ĐÌNH VÀ NGHÈ KIM SƠN
Cụm di tích đình, nghè Kim Sơn thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội gần 20 km theo quốc lộ 1A rồi sang quốc lộ 5. Đến cây số 16, rẽ trái, đi tiếp con đường 182 khoảng 3km nữa là tới nơi.
Đình và nghè được dựng lên thờ những vị thành hoàng làng từ rất sớm, gồm hai anh em sinh đôi Cao Điển Công và Cao Đỗ Công, những người đã có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.
Truyền thuyết kể rằng 2 anh em Điển Công, Đỗ Công chính là thiên thần, được trời cho đầu thai vào gia đình ông Cao Trạch và bà Lê Thị, vốn là người nhân đức nổi tiếng khắp vùng. Khi hai anh em 18 tuổi, đất nước loạn lạc, dân tình khổ cực vì 12 sứ quân. Nghe Đinh Bộ Lĩnh khởi binh ở động Hoa Lư, hai anh em liền tìm tới ra mắt. Vua thấy hai anh em khôi ngô, tuấn tú liền nhận ngay, phân Điển Công vào ban văn, Đỗ Công vào ban võ. Chỉ một thời gian ngắn, hai anh em đã dẹp yên 7 sứ quân, còn 5 sứ quân hùng mạnh thì chính Đinh Tiên Hoàng dẹp nốt. Từ đó nhân dân yên ổn làm ăn, ấm no vui vẻ.
Lúc này, hai vị truyền cho binh sĩ cùng nhân dân Kim Sơn lập một doanh cứ, chiêu mộ các dân li tán, không phân biệt giàu nghèo tới đây khai phá, sửa sang nghề nông, chăn tằm dệt cửi, lấy nhân nghĩa thuận hòa mà cấu kết làng xóm. Nhân dân Kim Sơn no ấm hạnh phúc và nhớ ơn hai vị rất nhiều. Lúc này, quân Chiêm Thành lại xâm phạm bờ cõi. Vua lại triệu hai vị về triều, cho mang quân đánh dẹp. Chỉ một trận, quân Chiêm đại bại về nước. Vua Đinh thưởng công cho hai vị, cấp cho đất Kim Sơn là nơi chịu ơn hai ông. Một ngày, khi hai ông cùng quân sĩ trở về Kim Sơn thì trời bỗng nổi giông tố rồi hai ngài cùng hóa. Từ đó, nhân dân Kim Sơn lập đền thờ cúng. Ngày nay đình còn lưu giữ được 17 sắc phong của các triều đại phong cho hai vị từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 20. Hàng năm cứ đến ngày sinh và ngày mất của hai vị, dân làng mở hội rất vui và tràn đầy tình nghĩa, đoàn kết.
Dân Kim Sơn rất tự hào vì mảnh đất này có nhiều danh nhân, hiếu học đỗ cao như Nguyễn Mậu Tài, Nguyễn Mậu Vân, Nguyễn Mậu Đại, Nguyễn Mậu Thịnh, Phạm Ích Khiêm… (thế kỉ 17 – 18).
Ngôi đình xây sát với nghè, muốn vào đình ta phải qua tam quan, có hai trụ biểu cao, mà đỉnh là 4 con phượng chụm đuôi thành trái dành. Lồng đèn được đắp nổi tứ linh, mặt trước của nghi môn là 2 mảng chạm trổ trúc, lão mai, các loại hoa quả, bút, kiếm. Hai trụ hai bên nghi môn là hình con nghê quay mặt vào nhau. Qua một sân rộng với các cây bưởi, lan, ngâu, đại… ta tới đại đình và hậu cung. Do đình tu sửa gần đây nên đáng tiếc các mảng chạm khắc nghệ thuật không còn mà chủ yếu là bào trơn đóng bén. Tuy nhiên, chỉ nhìn các chân tảng của cột cũ còn lại, ta có thể thấy đình cũ chắc chắn là to lớn và đẹp đẽ nhiều. Hậu cung cũng đơn giản như đình, chỉ có 2 khám thờ, 2 bài vị của hai vị thần thành hoàng cùng một số đồ tự khí.
Nghè: Chính là nơi thờ gốc của hai vị thành hoàng làng. Tương truyền đây chính là dinh của hai ông lúc sinh thời. Nghè có hai dãy nhà, xây dựng theo kiểu chữ nhị. Phía trước là 3 gian tiền tế, phía sau là 3 gian hậu cung, liên hệ với nhau trong một không gian khép kín. Nghè cũng như đình, kiến trúc không có gì đặc sắc, nhất là nghệ thuật chạm khắc. Trong hậu cung của nghè cũng là bàn thờ thành hoàng.
Có lẽ điểm nổi bật của nghè là bức cửa võng kín cả gian, với 4 chữ lồng trong khung vuông, chiếm vị trí trung tâm của kiến trúc. Chính giữa y môn là một vòng tròn xoắn thay cho mặt trời. Những vòng xoắn này là biểu hiện của 3 yếu tố: thiên, địa, nhân là 3 lực lượng tạo nên thế giới.
Nghệ thuật này hơi giống hình dáng của tòa tiền bái Văn Miếu Quốc Tử Giám ở thế kỉ 17.
Những di vật còn lại trong đình và nghè cũng thực sự quý giá, mang dấu ấn nghệ thuật thế kỉ 17 – 18. Nhang án với nghệ thuật chạm nổi, chạm bong đủ loại đề tài như phượng ngậm thư, rùa cuốn thủy, hoa cúc minh khai, hoa chanh, sóng nước, đồng tiền, triện gấm, hổ phù… rất bay bướm, tinh vi. Hai bài vị thờ thần cũng có niên đại thế kỉ 17, riêng bành ngai làm vào thế kỉ 18 rất đẹp với hình tượng rồng, mây, cúc, sen, phượng, sóng nước… Các cỗ kiệu sơn son thếp vàng để rước thần là những tác phẩm của thế kỉ 19 có trang trí hình rồng. Hai pho tượng phỗng bằng gỗ là hình tượng tù binh Chàm được tạo tác vào thế kỉ 15. Các tấm bia đá và nhang án đá có kích thước lớn còn nguyên vẹn. Ngoài ra các đồ thờ tự, long đình, gươm giáo, bát bửu, câu đối, đại tự, lư hương, đình, mâm đồng, lọ hoa, đồ gốm sứ cũng là các cổ vật giá trị, nâng cao thêm giá trị cổ kính của di tích này.
Đình và nghè đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật ngày 22.4.1992.