ĐỀN THÁI Y NGUYỄN HỮU ĐẠO
Di tích đền Thái y Nguyễn Hữu Đạo nằm ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Theo các tài liệu Hán Nôm, Nguyễn Hữu Đạo…
Nguyễn Hữu Đạo là một danh y có nhiều đóng góp cho y học dân tộc Việt Nam. Nguyễn Hữu Đạo là một người học giỏi nhưng không ra làm quan mà đi vào nghiên cứu y thuật, tài năng của ông đã sớm được trọng dụng. Ông đã được vua Lê Hiển Tông cho gọi vào cung chữa bệnh cho hoàng hậu và phong chức Thái y viện thượng ngự y. Sau đó, theo Hoàng Ngũ Phúc phục vụ việc đánh dẹp hai xứ Thuận Quảng và được phong nhiều chức tước. Khi về già, ông xin nghỉ hưu tại quê nhà nhưng vẫn đi bốc thuốc, thăm bệnh cho dân mà không lấy tiền. Có lần vua về quê thấy ông sống trong cảnh bần hàn, có hỏi: “Làm quan mà ông liêm khiết thì con cháu thế nào?”. Ông đáp: “Thần có ruộng, con cháu cày cấy đủ ăn. Thần có nhiều sách, chúng có học, lại theo hầu vua và cần nhất là có ơn với dân, thần không cần giàu”. Vua nói: “Khanh làm quan mà liêm khiết quá như nhà chùa, trẫm khó nói quá”. Vua về triều, phát 3.000 quan, sai người mang lại nhà cho ông. Khi ông mất, ngôi nhà được sử dụng làm nơi thờ cúng. Tại nhà ngoài còn bài thơ của vua Lê Hiến Tông khắc trên gỗ để tặng ông.
Đền Thái y hiện nay là một ngôi nhà bé nhỏ dựng trên nền ngôi nhà cũ. Trong nhà có nhiều hiện vật liên quan đến cuộc sống của lương y Nguyễn Hữu Đạo, như: 1 hương án, 1 hoành phi, 4 đôi câu đối, 3 long ngai, 1 y môn, 3 biển gỗ, 1 đôi nghê đỡ giá văn sơn son thếp vàng có niên đại nghệ thuật thế kỉ 18. Đền còn 1 tộc phả, 2 sắc phong năm Cảnh Hưng 3 (1782) và Cảnh Hưng 47 (1786), 7 cuốn sách thuốc.
Đền Thái y được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm danh y Nguyễn Hữu Đạo ngày 28.1.1994.