Chùa Phật Tích và Chùa Dạm: Di Sản Văn Hóa Phật Giáo Thời Lý ở Bắc Ninh

CHÙA PHẬT TÍCH, CHÙA DẠM

Gần nghìn năm đã qua, các kiến trúc huy hoàng của vương triều Lý đã bị tàn phá một cách khốc liệt dưới sự xâm lược của phương Bắc vào đầu thế kỷ XV. Tất cả chỉ còn lại phế tích, cùng một số hiện vật gốm và đá… ít ỏi, song cũng đủ để chúng ta nhận định về một thời kỳ lịch sử.

Nói tới Bắc Ninh là nói tới một trong không nhiều vùng có nền văn hóa nghệ thuật phát triển rực rỡ nhất trong thời kỳ trung cổ, một nền kiến trúc, điêu khắc gỗ, gốm và đá tuyệt khéo có ở nhiều công trình di tích lịch sử – văn hóa.

Trải qua trường kỳ lịch sử và phát triển, Bắc Ninh từng là trung tâm chính trị, quân sự, trung tâm văn hóa Phật giáo của nước ta. Chùa tháp thời Lý ở Bắc Ninh, tuy được xây cất ở nhiều nơi với quy mô to lớn, bề thế nhưng đến nay chỉ còn gặp được hai chùa tiêu biểu, là chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du) và chùa Dạm (xã Nam Sơn, huyện Quế Võ).

Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc tự, nằm trên núi Phật Tích (hay còn gọi là núi Lạn Kha). Vị trí cảnh quan chùa rất đẹp, phía trước là dòng sông Đuống, phía sau là dải Nguyệt Hằng nhấp nhô. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng thời Lý, đã được ghi lại trong bia đá cũng như trong sử sách, nói rõ về quy mô to lớn và rực rỡ của chùa.

Hiện nay, ở chùa cũng như ở Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ được những viên gạch có in dòng chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”, hoặc “Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo”. Những dòng chữ này đã cho biết công trình được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông, từ năm 1057 đến năm 1065. Sử cũ còn chép, năm 1129 dưới triều vua Lý Thần Tông, đã khánh thành 84 nghìn bảo tháp đất nung. Số lượng tháp khổng lồ đó được đem đặt ở nhiều nơi trong nước, nhưng trong nhiều truyện kể rằng, riêng ở Phật Tích đã đặt tám vạn tháp. Vì vậy, dãy núi ở Phật Tích còn được mang tên núi Bát Vạn.

Mặt bằng kiến trúc chùa Phật Tích thời Lý có quy mô to lớn, với ba lớp nền, mỗi lớp có chiều rộng khoảng 60m, chiều dài khoảng 100m và chiều cao từ 3m đến 5m, được ghép đá làm bậc lên xuống. Hiện nay, vẫn còn những bức tường đá ghép khéo léo nhằm bảo vệ các tầng nên hiệu quả. Trên các lớp của mỗi nền chùa này, người xưa đã cho dựng lên nhiều tòa ngang, dãy dọc, nhiều công trình hoành tráng, những “gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng láng”, những “cung quảng vẽ nhị hồng”, những “cung điện vẽ san sát trong núi”.

Tháng Chạp năm 1940, trong một lần khai quật, L. Bezacier đã tìm thấy “chân của cây tháp”. Theo mô tả của ông, chân cây tháp dài 8,5m, gồm những vạt tường dày 2,15m xếp bằng gạch có niên đại 1057. Dưới chân của những vạt tường này có một số bức chạm đá rất đẹp.

Năm 2003, trong lần đào năm hố thám sát của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh ở vườn chùa, đoàn khảo sát đã phát hiện ra nền móng của một công trình kiến trúc, trong nền móng đó cũng thấy một số viên gạch thời Lý, có niên đại 1057, được xây ở móng, do tận dụng gạch của thời Lý… Ngoài ra, hiện nay trong khu di tích còn lưu giữ một số hiện vật thời Lý là những tác phẩm điêu khắc đá dùng để trang trí kiến trúc và một số tác phẩm điêu khắc đá dùng trong kiến trúc xưa, mặc dù số lượng các tác phẩm nghệ thuật không còn nhiều, nhưng cũng đủ cho ta thấy được tài năng của cổ nhân. Trong đó, có thể thấy các điển hình sau:

Tượng Phật: được coi là một trong những bức tượng có niên đại sớm nhất của người Việt. Tượng được chia thành hai phần rõ rệt: phần tượng và bệ, với chất liệu bằng đá xanh mịn. Hình tượng Phật được tạc kiểu kiết già, ngồi trên một tòa sen, đặt trên bệ hình bát giác, toàn bộ cao xấp xỉ 3m, riêng tượng cao 1,84m, bệ bát giác được chạm phủ kín bề mặt. Mặt đứng của cả hai tầng đều có hình rồng đuổi nhau, trên một nền toàn vân xoắn, mặt nằm là hoa dây cách điệu có hình người nhỏ bé, phía dưới là những lớp sóng hình tam giác ken nhau. Thực ra pho tượng Phật này không còn hoàn chỉnh như thuở ban đầu, mà tương truyền từ thế kỷ XV, tượng đã bị quân Minh phá hoại. Pho tượng còn lưu giữ tới hiện nay có đầu tượng thuộc phong cách cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII với miệng nhỏ lại, môi dày lên, đôi mắt hơi xếch, trên khuôn mặt đầy những khối căng điêu khắc, khác xa so với tượng thời Lý ở Chương Sơn (Nam Định). Mặt khác, đài sen cũng được làm lại, vì vậy không đỡ hết đầu gối của tượng. Nhưng qua những gì còn lại ở tượng này, với sự tạo tác trau chuốt và các chi tiết nuột nà đã cho thấy đây là một tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của đương thời, khẳng định tính chất cổ điển mẫu mực của nghệ thuật dân tộc ở giai đoạn đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ.

Tượng đầu người mình chim đánh trống: Đây là những Kinnaras, bắt nguồn từ huyền thoại Ấn Độ. Linh vật này được cấu tạo từ ngực trở lên là người, từ ngực trở xuống là chim. Chúng có khuôn mặt đầy đặn hiền từ, bầu bĩnh, sống mũi cao, miệng ngậm ẩn một nụ cười hàm tiếu, ngực nở, tay tròn mập, tóc được búi tròn, uốn lượn rất khéo, làn tóc trên trán và trên búi được điểm những hoa cúc nhỏ mãn khai. Phần mình chim với bộ lông mang tính tượng trưng, hai chân cứng khỏe, móng cong nhọn, cánh chéo ra phía sau, đuôi, bụng và chân được diễn tả bằng những đường uốn cong mềm mại thường thấy trong các tác phẩm thời Lý.
Kinnaras đeo trống cơm, hai bàn tay mềm mại đang nhịp nhàng vỗ trên mặt trống. Dù dưới dạng nào đi chăng nữa thì mọi Kinnaras đều có tài tấu nhạc thiên thần để dẫn chúng sinh vào con đường của đạo pháp.

Hang thú đá: nằm ở tầng nền thứ hai của chùa, gồm năm đôi linh thú: trâu, ngựa, voi, tê giác và sư tử xếp đối xứng nhau. Các con vật này đều nằm trên đài sen tạc từ một khối đá liền, chỉ riêng con trâu ở dãy bên phải ghép bằng hai khối đá. Những chi tiết tai, đuôi, sừng… đều được chắp nhờ những lỗ mộng. Chúng đều có thân hình trù phú, dáng khỏe khoắn, cao trung bình 1,2m, chiều dài từ 1,5m đến 1,8m. Nghệ thuật điểm trên thân một số con thường là vân mây, cụm vân xoắn như biểu tượng cho tinh tú. Những linh vật này đều trong thế ngơi nghỉ tĩnh tại và ẩn chứa một tinh thần sâu xa về Phật đạo.

Chân tảng đá kê cột cao 17cm, mỗi cạnh dài 72cm, mặt trên tạo đài sen tròn, trên mặt mỗi cánh sen đều có đôi rồng chầu lá đề thuộc phong cách thời Lý. Bốn mặt đứng chạm giống nhau, với đề tài đoàn nhạc sứ thiên thần gồm mười người, đặt cân xứng hai bên đang đi trong động tác múa “vũ trụ” và sử dụng các nhạc cụ khác nhau. Người nào cũng ngửa mặt trong hình thức chiêm ngưỡng, thân hơi ngả về phía trước, chân trong co gập, chân ngoài chống thẳng. Điểm xuyết quanh mỗi người là một vài dải uốn lượn bay ra. Người nào cũng bó tóc trên chỏm đầu và tuy được thể hiện nhỏ bé (cao xấp xỉ 7cm) nhưng mọi chi tiết như mắt, mũi, miệng… đều rõ; trên yếm, váy được thể hiện cả hoa văn, chân đi hài cao, mũi với gót có túm lông chải lượn dài… Đây là hình các Gandharvas, sống ở cung trời Đế Thích, đã đem âm thanh huyền diệu mà tôn vinh Phật pháp; hình thức biểu ý trên ở mảng chạm đồng nhất với sự hướng tới chiếc lá đề của các nhạc sĩ này.

Các viên gạch: Hiện nay ở khu chùa còn lưu lại một số viên gạch có in dòng chữ “Lý gia đệ tam để Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” hoặc “Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo”. Những viên gạch này có kích thước trung bình dài 38cm, rộng 21cm, dày 5cm, các chữ Hán được in nổi thành hai dòng ở giữa mặt trong một khung chìm hình chữ nhật; gạch có độ nung vừa phải và có màu đỏ không đồng đều. Ngoài ra, trong khu vực chùa còn tìm thấy các viên gạch không có chữ, một loại to và một loại nhỏ. Loại nhỏ có kích thước dài 37cm, rộng 19cm, dày 4,5cm. Loại to chiều dài bị vỡ nên không có số đo chính xác là bao nhiêu, mà chỉ đo được chiều rộng là 23cm và dày 6cm. Cũng tại đây, hiện còn bảo lưu được một số hiện vật thời Lý, như đầu rồng bằng đá, ngói ống có trang trí chim phượng, một số đồ gốm.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chùa Phật Tích là công trình văn hóa tín ngưỡng Phật giáo có quy mô to lớn, với nhiều hiện vật tiêu biểu của thời Lý (thế kỷ XI).