Lễ hội đền Mẫu Thác Bà (Yên Bái)

Hội đền Mẫu Thác Bà được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm, tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Tương truyền, đền Mẫu Thác Bà thờ công chúa Minh Đạt, con cháu thời các vua Hùng, được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà. Bà có công dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Sau khi mất, bà được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà.

Cũng như nhiều lễ hội khác, Lễ hội đền Mẫu Thác Bà gồm hai phần chính là phần Lễ và phần Hội.

Phần Lễ gồm nhiều nghi thức truyền thống trang trọng. Mở đầu là nghi lễ rước kiệu. Đoàn rước chia làm ba hướng: hướng thứ nhất là rước kiệu hoa, kiệu võng và kiệu bát cống; hướng thứ hai là rước lễ vật gồm tám mâm lễ với chè kho, bánh, hoa quả; hướng thứ ba là rước cá từ Hồ Thác Bà vào. Sau nghi lễ rước kiệu là lễ tế Mẫu, lễ dâng hương kính Mẫu, lễ dâng hoa quả, lễ dâng tửu,… Mọi nghi lễ rước, tế, dâng hương đều diễn ra trong không khí thành kính, tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với người xưa.

Sau phần Lễ nghiêm trang là phần Hội sôi nổi và vui nhộn với nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chọi gà, ném còn, cờ tướng, v.v. Những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian đã khiến cho ngày hội của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy thêm sống động và trở thành nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Tày, Nùng trong vùng. Các trò chơi trong Lễ hội không chỉ thể hiện sự khéo léo, tài trí và thông minh mà còn toát lên tính tập thể, tinh thần cộng đồng cao.

Lễ hội đền Mẫu Thác Bà hội tụ sắc thái văn hóa của cư dân bản địa lâu đời, đồng thời mang nhiều yếu tố tín ngưỡng tiến bộ.