trên trời
Với người dân, Mẹ Then có chức năng sáng tạo, Mẹ Hoa là linh hồn bảo vệ che chở họ, và rất có thể sau khi tín ngưỡng bản địa của người Tày – Nùng tiếp thu và hỗn dung với đạo Phật thì Mẹ Hoa và Mẹ Then đã chuyển hóa thành Mẹ Pựt.
Người Việt ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như ở nhiều nơi trong cả nước cũng có tín ngưỡng thờ Mẹ. Trong truyền thuyết về Liễu Hạnh Công Chúa của người Việt có chi tiết Mẫu Liễu Hạnh lên vùng biên giới xứ Lạng. Chuyện kể rằng: sau khi được vua cha phong làm Liễu Hạnh công chúa, nàng lại xuống trần lần thứ hai. Vì còn nặng tình duyên, nàng trở lại thăm nom bố mẹ, khuyên bảo chồng là Đào Lang tu chí học hành. Đến khi cha mẹ chồng qua đời, con cái lớn khôn, không còn vướng bận gì, nàng mới đi chu du thiên hạ, gia ân, gia oán, dừng chân ở những nơi núi non danh thắng. Đến Lạng Sơn, thấy bên núi có một ngôi chùa phong cảnh hữu tình với những rặng thông xanh cao vút, những khóm lan tươi đẹp nhưng lại bị cỏ lấp dấu chân, bia phủ rêu xanh, tượng Phật bụi mờ, ít có người qua lại vãn cảnh, Liễu Hạnh không vui. Nàng ngồi tựa gốc cây thông, gảy đàn cất tiếng hát, ca ngợi thú sơn lâm và đón đợi Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan khi ông vừa đi sứ bên Trung Quốc về. Mượn chuyện văn thơ đối đáp, nàng đã nhắc khéo ông Trạng nguyên tu bổ lại ngôi chùa đẹp nhưng bị bỏ hoang nơi vùng biên ải này. Ngay sau cuộc hội ngộ, Phùng Khắc Khoan liền gọi các phụ lão ở nơi sơn trang đó giao cho một khoản tiền để tu sửa lại ngôi chùa và đề một câu thơ ở hành lang bên trái rồi ra đi. Câu thơ ấy là:
“Tùng lâm tịch mịch phất nhân gian,”
nghĩa là: rừng rậm tịch mịch có nhà Phật. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta không biết địa danh chính xác của ngôi chùa đó.
Như vậy là, cùng với người Việt, Mẫu Liễu Hạnh cũng đã đến mảnh đất Lạng Sơn, và đi kèm với Bà là cả một hệ thống thần linh trong đạo Tứ Phủ. Năm 1796, một sự biến đổi lớn về mặt thần điện của các đền chùa đã được miêu tả trong Lạng Sơn thành đồ diễn ra, và điều này dẫn đến sự xuất hiện của ban thờ Mẫu dưới nhiều dạng thức khác nhau.

  1. Mẫu được rước vào hưởng trọn một ban thờ trong đình Tả Phủ. Đình này vốn do thương khách 13 tỉnh Trung Quốc, 7 phường của trấn lỵ Lạng Sơn quyên cúng, cất năm Chính Hòa thứ 4. Đình thờ Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài, người đã có công san đồi thành 7 con đường, lập đền 7 phương cho phố chợ Kỳ Lừa, biến nơi đây thành một nơi buôn bán phồn vinh tấp nập. Người xưa đã ghi trong bia Tôn sư phụ bi ở đình, tôn ông làm thầy, làm cha.”
  2. Mẫu được rước vào thờ cạnh đền thần Giao Long (được tôn là Kỳ Cùng Đại Vương), sau đổi là đền Quan Lớn Tuần Tranh. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “Đền rất linh thiêng, được lịch triều phong tặng; khi vào, sứ bộ đi ngang qua phải vào đền yết cáo rồi mới qua sông.” Hiện gian thờ Mẫu nằm bên trái gian thờ Quan Lớn, được bài trí như sau: tượng Phật Quan Âm đặt ở trong cùng, cao nhất; phía trước là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu với ba pho tượng nữ mặc áo son giống nhau, được đặt trong khám: Mẫu Đệ Nhất ngồi giữa, Mẫu Đệ Nhị bên trái, bên phải là Mẫu Đệ Tam.
  3. Mẫu được rước vào thờ trong nhà Mẫu bên trái, sát vách chùa Diên Khánh (tên phổ thông là chùa Thành) với ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Mẫu Liễu Hạnh được đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, choàng khăn đỏ ngồi giữa, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn choàng khăn xanh ngồi bên trái, pho tượng bên phải choàng áo trắng là Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ.
  4. Sự gia nhập của Mẫu vào chùa đã biến chùa Đồng Đăng (tên chùa vốn là Đồng Đãng Linh Tự) thành tên gọi dân gian là “đền Mẫu Đồng Đăng.” Gian hậu cung trong cùng thờ Phật Huyền Đề tám tay tọa trên đài sen và Phật Bà Quan Âm. Phía ngoài là gian thờ Tam Tòa Thánh Mẫu với ba pho tượng Mẫu: giữa là Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên khăn đỏ, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn khăn xanh ở bên trái, bên phải là Mẫu Đệ Tam (còn được gọi là Bà Chúa Ba) choàng khăn trắng. Cũng có người quan niệm “Tam vị nhất thể” – cả ba pho tượng Mẫu đều từ Mẫu Thượng Thiên mà ra. Tiếp theo gian ngoài là ban Sơn Trang với ba pho tượng Bà Chúa Thượng (cũng gọi là Chúa Sơn Trang) ở giữa, bên trái là Chầu Mười Đồng Mỏ, bên phải là Chầu Chín. Cạnh ban thờ này có gian thờ ông Hoàng Ngọc. Gian ngoài cùng của chính điện có ba ban thờ: giữa là ban thờ Bà Chúa Liễu, tượng Bà ở giữa, bên trái là Chầu Bơ áo trắng, bên phải là Chầu Lục áo xanh, dưới hạ ban thờ Quan Ngũ Dinh, ban thờ Đức Thánh Trần ở bên trái ban thờ Chúa Liễu, ban thờ Cậu Bé ở bên phải.
  5. Đền Mẫu Tây Hồ gặp Phùng Khắc Khoan ở Hồ Tây – Hà Nội. Trong đền Mẫu Tây Hồ, tượng Phật Quan Âm được đặt trên cao ở trong cùng, phía ngoài, thấp hơn là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu với tượng Mẫu Đệ Nhất mặc áo xanh ngồi giữa, Mẫu Đệ Nhị bên trái áo đỏ, bên phải áo trắng là Mẫu Đệ Tam. Phía trước ban thờ này là ban Tứ Phủ Công Đồng với bốn pho tượng nữ đứng, đặt ngang hàng, nhìn từ ngoài vào từ trái sang phải là các pho tượng áo vàng, áo đỏ, áo xanh, áo trắng.
  6. Mẫu cũng được rước vào thờ ở chùa Tiên. Chùa này trước kia nằm trên đỉnh núi, nơi mà theo huyền thoại có một giếng Tiên, sau chùa được chuyển vào động ngay dưới chân núi, nơi có một khối đá hình Đức Phật. Ban thờ Mẫu lúc đầu đặt ở ngay dưới ngách hang lối vào bên phải, sau đó chuyển vào ngách hang trong phía sau, bên trái điện Phật. Năm 1981, cung Trần Triều được lập ra với các pho tượng do đền thờ tư nhân cúng tiến và đặt ở ngách hang bên phải. Tiếp đó, một vị thần linh trong cung Mẫu được tách ra, lập thành một ban thờ Cô Chín riêng ở phía sau điện Phật, bên phải điện Mẫu. Điện Mẫu được bài trí như sau: trong cùng là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu với tượng Mẫu Thượng Thiên trùm khăn đỏ, Mẫu Địa áo xanh ở bên trái, Mẫu Thoải áo trắng ở bên phải. Trước ban Tam Tòa là một bàn thờ thấp hơn thờ Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ ở giữa, bên trái là ông Hoàng Mười mặc áo xanh. Phía ngoài cùng là ban thờ Công Đồng.
  7. Đầu năm 1991, một ban thờ Mẫu được tư nhân lập trong hang động mới được phát hiện – động Chúa Ba. Ngoài ban thờ Mẫu, trong động này còn có ban Phật, ban thờ Đức Thánh Trần Triều. Ở ban Mẫu, trên cao nhất là Tam Tòa Thánh Mẫu: Mẫu Đệ Nhất áo đỏ ở giữa, Mẫu Đệ Nhị áo xanh ở bên trái, Mẫu Đệ Tam bên phải áo trắng. Thấp hơn, thờ Tứ Phủ Công Đồng với các pho tượng ông Hoàng Ba, Hoàng Bảy, Cô Chín. Hạ ban của ban thờ Mẫu có bàn thờ Ngũ Dinh (Ngũ Hổ).

Ngoài ra, đến Lạng Sơn, người ta dễ nhận ra một số di tích có đối tượng thờ phụng gắn với thần linh Tứ Phủ đã đi vào lời ca tiếng hát chầu văn, đó là đền Bắc Lệ thờ Cô Ba, đền Đồng Mỏ thờ Chầu Mười, đền Suối Ngang, Suối Lân thờ Mẫu Liễu Hạnh và các thánh trong hệ thống Tứ Phủ, v.v…

Có thể thấy, sự phong phú của tư duy dân gian đã khiến cho vị trí (cũng như cách bài trí thờ cúng) của ban thờ Mẫu trong các ngôi chùa ở Lạng Sơn không theo một khuôn mẫu nào: có nơi là “tiền Phật, hậu Mẫu,” có nơi “tiền Mẫu, hậu Phật,” có nơi ban thờ Mẫu và ban thờ Phật lại được đặt cạnh nhau. Tuy nhiên, nét chủ yếu lại ở các nghi thức tín ngưỡng như hát văn, hầu bóng…, và nó đã thực sự trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng cư dân Lạng Sơn.