Tên chữ là Đình Đại Đản, thuộc xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đình Đại Áng thờ Cao Sơn, Quý Minh, Tản Viên và Bố Cái Đại Vương. Đô đốc Bảo (quân Tây Sơn) đã cho quân trú ở đây trước khi vào giải phóng thành Thăng Long.
Đình bao gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế có 5 gian, 2 chái. Vì kèo làm theo kiểu “thượng chồng giường hạ kẻ và bẩy hiên”. Các đầu ở 2 gian giữa chạm lộng và chạm thủng hình đầu rồng. Đại đình (phương đình) làm theo kiểu chồng diêm, mái trên các bờ dải đắp nổi hình rồng. Hậu cung có kết cấu khá đặc biệt với gian ngoài cùng là vì kèo quá giang “vỏ cua”, tạo nên không gian sâu kín, linh thiêng để đặt long ngai, bài vị của các vị thần. Đình có bố cục khác với ngôi đình thường thấy ở đất Bắc, ngược lại có nhiều nét ảnh hưởng kiến trúc ở cố đô Huế (như vì vỏ cua), các mảng chạm khắc đẹp và tinh tế. Đình có 3 câu đối khảm trai, cuốn thư sơn son thếp vàng, hai bộ bát bửu, hai long sàng, hai cửa võng, 4 bộ kiệu và một long đình.
Đình Đại Cát thuộc thôn Đại Cát, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Theo truyền thuyết, đình Đại Cát được xây dựng từ lâu đời.
Đình ở trên một khu đất cao rộng thoáng cạnh làng. Phía trước đình có một hồ nước nhỏ. Đình quay về hướng tây, có hình chuôi vồ. Đình gồm có mái nhà tiền tế gồm 1 gian, 2 dĩ, làm theo kiểu “tường hồi bít đốc”, hậu cung 2 gian cũng làm theo kiểu “tường hồi bít đốc”.
Đình thờ 3 vị thành hoàng là ông Quách Lãng, hai bà Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương.
Hàng năm, dân làng mở hội vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Lễ hội có thi bơi trải trên sông Nhuệ và sông Hồng.
Đình Đại Cát đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật ngày 31/1/1992.