ĐÌNH KIM LIÊN
Đình Kim Liên trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đình Kim Liên cũng được gọi là đền Kim Liên.
Long Quân và bà Âu Cơ đã theo cha lên núi. Thần là thần núi, đã có công giúp Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh. Thần cũng có công giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Vua Lê cho xây dựng đền và dựng bia “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh”. Tương truyền tấm bia đó vốn được dựng ở huyện Phụng Hóa (Nho Quan), đến đời Hoằng Định (1600-1619) nổi lên ở Bồ Đề, và được dân làng Kim Liên kéo về dựng ở di tích hiện nay.
Phía trước đình có một cổng gạch gồm 2 trụ, bên trên là 2 con nghê. Tiếp sau cổng là một sân gạch rộng, hai bên có hai dãy giải vũ, mỗi dãy có 3 gian. Tam quan và đình được xây trên một gò đất cao hơn. Từ sân phải bước lên thềm qua 9 bậc gạch, xây bằng gạch vồ. Hai bên thềm có hai sấu đá thời Lê, hướng ra phía cổng.
Tam quan của đình là một nếp nhà 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn góc tường hồi có 4 cột trụ. Bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu “chồng giường, giá chiêng, cột trốn”. Các con giường được chạm nổi hình mây cuốn. Câu đầu và hai bẩy của hai vì ngoài được chạm bong kênh và chạm lộng nhiều lớp các hình phượng, rồng, long mã…
Đình được bố cục theo chữ “đinh”, gồm bái đường và hậu cung. Bái đường đến nay chỉ còn dấu vết là một nền đất cao và những tảng đá kê chân cột. Hậu cung còn đến ngày nay là một nhà dọc 3 gian, xây gạch trần. Gian ngoài xây bệ gạch, đặt hương án sơn son thếp vàng, có chạm thủng và chạm nổi các hình hổ phù, bát bửu, long mã tranh chầu, tứ linh, tứ quý… Bên phải gian ngoài có 2 long ngai thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Long ngai thần Cao Sơn có mặt đáy hình vuông, có nhiều lớp theo kiểu “chân quỳ dạ cá”, các lớp trên được chạm thủng hình hoa dây. Ở gian ngoài cũng có long ngai thờ hai nữ thần phối hưởng là “Thủy Tinh Đệ Tam Tôn Nữ Đông Hồ Trưng Vương Mẫu” và “Huệ Minh Phu Nhân” (bài vị từ đền khác đưa đến, không rõ sự tích).
Đình còn giữ được 39 đạo sắc phong, gồm 26 đạo thời Lê Trung Hưng và 13 đạo thời Nguyễn, cổ nhất là sắc phong năm Vĩnh Tộ thứ hai (1620). Đền có 4 câu đối và 2 tấm bia đá. Bia “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” ghi lại công lao của thần Cao Sơn giúp vua Lê dẹp loạn, do Thượng thư Lê Tung soạn năm 1510, Đông Các Đại Học Sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu soạn năm Hồng Thuận thứ 2 (1510); Bia hai mặt, chạm rồng và hoa mây. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, gồm 47 dòng, khoảng 100 chữ.
Đình Kim Liên, ở phía nam thành Thăng Long, thờ thần Cao Sơn, cùng với thần Bạch Mã phía đông, thần Trấn Vũ ở đền Trấn Vũ phía bắc và thần Linh Lang ở đền Voi Phục phía tây, đã hợp thành “Thăng Long Tứ Trấn”, tạo nên ý nghĩa thần thánh của mảnh đất kinh đô. Các triều đại phong kiến đều được các thần linh yểm trợ.
Đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật ngày 9.1.1990.