CHÙA TÂY THIÊN
Những nghiên cứu gần đây nhất cho biết, Phật giáo truyền vào Việt Nam trong khoảng những năm trước sau Công nguyên. Do vị trí địa lý nằm giữa hai nền văn hóa lớn của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, lại có biển Đông thuận tiện cho việc giao lưu với thế giới bên ngoài, vì vậy, Phật giáo có thể thâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, trong đó có hai con đường chính trực tiếp là đi từ Ấn Độ theo đường biển đến và từ Trung Quốc đi xuống. Việc Phật giáo đi từ Ấn Độ sang Việt Nam đã được Quốc sư Thông Biện (? – 1134), một vị danh sư sống ở thời Lý dẫn lời Pháp sư Đàm Thiên, khi trả lời Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu, đại ý như sau: “Xét chuyện Đàm Thiên pháp sư thấy chép rằng: Vua Tùy Cao Tổ (581 – 604) gọi sư làm pháp khí và bảo: “Trẫm nghĩ đến đạo từ bi của Điểu Ngự mà không biết làm sao để báo đáp ân đức. Trộm ở ngôi vua, trẫm đã hỗ trợ Tam bảo khắp nơi: Trong nước thì thu xá lị xây 49 bảo tháp, ngoài nước thì dựng 150 chùa tháp để tiêu biểu cho đời. Ở các xứ ngoài như Giao Châu cũng đã nhiều lần cho dựng chùa để ơn phúc thấm nhuần khắp cõi đại thiên. Những xứ ấy tuy nội thuộc mà ràng buộc còn lỏng lẻo. Vậy pháp sư nên chọn những vị sa môn có danh đức đưa sang đó để giáo hóa, khiến cho tất cả đều được đạo bồ đề”. Pháp sư Đàm Thiên tâu: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới 20 ngôi bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”. Như vậy là, Phật giáo đã truyền đến Giao Châu trước nước ta. Hồi ấy đã có các vị tăng như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác… cư trú tại đó… Ta không phải cho người sang nữa”.
Cứ theo những lời văn ghi ở trên, ta thấy sư Đàm Thiên đã khẳng định Phật giáo đến nước ta trước cả Trung Quốc. Những đoạn ghi chép đó cũng mách rằng, kiến trúc Phật giáo thời sơ khởi ở nước ta là những ngôi bảo tháp. Đến thời Lý, ngay khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa. Một số ngôi tháp lớn tiếp tục được xây dựng như: tháp Báo Thiên (Hà Nội), tháp Tường Long (Đồ Sơn – Hải Phòng), tháp Chương Sơn và tháp Long Đọi (Hà Nam). Thời kỳ này, nhiều ngôi chùa xây trên núi như chùa Dạm, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Thầy (Hà Nội) cũng ra đời. Không may do điều kiện kỹ thuật xây dựng thấp cùng những biến thiên của tự nhiên và lịch sử nên hầu hết các ngôi tháp dựng thời Lý đã bị sập đổ. Hiện nay chúng ta chỉ còn được chiêm ngưỡng ngôi tháp xây dựng thời Trần là tháp chùa Phổ Minh (Nam Định) và muộn hơn một chút là tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc)…
Người xưa chọn những vị trí đẹp, thuận tiện để xây dựng chùa. Sách Tam tổ thực lục có ghi những lưu ý của Thiền sư Pháp Loa đời Trần khi chọn đất làm chùa: “Khi liễu ngộ chính tông rồi thì chọn cảnh chùa mà trụ trì. Tránh những nơi nước độc, non thiêng. Cảnh có bốn điều: một là nước, hai là lửa, ba là lương thực, bốn là rau. Đây là bốn điều cần. Lại cũng nên biết cảnh không nên gần nhân gian mà cũng không nên quá xa nhân gian, vì gần thì ồn ào quá, mà xa thì không ai giúp cho. Cảnh có thể trú là chỗ yên nghiệp, dễ dưỡng thần, nuôi tính, tâm linh sáng suốt, trường dưỡng thánh thai, để được chứng đạo, ấy là cứu cánh.”
Ngoài hệ thống chùa làng, còn có các ngôi chùa lớn do vua, hoàng hậu, quý tộc và quan lại đóng góp xây dựng. Những ngôi chùa này phần lớn được xây dựng trên nền cảnh quan hấp dẫn, tạo nên một hệ thống chùa – núi, núi làm chỗ cho chùa dựa và ngược lại, chùa làm đẹp cho núi. Người tu hành sống trong núi, tránh xa những thói thường bụi bặm của nhân gian, chú tâm hành đạo, đạo hạnh nhờ đó mà được nâng cao, làm cho người đời kính trọng. Người đời đến chốn cửa Phật hoặc là thành tâm hướng đạo, hoặc là vãng cảnh chùa, tìm thấy sự yên tĩnh trong tâm thông qua Phật môn và cảnh sắc thiên nhiên. Nhiều ngôi chùa núi do đó đã trở nên nổi tiếng như chùa Hương (Hà Nội, Hà Tĩnh), chùa Yên Tử (Quảng Ninh). Từ đó, Phật pháp được phát dương quảng đại, ngọn lửa Phật giáo được truyền thừa hết thế hệ này đến thế hệ khác. Chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc) chính là một trong những quần thể kiến trúc Phật giáo nằm trong khung cảnh thiên nhiên như vậy.
Khu di tích danh thắng Tây Thiên nằm trong dãy Tam Đảo, các di tích dựa vào núi non và được những bàn tay tài hoa của con người tạo dựng trong nhiều thế kỷ, đưa Tây Thiên trở thành một khu di tích danh thắng có giá trị về nhiều mặt. Nơi đây vừa được coi như một quần thể di tích kiến trúc, một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo lâu đời, vừa có phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, cây cối xanh tươi, môi trường cảnh quan sông suối, thác ghềnh, chim thú, giàu tiềm năng văn hóa và du lịch. Phát hiện ra những ưu thế đó của khu vực Tây Thiên, nên từ rất sớm, các tín đồ Phật giáo đã biết tận dụng biến nơi này thành một nơi thờ Phật linh thiêng và một điểm hành hương nổi tiếng trong lịch sử, ngày càng thu hút sự quan tâm mến mộ của du khách và những tín đồ, phật tử.
Dựa vào những mô tả ít ỏi trong các nguồn tài liệu thư tịch, văn bia hiện còn lưu giữ được, ta có thể thấy, cách nay nhiều trăm năm người xưa đã dựa vào thiên nhiên kỳ thú nơi đây, lập nên một quần thể công trình kiến trúc Phật giáo trải dài suốt từ chân lên đỉnh núi. Các kiến trúc ấy, giống như những ngôi chùa núi ở miền Bắc nước ta, luôn khiêm tốn nép mình trong phong cảnh thiên nhiên, lấy thiên nhiên tô đẹp cho kiến trúc, đồng thời kiến trúc, đến lượt nó, góp phần nâng thêm vẻ đẹp của cảnh vật vốn rất nên thơ ở chốn này. Thư tịch cho biết, quần thể kiến trúc Tây Thiên xưa có nhiều hạng mục mang những cái tên cổ kính như: chùa Đồng Cổ, chùa Tây Thiên, chùa Địa Ngục, đền Thông, đền Cả… Những công trình ấy được phân bố rải ra ven bờ các khe suối mang những cái tên cũng rất thơ mộng, gắn liền với những quan niệm Phật giáo và ước mơ của phật tử: suối Giải Oan, suối Bạc, suối Vàng, hồ SeN.
Từ thế kỷ XVIII, nhà sử học Lê Quý Đôn đã mô tả về khung cảnh đất trời khu vực Tây Thiên như sau: “Núi Tam Đảo ở địa phận hai xã Lan Đình và Sơn Đình… Đỉnh núi thì đất đá lẫn lộn, cây cối rậm rạp xanh tươi, nhiều cây hồi hương và cây quế; chân núi, ở đằng trước, về bên tả có khe Giải Oan, tức là thượng lưu sông Sơn Tang huyện An Lạc, từ khe Giải Oan này chảy xuống Sơn Tang, qua Hương Canh, chảy ra Nam Viêm rồi vào sông Nguyệt Đức; ở giữa ngọn núi gọi là núi Kim Thiên, cao chót vót, ghềnh thác không biết bao nhiêu mà kể. Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không trông thấy đáy. Sườn núi có Tây Thiên cổ tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày; từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa, hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên trái gọi là suối Bạc, phát nguyên từ khe đá đỉnh núi chảy xuống, trông như tấm lụa; bên phải gọi là suối Vàng, từ chùa bên phải chảy ra, chùa bên phải này vuông vắn phỏng hơn một trượng, tường nhà toàn bằng đá, hai bên cánh cửa khóa chặt lại bằng khóa sắt lớn, trên có viên đá khắc chữ triện là “Địa Ngục tự”, không biết dựng từ đời nào. Suối ở đây từ trong khe cửa chảy ra, sắc nước trông như vàng. Suối Bạc và suối Vàng hợp lưu ở trước hồ Sen, quanh co chảy xuống rồi hợp lưu với khe Giải Oan. Từ bên bờ hồ đi qua hai dặm, lại theo từng đợt mà lên, phỏng nửa dặm đường lại bằng phẳng, thành đá sừng sững, ở giữa có ba nền bằng đất dài, lại có tám tòa đá vuông đứng sững, trông như hình dáng “Bát bộ Kim Cương”, có một bia đá khắc chữ lớn rằng “La Thành bất loạn”… Từ đây lên mấy dặm nữa, thì thấy chùa Đồng, đúc toàn bằng đồng tốt, trong chùa thờ hai pho tượng Phật không biết đúc từ thời nào”…
Tấm bia đá khắc năm 1450 (Đại Hòa thứ 8) được phát hiện tháng 12-1984 ghi lại sự kiện Lê Khắc Phục, một viên quan triều Lê được vua giao lên tể thần núi Tam Đảo (Quốc Mẫu Đại Vương Tam Đảo sơn); bia còn cho hay, nơi này bên cạnh việc thờ Phật còn thờ cả nhân thần người Việt.
Những ghi chép nêu trên của Lê Quý Đôn là những tư liệu rất quý để chúng ta hiểu rõ hơn về quần thể kiến trúc Phật giáo và cảnh quan Tây Thiên. Nhiều danh xưng ở Tây Thiên còn thấy ở những quần thể chùa núi khác như khe Giải Oan (chùa Hương – Hà Nội, chùa Yên Tử – Quảng Ninh). Điều này cũng đã phản ánh một sự thống nhất trong quan niệm xây dựng các quần thể kiến trúc chùa núi của người xưa, các bộ phận của thiên nhiên, như các dòng suối, được sử dụng như là một hạng mục của quần thể kiến trúc. Việc dựa vào thể núi thể sông ấy càng cho thấy sự thống nhất giữa kiến trúc Phật giáo và cảnh quan thiên nhiên.
Về danh xưng Tây Thiên, theo quan niệm của nhà Phật, Tây Phương cực lạc là nơi nằm dưới sự cai quản của Phật A Di Đà. Những người theo Tịnh Độ tông lấy việc tụng niệm A Di Đà (trì danh niệm Phật) để đạt thành chính quả (giác ngộ). Chính vì vậy người xưa đã dựng lên Địa Ngục tự bằng đá ở bên phải suối Vàng. Điều này khác với cách thức tu hành để đạt đến giác ngộ của những người theo các tông phái khác như: Thiền tông, Mật tông, Luận tông, Duy Thức tông… và do vậy, các kiến trúc cho Tây Thiên (Tịnh Độ tông) cũng có những điểm khác biệt. Dân gian, phật tử ngày nay dường như không mấy ai còn quan tâm đến những đặc điểm riêng của các tông phái, nên việc tu hành và thiết kế, xây dựng Phật tự có phần dễ dãi, rất khó phân biệt.
Trải qua mấy trăm năm tồn tại, vật đổi sao dời, cùng với sự thăng trầm của đất nước, suối Vàng, suối Bạc vẫn còn đó, nhưng những công trình kiến trúc do con người dựng lên như chùa, đền ở đây, cho dù phần lớn được xây bằng đá như miêu tả của sử gia họ Lê, vẫn bị rơi vào tình trạng đổ nát, hầu như chỉ còn lại dưới dạng các phế tích. Song hành với sự điêu tàn của kiến trúc, môi trường cảnh quan thiên nhiên không được chăm sóc thường xuyên cũng dần hoang hóa.
May mắn thay, từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với sự đi lên của đất nước, nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng đã có điều kiện phục hồi, xây dựng. Tại Tây Thiên, đền Thõng (Thỏng) được dựng lại cuối thế kỷ XX. Sang đầu thế kỷ XXI, Trúc Lâm thiền viện (do các nhà sư ở Trúc Lâm thiền viện Đà Lạt kêu gọi đầu tư) đã được xây dựng mới.
Các công trình xây mới nêu trên đáp ứng được phần nào nguyện vọng của khách hành hương, phần nào làm cho cảnh quan của thắng cảnh này đỡ hoang tàn, khởi sắc. Tuy nhiên, các công trình này chưa được quy hoạch ngay từ đầu nên nhìn toàn cảnh còn khá lộn xộn. Việc xây dựng các công trình tại Tây Thiên cần nhất là làm sao tôn vinh được vẻ đẹp của thiên nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của người xưa ngay tại nơi này. Tây Thiên, ngoài vẻ đẹp tự nhiên còn là nơi có một quần thể các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng, vì vậy, cần lựa chọn hình dáng, quy mô kiến trúc sao cho vừa ăn nhập với cảnh quan, vừa đảm bảo những quy chuẩn truyền thống của một ngôi chùa, ngôi đền, tránh tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nên tránh đưa những hiện vật, trang trí xa lạ với kiến trúc truyền thống, hoặc khác loại hình vào từng công trình…
Dọc tuyến hành hương ở lưng chừng núi đã mọc lên các ngôi đền xưa kia chưa thấy ghi chép như: đền Cô, đền Cậu, những công trình liên quan đến tục thờ Mẫu đang được xã hội ưa chuộng. Sự pha trộn giữa các hình thức tôn giáo tín ngưỡng ngày nay trở nên rất phổ biến, điều đó đòi hỏi những người làm công tác quản lý phải dày công hơn trong việc bóc tách, nhận diện và phân tích những mặt tích cực và tiêu cực của sự hòa trộn này. Từ đó, có quy hoạch phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và quần thể kiến trúc truyền thống vốn có trước đây, ngõ hầu trả lại cho nơi đây vẻ hấp dẫn sâu xa.
Thắng cảnh Tây Thiên vốn là nơi hòa trộn giữa vẻ đẹp thiên nhiên và các công trình kiến trúc Phật giáo, nói một cách đầy đủ là nơi danh lam thắng cảnh. Cũng như những ngôi chùa núi trên đất nước ta, Tây Thiên là nơi tụ hội cả vẻ đẹp trần thế và sự thiêng liêng thần thánh (một không gian thiêng). Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao để giữ gìn bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp cảnh quan và tính nguyên gốc của các di sản nơi đây, tạo cho phật tử, khách hành hương luôn cảm nhận được các giá trị của cảnh đẹp thiên nhiên đất nước, tận hưởng những giây phút thanh thản và chia sẻ một chút ân điển của nhà Phật.