Cách thiết lập bàn thờ Phật

Tín ngưỡng thờ Phật
Đối với đạo Phật, trong quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam, mặc dù không loại trừ tín ngưỡng dân gian (một vài chùa còn phương tiện dung hợp các tín ngưỡng dân gian như thờ Thần, thờ Mẫu), nhưng với triết lý, phương thức tu tập, hành đạo… hoàn toàn khoa học, minh triết, thực tiễn và nhân bản. Trọng tâm của đạo Phật là phát huy trí tuệ để thấu rõ nhân quả nghiệp báo, duyên sinh cùng các nguyên lý vận hành của thân, tâm và thế giới, đồng thời tự thân nỗ lực chuyển hóa ba nghiệp thanh tịnh. Sự diệt khổ hay thành tựu an lạc, hạnh phúc trong đời sống của người Phật tử hoàn toàn dựa trên sự tinh tấn tu học của bản thân và không hề lệ thuộc vào sự chi phò của thánh thần hay các thế lực siêu nhiên.

Sau khi đã quy y, người Phật tử chỉ duy nhất nương tựa vào Tam bảo. Chư Phật, Chánh pháp và chư Tăng là ba đối tượng quan trọng cho Phật tử quy hướng. Nhờ ánh sáng Tam bảo mà mỗi người con Phật nhận ra phương pháp, con đường để tùy duyên thực tập, chuyển hóa thân tâm. Dù Phật giáo vận dụng nhiều pháp môn phương tiện để phù hợp với nhiều căn cơ, đồng thời có kết hợp tha lực (như năng lực cứu độ của chư Phật và Bồ tát) trong tu tập nhưng nỗ lực của tự thân vẫn là quan trọng nhất. “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Như Lai chỉ là bậc Thầy chỉ đường” là phương châm tu học của tất cả những người con Phật.

Mặt khác, nhân quả nghiệp báo do mỗi người tạo ra quyết định đời sống hiện tại và tương lai của họ, không có bất cứ thánh thần hay thế lực siêu nhiên nào có thể can thiệp được. Tin Phật đúng nghĩa là tin tưởng vào khả năng giác ngộ và năng lực chuyển hóa của bản thân mình. Thực tập sống đạo đức, tin nhân quả nghiệp báo, mở rộng lòng từ với tha nhân, tịnh hóa thân tâm và nhất là phát huy tuệ giác của chánh kiến để loại trừ mê tín, tà kiến nhằm xây dựng đời sống văn minh, an lạc mới đích thực là người Phật tử chánh tín.

Cách thức thờ Phật, cúng Phật

Xưa nay, những bậc có công ơn lớn đối với đất nước, xã hội đều được tôn sùng, ngưỡng mộ. Sự tôn sùng ngưỡng mộ này do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là lòng tri ân và sự mong muốn được noi theo gương sáng. Tục ngữ có câu: “Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây, uống nước phải nhớ người đào giếng”. Lòng tri ân là một đức tính quý báu mà những người có chút công lao không thể thiếu được.

Sự thờ cúng trong các tôn giáo cũng không nằm ngoài những lý do đã kể trên. Nhưng ở các tôn giáo, sự thờ cúng có tính chất thường trực và thiết tha hơn, vì các vị Giáo chủ là những bậc có công lớn đối với nhân loại và là những gương sáng mà tín đồ cần đặt ở trước mặt để soi sáng đời mình. Trong các vị giáo chủ, Đức Phật là vị được nhiều tín đồ sùng mộ nhất. Sự sùng mộ ở đây biểu hiện trong sự thờ, lạy và cúng Phật.

  • Thờ Phật: Phật là những bậc đã dày công tu luyện phước đức và trí tuệ, cho nên hoàn toàn sáng suốt và có đầy đủ đức hạnh cao quý. Các Ngài đã dùng đức và trí ấy để dẫn dắt chúng sinh ra ngoài biển khổ luân hồi và mang đến sự sáng suốt an vui. Đức Phật hội đủ ba đức tính căn bản mà một con người muốn được toàn thiện, toàn mỹ, toàn chân, không thể thiếu được. Một bậc siêu phàm xuất chúng, có những lời dạy quý báu, những cử chỉ cao thượng, những hành động sáng suốt, một đời sống gương mẫu như Phật, mà chúng ta không tôn thờ, thì còn tôn thờ ai nữa?

Nhưng chúng ta phải thờ Phật như thế nào mới đúng nghĩa? Người ta thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chúng ta thờ Phật là muốn luôn luôn được có bên mình ngọn đèn trí tuệ của Ngài, cái hương từ bi của Ngài, để được sáng lay, thơm lay, chứ không phải chúng ta có mục đích cầu cạnh Ngài để Ngài ban phước, trừ họa, để Ngài che chở cho chúng ta mua may bán đắt một cách bất lương, hay để chúng ta dựa vào thế lực của Ngài, tha hồ làm những điều bất chính. Nếu chúng ta thờ Ngài với mục đích sai lạc như vừa nói ở trên, thì không những chúng ta đã phỉ báng Đức Phật, mà còn tự tạo tư tưởng không tốt cho chúng ta nữa.

Đức Phật nào cũng có nghĩa vô lượng quang, vô lượng thọ bao la cùng khắp và công đức tu hành phước trí vô lượng vô biên cả, nên hễ thờ một Đức Phật là thờ tất cả các Đức Phật. Nhưng chúng ta cũng nên tùy theo thời kỳ giáo hóa của mỗi Đức Phật và pháp môn tu hành mà thờ cho xứng lý, hợp cơ. Thí dụ như hiện nay, chúng ta ở vào thời kỳ giáo hóa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì lẽ cố nhiên, chúng ta phải thờ Ngài trước hết. Nếu tín đồ nào tu về Tịnh Độ Tông chuyên về pháp môn Trì danh niệm Phật để cầu vãng sanh, thì tín đồ ấy phải thờ Đức Phật A-Di-Đà. Hoặc nếu Phật tử muốn thờ tất cả Phật trong ba đời, thì nên thờ Đức Phật Thích Ca, Đức A-Di-Đà và Đức Di-Lặc, gọi là thờ “Tam Thế Phật”.

Như vậy, nếu muốn thờ tượng Phật, thì nhiều nhất là ba vị. Và nên nhớ rằng, trong khi thờ Tam Thế Phật, phải sắp đặt chung một bàn. Nếu tượng lồng kính thì nên treo ngay thẳng, không được cái cao, cái thấp, cũng không được cái to, cái bé; còn như tượng gỗ, tượng đồng, tượng sành, thì để ngang hàng cùng với nhau. Bàn thờ Phật phải đặt chính giữa nhà, bàn thờ gia tiên ở phía dưới hoặc sau đúng câu: “Tiền Phật hậu Linh” hay “Thương Phật hạ Linh”. Nếu nhà lầu thì thờ Phật ở tầng trên. Tại bàn thờ Phật không nên để tạp vật nào khác, ngoài bình hoa, lư hương, chân đèn và đĩa quả. Những vật này mỗi ngày đều chăm sóc lau chùi sạch sẽ. Lần đầu tiên thỉnh Tượng Phật, tín đồ phải làm lễ thượng tượng, cũng gọi là lễ an vị Phật. Lễ này không bắt buộc phải tổ chức linh đình, chỉ nên làm một cách đơn giản, nhưng không kém phần trang nghiêm và tinh khiết. Muốn được hai đặc điểm ấy, chủ nhà phải dọn mình sạch sẽ; ăn chay, giữ giới và mời thêm thiện hữu trí thức đến hộ niệm một thời kinh. Và bắt đầu từ ngày làm lễ an vị Phật trở đi, tất cả mọi người trong nhà, mỗi ngày ra vào trông thấy tượng Phật, nên nhớ đến đức hạnh cao cả của Ngài mà chỉnh đốn lại thân tâm mình. Mỗi ngày đều lo cải thiện lại sự cư xử với nhau, đối nội cũng như đối ngoại, phải luôn luôn thấm nhuần tinh thần từ bi, bác ái và bình đẳng. Như thế mới xứng đáng với danh nghĩa của một gia đình có thờ Phật. Thờ phụng lâu năm, tượng Phật bị hư rách, không thể sơn phết hay sửa chữa lại được, thì nên thay đổi tượng mới. Khi có tượng mới rồi thì tượng cũ phải dâng vào chùa cho dịp nhập tháp, chứ không nên bạ đâu bỏ đó.

  • Cúng Phật: Nói cho đủ nghĩa là cúng dường Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Cúng dường có nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng.
    Ý nghĩa của việc thờ cúng Phật: Có người sẽ hỏi: Tại sao Đức Phật đã bất diệt mà lại còn phải cúng dường? Thật ra, Đức Phật đã thoát ra ngoài vòng sinh tử, thì đâu còn hạn cuộc trong sự ăn uống. Nhưng đây chỉ là một hình thức để ngụ ý rằng, mặc dù Phật đã nhập