CHÙA TÂY AN
Tây An chiêm Phật đức đạo hoằng chính hóa phối Nghiêu thiên. Vế đối đó đã nói lên được lòng người dân mộ đạo Phật, quý trọng đức Thầy Tây An, vẫn hằng năm vào ngày 12 tháng Tám âm lịch kéo nhau về lễ bái rất đông.
Chùa Tây An được nhắc đến trong Đại Nam nhất thống chí, phần “tỉnh Định Tường”, mục “Chùa quán”:
“Chùa Tây An: ở thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) do mưu lược tướng Tuy Tĩnh tử Doãn Uẩn dựng trong khi làm Tổng đốc An Giang. Chùa đứng sừng sững trên ngọn núi, quay mặt ra tỉnh thành, dựa lưng vào vách đá, tiếng người vang vẽ, cây cối um tùm, cũng là một thắng cảnh”.
Bia Vĩnh Tế Sơn dựng năm 1828 khắc lời Thoại Ngọc Hầu tả cảnh đẹp nơi chùa Tây An như sau: “Rành rành chân núi trắng phau, trơ trọi ngọn tre xanh ngắt, cảnh núi trở nên tươi đẹp, sừng sững vọt lên. Ngắm dòng nước biếc bên bờ cao, ruộng vườn bao quanh chân núi, hơi tan tuôn cuốn lẫn khói nấu cơm, chùa chiền trên chót, hương tỏa mây hồng, thật không kém gì phong cảnh trung châu vậy”.
Trải qua bao thời cuộc, chùa Tây An đến nay vẫn xứng đáng với lời truyền tụng ấy.
Du khách đến thăm chùa phải đi lên các bậc thềm vào cổng chùa, qua Đông môn hay Tây môn, mới tới tiền sảnh rộng thênh thang.
Ngôi chùa nằm chính giữa, bên phải là khu mộ tháp, bên trái là nhà khói (còn gọi là tây lang) rộng rãi khang trang.
Ở nơi cổng tam quan có bức tượng Quan Âm Thị Kính bế con Thị Mầu.
Ở trước thềm chùa có hai con voi, con màu đen hai ngà và con màu trắng sáu ngà.
Chùa Tây An kiến trúc theo dạng chữ Tam (三), mái chồng diêm (hai cấp) lợp ngói đại ống, trên có một vài tượng tứ linh tô điểm cho thêm vẻ mỹ quan. Nền chùa lát gạch bông, tường gạch, cột gỗ còn tốt.
Bàn thờ chính điện có nhiều tượng Phật (khoảng hai trăm pho), đa số bằng gỗ, được chạm khá công phu, chứng tỏ nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ở An Giang đã đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ thứ XIX. Chùa cũng có nhiều câu đối và hoành phi, sơn then thếp vàng rực rỡ.
Phía sau chùa là khu mộ tháp, có năm cái. Tháp ghi là của Hòa thượng Hải Tịnh, nhưng thực ra chỉ là tháp vong, vì hài cốt của Hòa thượng đã được nhập tháp ở chùa Giác Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh rồi. Hơn nữa, theo lịch sử của chùa Giác Lâm thì không thấy nói Hòa thượng Hải Tịnh về trụ trì chùa Tây
An, mà chỉ thấy nói Hòa thượng Hoằng Ân, pháp danh Minh Khiêm, có đi vân du lục tỉnh và có về tới tỉnh Châu Đốc. Hòa thượng Minh Khiêm thấy cảnh núi Sam đẹp, lại có chùa Tây An yên tĩnh, mới ở lại tu hành độ một năm.
Nhưng ở khu mộ tháp, mộ Phật Thầy Tây An là đáng chú ý hơn cả. Thầy tên là Đoàn Minh Huyên, quê ở Tòng Sơn (Sa Đéc), sinh năm Đinh Mão (1807). Năm 1849, thầy đi truyền đạo ở nhiều nơi, chữa bệnh cho nhiều người, nên nhân dân trong vùng theo về rất đông, làm cho uy tín của thầy càng ngày càng lớn. Sau đó, thầy về trụ trì ở chùa Tây An. Nhân dân, do kính trọng tài năng và đức độ, đã gọi thầy là Phật Thầy Tây An.
Thầy mất năm Bính Thìn (1856), thọ 51 tuổi. Mộ thầy không lớn lắm. Tấm bia ghi mấy hàng chữ: “Người sinh Đinh Mão niên, thập ngoại thập ngũ nhật, ngọ thời trú sinh. Tự Lâm Tế gia chư thiền phổ chính phái tam thập bát thế, thượng Pháp hạ Tạng, tính Đoàn, pháp danh húy Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh chi vãng tọa. Tịch ư Bính Thìn niên, bát nguyệt, thập nhị nhật, ngọ thời thị tịch diệt”.
Lúc đầu, theo lời dặn của thầy, mộ không có xây cất gì cầu kỳ. Về sau, đến năm 1957, Hòa thượng Nguyễn Thế Mật mới cho xây thêm long đình trên đầu mộ để thờ Phật Thầy.
Nếu kể từ đời Phật Thầy trụ trì chùa Tây An đến nay thì đã có bảy đời truyền thừa, trong đó vị trụ trì lâu dài nhất là Hòa thượng Thích Bửu Thọ (1913 – 1973), người có công trùng tu tôn tạo chùa. Vị trụ trì hiện nay là Hòa thượng Thích Định Long.
Chùa Tây An là một ngôi chùa có giá trị về lịch sử cũng như về nghệ thuật kiến trúc, lại ở vùng núi Sam danh tiếng, nên rất đáng được coi là một trung tâm du lịch không những của An Giang mà còn của cả nước nữa.