ĐÌNH KIM GIANG
Đình Kim Giang, còn gọi là đình Lưu Cầu, thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đình Kim Giang có quy mô kiến trúc vừa phải, mặt bằng hình chữ công, đình quay về hướng tây nam.
Nhà đại bái gồm 5 gian theo lối “đầu hồi bít đốc”, bộ vì kèo kết cấu giá chiêng kê đấu rất chắc chắn và nhẹ nhàng thanh thoát. Hoa văn trang trí chủ yếu là các loại hoa văn truyền thống như rồng phun mây, long cuốn thủy, cá hóa long, tứ linh, hổ phù, chùm hoa, cúc trúc, đao mác xen lẫn hoa văn mây, nước.
Hậu cung là một ngôi nhà vuông với kết cấu vì kèo tám mái lợp ngói ta chắc, khỏe, thanh thoát.
Theo thần phả còn giữ được tại đình, đình thờ tướng Mạo Giáp Hoa. Ông sinh vào thời vua Lê Anh Tông (1557-1573) trong một gia đình họ Lê ở làng Thiên Bản, xã An Thái. Ông học giỏi, thi đình đỗ đầu bảng, được cử làm Đốc học đạo Sơn Tây. Sáu tháng sau, ông được phong Tham tri Bộ Binh. Khi giặc Chiêm Thành xâm lấn, ông được cử làm Tổng thống Đại thần quân vụ, lĩnh 3.000 quân sĩ đến đạo Sơn Tây đánh dẹp. Giặc tan, trên đường dẫn quân về Thăng Long, qua Thường Tín, đến Thanh Trì, qua xã Kim Lũ, đến Chụ Cầu (tức thôn Kim Giang), ông cho quân nghỉ, mở tiệc ăn mừng cùng nhân dân địa phương. Hôm đó là ngày rằm tháng 7 năm Quý Tỵ. Sau đó, ông cử người về Thăng Long báo tiệp, còn mình ở lại vui cảnh đồng quê. Thấy làng Chạ, Lưu Cầu có địa thế huyết mạch, phát người tài đức, ông bèn ban cho dân làng 300 quan tiền để dựng miếu thờ. Miếu vừa dựng xong thì ông hóa, đó là ngày 12.2 năm Đinh Hợi (1627).
Từ đó, nhân dân trong vùng nhớ ơn ông và thờ cúng ông vào các ngày:
- Ngày 12 tháng 2 là ngày sinh.
- Ngày 15 tháng 7 là ngày thắng trận.
- Ngày 12 tháng 2 là ngày hóa.