ĐÌNH KIM MÃ

ĐÌNH KIM MÃ

Đình ở số 61 phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội.

Các thư tịch và sắc phong, thần phả đều cho biết đình Kim Mã thờ 3 vị thành hoàng là: Bố Cái Đại Vương, Linh Lang Đại Vương, và quan thái giám thái tể Hoàng Phúc Trung. Sự có mặt của các vị thần này có liên quan trực tiếp đến những sự kiện lịch sử lớn diễn ra trong vùng.

Bố Cái Đại Vương là nhân vật lịch sử lớn của dân tộc ta ở thế kỷ thứ 8, ông đã lãnh đạo nhân dân cả nước giành lại độc lập trong 7 năm. Sự tích về người anh hùng dân tộc tiêu biểu này được ghi chép trong nhiều sử sách và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Đình Kim Mã thờ phụng Bố Cái Đại Vương cũng là một ví dụ.

Vào nửa cuối thế kỷ thứ 8, chính quyền nhà Đường ngày càng suy yếu. Chiến tranh giữa các phiên trấn (bọn tiết độ sứ cai quản miền biên cương) và triều đình đã làm cho vương triều Đường ngày càng suy yếu. Chúng tự ý trưng thu thuế má. Cao Chính Bình, hai lần thắng quân Chà Và ở Chu Diên, được phong làm Đô hộ sứ An Nam. Y ra sức bòn rút của cải của nhân dân ta bằng sưu cao thuế nặng. Khoảng đời Đại Lịch (766 – 779), nhân dân căm phẫn, lợi dụng quân lính ở Tống Bình nổi dậy chống bọn đô hộ. Người hào trưởng đất Đường Lâm là Phùng Hưng đã tập hợp dân chúng nổi dậy giành độc lập cho dân tộc.

Để ghi nhớ công lao của Phùng Hưng, dân một số làng đã lập đền thờ Bố Cái Đại Vương và tôn ông làm thành hoàng làng. Dân trại Mã (Kim Mã) đã thờ Bố Cái Đại Vương làm thành hoàng làng.

Đình Kim Mã đã bị thực dân Pháp phá hủy. Đình được xây lại mái bằng, làm trụ sở ủy ban nhân dân phường. Nay đã được sửa lại làm nơi thờ phụng của nhân dân. Trước đình còn hai trụ lớn, xây đẹp, trang trí trang nhã. Đình còn một bia, văn bia do Lê Cúc Hiên soạn và dựng năm 1875, nói về Phùng Hưng và làng Kim Mã. Văn bia có giá trị lịch sử tiêu biểu nên đã được tuyển chọn vào trong tuyển tập văn bia Hà Nội.

Đình còn lưu giữ được sắc phong thần phả và một cỗ ngai cao 1,2m, có giá trị nghệ thuật từ thế kỷ 19.

Cách đình Kim Mã khoảng 500m có lăng Phùng Hưng đã được công nhận là di tích lịch sử.

Đình Kim Mã tuy đã biến đổi, nhưng địa điểm xây dựng đình có liên quan trực tiếp tới nhân vật được thờ, là nơi bảo lưu dấu vết của Phùng Hưng và truyền thuyết liên quan tới các vấn đề lịch sử của kinh thành Thăng Long, như là nơi luyện ngựa của cung đình (tàu mã) và là pháp trường thời Lý…

Đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 27.12.1990.