Văn Hóa Dòng Họ: Cội Nguồn Đạo Đức và Truyền Thống Dân Tộc

VĂN HOÁ DÒNG HỌ LÀ HẠT NHÂN CỦA
NỀN VĂN HOÁ DÂN TỘC NƯỚC TA

… Con người ngoài nhu cầu bảo đảm đời sống vật chất, còn có nhu cầu không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, đời sống văn hoá về mọi mặt. Đối với dân tộc ta, văn hoá dòng họ là một mặt hết sức quan trọng, là hạt nhân của nền văn hoá dân tộc nói chung. Con cháu thành kính thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ; họ hàng gắn bó tình ruột thịt nội ngoại thân thiết. Kẻ dưới kính trọng bề trên, bề trên chan hoà với kẻ dưới. Chữ Hiếu, chữ Đễ, chữ Kính, chữ Hoà – bốn chữ đó xuyên suốt văn hoá dòng họ và đã trở thành quốc giáo. “Hiếu, đễ, hoà, kính” bao trùm lên mọi cách biệt về chính kiến chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, vượt qua mọi khác biệt về địa vị xã hội, thành phần giai cấp, về lễ nghi phong tục từng miền.

1. ĐIỂM QUA VĂN HOÁ DÒNG HỌ CỦA DÂN TỘC TA
TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

Vì tầm nhìn còn quá hẹp, nên dưới đây tôi chỉ xin nêu một số nét ở quê tôi.
Ở quê tôi, văn hoá dòng họ đã có truyền thống khá sâu đậm. Đầu thế kỷ XX, nhất là trong phong trào Duy Tân (1907–1915) và những năm sau đó, đã có nhiều cải tiến hợp trào lưu lịch sử. Các bậc sĩ phu tiên tiến trong các dòng họ đã hướng dẫn con cháu thực hiện nhiều công trình như: phong trào hợp tự, xây dựng nghĩa trang chung, gây quỹ khuyến học, quỹ tương tế, lập thọ đường, biên dịch gia phả từ chữ Hán ra quốc ngữ, biên soạn tộc ước, v.v…

Hợp tự: là gộp nhiều nhà thờ nhỏ thành nhà thờ lớn của từng tiểu chi hoặc toàn đại tôn, tuỳ theo họ đông hay ít người, địa bàn dân cư tập trung hay phân tán. Làm như vậy sẽ huy động được trí tuệ, công sức, tiền của của nhiều người trong họ, làm cho nhà thờ uy nghi, khang trang hơn, quanh năm hương khói, họ hàng cũng cảm thấy gắn bó thân thiết hơn, lại giảm được diện tích đất vườn dùng làm nhà thờ. (Nhà thờ họ mỗi đời một nhiều thêm mà diện tích đất muôn đời không tăng thêm được một mét vuông nào cả).

Xây dựng nghĩa trang chung: chuyển dời mồ mả tiền nhân trước kia chôn phân tán, quy tụ thành một khối theo thứ tự, theo dòng họ, trên nguyên tắc tự nguyện cũng nhằm mục đích trên. Hơn nữa, để tiện cho con cháu xa gần hàng năm về tảo mộ, thăm viếng, âu cũng là âm dương đồng nhất lý – người nằm dưới mộ đỡ cô đơn lạnh lẽo.

Lập học điền, xây dựng quỹ khuyến học:
Học điền trích từ ruộng công của họ hoặc do các nhà hảo tâm cúng vào để khuyến khích con cháu học hành. Hằng năm, Hội đồng khuyến học của họ thu tô, trích phần thưởng cho con cháu thi đỗ hết cấp (yếu lược, primaire, diplôme, cao nhất là tú tài toàn phần), phần còn lại chia đều theo định suất học sinh đang học. Những họ không có sẵn học điền, một số gia đình hảo tâm cúng tiền xây dựng quỹ khuyến học, họ dùng tiền lãi để thưởng, còn vốn thì lưu giữ lâu dài.

Lập thọ đường: Vị nào thọ trên 70 tuổi, khi sống được mừng thọ bằng trướng, câu đối; khi mất được khắc tên vào bia đặt tại thọ đường. Chủ trương rất hay nhưng thời gian còn ngắn, hầu như các họ chưa thực hiện được việc khắc tên.

Soạn thảo tộc ước: Nước có hiến pháp, làng xã có hương ước, họ cũng phải có tộc ước. Tộc ước là những quy định cụ thể do tộc trưởng, các trưởng chi, các vị thúc phụ, huynh trưởng nhất trí ký vào mà mọi người trong họ phải tuân theo. Có những khoản đã trở thành gia lễ từ xưa, tuy không ghi cụ thể trong văn bản, cũng được coi như tộc ước truyền miệng. Tuy tộc ước được xây dựng trong phong trào Duy Tân, nhưng thời đó các cụ cao tuổi chưa biết chữ quốc ngữ, nên các bản tộc ước ghi bằng chữ Hán, đến nay hầu hết đã thất lạc, rách nát.

Biên dịch gia phả: May mắn, từ phong trào Duy Tân, một số họ đã biên dịch gia phả chữ Hán ra chữ quốc ngữ và tục biên được gia phả, nhờ đó gia phả được phổ biến, lưu truyền cho con cháu, trở thành “gia bảo” ngày nay.

Ngoài ra, một số họ còn lập được quỹ tương cứu tế, kho nghĩa thương giúp bà con nghèo.

2. THỜI KỲ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
ĐẾN KHI KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ 1975

Phải khách quan thừa nhận rằng: Nhiều vùng quê tôi, văn hoá dòng họ đã xuống cấp nghiêm trọng, kéo theo sự suy sụp về kỷ cương đạo đức. Nhiều nhà thờ bị phá huỷ, một phần do chiến tranh phá hoại của địch, một phần do ta tự dỡ bỏ mà không phục chế lại được; phần mộ gia tiên qua nhiều năm sụt lở, không kịp thời tu bổ, lâu ngày mất mộ; giỗ Tết ở các nhà thờ đại tôn, tiểu chi bị xoá dần sau khi các cụ cao tuổi lần lượt về chầu tổ; một số họ mất gia phả, họ hàng ngày càng ly tán. Sự xuống cấp nghiêm trọng đó đã gây nên những tổn thất lớn lao không thể nào bù đắp được.

Nguyên nhân khách quan một phần do nạn đói, nạn rét, do chiến tranh phá hoại của địch. Nhưng nguyên nhân chủ quan lại là nguyên nhân chủ yếu: do bệnh tả khuynh, bệnh ấu trĩ trong buổi đầu cách mạng. Một số nơi còn bị những phần tử quá khích cho rằng: sắc phong, văn bản chữ Hán, chữ Tây, hoành phi câu đối là tàn dư của chế độ thực dân phong kiến, cần phải loại bỏ.

Tiếc thay, văn hoá dòng họ ở quê tôi – Nghệ Tĩnh – xuống cấp nặng nề hơn cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Tôi đã tham quan hai nghĩa trang trải dài hàng cây số (một của Công giáo, một của Phật giáo) ở ven thành phố Quy Nhơn, không có ngăn rào bảo vệ, ban quản lý chỉ vài người, thế nhưng mồ mả hàng trên hàng dưới uy nghi, không có một nét chữ nào vẽ bậy lên mộ, không có một tờ giấy hay một cành lá nào vứt bừa. Tại sao vậy? Tôi cũng tham quan nhiều chùa, đền, miếu, điện ở ngoài Bắc: khách thập phương ra vào thưởng ngoạn tự do nhưng không ai viết vẽ bậy hay vứt rác bừa bãi. Tại sao vậy? Đó chính là biểu hiện của văn hoá cộng đồng.

TỪ 1975 ĐẾN NAY

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, văn hoá dòng họ dần dần được phục hồi. Tuy không có một chỉ thị, nghị quyết nào được ban hành, cũng không có một mô hình cụ thể nào định sẵn, nhưng mấy chục năm qua, ở các vùng quê, phong trào khôi phục việc họ đã được dấy lên.

Phạm vi các họ rộng hẹp khác nhau; hoàn cảnh từng họ lớn, họ nhỏ, có khó khăn, thuận lợi khác nhau; lịch sử, địa lý từng nơi, từng vùng khác nhau. Những công việc cụ thể khôi phục việc họ như: sửa sang từ đường, xây dựng nghĩa trang, biên dịch gia phả, quản lý điều hành việc họ, soạn thảo tộc ước, lập quỹ họ, quản lý thu chi quỹ họ, lễ nghi tế tự hằng năm v.v…, nên bắt đầu từ đâu, việc gì làm trước, việc gì làm sau cũng tùy theo hoàn cảnh, khả năng từng họ.

Dưới đây xin trình bày một vài nét cần lưu ý về nội dung phát triển văn hoá dòng họ trong thời đại mới:

1. Phục hồi việc họ, làm những việc cụ thể nói trên, là để phục hồi văn hoá dòng họ, phục hồi các thuần phong mỹ tục chứ không phục hồi các hủ tục. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự hướng dẫn, giải thích cụ thể: Thế nào là “tôn trọng tự do tín ngưỡng”, thế nào là “bài trừ mê tín, dị đoan”.

2. Văn hoá dòng họ nằm trong nền văn hoá dân tộc, nói chung phải phù hợp với trào lưu xã hội.

  • Ta có quyền tự hào chính đáng là con nòi của giống, tự hào về truyền thống lịch sử tổ tiên ông cha ta, nhưng không được có thái độ khinh thị, tự kiêu, khích bác các họ khác, không được kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết nông thôn.

  • Nghi thức tế tự theo lối cũ: quỳ bái, diễn đọc, áo, mũ, hài, hốt, giống như chủ tế, bồi tế là quan lại triều đình thời xưa; hưng, bái, phủ phục, xướng lễ, hành lễ theo âm Hán – có còn hợp thời nữa không? Nhiều họ đã tiến hành theo nghi thức mới: dâng hương, mặc niệm, ôn lại truyền thống dòng họ, ôn lại công đức tổ tiên v.v…

Theo thiển ý chúng tôi, một số họ còn theo nghi thức cũ cũng có cái hay là ôn lại không khí trang nghiêm “tế như tại” mà ông cha ta đã tiến hành thuở trước. Nhưng lần lượt các cụ cao tuổi qua đời, lớp trẻ không theo hoặc không thể theo nổi, cần phải thay thế, vận dụng nghi thức mới.

3. Thời đại mới, cơ chế mới, nội dung văn hoá dòng họ cũng phải đổi mới. Trước hết, cơ cấu điều hành việc họ phải khác trước, không thể chỉ đơn thuần dựa vào vai trò tộc trưởng. Đất nước ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tình trạng khuyết trưởng ở các họ trở nên phổ biến, tình trạng con cháu các chi đi công tác, di trú phương xa cũng trở nên phổ biến. Số gia đình ở lại chính quê đương nhiên phải chăm lo phần hương khói, chăm lo săn sóc từ đường, phần mộ. Số đó sẽ vơi dần, có họ chỉ còn sót lại một hai gia đình ở quê. Vậy Hội đồng gia tộc phải làm sao huy động được con cháu sống xa quê hướng về đóng góp công sức, duy trì và phát triển truyền thống dòng họ.

4. Trong thời đại mới, con gái cũng như con trai, chàng rể cũng như nàng dâu cần phải được coi trọng, cần được thể hiện trong tộc ước mới, phải gạt bỏ câu “con gái là con người ta”, “dâu con rể khách”. Nhà nước có chủ trương “sinh đẻ có kế hoạch” thì họ hàng phải khéo vận dụng câu phương ngôn “vô nam dụng nữ” để nối dõi tông đường.

5. Những người đứng ra chăm lo việc họ phải hoàn toàn tự nguyện, phải có 4 yếu tố: “Tâm, Trí, Tài, Lực”, phải luôn luôn chú ý chữ “Hiếu” đi đôi với chữ “Đễ”, phải biết kết hợp hài hòa chế độ gia trưởng trong từng gia đình với chế độ tập thể của đông đảo các gia đình trong họ.

Cuối cùng, tác giả bài này xin gửi gắm đôi điều mong được trao đổi tâm tình cùng quý vị đang nhiệt thành tham gia việc họ: Quý vị là những chiến sĩ tiên phong đang xây dựng và phát triển văn hoá dòng họ. Xuất phát từ lòng thành kính tổ tiên và gắn bó tình thân thuộc, các vị tự nguyện tham gia việc họ, không cầu danh, cầu lợi hay đòi hỏi hưởng thụ gì! Tham gia việc họ nếu làm tốt thì không có huân chương, nếu làm sai dễ bị khiển trách. Làm việc họ rất dễ mà cũng rất khó: không có nhiệm kỳ như các đoàn thể, không có quyền lực buộc người dưới quyền phải tuân thủ như cơ quan, đơn vị, cũng không hạ lệnh cho con cháu răm rắp tuân theo như các gia trưởng. Vì “tộc là tình”, chỉ có kính trên hòa dưới, động viên nhau, thể thiếp cho nhau mới làm việc được.