Lễ nghinh Ông Nam Hải được tổ chức hằng năm tại các đền miếu và làng ven biển của tỉnh Bến Tre, là sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư nghiệp ven biển. Các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Thạnh Hải… đều có lăng Ông. Tuy nhiên, Lễ nghinh Ông lớn nhất của tỉnh thường diễn ra ở lăng Ông tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại trong khoảng từ ngày 15 đến 17 tháng Sáu âm lịch.
Phần Lễ của Lễ hội gồm các mục: túc yết; nghinh Ông; tế tiền hiền, hậu hiền; lễ chánh tế và xây chầu đại bội. Trước ngày lễ, các thuyền đánh cá dù đang làm nghề ở xa hay gần, đều phải tề tựu về bến. Vào lễ, các thuyền đều chăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi thuyền, chủ nhân bày mâm cúng gồm trái cây, xôi thịt, thường là cặp vịt luộc, chiếc đầu heo cùng với hương hoa.
Khởi đầu là lễ túc yết với nghi thức đơn giản được tiến hành tại lăng. Sáng hôm sau là nghi thức nghinh Ông. Nghi thức này được tiến hành với sự tham gia của đông đảo tất cả ngư dân trong làng chài. Đoàn lễ lên chiếc thuyền lễ để ra khơi nghinh Ông. Trên thuyền có một bàn bày các lễ vật: 1 con heo quay, 2 đĩa lòng (1 đĩa sống, 1 đĩa chín), một đĩa bánh hỏi cùng hoa quả. Sau thuyền lễ là thuyền múa lân, kế tiếp là đoàn thuyền gồm hàng trăm chiếc của ngư dân trong vạn lạch. Trên từng chiếc thuyền đều có bày đồ lễ cúng. Tất cả cùng tiến ra biển khơi làm lễ rước Ông. Khi trở về đến bến xuất phát, người ta khiêng long đình, hương án và tất cả đồ lễ lên bờ, rước về lăng Ông. Sau khi các nghi thức an vị và hoàn tất các thủ tục khấn vái, lễ Nghinh Ông kết thúc. Sau đó là lễ tế tiền hiền, hậu hiền; lễ chánh tế được tiến hành vào giữa đêm 16 tháng Sáu âm lịch, vào lúc giao điểm giữa hai ngày.
Trong lễ nghinh Ông, ngoài phần Lễ, còn có phần Hội với các hoạt động phong phú như: múa lân, hội thi mâm xôi, tổ chức trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập heo đất, nhảy bao và ca hát.
Lễ hội nghinh Ông ở Bến Tre là lễ hội văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng của ngư dân miền biển, vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa để cầu mong một mùa đánh bắt thuận lợi, bình an nơi biển cả.