Bản Chất Của Tín Gưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam đã trở thành một tôn giáo gọi là Đạo Ông Bà. Xoay quanh vấn đề này còn rất nhiều tranh cãi. Trong phạm vi của cuốn sách này, chúng tôi xin trình bày một cách đơn giản và dễ hiểu nhất về bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt như sau:

Đây là một loại niềm tin. Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng tin rằng người chết không mất đi vĩnh viễn mà chỉ chuyển sang một thế giới khác và vẫn thường xuyên qua lại trần gian để thăm hỏi và phù hộ cho con cháu. Do đó, nhiều người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, đón nhận nó như một quy luật tất yếu của nhân gian, chết như thể là trở về cội nguồn, trở về với bàn tay bao bọc, che chở của ông bà, cha mẹ… Nói rộng hơn, tổ tiên của người Việt không chỉ bao gồm những người có công với cộng đồng làng xã, quê hương đất nước như vua Hùng, mẹ Âu Cơ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… mà còn thể hiện một đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tốt đẹp của người Việt. Từ xưa đến nay, đạo hiếu và lòng biết ơn người đi trước luôn là chuẩn mực của đạo đức được coi trọng hàng đầu của dân tộc ta. Tinh thần này đã bồi đắp nên ý chí kiên cường cho lớp lớp thế hệ người Việt trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Còn nhớ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết:

“Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thèm.”

Câu nói của ông đã khích lệ nhân dân Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Dù thất bại, nhưng vẫn còn đó một huyền thoại bất khuất về các nghĩa sĩ Cần Giuộc. Vì vậy, khi nói đến khí chất và tính cách của người Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ hàng ngàn năm nay.

3. GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN

Một trong những nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt Nam là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đã là người Việt Nam, mọi người đều thờ ông bà, mọi người đều thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phong tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Nó là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc, tín ngưỡng này đã bồi lắng, kết tụ những giá trị đạo đức quý báu của con người Việt Nam.

Tổ tiên, theo quan niệm của người Việt Nam, trước hết là những người cùng huyết thống như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ… Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị Thành Hoàng làng và các Nghệ tổ. Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo, người được tổ chức cúng giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm, do vậy dân gian có câu: “Tháng 8 giỗ cha”. Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn bao gồm mẹ Âu Cơ, người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam, và vua Hùng, vị vua có công khai quốc của dân tộc. Ngày nay, giỗ tổ vua Hùng đã trở thành quốc lễ: “Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”.

Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ giữa người sống với người chết, giữa thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Đây là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Với người Việt Nam, chết chưa phải là hết; tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống, ngự trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên và trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dù có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.

Phong tục thờ cúng tổ tiên được người Việt Nam rất coi trọng. Việc cúng giỗ tổ tiên được tổ chức vào ngày giỗ, lễ Tết trong năm và những ngày trong gia đình có sự kiện quan trọng như lấy vợ, làm nhà, tậu trâu, thi cử, đi xa… Thông qua nghi lễ thờ cúng, người Việt Nam gửi gắm tình cảm biết ơn đối với tổ tiên. Trong mỗi gia đình, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần dần trở thành đạo hiếu. Công cha, nghĩa mẹ như núi cao, nước nguồn, cho nên người Việt Nam hiếu thảo với cha mẹ khi còn sống, thành kính, biết ơn, tiếc thương khi cha mẹ khuất núi về với tổ tiên.

Cùng với sự thể hiện đạo hiếu với tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn là sợi dây liên kết giữa những con người trong cuộc sống hiện tại. “Anh em như thể chân tay, cùng một mẹ,” bà con làng xóm, “lửa tôi đèn có nhau,” tình nghĩa xóm làng như “bầu với bí,” tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Từ đó, lòng nhân ái, tính cộng đồng được xây dựng, củng cố ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai; giữa người đã khuất và người đang sống.

Tương nhớ tổ tiên, người Việt Nam khéo bảo nhau phải sống sao cho xứng đáng với kỳ vọng của tổ tiên: “Con hơn cha, nhà có phúc.” Để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và có thể tự hào kính báo với tổ tiên, để không phải hổ thẹn với tổ tiên. Khi con cháu phấn đấu thành đạt thì “vinh quy bái tổ.” Người Việt luôn cần cù, sáng tạo trong việc tạo dựng cuộc sống. Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động cũng được hình thành và khẳng định một phần thông qua ý thức về tổ tiên, cội nguồn.

Tổ tiên không chỉ là tấm gương sáng cho con cháu noi theo; hiếu với tổ tiên còn có nghĩa là con cháu phải thành đạt. Nhân dân ta luôn nhắc nhở con cháu thành đạt để làm rạng rỡ tổ tiên, dòng họ, làng xóm, quê hương.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn hun đúc nên tình yêu quê hương, yêu đất nước cho người Việt Nam, thôi thúc các thế hệ chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Từ đây, lòng yêu nước, tự hào dân tộc là giá trị đạo đức quý báu, xuyên suốt và có ý nghĩa định hướng cho lẽ sống của con người Việt Nam.

Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam trong quá trình hình thành và tồn tại đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, và lòng yêu nước. Trong đó, yêu nước là giá trị đạo đức hàng đầu trong hệ thống đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị hết sức quý báu mà chúng ta cần nghiên cứu, khai thác để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Bản thân mọi giá trị không phải bất biến mà luôn biến đổi cùng tiến trình lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là sản phẩm tinh thần của “nền văn minh nông nghiệp”, “văn minh làng xã” trong lịch sử. Việc kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống đòi hỏi phải kết hợp với những giá trị đạo đức mới. Nội dung mới cần được đưa thêm vào, còn hình thức cũ cần phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại. Hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ cần được nâng cao hơn, đẹp hơn; đó là “hiếu với dân, với nước”; lòng nhân ái phải được nhân lên thành chủ nghĩa nhân đạo; tính cộng đồng cần được kết hợp với chủ nghĩa tập thể; lòng yêu nước phải gắn với yêu chủ nghĩa xã hội; tính cần cù, sáng tạo trong lao động phải gắn với lòng tự tin và ý thức làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Trong hoạt động thờ cúng tổ tiên, cần khôi phục