CHÙA KEO
Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang tự, được xây dựng vào năm 1061, tọa lạc tại xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Xưa, chùa có tên là Nghiêm Quang, thuộc ấp Giao Thủy (tên chữ Nôm là Keo); sau khi làng chia làm hai, chùa được vua Lý Anh Tông ban tiền tu sửa và đặt lại tên là Thần Quang (năm 1167). Từ Hà Nội, đi xe đến Nam Định, qua phà Tân Đệ rồi rẽ phải đi theo đê sông Hồng chừng 10km nữa, từ đó có thể nhìn ngắm toàn cảnh của chùa Keo nổi lên giữa đồng lúa bát ngát xanh rờn.
Chùa Keo là một ngôi chùa quy mô lớn, có giá trị cao về kiến trúc, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Chùa được làm toàn bằng gỗ lim, gồm có 21 ngôi nhà với 107 gian (trước kia có đến 154 gian) với những hành lang dài hàng trăm mét lát đá xanh và 350 chiếc cột gỗ lim lớn nhỏ đều kê trên những thanh đá lớn có chạm trổ cánh sen. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng 108.000m², trong đó diện tích xây dựng 17 công trình kiến trúc chiếm tới 58.000m². Kiến trúc của chùa được bố trí từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Bên ngoài cùng là “tam quan ngoại”, đi vòng theo hồ hình chữ nhật rồi mới vào đến “tam quan nội”, tòa thiêu hương, tòa phục quốc, tòa thượng điện, gác chuông, nhà tổ… Nghệ thuật điêu khắc trên các mái hàng trăm con rồng uốn lượn sinh động như những ngọn lửa. Khu thánh điện thờ Thiền sư Không Lộ có kiến trúc với kiểu “nội công ngoại quốc”. Độc đáo nhất là gác chuông ba tầng của chùa cao 11,5m: Bốn chiếc cột gỗ lim chính cao suốt hai tầng với hệ thống cột hiên và lan can được kết cấu khéo léo chủ yếu bằng các mộng ngầm; hệ thống rui mè tầng tầng lớp lớp xiên ra, khoe xuống theo triền mái làm tăng thêm chiều cao của công trình. Gác chuông có đến 12 mái nối với 12 đầu đao uốn cong, treo ba chiếc chuông đồng, một chiếc có khắc chữ “Hoàng triều Cảnh Thịnh tứ niên” (1796), đỉnh của các quai chuông đều có chạm trổ hình hai rồng uốn lượn uyển chuyển. Ngoài ra, trên gác chuông còn có một chiếc khánh đá. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời Hậu Lê thế kỷ XVII; và hình ảnh gác chuông gỗ của chùa dường như được xem là biểu tượng, là niềm tự hào của tỉnh Thái Bình, giống như chùa Một Cột là biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Ngoài chánh điện thờ chư Phật, Bồ Tát, La Hán, Thánh chúng, tượng Tuyết Sơn tạc từ thời nhà Mạc với nghệ thuật cao, chùa còn có một gian thánh điện thờ vị tổ sư khai sơn lập tự, tức vị trụ trì đầu tiên của chùa là Thiền sư Không Lộ. Trong gian thánh điện này có thờ những hiện vật có liên quan đến vị tổ sư khai sơn lập tự như: ba vỏ ốc óng ánh như dát vàng được để ngửa mà Thiền sư lúc sinh tiền dùng làm chén uống nước, một bộ tràng hạt bằng ngà của Thiền sư thường đeo, một bình vôi cực lớn, một cờ gỗ chò cao 25m, một cây gậy trúc đầu rồng rất nặng dài 3 thước ta (sau đã bị trộm vào chùa lấy mất) và giá trị cao hơn hết là một bức tượng Thánh Không Lộ được tạc từ thời Lý (vào năm 1094 là năm Thánh hóa) bằng gốc trầm hương giống như người thật. Chùa còn có những đồ tế tự bằng gỗ, bằng sứ rất có giá trị như chiếc hương án do thợ tài giỏi làm mà phải mất cả đời cha và con mới hoàn tất, hay những cuốn thư, những bức đại tự, đôi hạc lớn, thuyền rồng của Lý Quốc Sư…
Thiền sư Không Lộ, tên thật là Dương Minh Nghiêm, pháp danh Huyền Thông, pháp hiệu Minh Không, xuất thân là con của một ngư dân làng Giao Thủy, có tầm vóc cao lớn và sức khỏe phi thường, thông minh xuất chúng. Ngài là người mộ đạo Phật, năm 29 tuổi đã bỏ nghề đánh cá để xuất gia, đến năm 1061 (đời vua Lý Thánh Tông) thì sang Tây Trúc học đạo thỉnh kinh cho đến khi đắc đạo mới trở về nước, dựng nên chùa Nghiêm Quang ngay trên quê mình. Ngài là đồng đạo của hai thiền sư danh tiếng Từ Đạo Hạnh và Giác Hải, ba vị được đương thời tôn xưng là Tam Thánh vì đều có đạo hạnh ngời sáng, pháp thuật cao siêu như bay trên không, đi trên mặt nước, hàng long phục hổ… Theo truyền thuyết dân gian, từ chùa Keo xa xôi, Thiền sư Không Lộ lặn lội vào cung chữa cho vua Lý Thần Tông (kiếp sau của Từ Đạo Hạnh) khỏi bệnh hiểm nghèo “mọc lông như hóa hổ” bằng pháp thuật cao cường, được vua ban cho nhiều bổng lộc và phong hàm “Lý triều Quốc sư” (Lý Quốc Sư). Thiền sư Không Lộ ngoài công lớn chữa bệnh cho vua, còn có công giúp vua đánh đuổi giặc Chiêm Thành, sang Trung Quốc xin đồng về đúc Tứ đại khí gồm chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh cho nước nhà, và trở thành ông Tổ nghề đúc đồng ở Việt Nam. Ngài tịch tại chùa Keo ngày 3 tháng Sáu năm Giáp Thân (1094), tuy nhiên lễ hội hằng năm tại chùa Keo lại tổ chức vào ba ngày: ngày 13 (cầu kinh tưởng niệm 100 ngày mất của Thiền sư), ngày 14 (kỷ niệm ngày sinh 14 tháng Chín năm Bính Thân 1016 của Thiền sư) và ngày 15 (rước kiệu Thánh quanh chùa) của tháng Chín âm lịch. Dân gian có câu ca: “Cho dù cha đánh mẹ treo, em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”, cho thấy lễ hội chùa Keo mang ý nghĩa trọng đại và ảnh hưởng sâu đậm trong tâm thức cũng như trong đời sống sinh hoạt của dân ta. Ba ngày lễ vào tháng Chín tại chùa Keo là chính hội; còn vào ngày mồng 4 Tết hằng năm là hội vui xuân, cũng là một lễ hội lớn mang tính chất nghi lễ nông nghiệp, cúng Phật cầu an mong điều tốt lành cho năm mới. Ở miền Bắc nước ta có rất nhiều đền chùa thờ Thiền sư Không Lộ riêng biệt, cũng như thờ chung trong bộ Tam Thánh: Từ Đạo Hạnh – Không Lộ – Giác Hải.
Ngày 5-11-1968, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem “Kiến trúc cổ” gồm sáu mẫu tem do họa sĩ Trần Lương vẽ là: gác Khuê Văn, gác chuông chùa Keo, cầu có mái chùa Thầy, chùa Một Cột, tam quan chùa Ninh Phúc và chùa Tây Phương. Đến năm 1993, tem nước ta lại có bộ tem “Kiến trúc cổ Đông Nam Á” do hai họa sĩ Võ Lương Nhi và Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế. Cùng với các mẫu tem đưa hình ảnh những đền đài tự viện và chùa tháp tiêu biểu nổi tiếng của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar… thì một lần nữa hình ảnh gác chuông gỗ ba tầng của chùa Keo hiện lên trên một block tem đặc biệt đẹp và đáng tự hào. Ngoài ra, hình ảnh chùa Keo còn được xuất hiện trên bì thư, thường dùng để trang trí, thêm giá trị thẩm mỹ, cũng như ý nghĩa văn hóa của một vùng đất được xem như quê hương của lúa gạo.
Chùa Keo là một di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng, mang nhiều điều huyền bí kỳ ảo quanh những câu chuyện dân gian truyền khẩu, những truyền thuyết u u minh minh về một vị quốc sư tài ba uyên bác, một thiền sư đức độ và một bậc đại thánh linh thiêng cứu dân độ thế.