Đạo Mẫu, từ ghi chép, san định
Theo thông lệ, các văn bản ghi chép về các thần linh (thần tích, thần phả, ngọc phả, truyền thơ…), ban đầu đều xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyện kể dân gian. Tất nhiên, trong thực tế, đây đó cũng có hiện tượng ngược lại, tức là huyền thoại hóa, dân gian hóa các văn bản thần tích, thần phả. Hiện tượng về các Nữ thần, Thánh Mẫu cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.
Ví dụ, truyện kể dân gian về Liễu Hạnh lưu truyền trong dân gian khá phong phú, sau này, một số được ghi chép lại trong các sách, như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Sự thờ cúng các vị thần tiên ở Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên, Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi!… Tương tự như vậy, ta cũng thấy các truyện kể dân gian về Thiên Y A Na cũng đã được Phan Thanh Giản ghi chép, san định và cho khắc trên tấm bia ở Tháp Bà Nha Trang. Truyện kể về Bà Chúa Xứ, Bà Đen được Trịnh Hoài Đức ghi chép lại trong Gia Định thành thông chí… Ngoài ra, còn có các truyện kể dân gian khác về các vị nữ thần, sau này được người đời sưu tầm, ghi chép và công bố trong nhiều cuốn sách xuất bản vào các thời kỳ khác nhau.
Cùng với việc sưu tầm, không ít tác giả, mà trong các trường hợp này là các trí thức nho học thời phong kiến tự chủ (thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX) đã tiến hành san định các truyền thuyết, huyền thoại về các vị thần nói chung và nữ thần nói riêng. Hiểu khái niệm “san định” ở đây là việc ghi chép lại, sáng tác thêm những huyền thoại, truyền thuyết đã được sưu tầm, ghi chép từ trước, thậm chí là sáng tác thêm cho phù hợp với tư tưởng và lễ giáo phong kiến Nho học. Điển hình là việc san định của Nguyễn Bính, Thượng thư Bộ Lễ của triều đại Hậu Lê (thế kỷ XVI), phục vụ cho việc phong thần của các nhà vua từ đó trở về sau.
Trường hợp sưu tầm và san định các huyền thoại, truyền thuyết Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một điển hình. Các truyền thuyết và huyền thoại về Liễu Hạnh, nhất là sau khi Bà hiển thánh và được tôn thờ như một Thánh Mẫu, thậm chí là Thánh Mẫu Thượng Thiên, đã được nhiều nhà nho san định. Có lẽ bản san định đầu tiên, sớm nhất về Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong Vân Cát thần nữ là của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), in trong tập sách Truyền kỳ tân phả. Ở đây, ngoài các tình tiết chính lấy từ huyền thoại và truyền thuyết dân gian, thì Đoàn Thị Điểm đã sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới. Sau này, một số nhà nho như Nguyễn Công Trứ (?), Kiều Oánh Mậu (1905) cũng đã san định, khiến tiểu sử của Liễu Hạnh Công chúa có thêm nhiều tình tiết và phong phú hơn.
Tương tự như trường hợp Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Y A Na Thánh Mẫu (gốc từ nữ thần Xứ sở Pô Inư Nưgar của người Chăm) cũng được Phan Thanh Giản sau này san định và ghi trên bia dựng tại Tháp Bà Nha Trang, tình tiết cũng ít nhiều khác biệt với truyền thuyết dân gian.
Cũng có một nguồn tư liệu đồ sộ khác được dân gian sáng tác từ các huyền thoại, truyền thuyết, thậm chí từ các truyện thơ về các Thánh Mẫu, đó là các bài hát văn của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Phần cốt lõi của các bài hát văn là lai lịch, sự tích các vị.
Thậm chí nhất là các Thánh Mẫu, ngoài ra còn biết bao tình tiết khác về khung cảnh, dung nhan, tướng mạo của các vị thần được những người sáng tác vô danh diễn tả, tô vẽ thêm. Ví dụ, các đoạn nói về Thánh Mẫu Thượng Ngàn:
“…Chúa giáng trần thoang thoảng mùi hương
Hồng hoa sáng khắp bốn phương
Định sinh công chúa ai đương sánh tày
Hằng chải chuốt đêm ngày dưỡng dục
Giá so bằng vàng ngọc riết na
Nhỡn tinh nhìn Đẩu Ngân Hà
Môi son má phấn tóc đá cách điệu.”
(Mẫu Thượng Ngàn)
Hay đoạn văn nói về Thánh Mẫu Thiên Y A Na:
“…Kiệu ngai tàn quạt rõ ràng
Kim Đồng Ngọc Nữ hai hàng hầu trông
Này tên này nọ, này cung
Này đồng nữ múa này đồng ca nam
Tôn thần chẳng cứ người ta
Thượng cầm hạ thú cùng là đua nhau
Cọp hùm đều cũng cúi đầu
Cá dâng dưới nước, voi chầu trên không…”
Một xu hướng khác trong việc truyền bá lai lịch của các nữ thần, đó là các phóng tác tiểu thuyết hóa. Đó là trường hợp Thánh Mẫu Liễu Hạnh với hai cuốn tiểu thuyết Bà Chúa Liễu của Hoàng Tuấn Phổ xuất bản năm 1990 và Liễu Hạnh công chúa của Vũ Ngọc Khánh. Hai tác giả của các cuốn truyện này đều là các nhà nghiên cứu quan tâm đến tín ngưỡng thờ Bà, nhưng dùng bút pháp văn học để vẽ lại chân dung Bà, khiến cho người đọc hình dung Bà có phần sinh động hơn, tuy nhiên cũng làm phai nhạt đi phần nào chất thiêng.