Phong Tục Xưng Hô và Giao Thiệp Trong Văn Hóa Việt Nam

GIAO THIỆP

Xưng hô thế nào cho đúng?

Vấn đề này thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học, giáo dục học nhưng liên quan nhiều đến phong tục cổ truyền. Trẻ con vừa học nói đã được cha mẹ, anh chị bày cho cách xưng hô, nhưng khi lớn, thậm chí đến già vẫn còn sai sót. Nhiều khi chỉ vì một sai sót nhỏ trong cách xưng hô mà gây nên thành kiến nặng nề.

Ở Việt Nam, chúng ta đã được giáo dục từ nhỏ, đáng tuổi ông thì gọi là ông, đáng tuổi bác gọi là bác, không được “mày tao chi tớ”, “cá mè một lứa”. Chúng ta nên thông cảm với người nước ngoài học tiếng Việt. Đại từ nhân xưng tiếng Việt rất đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Điều khó khăn nhất là ngay trong đại từ nhân xưng đã mang sắc thái tình cảm, thể hiện sự yêu thương, tức giận, kính trọng, khinh ghét, khách sáo hay thân mật.

Trong cách xưng hô của nước ta có sự phân biệt tôn ti trật tự rõ ràng. Chính vì vậy, cháu bé mới hỏi: “Tại sao ông bảo cháu phải thưa bẩm, thế mà cháu gọi ông, ông lại không thưa bẩm cháu?” Cháu cũng không hiểu tại sao cha mẹ gọi con thì gọi thẳng Giáp, con Át được, còn con gọi tên thật của cha mẹ lại không được? Tại sao ông chú già rồi lại còn gọi là “ông trẻ”?

Cách dùng từ để xưng hô của nước ta còn tuỳ thuộc vào mức độ thân sơ giữa người nói và người nghe. Ví dụ, thật thân tình bạn bè gọi nhau bằng mày, tao, hắn thì quý; gọi nhau bằng thưa quý anh hay bẩm ông thì coi như giễu cợt, kích bác nhau. Ngược lại, mới quen biết sơ sơ mà mày tao thì coi như bất lịch sự, đôi khi người nghe bực mình bỏ đi không thèm trả lời. “Cụ già” và “lão già” đồng nghĩa, nhưng “Tôi hỏi cụ già” thì rất khác “Ta hỏi lão già”. Cũng có trường hợp “lão” chưa hẳn đã già mà là cách gọi thân mật.

Nếu có quan hệ họ nội, họ ngoại thì gọi theo quan hệ thân thuộc, gắn bó thân thiết hơn: Mặc dù ít tuổi hơn mình nhưng ngang hàng cha mẹ thì gọi bằng chú, bác, cô, dì theo đúng vai vế trong họ. Ngược lại, đối với người đã lớn tuổi, mặc dù là bậc cháu, nhưng để cho khỏi “chướng”, nên gọi bằng anh, bác, ông… coi như gọi thay cho con, cháu mình – như vậy thanh nhã và lịch sự hơn.

Thuần tuý quan hệ xã hội, không có quan hệ họ hàng nhưng theo phép xã giao “trưởng nhất tuế vi huynh, trưởng thập tuế vi phụ” (hơn một tuổi làm anh, hơn mười tuổi làm cha), tức là tôn lên ngang bằng vai với cha mà gọi là chú hay bác. Đây là phép tôn xưng.

Vợ chồng xưng hô với nhau thế nào?

Người Việt Nam từ nhỏ đến lớn, đến già nói chuyện với nhau đã quen tai nhưng nếu diễn giải cho người nước ngoài để họ biểu đạt được đầy đủ sắc thái ngôn ngữ thì thật lý thú. Ví dụ: “Nhà tôi” dịch ra tiếng Pháp là ma maison thì người Pháp làm sao hiểu nổi!

Ngày nay, vợ chồng trẻ xưng hô với nhau “anh – em” nghe thật âu yếm, thân thiết. Dù chồng ít hơn năm ba tuổi vẫn là anh.

Lùi lại khoảng bốn mươi năm về trước, những gia đình ít nhiều được Âu hoá, vợ chồng gọi nhau bằng “mình” cũng thể hiện được tình cảm đậm đà; gọi nhau bằng “cậu – mợ” cũng thanh nhã, nhưng những từ đó còn xa lạ với nông thôn. Một số người muốn gọi nhưng vẫn còn ngượng với hàng xóm, chỉ thầm kín tỏ tình với nhau, thỏ thẻ chỉ đủ hai người nghe. Cách gọi nhau bằng tên trống không như “Này! Ra tôi bảo!” hoặc “Nào, ai bảo mình…” cũng là một bước cải tiến lớn. Chứ như các cụ ngày xưa, thời còn trẻ chỉ gọi nhau bằng “bố thằng cu”, “u nó”, “mẹ Hĩm”…

Người mới lấy nhau chưa có con, chồng chưa có chức vị gì mà gọi, thì sao? Bí quá, có cô mới về làm dâu, muốn gọi chồng đang chơi bên hàng xóm về mà không biết xưng hô ra sao, bèn ra ngõ gọi thật to: “Ai ơi! Về mà ăn cơm!”. Từ “ai” ở đây không phải là đại từ nghi vấn hay phiếm chỉ, mà có nghĩa là “chồng tôi ơi”!

Còn khi nói chuyện với khách thì giới thiệu vợ mình hay chồng mình là “nhà tôi”. Từ “nhà tôi” thật là đậm đà, gắn bó. “Mình” và “tôi” tuy hai mà một.

Cách xưng hô trong họ

Có xem sơ đồ gia phả toàn họ mới biết được mình thuộc đời thứ mấy, đời trên mình là những ai, mình thuộc chi nào, nhánh nào, bằng vai với mình trong họ là những ai. Có sơ đồ gia phả mới phân biệt được thứ bậc trong họ, mỗi người tự xác định được quan hệ trong nội tộc mà xưng hô cho đúng: chú ra chú, bác ra bác, anh ra anh, em ra em… Xưng hô trong nội tộc khác với xưng hô ngoài xã hội để khỏi mang tiếng “cá mè một lứa”.

Ngoài xã hội dựa theo tuổi tác và chức vụ, địa vị; trong gia tộc dựa theo thế thứ. Nhưng khi giao thiệp với từng cá nhân cụ thể lại phải kết hợp theo quan hệ xã hội, nhất là tuổi tác. Có thể đúng theo huyết thống thì anh A phải gọi tôi bằng ông chú, nhưng tôi cũng gọi anh A bằng bác, vì anh A đã là người tuổi cao, gọi bằng cháu là bất tiện và bất lịch sự. Tôi gọi anh A bằng bác là gọi thay cho cháu, chắt tôi, mặc dù tôi chưa có cháu. Tất nhiên anh A phải gọi tôi bằng ông, mặc dù tôi ít tuổi hơn anh nhưng về thế thứ ngang với ông nội anh A. Tuy nhiên, nếu tôi ít tuổi quá mà gọi bằng ông cũng bất tiện, có khi phải hạ xuống một bậc mà gọi bằng chú mới thân mật.

Hiện tượng anh X. còn ít tuổi hơn cháu nội tôi, mà tôi lại phải gọi anh X. bằng ông cũng là phổ biến, không có gì đặc biệt. Ngay trong một gia đình, anh cả đã có con mà chú út chưa ra đời; hiện tượng “em bú chị dâu, cháu bú bà” là chuyện bình thường trong xã hội cũ. Chỉ mới qua hai đời đã có sự chênh lệch một thế hệ, vì vậy trong họ hàng qua nhiều đời, tuổi tác chênh lệch năm ba thế hệ không có gì là lạ.

Ở nông thôn còn có mối quan hệ giữa thông gia, giữa bà con nội ngoại, nên cách xưng hô lại càng phức tạp. Thông thường thì vợ chồng thống nhất cách xưng hô với ông chú, bà bác bên nội; ông cậu, bà dì bên ngoại như nhau, nhưng cũng có trường hợp do quan hệ huyết thống mà chồng gọi bằng chú, vợ gọi bằng bác hay ngược lại. Dù sao “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, gọi nhau theo quan hệ gia tộc vẫn thân mật hơn gọi theo quan hệ xã hội.

Phải chăng lời chào cao hơn mâm cỗ?

Trong tiếng Việt, từ “chào” thường đi đôi với từ “hỏi” và từ “mời”. Cách chào hỏi, chào mời, chào thưa ở mỗi địa phương có một phong tục khác nhau, lại còn lệ thuộc vào đối tượng được chào và phong cách của người chào.
Đối với các cụ già, nếu khúm núm, kính cẩn, đứng lại “bẩm cụ ạ” thì cụ sẽ có cảm tình ngay. Nhưng đối với người lớp trung niên tân tiến, nếu làm như vậy thì người ta dễ tưởng là chế giễu.
“Đi qua nghiêng nón không chào” không phải vì ghét nhau, hờ hững với nhau mà vì… quá yêu nhau cũng nên. Người ta không chỉ chào nhau bằng lời nói mà còn bằng khoé mắt, nụ cười, có trường hợp mắt nói rõ hơn miệng.
Chào – hỏi đi đôi với nhau, hỏi để chào: “Ông khỏe không?”, “Ông đi đâu đấy?”. Nhiều khi hỏi bâng quơ, hỏi không cần trả lời, nhưng nếu không chào hỏi thì ra điều lạnh nhạt, khinh người.
Chào – mời đi đôi với nhau: Cần phân biệt mời thực sự hay mời để thay lời chào. Hành khách trên hai chiếc thuyền đi dọc sông, ngược chiều nhau cũng mời nhau ăn cơm. Lời mời đó thuần tuý thay cho lời chào chứ có ai nhảy sang thuyền kia mà ăn đâu?
Lời chào có thực sự cao hơn mâm cỗ không? Có khi không có mâm cỗ, chỉ chào mời suông, e không ổn. Nhưng quả thực, mâm cao cỗ đầy mà lời chào nhạt nhẽo, khinh khi, kiêu kỳ thì mâm cỗ cũng bỏ đi.
Lời chào biểu hiện phong cách con người, biểu hiện nề nếp của gia đình, thuần phong mỹ tục của địa phương và cả dân tộc ta. Song, ở mỗi nơi một khác, mỗi thời một khác. Ngày xưa chào bằng cách vái, lạy; ngày nay chào bằng cách bắt tay. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong câu hỏi: “Ai vái lạy ai?”

“Nhập gia vấn huý” nghĩa là gì?

Theo phép xã giao, trước khi đến thăm một gia đình cần tìm hiểu tên huý của ông bà cha mẹ và của người mình định đến thăm, để tránh trong khi nói chuyện hoặc xướng họa thơ từ mà động đến tên huý gia tiên của chủ nhà.
“Huý” đồng nghĩa với “kỵ” (tức là kiêng kỵ). Ngày giỗ còn gọi là ngày huý hay ngày kỵ. Tên huý là tên chính nhưng lại là tên kiêng nhắc đến; khi giận nhau, người ta thường gọi tên huý ra mà chửi. Ông bà, cha mẹ, chú bác có thể gọi con cháu bằng “thằng”, “con” theo tên huý; còn kẻ dưới không được gọi bề trên bằng tên huý, kể cả những người cao tuổi trong làng, trong xóm. Trong ngôn ngữ thông thường, nếu có trùng âm cũng phải nói chệch đi, nếu không sẽ bị coi là hỗn.
Ngày nay, giao thiệp rộng rãi, trong quan hệ bạn bè, đồng chí, gọi tên nhau là chuyện bình thường. Song, về các vùng nông thôn phải tuỳ theo phong tục từng vùng mà xưng hô. Nếu cứ theo họ tên ghi trong địa chỉ thư tín và giấy tờ hành chính mà gọi thì chưa hẳn các vị cao tuổi đã vui lòng. Trừ những người đã đi thoát ly, công tác, còn thông thường người ta vẫn hay gọi nhau bằng tên con trưởng hoặc tên cháu đích tôn.
Ở miền Nam nước ta, hay gọi tên theo thứ tự sinh ra trong gia đình nhưng con trưởng không gọi là “anh Cả” mà gọi là “anh Hai”. Nếu đã ra ngoài xã hội thì thường gắn tên đó với huý. Ví dụ: ông Bảy Lửa, chị Ba Tịch…

Xêcu Turê (Sékou Touré) với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xêcu Turê, Tổng thống Ghi-nê, sang thăm Việt Nam theo lời mời với tư cách là khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong buổi mít-tinh tiễn đưa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Xêcu Turê hết lời ca ngợi, khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông phát biểu đại ý: “Vợ tôi sắp sinh, nếu sinh con trai, tôi sẽ đặt tên con là Hồ Chí Minh.”
Liền đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại rất khôn khéo, tài tình: “Bác không có con, vậy Bác đề nghị các cháu thanh niên, nếu sắp tới cháu nào đẻ con trai thì đặt tên con là Xêcu Turê!”
Mọi người dự lễ đều vui cười thoải mái, phục tài đối đáp của Bác – vừa được lòng khách nước ngoài, vừa phù hợp với phong tục nước ta trong hoàn cảnh đó.

Ai vái lạy ai?

Vái lạy là phép xã giao thời xưa, không chỉ dùng khi cúng tế mà người sống cũng lạy nhau. “Đời xưa vua đối với bầy tôi, bố vợ đối với chàng rể, người tôn trưởng với kẻ ti ấu (bề dưới) đều phải lạy đáp lễ. Đến đời nhà Tần mới đặt ra lễ tôn quân ti thần, nên thiên tử không đáp lạy bầy tôi nữa… Ngày xưa từ quan khanh sĩ trở xuống đều theo cổ lễ mà đáp lễ kẻ ti ấu, nếu kẻ ti ấu chối từ, mới dùng lễ túc bái đáp lại. Còn vái là nghi thức lúc đã lễ xong… Nước ta xưa kia ở chốn công đường có lễ tương kiến, kẻ hạ quan cũng vái bậc trưởng quan… Gần đây những kẻ hiếu sự không biết xét đến cổ điển lại cho rằng vái là lễ của tôn trưởng đối với kẻ ti ấu, còn kẻ ti ấu đối với tôn trưởng không được vái, chỉ lạy xong là cứ đứng thẳng và lùi ra…”

Xem đoạn văn trích dẫn trên, ta thấy vái lạy là một phép xã giao, không chỉ người dưới vái lạy người trên mà người trên cũng vái lạy đáp lễ. Từ lạy nhau chuyển sang vái nhau trong buổi tương kiến. Ngày nay, chúng ta tiếp thu văn hóa Âu Tây, bắt tay khi gặp nhau hoặc tiễn biệt nhau, lịch sự hơn mà vẫn giữ được phép tôn ti (tôn trưởng – ti ấu).

Theo phong tục lễ giáo của nước ta, bề dưới phải chủ động chào bề trên trước: trẻ chào già trước, trò chào thầy trước. Nếu bề trên không chào lại người dưới, thầy không chào lại trò, tức là không đáp lễ, thì cũng bất lịch sự chẳng khác gì từ chối bắt tay người khác, làm cho người đưa tay trước rất ngượng ngùng và bất bình. Không biết vái chào lại người khác là đã tự làm mất đi phong cách lịch duyệt của chính mình.

Chúng tôi xin trích kể lại câu chuyện “Tam nguyên Tổng đốc lạy ông Nhiêu”:
Ông Nhiêu Chuồi, người cùng làng, ăn mừng lên thọ 80. Cụ Tam nguyên cũng tới mừng. Khi làm lễ chúc thọ, cụ Tam cũng như mọi người lễ ông Nhiêu hai lễ rất kính cẩn. “Ai đời cụ Tam nguyên Tổng đốc lại lạy một người thường dân”. Ông Nhiêu vội vàng sụp xuống lạy tạ. Cụ Tam đỡ ông Nhiêu dậy, ôn tồn nói: “Ta lạy là lạy cái thiên tước của ông Nhiêu đấy…”

Không thầy đố mày làm nên

Quan hệ thầy trò, nói riêng về mặt phong tục, cũng cần có một tập sách riêng. Để trả lời cho những câu hỏi về đạo thầy trò, chúng tôi thiết nghĩ mấy dòng sơ lược thì chưa thể nói hết được.

Dân tộc ta vốn tôn sư trọng đạo. Vai trò của thầy giáo luôn luôn tiêu biểu cho tầng lớp trí thức, tiên tiến, được toàn thể xã hội công nhận. Nghề giáo vốn là nghề cao quý nhất. Nền giáo dục thời phong kiến cũng như ngày nay đều thống nhất một phương châm: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội. Nhân tài phục vụ xã hội, điều hành bộ máy nhà nước đều do thầy giáo — tức là khuôn mẫu — đào tạo nên. “Không thầy đố mày làm nên.” Tiêu chuẩn đánh giá kiến thức đều thống nhất dựa vào chế độ thi cử, có học vị, cấp bậc rõ ràng.

Vì tất cả những lẽ trên, có người đặt vấn đề: “Vậy đặt thầy cao hơn cha có quá đáng không?”

Cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng mình, thầy giáo là người truyền thụ kiến thức cho mình. Sở dĩ hiển đạt, thi thố được tài năng với đời đều nhờ công dạy dỗ của thầy. Ngày xưa, từ nhỏ đến khi đi thi đỗ cử nhân, tiến sĩ, thường cũng chỉ học một thầy, cùng lắm là vài ba thầy, chứ không như ngày nay mỗi năm mỗi lớp, mỗi môn lại học một thầy khác nhau. Ngày xưa có nhiều trường hợp thầy trò cùng lều chõng đi thi nhưng “học tài thi phận”: trò đỗ, thầy trượt. Có những ông thầy đào tạo được nhiều ông Nghè, ông Cống nhưng bản thân thầy lại chẳng thi đỗ, chẳng nhận quan tước gì. Có người thi đỗ cũng không ra làm quan mà chỉ tiếp tục dạy học. Có những thầy giáo đạo cao đức trọng được môn sinh nể trọng hơn cả cha. Thầy Chu Văn An là người thầy tiêu biểu nhất, được liệt thờ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Ngày xưa, thầy dạy được một số học sinh đỗ cử nhân, tiến sĩ thì vai trò trong xã hội được nâng lên rõ rệt, không chỉ thầy mà cả gia đình thầy cũng được quan tỉnh, quan huyện kính nể. Quang Trung ba lần mời Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử) ra làm quân sư chính là để thu phục nhân sĩ Bắc Hà, vì Nguyễn Thiếp là thầy giáo của nhiều triều thần Lê – Trịnh đương thời.

Trước đây, ngành giáo dục tuy có chế độ thi Hương, thi Hội, thi Đình rất nghiêm, rất chặt, song lại rất ít giáo chức, rất ít trường công ở cấp huyện, cấp phủ, chỉ có một vài huấn đạo, giáo thụ ăn lương nhà nước, còn hầu hết là các lớp tư thục. Một nhà khá giả trong vùng nuôi thầy cho con ăn học, xóm làng chung quanh gửi con đến thụ giáo, không phải nộp học phí. Chỉ đến ngày lễ mồng 5 tháng 5, ngày Tết… cha mẹ học trò mới tùy tâm đưa lễ đến tết thầy. Giàu có thì tết thầy thúng gạo nếp, bộ quần áo… Nghèo thì tết thầy một cơi trầu, một be rượu.

Môn sinh của một thầy thường tổ chức nhau lại gọi là Hội đồng môn, có trưởng tràng, giám tràng và một số cán tràng giúp việc trưởng tràng. Con thầy, mặc dù ít tuổi hơn, nhưng cũng được gọi là thế huynh. Thầy nào có tiếng dạy giỏi, dạy nghiêm thì được nhiều sĩ tử đến theo học. Hội đồng môn vận động các gia đình môn sinh đóng góp tiền của tạo ruộng, tạo trâu bò rồi phân công nhau cày cấy. Đến mùa gặt, tự gánh về gia đình nhà thầy để thầy chi dùng. Khi thầy mất, lại dùng ruộng đó lo tang ma cho thầy, cho vợ thầy và giỗ Tết tự về sau.

Học trò cũng để tang thầy ba năm như tang cha mẹ, nhưng không mặc tang phục, gọi là tâm tang, tức là để tang trong lòng.

Dưới đây là một dẫn chứng về tình nghĩa thầy trò:
Cụ Thượng Niêm về lễ tang vợ thầy

Nguyễn Khắc Niêm (1889–1954), người xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi năm 1907, làm Thượng thư Bộ Cải lương hương chính triều Bảo Đại. Nguyễn Khắc Niêm là học trò của cụ Nguyễn Duy Dư, một người nổi tiếng hay chữ ở xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, đã được Hội Tư văn hàng huyện tôn xưng là “Hương Sơn tứ hề”. Nguyễn Khắc Niêm thụ giáo cụ Dư ở cách nhà mình trên 4 km. Đến kỳ thi Hương, hai thầy trò cùng lều chõng đi thi: học trò đỗ cử nhân, được vào Huế thi Hội và đỗ Hoàng giáp; thầy chỉ đỗ Tú tài. Theo chế độ thi cử thời trước: Cử nhân mới được dự thi Hội, còn Tú tài thì phải ba khoa Tú tài mới được thi. Ba năm mới có một khoa, thầy Tú chưa kịp chờ để thi lại khoa sau thì đã từ trần – năm 1909.

Hơn 30 năm sau, bà Tú Dư mất. Lúc đó, Nguyễn Khắc Niêm đã lên đến chức Thượng thư trong triều. Nghe tin vợ thầy học cũ mất, ông đánh xe từ Huế về Hà Tĩnh để phúng viếng. Nhà cách sông và đường quốc lộ, Tri huyện tiếp điện đã lệnh cho Tổng lý địa phương đem kiệu và võng lọng ra tận bờ sông đón rước cụ Thượng về quê lễ vợ thầy.

Nhà ông bà Tú ở trên đỉnh đồi Sơn Trại, người trai tráng leo lên cũng đã cảm thấy mệt, hơn nữa sỏi đá lởm chởm. Nhưng để tỏ lòng cung kính nhớ ơn thầy, khi đến cổng xóm vào nhà thầy, cụ Thượng Niêm đã xuống cáng, đi chân đất, có hai người lính hầu dìu hai bên, lên tận nhà thầy ở gần đỉnh đồi. Tất nhiên, cụ Thượng thư đã đi chân đất thì từ Tuần phủ, Tri huyện đến Tổng lý cũng phải tháo hia hài cắp nách mà leo lên. Người con trưởng của cụ Tú và một số gia nhân khăn áo chỉnh tề đã xếp hàng đứng ở cổng. Mặc dù chỉ là dân thường, ít hơn một vài tuổi, nhưng con trai cụ Tú cũng được cụ Thượng Niêm vái chào rất cung kính (vì được coi là thế huynh).

Học trò cũ mà thầy lại mất từ lâu, nay về lễ tang vợ thầy, là chuyện thực mắt thấy tai nghe, kể lại dẫu có lỗi thời, nhưng cũng hy vọng bạn đọc chắt lọc được trong phong tục xưa chút hương vị ngọt ngào.

Lại chuyện cụ Thượng Niêm với thầy học cũ

Chuyện này do một viên lính lệ (giấu tên) hầu hạ viên Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh kể lại như sau: Cụ Hàn Trần, tức Tống Trần Cơ, người xã Sơn Hào, huyện Hương Sơn, nguyên xưa là thầy đồ dạy học chữ Nho, lại là thầy lang mát tay nổi tiếng một vùng. Nguyễn Khắc Niêm, người cùng xã, là một trong những học trò cũ của cụ Hàn Trần. Tuy làm đến chức Thượng thư trong triều, nhưng mỗi lần về quê, ông không quên đến thăm sức khỏe thầy và gia đình rồi cung kính cho gia nhân đem cáng võng đến rước thầy sang nhà mình chơi.

Một hôm, viên Tri huyện T. cùng sang một chuyến đò ngang với cụ Hàn Trần. Nhân dân phải cúi rạp xuống chào quan huyện, riêng cụ Hàn vẫn nghiễm nhiên ngồi đọc sách, không để ý đến quan huyện.

– Họ, tên gì? – Viên Tri huyện T. quen thói hống hách, tức giận hỏi trống không.
Cụ Hàn Trần cũng trả lời trống không:
– Trần.
– Này thì “Trần”, muốn “trần” cho “trần”! – Hắn ra lệnh cho lính lệ lột trần cụ già và đẩy xuống sông Phố. Đoạn này sông cạn, cụ Hàn chỉ ướt quần áo. Mọi người trên chuyến đò đều bất bình, căm ghét viên Tri huyện và nhảy xuống sông dìu cụ lên bờ.

Mấy hôm sau, câu chuyện diễn ra tại nhà cụ Thượng Niêm nhân dịp cụ Thượng có tiệc mừng. Trong số khách mời đến dự, tất nhiên có viên Tri huyện sở tại nói trên (viên lính lệ – người dẫn chuyện này – cũng theo hầu). Quan bé đến nhà quan lớn, phải khúm núm vái lạy cụ Thượng từ dưới sân, chứ đâu dám hống hách như đến nhà dân thường.

Thật bất ngờ! Mặc cho Tri huyện đứng vái chào ở ngoài, cụ Thượng vẫn chưa thèm nhìn tới. Cụ còn bận tiếp đãi một cụ già với bộ quần áo nâu đang ngồi chễm chệ trên giường cao. Cụ Thượng ngồi thấp hơn một bậc, châm lửa cho cụ già hút điếu thuốc lào.

Cụ già đó là ai? Chính là cụ Hàn Trần bị đẩy xuống sông hôm nọ. Hồi lâu, cụ Thượng mới ngoảnh lại bảo viên Tri huyện:

– Giới thiệu, vị này là thầy học của tôi, anh hãy lạy thầy đi, anh đã quen biết thầy rồi đấy!

Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Mỗi người kể một cách. Có người nói: “Nghe đâu cụ Thượng đã lột phăng áo, mũ của viên Tri huyện rồi tống cổ về”; có người nói: “Cụ Thượng chỉ nói mát một vài câu cũng đã đủ làm cho viên Tri huyện toát mồ hôi, run cầm cập!”. Có người lại kể một thôi một hồi, y như anh ta đã chứng kiến và ghi tốc ký những lời vàng, tiếng ngọc của cụ Thượng dạy viên Tri huyện về đạo làm cha mẹ dân, đạo làm người và, trước hết, là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta…

Tại sao gọi là tóc thề?

Ngày xưa, các đôi trai gái yêu nhau, hoặc có những đôi đã nên vợ nên chồng, đang mặn nồng đằm thắm bỗng vì một lý do nào đó mà tình duyên dang dở, đôi lứa xa nhau. Họ quyết một lòng, dù cho sông cạn đá mòn, năm chờ tháng đợi vẫn một lòng chung thủy. Trước khi lưu luyến chia tay, họ cắt trao cho nhau một mớ tóc để làm tin và luôn giữ trong mình như kỷ vật. Mớ tóc đó gọi là mớ tóc thề.

Chỗ tóc bị cắt đó dần dần mọc lại và dài ra, mái tóc mới mọc đó gọi là mái tóc thề. Trong truyện Kiều có câu:

Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắt son.

Có nghĩa là năm ba năm sau, chỗ tóc bị cắt cụt đã mọc dài chấm ngang vai rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng người yêu. Ngày xưa con trai cũng để tóc dài, cũng búi tóc, và vì vậy cũng có tóc thề.

Màu sắc với truyền thống văn hóa dân tộc

Đối với mỗi dân tộc, việc vận dụng màu sắc có tập quán khác nhau. Ví dụ ở các nước phương Tây, màu đen là màu tang tóc, còn ở Việt Nam và các nước phương Đông, màu tang phổ biến lại là màu trắng.

Màu sắc còn mang đặc trưng sắc thái của các tầng lớp xã hội khác nhau: ví dụ màu vàng là của vua, từ các quan đại thần cho đến thường dân, cấm không ai được mặc quần áo hoặc xây dựng nhà cửa màu vàng. Màu tím là sắc phục của các quan đại thần. Màu điều, màu đỏ dành riêng để tế thần và làm sắc phục cho các cụ thượng thọ.

Màu nâu sòng là của cửa thiền, dành cho những người quy y Phật tổ, cũng như màu đen là sắc phục của linh mục đạo Kytô. Màu xanh là của những người còn theo đòi cửa Khổng sân Trình, của học trò chưa đỗ đạt.

Trong bài thơ của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp gửi Tiến sĩ Nguyễn Khản có câu:

Quân kim bào hốt trung triều sĩ
Cố ngã lâm tuyền khâm thương thanh…

(Có nghĩa là: Nay ngài đã là khanh tướng trong triều mà còn nhớ đến bạn học ngày xưa áo vẫn xanh). “Áo vẫn xanh” tức là chưa hiển đạt, vẫn còn là bộ quần áo của người hàn sĩ.

Màu đào, tức màu hoa đào, là của các nàng ca sĩ, cho nên mới có danh từ “hát ả đào”. Màu đen, màu nâu là trang phục rẻ tiền nhất của quần chúng nông dân.

Ở Việt Nam, từ xưa, màu đỏ, màu vàng, màu hồng, dùng trong trướng đối chỉ dành để chúc tụng, khao lão, mừng rỡ; còn trong lễ tang chỉ có thể dùng màu trắng, màu xanh, màu đen, màu tím…

Không hiểu vì sao, gần đây nhan nhản ở các cửa hàng, trướng điếu (lễ tang) cũng dùng màu đỏ, màu vàng rực rỡ, không dùng màu đen, trắng, xanh, tím như ngày xưa. Vì thế mới xảy ra câu chuyện oái oăm: Có người đi mừng ông bạn 70 tuổi lại mua một bức trướng điếu màu đỏ thêu 4 chữ vàng “Tiên cảnh nhàn du”, có khác gì chúc cho bạn mình mau chết để chóng được lên dạo chơi trên cảnh Bồng Lai!

Nguyên “Tiên cảnh nhàn du” (nghĩa là thanh nhàn dạo chơi trên cảnh tiên) là để an ủi người mới mất từ nay hết nợ trần gian, lên hưởng cảnh tiên.

Vì sao có tục bán mở hàng?

Trong phong tục ngày Tết, đầu năm ai cũng muốn vạn sự hanh thông, làm ăn suôn sẻ, nên làm quan có ngày khai ấn, kẻ sĩ có ngày khai bút, nhà nông có ngày khai canh, làm thợ có ngày khai công, người làm nghề buôn bán có ngày mở hàng. Theo tâm lý chung “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt!”. Nghề buôn bán rất bấp bênh, có ngày mua may bán đắt, có ngày ngồi suốt buổi chẳng ai ngó tới, có tháng lãi nhiều, lợi lộc lớn, có tháng thua lỗ mất cả chì lẫn chài, vì vậy không những chọn ngày mở hàng đầu năm, mà cả đầu tháng, đầu tuần, từng ngày còn phải để ý đến chuyện mở hàng. Vậy, mở hàng vào lúc nào? Bán cho ai “nhẹ vía” để cả ngày bán đắt hàng? Thông thường muốn được đông khách đến mua thì thái độ người bán hàng phải niềm nở, vồn vã, ân cần, bán với giá rẻ hơn bình thường để cầu được đông khách và giữ được chữ tín đứng hàng đầu. Song có người lại tưởng nhầm bán mở hàng phải bán cho đắt, người mua mặc cả chê đắt không mua bỏ đi, rốt cuộc ngồi lì suốt buổi không ai hỏi đến; thậm chí còn cho là tại người mở hàng nặng vía, chửi rủa ngầm và “đốt vía” người mở hàng. Người bán hàng như vậy không biết rằng chính mình là người nặng vía nhất.

Ngày trước người ta muốn đi chợ sớm để được mua mở hàng có giá rẻ hơn một chút, nhưng ngày nay nhiều người ngại mở hàng vì sợ vướng phải hạng người không biết mình bán hàng nặng vía lại đòi “đốt vía” người mua mở hàng.

Đến đây có thể tự trả lời: Bán mở hàng nên bán đắt hơn hay rẻ hơn giá bình thường?

Mở hàng nhẹ vía hay Nợ như Chúa Chổm

“Nợ như Chúa Chổm”. Đó là thành ngữ phổ biến để chỉ người lắm nợ. Nhưng tại sao Chúa Chổm lại lắm nợ như vậy? Truyền thuyết kể rằng: “Chổm” là hạng cùng dân quê ở Thanh Hóa, không có gia tài điền sản hay nghề nghiệp gì, quanh năm chỉ có đánh dậm, mò cua, bắt ốc nuôi thân. “Chổm” tên thật là gì, quê quán ở đâu, bà con họ hàng thân thích có những ai? Chẳng ai để ý đến. Một con người “tứ cố vô thân” như vậy, hỏi rằng ai dám cho vay mà “Nợ như Chúa Chổm” được. Nguyên do là có may lân vào sáng sớm, Chổm vào một quán nhỏ ăn lót dạ, tự nhiên những hôm đó chủ quán bán rất đắt hàng. Vì vậy, một đồn mười, mười đồn trăm, các chủ quán ai gặp Chổm cũng cố nài Chổm vào ăn quà lấy may. Hôm nào ai được Chổm chiếu cố vào ăn thì hôm ấy đều bán đắt hàng. Nhưng Chổm làm gì có nhiều tiền để trả, người ta vui lòng mời Chổm ăn, bao giờ có tiền trả cũng được, mà không có cũng thôi, do đó trong khắp vùng không ai mắc nợ nhiều bằng Chổm.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi của vua Lê Cung Hoàng, dựng nên nhà Mạc. Đến năm 1532, Nguyễn Kim khởi nghĩa phò Lê chống Mạc, đi tìm hậu duệ tôn của vua Lê, tìm được Chổm, có khí tướng đế vương (người ta còn đồn đại rằng Chổm đi đâu cũng có đám mây che trên đầu, trời đang nắng gắt cũng trở nên râm mát…). Chổm được phò lên ngôi vua mở đầu thời Lê Trung Hưng đóng đô ở Thanh Hóa (tức Tây Đô) để chống với nhà Mạc ở Hà Nội (tức Đông Đô).

Sau khi lên làm vua, không có điều kiện gần gũi quân chúng như trước, và cũng không nhớ nợ ai bao nhiêu để trang trải nợ, Chúa Chổm (thực ra là Vua Chổm) đành phải hạ lệnh đúc thật nhiều tiền, đi đến đâu rải tiền ra đến đấy, cho công chúng ai nhanh tay, mạnh bước thì nhặt lấy. Vì thế nên mới có thành ngữ “Nợ như Chúa Chổm”.