ĐÌNH KIM QUAN

ĐÌNH KIM QUAN

Đình thôn Kim Quan nằm ở vùng đất cổ, thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, cách trung tâm Hà Nội khoảng 8 km về phía bắc theo đường Hà Nội – Lạng Sơn. Đình và chùa cách nhau khoảng 400m.

Truyền thuyết cho biết làng Kim Quan được lập từ đời vua Lê Hiến Tông (1448-1504) do phò mã Lê Đạt Chiêu di dân nghèo tới đây khai phá mà thành. Sau đó, ông được thờ là thành hoàng làng cùng với một viên quan họ Trịnh tên Đồ, người giỏi thuật phong thủy, đã giúp dân xây cất nhà cửa được yên lành, giàu có. Ngoài hai vị trên, đình còn thờ hai vị nữ thánh là Thiên Tiên Đào Hoa và Hà Tiên Phương Dung – tương truyền là vị sư tổ của nghề ca trù Việt Nam. Cả 4 vị đều là nhân thần có công với làng, với nước và được các triều đại phong sắc. Nhưng vị thần chính bảo hộ cho cuộc sống tâm linh của dân làng là Linh Lang Đại Vương – một nhân vật ra đời từ tục thờ rắn của dân tộc Việt cổ xưa, chuyên sống bằng nghề lúa nước. Thần Rắn chỉ là huyền thoại nhưng lại gắn với hiện thực của 2 vị hoàng tử triều Lý là Hoàng Châu và Chiêu Văn, những người có công đánh thắng Tống từ hồi thế kỷ 11. Các nơi thờ Linh Lang thường được coi là tối linh từ và thần thì được phong là thượng đẳng thần, được nhân dân khắp vùng đồng bằng rất sùng bái.

Đình nằm trên một khu đất vuông vắn và cách biệt với khu dân cư, quang cảnh khá đẹp. Đình nhìn ra hướng đông nam, phía trước có hai cây đa và giếng nước nay thành hồ rộng.

Qua cổng đình xây kiểu vòm cuốn, ta đến sân đình lát gạch Bát Tràng, rồi tới nhà tiền tế gồm 7 gian gỗ lim, mái lợp ngói, đầu hồi bít đốc, bộ kèo chồng giường. Các đầu bẩy thường chạm rồng, chắc, mập, khỏe và đơn sơ.

Nhà trung tế là nơi diễn ra các nghi lễ và sinh hoạt việc làng. Tại đây có bức đại tự cổ đề “Thánh cung vạn tuế”. Các mảng chạm khắc ở đây thường là hình mây, lá được tạo tác từ thế kỷ 17, 18. Hoành phi có 5 chữ: “Thượng đẳng tối linh từ.”

Hậu cung có chạm khắc hoa lá đơn giản và thường là bào trơn đóng bén, rồi xây bệ thờ cao 1m, đặt ngai thờ của 5 vị thành hoàng làng.

Đình (và chùa) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 11.6.1992.