Gìn giữ Gia phả – Gìn giữ Hồn cốt Dòng họ

TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM KHẢO CỨU, DỊCH, TỤC BIÊN, LẬP SƠ ĐỒ GIA PHẢ, BẢO QUẢN VÀ PHỔ BIẾN GIA PHẢ

  1. GIA PHẢ LÀ GIA BẢO

Hoàng đồ củng cố, quốc hữu sử thư; tổ đức lưu huy, gia tồn phả chế
(Kẻ nào biết xem gia phả họ mình, kẻ đó tự nhiên sinh lòng hiếu đễ)
— Tô Tử

Gia phả là gia bảo, có đúng không?

Đúng và rất đúng với những người có ý thức tôn kính tổ tiên và quý trọng tình cảm họ hàng, gia tộc. Gia phả là lịch sử của một dòng họ, một gia đình. Thiết tưởng không cần nói nhiều về ý nghĩa, bởi mỗi cuốn gia phả của từng dòng họ đều đã nêu rõ trong lời tựa.

Đành rằng cái ăn, cái mặc để nuôi sống gia đình và bản thân là việc hàng đầu. Nhưng khi thấy nỗi day dứt của những người có tâm huyết muốn truyền cho con cháu biết đời cha mình do ai sinh ra, từ đâu đến, tổ tiên công đức ra sao mà không thể, vì gia phả đã mất; khi thấy được nỗi niềm của những người trú ngụ phương xa, không được cha ông truyền cho biết gốc gác, họ hàng là ai, thì mới thấy hết ý nghĩa của câu “Gia phả là gia bảo”. Giọt nước rất quý với người sống trên sa mạc, còn với người sống ven sông, dễ gì mỗi lần “uống nước” lại nhớ “nguồn”?

Thời trước, họ nào cũng có gia phả. Có họ từng nhà còn có riêng gia phả. Nếu vì thủy, hỏa, đạo tặc mà mất vàng bạc, của cải thì đành chịu, chứ gia phả thì nhất quyết không để mất. Ngặt nỗi, gia phả ngày xưa thường viết bằng chữ Hán. Hơn nữa, từng chi, từng nhà chỉ nối phần trực hệ của chi mình, nhà mình; thảng hoặc mới có cuốn gia phả ghi đời tiếp nối của chi anh, chi em, đến đời 2, đời 3 là cùng. Do đó, nếu một chi mất gia phả thì chi khác không thể bổ cứu. Hiện nay, do mất gia phả, nhiều họ tuy cùng ở một địa phương nhưng không biết nhau, không nhận được quan hệ họ hàng.

Về mặt ý nghĩa, gia phả được gọi là “gia bảo” vì đó là lịch sử của tổ tiên truyền lại qua nhiều đời, là điều tổ tiên muốn gửi gắm cho hậu thế. Bất cứ họ nào, bất cứ ai trong họ, dù tài năng lỗi lạc đến đâu, cũng không thể tự viết được gia phả nếu không có kế thừa từ đời trước và hướng dẫn cho đời sau. Gia phả các họ còn là nguồn bổ sung tư liệu rất quý cho quốc sử. Nếu các nhà sử học biết khai thác, gia bảo có thể trở thành quốc bảo.

Một gia phả hoàn chỉnh có những mục gì?

Gia phả được coi là hoàn chỉnh trước hết phải là một văn bản được ghi chép rõ ràng, thể chữ chân phương, có ghi rõ tên người sao lục, biên soạn thuộc đời thứ mấy, năm nào, triều vua nào, căn cứ vào bản nào. Tên người tục biên qua các đời cũng có chú thích rõ ràng.

Phần đầu gia phả có lời tựa, ghi nguồn gốc xuất xứ của thủy tổ, kèm theo tư liệu thành văn hoặc truyền ngôn.

Tiếp đến là các đời tổ tiên, nối dòng đến lớp con cháu mới sinh. Các mục cơ bản bao gồm:

  • Tên: Gồm tên húy, tên tự, biệt hiệu, thụy hiệu và tên gọi thông thường theo tập quán địa phương. Thuộc đời thứ mấy?
  • Con của ai?: Con trai thứ mấy của ông bà nào?
  • Ngày tháng năm sinh (có người còn ghi được cả giờ sinh).
  • Ngày tháng năm mất. Thọ bao nhiêu tuổi?
  • Mộ táng: Tại đâu? (Có thể ghi nguyên táng, cải táng, di táng, vào tháng năm nào?).
  • Học hành, thi cử, chức vụ, địa vị lúc sinh thời và truy phong sau khi mất: Thi đậu học vị gì, khoa nào, triều nào? Nhận chức vụ gì, năm nào? Được ban khen và hưởng tước lộc gì? Sau khi mất được truy phong chức gì, tước gì?
    (Đối với những vị hiển đạt, mục này rất dài, ví dụ trong “Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả”, chỉ riêng Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm đã có phần này dài trên mười trang).
  • Vợ: Ghi chánh thất, kế thất, thứ thất…
    Họ tên, là con gái thứ mấy của ông bà nào, quê quán ở đâu? Ngày tháng năm sinh, năm mất, tuổi thọ, mộ phần. Nếu đỗ đạt hoặc được ban thưởng riêng thì cũng ghi rõ.
  • Con cái: Ghi theo thứ tự năm sinh. Nếu nhiều vợ thì ghi rõ con của bà nào.
    Con gái thì chú thích kỹ: Con gái thứ mấy, đã lấy chồng thì ghi rõ tên họ chồng, năm sinh, quê quán, họ tên cha mẹ chồng, học vị, chức tước, sinh mấy con, tên gì.
    (Con gái có chú thích ở mục đời cha; con trai có mục riêng từng người ở đời sau.)
  • Những gương sáng, hành trạng đặc biệt, công đức với làng xã, họ hàng, xóm giềng…

Ngoài các mục trên, nhiều họ còn lưu lại các sự tích đặc biệt của tổ tiên, câu đối, áng văn hay, bài thuốc gia truyền. Đó là những tài sản quý giá mà nếu để thất truyền sẽ rất đáng tiếc.

Các nội dung trên chỉ mang tính gợi ý với các bậc trưởng họ đang chăm lo tục biên và phổ biến gia phả cho con cháu đời sau. Còn gia phả cụ thể ra sao, các cụ để lại cho ta được bao nhiêu, biết bấy nhiêu, ai dám tự sáng tác thêm? Tuy nhiên, nếu tìm được trong quốc sử hoặc trong gia phả, thần phả khác các tư liệu liên quan, thì có thể chú thích thêm, giúp đời sau hiểu rõ hơn.

Tâm trạng của những người đi tìm họ

Hiện nay, nhiều gia đình và chi họ lưu tán, mất gia phả, không tìm được gốc tích, trong khi niềm khát khao chung là tìm lại gia phả gốc, biết được cha ông mình từ đâu đến, đã định cư được mấy đời. Không thể chỉ biết chung chung rằng người cùng họ Lê, họ Trần, họ Nguyễn… rồi vội nhận làm anh em. Các cụ ngày xưa rất kiêng kỵ điều đó, cho rằng:

“Thấy người sang bắt quàng làm họ”,
“Không phải ma nhà mình mà vái lạy là xiểm nịnh”.

Người ta khao khát tìm gia phả là để biết rõ huyết thống, biết công đức và ân trạch tổ tiên, để báo đáp công ơn sinh thành và gắn bó tình ruột thịt.

Trong quá trình tìm họ, tìm tổ, chắp nối gia phả, các chi còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ trình bày tiếp ở phần sau. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh: Gia phả là gốc để nối liền các chi phái.

II. KHẢO CỨU LỜI TỰA CÁC GIA PHẢ

Trong quá trình xâm nhập thực tế, chăm lo việc họ, chúng tôi được xem nhiều gia phả của họ mình và các họ khác. Nói chung, các gia phả hoàn chỉnh đều có lời tựa. Trừ những cuốn đã rách nát phần đầu, hoặc những cuốn do một chi nhỏ trong họ trích ngang phần chi mình, không ghi được lời tựa và tên tuổi người biên tập, sao lục. Muốn khảo cứu gia phả thì lời tựa là phần đáng lưu ý nhất.

Mở đầu lời tựa, đại thể các gia phả đều có những nét giống nhau, nêu lên ý nghĩa của gia phả và sự cần thiết phải có gia phả: Cây có cội, nước có nguồn; con người phải có tổ… Nhà có phả cũng như nước có sử; con người hiếu hạnh phải hiểu được công ơn các đời tiên tổ, phải hiểu được do ai mà có mình. Xem gia phả để biết gốc tích thủy tổ, biết các thế hệ tiên tổ, biết quan hệ trên dưới, thân sơ trong họ, biết năm sinh, năm mất, ngày giỗ và mộ mả tiền nhân v.v… Nói chung, mở đầu lời tựa là phần nói lên ý nghĩa: gia phả là gia bảo.

Tiếp theo là phần trình bày tóm tắt nguồn gốc thủy tổ. Gia phả mỗi họ một khác, chẳng họ nào giống họ nào. Nếu có những nét giống nhau thì có khả năng giữa hai gia phả có chung huyết thống, hoặc do ngọn bút của một người biên soạn.

Nguồn gốc thủy tổ: từ đâu đến đây lập nghiệp? Lập nghiệp từ thời nào? Nguyên do vì sao đến đây định cư? Có thể là một trong các nguyên do sau đây:

  • Làm quan (do được phong ấp, có công trạng lớn đối với đất nước nên được nhà vua ban thưởng cấp đất – từ tước hầu trở lên), hoặc làm quan rồi tạo ruộng, làm nhà, đưa vợ con đến ở, hoặc vợ cả vẫn ở quê chính mà lấy vợ hai ở gần lỵ sở, sau này sinh con đẻ cháu, dần dần thành chi họ tại đây.

  • Làm thầy đồ dạy học, làm thầy lang chữa bệnh, rồi do môn sinh tạo ruộng đất, lập nên cơ nghiệp cho gia đình thầy.

  • Lấy vợ xa quê, rồi lập nghiệp ở quê vợ.

  • Con vợ lẽ các quan, các thầy ở lại quê mẹ, không về quê bố.

  • Làm con nuôi họ khác, được chia gia tài, ở lại quê bố mẹ nuôi, sau này lớn lên cũng không ai truyền cho biết chính quán ở đâu.

  • Đi khai canh (khai khẩn đất hoang), về sau con cháu định cư lâu dài nơi khai canh. Một số dòng gia đình ở Bắc Hà theo Chúa Nguyễn vào Nam, được Chúa Nguyễn giao cho cai quản số đất đai đã thu phục được.

  • Vì lý do chính trị bị lưu đày tại miền biên viễn xa xôi, rồi sinh con đẻ cháu tại nơi lưu trú.

  • Ngoài các lý do nói trên, còn có trường hợp đổi tên họ.

Những trường hợp đổi tên đổi họ:

  • Xưa họ khác, chuyển sang định cư vùng này đổi thành họ khác. Đó là trường hợp trốn loạn hoặc định mưu đồ việc lớn, phải mai danh ẩn tích, giấu họ giấu quê; hoặc bị tội phải trốn quê, đổi họ để họ hàng thân thích khỏi bị liên lụy.

  • Có công trạng đặc biệt được nhà vua ban họ và tên thụy. Thí dụ: Ngô Tuấn đổi thành Lý Thường Kiệt. Từ đó về sau con cháu đều theo dòng họ Lý.

  • Đổng Thúc được Hồ Hán Thương ban họ, cho đổi làm họ Ngụy để ví với ông Ngụy Trung – Gián Nghị Đại Phu triều Đường Thái Tông, có tiếng là người thẳng thắn, dám can gián vua (xem “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, do Ngô Đức Thọ chủ biên, trang 60).

  • Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn đuổi được cá sấu ở sông Lô, được vua coi như Hàn Dũ đời Đường ở Trung Quốc cũng có bài văn tế cá sấu, nên ban họ đổi sang họ Hàn, gọi là Hàn Thuyên (năm Thiệu Bảo thứ 4 – 1282). (Trích “Đại Việt sử ký”, quyển V, tờ 41b, bản dịch trang 45).

  • Ngược lại, cũng có trường hợp phạm tội bị đuổi ra khỏi họ. Thí dụ: Tôn thất nhà Trần. Tháng 5 năm Kỷ Sửu, trị tội những kẻ đã hàng giặc. Trần Kiện – con của Tĩnh Quốc – bị đổi làm họ Mai, người khác cứ theo lệ ấy mà đổi như bọn Mai Lộng. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục của vua, tuy cũng bị trị tội nhưng không nỡ đổi họ, xoá tên, chỉ gọi là “Ả Trần” (có ý: hắn hèn nhát như đàn bà vậy). Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần. (Mai Kiện – trích “Đại Việt sử ký”, quyển V, tờ 57b).

  • Trần Thủ Độ chuyên chính lâu ngày đã giết vua Lý Huệ Tông và tôn thất nhà Lý, còn bắt đổi triều Lý sang triều Trần, để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý (Trích “Đại Việt sử ký”, quyển V, tờ 7b, bản dịch trang 11).

  • Cũng có trường hợp phạm huý (trùng tên với vua hay cha mẹ vua chúa) mà phải đổi họ. Thí dụ: Triều Lê sơ, họ Trần phải đổi thành họ Trình.

  • Cũng có trường hợp vì lý do chính trị đặc biệt mà đổi họ. Thí dụ: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ vốn gốc tích người họ Hồ ở Quỳnh Lưu. Cụ thân sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là Hồ Phi Phúc, người xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau khi đổi họ, vào ngụ cư tại Thái Lão, Hưng Nguyên, đổi thành họ Nguyễn, rồi theo Chúa Nguyễn vào Nam.

Tóm lại, trong xã hội phong kiến còn nhiều lý do phải phiêu cư bạt quán như mất mùa, đói kém, trốn quân dịch, chạy loạn v.v…

Nói chung, các gia phả trong lời tựa chỉ ghi được sự tích thủy tổ, còn từ thân sinh thủy tổ trở lên thì bị thất truyền (do tình trạng di cư, phân tán, lưu lạc mất tích, hoặc do thủy, hoả, đạo tặc nên gia phả, sắc bằng, ấn kiếm, văn từ thất lạc v.v…, chỉ còn lại phần truyền ngôn).

Cuối bài tựa, một gia phả hoàn chỉnh có ghi ngày tháng và tên tuổi, chức vụ người biên soạn. Phần lớn người biên soạn gia phả là người có chức tước, địa vị cao trong họ. Nhưng biên soạn gia phả không bao giờ là công trình của một cá nhân, vì đời đời nối tiếp, đời sau phải có người tục biên.

Sử và sự thực lịch sử còn có một khoảng cách. Mức độ chính xác đến đâu còn lệ thuộc vào quan điểm của người viết sử. Viết gia phả cũng vậy. Mức độ tin cậy đến đâu, con cháu còn phải tìm xem ai là người chấp bút.

Có những người đề tựa cẩn thận hơn, còn ghi rõ tư liệu xuất xứ lấy từ đâu, phần nào là do người biên soạn chú giải thêm. Sau này, biên chép phổ biến gia phả này đến đâu, để con cháu đời sau viết tiếp.

Nếu phát hiện trong gia phả lưu truyền lại có những chỗ sai lệch, bất hợp lý thì thái độ chúng ta nên như thế nào? Quả thực sai mà có cứ liệu xác đáng để chữa, thì nên chữa. Nhưng tôn trọng nguyên bản, chỉ chữa ở phần cước chú cuối trang hay cuối mục. Cũng có những trường hợp sai sót do lịch sử để lại, nếu khuấy động sẽ có hại, tổn thương đến tình cảm họ hàng thì nên để nguyên cho qua.

Năm Quang Thuận thứ 8 (1467), triều vua Lê Thánh Tông, Lễ bộ Thượng thư Phạm Công Nghị tâu rằng:

“Đời xưa khi dựng nước, nhân tên nước mà đặt tên họ (tính), nhân tên đất mà ban tên họ (thị). Như ông Tiết khi được phong ở đất Thương, được ban họ Tử (Tử thị); ông Tắc khi được phong ở đất Thai, được ban họ Cơ (Cơ thị), để lập tông phái. Từ đó về sau các đời đều có họ, như Ngu Thuấn là họ Diêu, Hạ Vũ họ Tự, Chu Văn họ Cơ, mà Cửu Khanh, Tam Công, Ngũ Thần, Thập loạn đều có công lao với nước nhưng chưa từng thấy ai được ban họ nhà vua cả. Đến Hán Cao Tổ cho là Lâu Kinh có công dâng kế sách dựng đô thành, bèn ban cho họ Lưu; Đường Cao Tổ khen Thế Tích có khí tiết bề tôi trong sạch, nên ban cho họ Lý. Đó đều là phương sách chế ngự hào kiệt mà thôi. Nhưng nguồn vừa khơi ra mà dòng thành vẫn đục. Người làm tôi thì cho thế là vinh hạnh, mà không hiểu rằng họ hàng phải có phả hệ, tuyệt đối không thể lẫn lộn được. Cái sai của việc ban tên họ có quan hệ rất lớn. Vì người làm tôi mà cùng họ với vua thì bất kính; người làm con mà quên mất họ gốc thì bất hiếu. Làm sao có kẻ bất kính bất hiếu mà làm nên việc được? Nên sửa bỏ lệ ấy. Tất cả bề tôi đã được ban cho họ nhà vua đều cho đổi lại theo họ cũ của ông cha, để cho tông phái nhà vua được phân minh, cội gốc các họ được rõ ràng.”

Vua Thánh Tông y theo.

Sắc dụ của vua Lê Thánh Tông:

“Xưa Thái Tổ ta dãi gió dầm mưa để bình định thiên hạ, các bề tôi có công ra sức giúp rập, cùng chịu gian lao khổ ải, tình nghĩa đều vẹn toàn. Vì thế đặc ân ban quốc tính để tỏ lòng yêu quý khác thường. Nhưng con cháu các người truyền nối lâu dài, e rằng quên mất họ cũ của tổ tiên, trái với đạo dạy người ta hiếu thảo. Từ nay về sau, công thần được đặc ân ban quốc tính thì chỉ một đời người ấy thôi, còn con cháu đều theo họ cũ.”

(Trích cùng quyển trên, tờ 17a, bản dịch trang 406)

Lời tựa Ngọc Diệp Hoàng Tông của vua Cảnh Hưng
Trích

“Ta nối nghiệp ông cha, nghĩ đến ân nghĩa của các đời trước không ngày nào quên, đã từng biên chép thành sách để thỉnh thoảng xem đọc… Mong sao ơn sâu của tổ tông gắng vun đắp, nghĩa lớn của ông cha truyền nối trước sau càng thêm rõ rệt… Nay sách đã soạn xong, dâng lên ta xem, càng thấy rõ cơ nghiệp lớn lao khó khăn tổ tiên lo lắng giữ gìn, hẳn không phải là điều ngẫu nhiên mà được thế. Ta nghĩ gắng sức theo đòi còn sợ không kịp, đâu dám vui chơi, cố gắng giữ gìn để noi theo đức tốt của tổ tiên. Lễ Ký nói: ‘Vì đức với người’, vì ta quý câu nói ấy nên đặt tên sách là Ngọc Phả và dòm bút giấy viết bài tựa này.”

Lời tựa gia phả họ Nguyễn của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Trích

*“Thành nhân sở dĩ lập ra tông pháp, là khiến người ta biết từ đâu mà có, để cho họ hàng hoà thuận, phong tục đẹp đẽ. Từ lúc tông tử pháp bị bỏ, các nhà thân sĩ Trung Quốc hình như có kẻ không biết rõ bà con. Huống hồ, ngoài Cửu Châu, xa ngũ kinh, kẻ biết đến tiên tổ tuyệt nhiên rất ít. Tuy rằng tông pháp bị bỏ, mà nhà nào có phổ thì tông phái cũng không đến nỗi mất sạch. Sau có kẻ làm, có chỗ khảo, để tỏ lòng thành kính tôn tổ trọng gốc. Còn như những nhà không có phổ tịch, thì lại càng bị tan vỡ…

Phàm kẻ sinh sau ta, xem phổ lục này, muốn biết đến đức sinh thành của cha ông, đến đạo lớn nhỏ của anh em. Cư xử phải hết lòng thành, giao tế phải làm hết đạo. Như thế để buộc lòng người cho khỏi loạn, giữ gia nghiệp đến vô cùng. Người xưa mà gọi là tông pháp, bắt mối ở đó vậy. Không nên để đó ngờ nhau, buông lòng hoang, diệt lòng đức. Tông không thành tông, nhà không nhìn nhà. Chép phổ mục đích là thế.”*

Lời tựa gia phả họ Nguyễn – cành ở Hoan Châu (Nghệ An)
Trích

*“…Dòng chảy xuất tự nhiên, giống cây truyền từ hạt, huống chi tộc họ này cành lá sum suê, cháu con đông đúc, có thể nào không dõi lại gốc gác của mình chăng?

Tổ tiên ta vốn là người Đông Kinh, di ngụ Hoan Châu, lấy từ tâm mở lối, lấy nhân ái khơi dòng. Con cháu kế thừa gia nghiệp cha ông, khiến tộc họ ngày càng thịnh đạt. Rồi cầm vũ khí tham gia Cần Vương, có công với nước. Từ đấy, cửa nhà hiển vinh, con cháu được ưu đãi, miếu đường cứng cáp để phúc đời sau. Đám hậu duệ chúng ta, sở dĩ được vẻ vang như ngày nay, là nhờ tiên tổ giàu lòng đạo đức, tích góp trung nghĩa, đây không phải là kết quả của một ngày.”*

Lời tựa bản gia phả họ Phan – tục biên
Trích

*“Nhà có phả cũng như nước có sử vậy. Gia phả ghi chép lại sự thực, danh tích tông phái, làm cho cháu chắt đời sau không quên nguồn gốc mình phát tích từ đâu. Qua nhiều năm, nhiều đời, nhiều sự việc để lâu không ghi chép lại thì đời sau sẽ mơ hồ, chẳng biết nhà mình ra sao, thời đại trước ra sao, thế thứ ra sao. Đến lúc đó con cháu muốn khảo cứu cũng vô truyền.

Vì thế, bác tôi là ông Phủ Tường đã làm gia phả, viết nên gia phả từ Thuỷ tổ (Quốc sư) trở xuống, ghi rõ tên huý, tên tự, đậu đạt, chức tước, ngày sinh, ngày giỗ, mộ mả từng vị. Gia phả được viết cẩn thận theo cách biên chép sử và được đặt tên là Phan gia phả hậu.

Tôi thiết nghĩ: viết phả cũng như viết sử. Sử phải do các danh nho biên soạn mới truyền được lâu dài về sau. Phả cũng vậy, phải do người thành đạt trong họ biên soạn mới có thể ghi chép được rõ ràng trước sau. Bác tôi – tức ông Phủ Tường – là người thành đạt trong họ, viết nên gia phả, vậy nên cuốn gia phả này chính là sử họ ta vậy.

Lập nên gia phả trong thời phồn thịnh còn tương đối dễ. Tìm được gia phả sau thời gian tản mác thì rất khó. Từ tình trạng tản mác mà tụ hội lại thành, lại là điều khó nhất.

Từ một giòng máu của tổ tiên lâu đời, từ thân đến sơ, từ sơ đến xa, nếu không có gia phả để nối liền mối quan hệ thân thuộc thì làm sao biết được các thế hệ chúng ta ngày nay cùng chung một nguồn mà ra? Vì vậy, ông bác tôi chép lại sự tích mấy chục đời về trước, mấy trăm năm lại nay, ghép nhiều tiểu chi lại thành đại tôn, tụ các giòng riêng lại thành giòng chung, khiến cho người xem gia phả đầm ấm sum vầy, từ sơ hoá thành thân, từ xa hoá thành gần, giúp ích cho con cháu đời sau kế tục, nối nghiệp tổ tiên và tục biên gia phả.

Nay gia phả đã biên soạn xong, tôi xin mạn phép thảo vài dòng đầu sách để ghi lại sự thực.”*

Ngày 9 tháng Giêng năm Canh Dần, năm thứ 31 triều Cảnh Hưng (1770), hậu duệ tôn giả sinh Phan Quý Tổ kính cẩn đề tựa.

Bài tựa Phan Gia Tông Phả Loại Biên của Phó bảng Phan Văn Nhã
Trích

“Tôi thiết nghĩ: nhà thì phải có phả, phả không thể không ghi. Khi son trẻ theo đòi cử nghiệp, tôi chưa thể kể chi tiên nhân soạn thuật. Sau khi thi Hội khoa Kỷ Sửu xong xuôi, mong được ơn trên cho về nhà nghỉ ngơi, suy lại gia phả cũ, cố nhiên có điều dở, điều hay, bèn thu thập những sự tích do các đời cha ông cận đại truyền lại, phụ thêm những kiến giải của mình, chia thành thể diệp trên dưới mà lược thuật lại hành trạng tổ tiên, soạn thành một tập Tông phả loại biên. Tuy không thể tuỳ tiện thêm bớt, nhưng thể thứ tổ tông được ghi lại rõ ràng, nỗi gian nan của ông cha được chép lại như tự mình thấy được, để trăm ngàn vạn đời sau còn ngõ hầu có được dấu vết chứng minh vậy.”

Ngày Rằm tháng Tám năm Kỷ Sửu, triều Minh Mạng năm thứ 10 (1829), cháu chắt chi thứ – Phó bảng khoa Kỷ Sửu – Trang Phong Thận Trai Phan Văn Nhã kính cẩn đề tựa.

III. NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ NỘI DUNG CÁC BẢN GIA PHẢ CÒN LƯU TRUYỀN

  • Gia phả xưa hầu hết ghi theo trực hệ, tức là mỗi nhánh chỉ ghi riêng chi nhánh mình.
    Ví dụ: Đời 3, ông Phạm Công… sinh được 5 người con trai: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu và 3 người con gái: Thị Nhất lấy người họ Trần, Thị Nhị lấy ông Phan Mộ, Thị Tam lấy người tỉnh Y.
    Đời 4, ông tổ chi ta là Phạm Bính lấy bà Trần Thị Từ Tâm, sinh ra ông Phạm A, Phạm B, Phạm C.
    Đời 5, ông tổ chi ta là Phạm B sinh ra ông X, ông Y và bà Z, v.v… Vì vậy, chi nhánh nào mất gia phả, muốn tìm lại sang chi anh, chi em cũng chẳng biết gì hơn về các đời tiếp theo. Do đó, lâu dần hai ba chi ở kề nhau mà tưởng là hai, ba họ khác nhau. Rất hiếm có bản gia phả tổng hợp toàn đại tôn.
  • Gia phả xưa, các cụ chỉ chú trọng tên huý, tên hiệu (tức là tên đặt sau khi mất để ghi vào văn cúng), rồi đến ngày giỗ và phần mộ. Có khi mất cả tên huý, ít có trường hợp ghi được năm sinh, năm mất, trừ các vị tiên tổ nào hiển đạt mới ghi được chi tiết. Thảng hoặc có ghi được năm sinh, năm mất, như sinh Mậu Dần, mất Giáp Tuất nhưng chẳng ghi được triều vua nào thì cũng khó mà xác định, vì lịch can chi cứ 60 năm quay lại một lần.
  • Nhiều cuốn gia phả bỏ trống từ thuỷ tổ đến nhiều đời tiên tổ bậc cao, không có tên huý, năm sinh năm mất mà chỉ có tên hiệu.
    Thí dụ:
    Đời 1: Tiên tổ khảo Phúc Tâm lấy bà Trần Thị Từ Thiện.
    Đời 2: Tiên tổ khảo Phúc Tình lấy bà Nguyễn Thị Từ Linh.
    Đời 3: Tiên tổ khảo Phúc Tính lấy bà Lê Thị Từ Dung.
    Đời 4: Tiên tổ khảo Phúc Tuệ lấy bà Võ Thị Từ Nhan.

Thực chất phần nói trên không phải là gia phả mà chỉ là bản long văn do các cụ nhớ lại khi đọc văn mà chép, vì phần đầu gia phả đã mất. Các vị hiệu chỉ là tên đặt sau khi chết, chứ không phải là tên huý. Không lẽ mẹ chồng và con dâu lại có cùng chung tên lót là “Từ”? Tình trạng này phần lớn các gia phả họ đều vấp phải. Từ đó suy ra, chưa hẳn Phúc Tâm, Phúc Tình, Phúc Tính, Phúc Tuệ đã là 4 đời, có khi chỉ là anh em, vì trong đó có những vị chỉ là tổ bá, tổ thúc, không có con nối dõi. Người đứng cúng chỉ phân biệt được chú bác ngang đời cha ông cố, còn trên nữa đều xưng hô chung là “tiên tổ”. Nhận định này giúp chúng ta phán đoán được sự chênh lệch khi tìm họ, chắp nối gia phả.

  • Có tình trạng con trai thì ghi đầy đủ chi tiết, còn con gái thì ghi rất sơ sài, chỉ ghi tên Thị Tam, Thị Tứ, v.v… Gia phả nào cẩn thận hơn thì có ghi được “Thị X lấy chồng là Y, con ông N ở đâu?” Trừ trường hợp cháu chắt ngoại làm quan to, đậu đạt cao thì người con gái đó được ghi rất tỉ mỉ, có khi đến 4-5 đời sau.
  1. KINH NGHIỆM DỊCH GIA PHẢ
  • Ngoại trừ gia phả các họ thuộc dân tộc miền núi, mà chúng tôi chưa có điều kiện khảo cứu, còn gia phả các họ thuộc dân tộc Kinh thời trước đều viết bằng chữ Hán, nhưng Hán pha Nôm. Sở dĩ pha Nôm vì tên người, tên đất đặt theo âm thuần Việt, lại theo thổ ngữ từng vùng. Vì vậy, dịch gia phả địa phương nào phải am hiểu địa phương đó.
    Thí dụ: Cụ Phan Đình Phùng có bà vợ cùng lên sơn trại Vũ Quang (căn cứ chống Pháp) với cụ, tên là bà “Ngoéc Rừng”, nhưng trong bản dịch lại hóa ra là bà “Nguyệt Lãng”.
    Ở Quỳnh Lưu, gia phả họ Lê có ông lão nông gọi là “Hoe Đẻn” (Hoe là cùng đinh, không có chức tước, địa vị gì), nhưng nếu đọc theo âm Hán lại hóa thành ông “Hoa Điển” – cha mẹ đặt tên xấu cho dễ nuôi, nhưng dịch sang âm Hán lại rất đẹp.
  • Chủ trương dịch gia phả thành Quốc ngữ để phổ biến rộng rãi cho con cháu đời sau là một chủ trương hay, được mọi người hưởng ứng và tuân theo. Tuy nhiên, bản dịch phải bảo đảm tính lịch sử khách quan mới có giá trị. Người dịch không nên tùy tiện thay đổi theo kiến giải của mình. Chỗ nào cần giải thích thêm phải ghi cước chú, đề rõ “Lời người dịch: LND”.
    Thí dụ: Cụ Nguyễn Văn A đậu hiệu sinh, cụ Nguyễn Văn B đậu hương cống, thì người xem biết rõ các cụ ấy sống triều Lê, đậu đạt ở triều Lê chứ không phải là ông Tú, ông Cử của triều Nguyễn.
  • Các chức tước ghi trong gia phả khi dịch chỉ nên phiên âm, chớ nên dịch nghĩa, dễ sai lệch: Tự Khanh, Tự Thiếu Khanh, Hành Khiển, Thượng Thư, Tổng Đốc… Chức tước, phẩm hàm mỗi thời một khác, chớ nên gán ghép khái niệm hiện đại.
    Thí dụ: Thời nay Thiếu úy là sĩ quan cấp thấp, nhưng đầu triều Lê, từ Thượng tướng có công mới được thăng lên Thiếu úy – là tướng lĩnh cấp cao trong triều. Nếu người dịch nắm được Quan chức chí, Khoa mục chí từng thời thì nên giải thích ở phần cước chú.
  • Về mặt dịch thuật, đối với tài liệu nào cũng vậy, phải đảm bảo đúng nội dung và cả ý tứ của nguyên bản, lại phải diễn đạt sao cho dễ hiểu. Điều đó lệ thuộc vào trình độ của người dịch. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác và tiện tra cứu, người dịch nên ghi chú lại trong ngoặc đơn tất cả tên người và tên địa phương. Vì chữ Hán có nhiều từ đồng âm nhưng chữ viết khác nhau, ngược lại có khi một chữ có nhiều âm khác nhau.
    Thí dụ: Chủng hay Chuồng, Khánh hay Khương, Hành – Hàng – Hạnh – Hạng, Tương hay Tướng, Trùng hay Trọng, v.v…
    Lại có những tên riêng đặt theo âm Hán Việt nhưng tra trong từ điển không có chữ, vì các cụ xưa hay đặt tên theo bộ, dùng một chữ có âm hơi giống để đi kèm với bộ. Trường hợp này gây nhiều khó khăn cho người dịch, phải đoán mà dịch hoặc gặp trực tiếp người cao tuổi để hỏi cho rõ.
  • Còn một trường hợp khác: không có chữ trong từ điển mặc dù vẫn là chữ Hán, đó là trường hợp tránh phạm huý của nhà vua, phải đổi dạng hoặc viết chữ thừa hay thiếu nét.
    Thí dụ: Chữ Trần (陳) nhưng trong bia Văn Miếu, tiến sĩ Hoàng giáp Trần Phúc Hữu không dám ghi là 陳 mà ghi khác đi.
    Dưới triều Nguyễn, chữ “Tông” chỉ được đọc là “Tôn”; chữ “Thời” chỉ được đọc là “Thì” và viết khác. Các địa danh có chữ “Hoa” phải đổi là “Ba”, như phủ Hà Hoa đổi là phủ Thạch Hà, tỉnh Thanh Hoa đổi là tỉnh Thanh Hóa, chợ Đông Hoa ở Huế đổi là chợ Đông Ba, v.v…
  • Vì vậy, trong bản dịch có chú thích nguyên bản chữ Hán cũng giúp cho việc khảo cứu thời đại có thêm cứ liệu. Gia phả cũng như nhiều văn bản bằng chữ Hán thời xưa có nhược điểm là không có dấu chấm câu. Nếu ngắt hơi sai chỗ cũng có thể dẫn tới hiểu sai nghĩa. Đó là điều rắc rối, phức tạp nhất đối với người dịch. Có trường hợp chưa hết câu, chưa dứt mạch, tư tưởng chưa diễn đạt hết một ý đã sang dòng khác. Chớ nên hiểu nhầm đó là xuống dòng như văn bản thời nay. Nếu dịch hết dòng trên rồi mới xuống dòng dưới thì lời văn trở nên ngây ngô, câu trở nên vô nghĩa.
  • Đây là trường hợp gặp những chữ phải tôn kính như Linh Thần, Hiền Thánh, Trẫm, Hoàng Đế, v.v… không được để những từ đó dưới các chữ thông thường, e rằng bất kính, nên phải bỏ dở dòng để viết sang đầu dòng sau, “đài” lên một bậc.
  • Gia phả cũ ghi năm sinh, năm mất, năm làm quan hay đậu đạt khoa nào đều theo lịch can chi. Nhưng lịch can chi cứ 60 năm quay lại một lần. Người dịch nếu có thêm trình độ khảo cứu thì nên cố gắng chuyển đổi các năm đó thành năm dương lịch, giúp cho con cháu đời sau dễ hiểu. (Xem bản hướng dẫn chuyển đổi lịch can chi trong gia phả thành dương lịch ở phần phụ lục).

V. KINH NGHIỆM TỤC BIÊN GIA PHẢ

Gia phả của các cụ thời xưa còn lưu lại cho chúng ta được đến đâu quý đến đó. Tất nhiên, chúng ta phải tiếp thu nguyên dạng, không làm méo mó, để con cháu đời sau khỏi lẫn lộn, không rõ phần nào của thời xưa, phần nào là kiến giải của lớp chúng ta. Nhưng nếu cứ để y nguyên thì càng lâu đời, con cháu càng khó hiểu. Thái độ tốt nhất khi biên tập và dịch nên có phần chú giải ở dưới, ghi rõ nội dung cần chú giải, nên ghi cả tên và số đời của người biên tập chú giải phần trước và người tục biên từ đời nào về sau.

  • Gia phả một dòng họ, qua một hai đời phải có người tục biên. Tất nhiên, người tục biên cũng phải là người tương đối có uy vọng trong họ, thông thạo lời nói, chữ viết mới được con cháu tôn trọng. Những cuốn gia phả nghiêm chỉnh có giá trị cao, thì cả người tục biên cũng có lời đề tựa, được ghi rõ tên tuổi, chức tước, học hàm, học vị và thế thứ trong họ.

  • Thời xưa thì vậy, nhưng thời nay chớ nên đòi hỏi danh vị cao sang. Ai có nhiệt tình làm cho họ, ta đều hoan nghênh. Nếu có vị nào có nhiệt tình, có đầy đủ uy tín trong họ đứng ra cáng đáng công việc thì càng hay. Nhưng công trình tục biên gia phả của cả một họ lớn phải là công trình của tập thể, vì thời nay con cháu nhiều gia đình lưu trú ở phương xa, họ nào cũng vậy, không cá nhân nào nắm được toàn bộ tình hình trong họ.

  • Khi tục biên gia phả của cả họ, cố gắng phát huy được tinh hoa của từng chi và hạn chế những nhược điểm của các gia phả như đã nêu trên. Không nhất thiết sửa đổi được toàn bộ nhưng hạn chế được mức nào hay mức đó. Thí dụ: chức tước, địa vị, học hàm của những người thuộc thời đại mới, đang sống hay đã khuất, ghi vào gia phả đến mức nào thì vừa để khỏi biến gia phả thành tập sơ yếu lý lịch của hàng trăm, hàng ngàn thành viên trong họ. Đối với con gái, con rể, cháu ngoại, gia phả thời xưa có chỗ thiên lệch, vì vậy thời nay ghi đến mức độ nào là vừa. Gia phả là lịch sử mà lịch sử một con người đến khi “lấp ván thiên, vùi ván địa” mới khẳng định được cuộc đời. Các cụ ngày xưa có câu: “Cái quan định luận” (nghĩa là: đậy nắp áo quan mới định luận người đó hay – dở, tốt – xấu ra sao). Vậy thì ghi những người đã mất có thể ghi tóm tắt thời gian hoạt động, chức vụ cao nhất, học hàm, học vị, huân chương gì (bác sĩ, kỹ sư, tướng, tá, thương binh, anh hùng, liệt sĩ…). Nhưng những người còn sống thì sao? Kể cả về hưu rồi cũng chưa hẳn đã khẳng định được cuộc đời. Còn một điều nữa cũng khiến nhiều người phải băn khoăn: Tướng thì ghi nhưng tù có ghi không? Hoạt động cách mạng thì ghi thành tích, chức vụ, vậy ở trong vùng địch làm tướng tá ngụy có ghi không?

Gia phả là cuốn sử của một dòng họ. Đã gọi là sử thì điều quan trọng nhất là phải bảo đảm tính chân thực. Nhưng giữa sự thực lịch sử và sử liệu lưu truyền đến nay ta được xem vẫn còn một khoảng cách nhất định, điều đó lệ thuộc vào quan điểm của người viết sử. Viết gia phả cũng vậy, đòi hỏi trách nhiệm của người viết rất lớn. Nếu bỏ sót, viết sai, quá cường điệu hay thiên vị, cũng dễ gây nên nhiều thắc mắc trong họ và để lại ấn tượng không tốt cho con cháu về sau.

Theo thiển ý chúng tôi, người biên tập gia phả cũng như người chụp ảnh: không thể lấy một cung đình lộng lẫy mà ghi dưới ảnh là ảnh nhà mình. Nhưng cũng không phải chụp cho hết mọi góc xó, mọi đống rác trong nhà mới gọi là phản ánh đúng sự thực nhà mình. Người chụp ảnh phải tìm được những nét hài hòa tiêu biểu phản ánh “nhà này đúng là nhà mình”, không thể lẫn với nhà người khác. Tổ tiên là tấm gương sáng cho đời đời con cháu noi theo, nhưng không phải tất cả tổ tiên suốt cuộc đời đều tuyệt đối sáng cả. Chúng tôi đọc nhiều gia phả các họ, biết nhiều tấm gương ghi cụ thể trong gia phả, những người đó không chỉ là các vị có chức tước cao sang, mà còn có những ông đồ nho dạy học, những ông thầy lang chữa bệnh làm phúc, những bà mẹ dạy con hiếu hạnh, dạy con gái biết cách làm dâu, biết đối xử tử tế với đầy tớ, biết thương người như thể thương thân khi ăn mày, ăn xin đến nhà v.v… Gia phả cốt nêu được gương sáng của tổ tiên cho con cháu noi theo, chứ trong xã hội cũ đầy rẫy những thói hư tật xấu, ta chỉ nêu lên những trường hợp cần răn dạy đời sau mà thôi.

Một đặc điểm cũ cũng cần lưu ý khi tục biên gia phả: Nhiều vùng nông thôn có phong tục dùng tên con trưởng để gọi cha mẹ, dùng tên cháu đích tôn để gọi ông bà, còn tên huý bản thân đặt khi vào sổ họ và gọi khi còn nhỏ chưa thành gia thất lại biến mất, lâu ngày không ai nhắc đến nên bỏ quên mất. Điều đó cũng gây không ít khó khăn cho người tục biên gia phả. Thí dụ: cố chắt Tâm đẻ ra ông cháu Tâm, ông cháu Tâm đẻ ra anh xã Tim, anh xã Tim đẻ ra thằng cu Tim v.v… nên không rõ cố chắt Tâm và ông cháu Tâm tên huý là gì.

  1. BẢO QUẢN VÀ PHỔ BIẾN GIA PHẢ
    Gia phả là gia bảo, nhưng nó chỉ thực sự trở thành gia bảo khi đông đảo con cháu trong họ biết tôn quý.
    Gia phả ngày xưa viết bằng chữ Hán. Trong cả họ phải chọn được người văn hay chữ tốt để viết gia phả, có họ phải mời người ngoài đến viết giùm. Chữ viết gia phả phải là chữ thể chân phương, viết trên loại giấy đặc biệt. Gia phả họ nhà vua gọi là Ngọc phả hay Ngọc diệp. Gần đây người ta đã tìm được những di sản quý được gọi là gia phả hay thần phả khắc trên những lá đồng dát mỏng.
    Gia phả là gia bảo, nên mỗi lần có con cháu ở xa về hoặc những khách quý ở ngoài họ muốn xem gia phả, thì tộc trưởng hoặc các bậc thúc phụ trong họ phải thắp hương khấn nguyện tiên tổ rồi mới được cung kính đem xuống để ở nơi trang trọng cho xem. Xem xong bao gói lại cẩn thận, bỏ vào hòm khóa lại. Gia phả rất quý, nhưng vì con cháu lớp trẻ chẳng hay biết gì, nên đã có một thời cách đây không lâu, người ta phá hủy mất, thật đáng tiếc vì không được phổ biến. Vì vậy, ngày nay họ nào còn may mắn giữ được gia phả đều chủ trương dịch ra quốc ngữ, in thành nhiều bản để phổ biến cho đông đảo con cháu, mọi người đều biết.
    Vì sao gia phả ngày xưa phải bảo quản thận trọng, giữ kín như vậy? Có mấy lẽ sau đây:
  • Số người biết chữ Hán không nhiều, người không biết chữ nhìn vào cũng chẳng khác gì nhìn vào vách.
  • Phương tiện ấn loát khó khăn, cả họ hoặc một chi họ mới có một cuốn gia phả, người có học phải mất công cả tháng mới sao chép được một cuốn gia phả, thường thì con cháu chi nào trích phần chi đó.
  • Một số gia phả có những điều bí mật riêng của dòng họ không muốn cho người họ khác biết. Thí dụ: lai lịch ông thủy tổ đó phải trốn tránh, đổi họ đổi tên, đến lập nghiệp ở vùng này; hoặc đời trước giữa chi này chi nọ có mối bất hòa; hoặc trong gia phả có những di cảo chỉ truyền cho một số người, có những bài thuốc gia truyền để dành cho con cháu làm ăn, không phổ biến; hoặc có những bí mật về mộ mả, đề phòng bị đào trộm.
  • Giữ kín tên húy của cha ông, tổ tiên, để người ngoài không ai xúc phạm đến tên húy tiền nhân.

VII. MỘT VÀI KINH NGHIỆM TRAO ĐỔI THÊM QUA QUÁ TRÌNH KHẢO CỨU GIA PHẢ CÁC HỌ

  1. Chắp nối gia phả để tìm họ
    Khảo cứu gia phả các họ là để tìm tổ tích, tìm những cứ liệu lịch sử hợp lý chắp nối các gia phả, chắp nối các dòng họ. Nhiều chi họ ở cách xa, theo truyền ngôn của cha ông mách bảo muốn tìm về cội nguồn. Đó là nguyện vọng thiêng liêng chính đáng được nhiều người đồng tình hưởng ứng, cộng tác.
    Chúng tôi hân hạnh được tham gia một số đoàn đi tìm họ như vậy. Mặc dù mới lạ, chưa hề quen biết nhau, nhưng chúng tôi đến đâu cũng được đón tiếp niềm nở, thân tình. Có những chỗ lưu lại nhiều kỷ niệm, tưởng như anh em ruột thịt lâu năm xa cách nay gặp lại nhau. Đó là tình cảm tự nhiên vì cùng chung mục đích chăm lo việc họ, cùng một lòng thành kính tổ tiên. Tuy một vài lần chưa đạt yêu cầu, lần sau trở lại cũng chẳng ngại phiền hà gì, có khi chưa tìm được họ nhưng tìm được người tri kỷ. Đó là cuộc hội ngộ giữa những người chăm lo việc họ trong thời đại mới.
    Nếu hai bên đều có gia phả chắp nối, tìm được nhiều điểm tương đồng, thì đó là thuận lợi nhất, nhân ngày lễ giỗ chạp đã có thể tiến hành Lễ hành hương nhận họ.
    Khó khăn ở chỗ một bên không có gia phả mà chỉ có truyền ngôn: “Nghe các cụ ngày xưa dặn lại như thế… như thế…”, “khẩu thuyết vô bằng” thì tính sao đây?
    Trong trường hợp này, chúng ta phải chịu khó đi sâu tìm thêm nhiều cứ liệu khác: văn bia, thần phả địa phương, gia phả các họ khác có quan hệ nội ngoại thông gia, từ đường, phần mộ, câu đối, sắc phong… Nếu họ nào có các vị thần tổ hiển đạt thì tìm thêm trong quốc sử…
    Nếu chắp nối hai gia phả mọi thứ đều ăn khớp cả rồi, duy còn thắc mắc tại sao số đời truyền nối giữa hai nơi lại quá chênh lệch thì nên phân tích thêm vì sao có sự chênh lệch đó? Phải chăng có sự nhầm lẫn giữa gia phả và long văn? (Long văn là vị hiệu các tiên tổ được liệt thờ tại nhà thờ tổ. Một số họ mất gia phả, các cụ chỉ còn nhớ bản long văn, coi như số đời liệt thờ đó là tổ của họ nối đời nhau. Khi đọc văn chỉ liên tiếp đọc: Hiển tiên tổ khảo, Hiển tiên tổ tỷ…, có thể 4 vị chỉ là một đời: ông anh, ông em, làm cho con cháu lâu đời tưởng nhầm là cụ đời 6, cụ đời 7, rồi đến đời 8, đời 9…)
  2. Tại sao họ chúng tôi bị thất lạc ngôi mộ thủy tổ?
    Có bạn tìm đến chúng tôi hỏi:
  • Họ chúng tôi theo gia phả truyền đến nay đã trên mười đời, húy, hiệu, kỵ, mộ các đời tiên tổ đều có ghi rõ ràng. Mộ tiên tổ đời 2 Nguyễn Văn Bính, đời 3 Nguyễn Văn Đinh, đã xây khang trang, có mộ chí rõ ràng. Nhưng trong gia phả, thủy tổ là Nguyễn Văn Giáp không biết mộ ở đâu? Chỉ thấy ghi thủy tổ nguyên quán tại xứ Càn Khôn đến khai sáng cơ nghiệp tại đây. Con cháu muốn tìm mộ thủy tổ mà mấy đời không tìm thấy.
    Sau khi trả lời, có nhiều bạn gật gù tán đồng, vậy xin trình bày câu trả lời như sau, ngõ hầu gỡ mối băn khoăn cho bà con nhiều họ khác:
  • Xin thưa: Vấn đề bao hàm nhiều mặt, ở đây chỉ phân tích về lễ nghi phong tục. Cụ Nguyễn Văn Giáp đúng là thủy tổ của họ Nguyễn ta tại đất này nhưng không sinh sống tại đất này, cũng không chết tại đất này. Muốn tìm mộ thủy tổ, phải tìm về nguyên quán (xứ Càn Khôn). Vì lẽ cụ Nguyễn Văn Bính đời 2 mới là đời cao nhất đến định cư tại đây. Cụ Bính ở xa chính quán, đến ngày giỗ Tết không về lễ giỗ cha mẹ được, đặt bàn thờ để thờ cha mẹ, trên linh vị đề là “Hiển khảo, Hiển tỷ”. Khi ông Bính mất, con là Nguyễn Văn Đinh cúng cha là Bính tức Hiển khảo, ông nội là Giáp lên hàng tổ khảo. Đến lượt ông Đinh mất, con trưởng ông Đinh tiếp tục tế tự, trên linh vị người đứng đầu được tôn xưng là:
    “Hiển tằng tổ khảo Nguyễn quý công húy Giáp,
    Hiển tổ khảo Nguyễn quý công húy Bính,
    Hiển khảo Nguyễn quý công húy Đinh…”
    … cứ thế tiếp diễn qua nhiều đời, linh vị đổi thành:
    “Hiển thủy tổ khảo Nguyễn quý công húy Giáp,
    Đệ nhị thế tiên tổ Nguyễn quý công húy Bính,
    Đệ tam thế tiên tổ Nguyễn quý công húy Đinh…”
    Như vậy, trong thực tế không phải ông Giáp khai sáng mà con ông là Bính mới là người khai sáng. Trường hợp ông Bính là con trưởng hay cháu đích tôn thừa trọng thì còn tăng thêm mấy đời X, Y, Z rồi mới đến lượt ông Giáp.
  1. Bà con cùng họ lấy nhau được không?
    Theo thuyết di truyền học, kể cả người và súc vật nếu có chung huyết thống mà giao hợp với nhau thì qua nhiều đời dòng giống bị thoái hóa, có trường hợp bị quái thai, vì vậy anh em họ kể cả họ nội hay họ ngoại lấy nhau đều không có lợi.
    Theo luật pháp, cùng chung huyết thống ba đời, kể cả bên bố hay bên mẹ đều không được lấy nhau.
    Còn theo phong tục thì tùy từng thời, từng dân tộc, từng địa phương, từng họ có khác nhau.
    Ở các nước Âu, Mỹ, anh chị em con chú bác một vẫn có quyền lấy nhau. Qua tác phẩm Eugénie Grandet ta thấy mối tình giữa hai anh em con chú bác ruột Charles Grandet và Eugénie Grandet sở dĩ trắc trở là do thói keo kiệt bủn xỉn của lão già Grandet, chứ tác giả không hề đả động gì đến vấn đề chung huyết thống.
    Trung Quốc là một nước chịu ảnh hưởng của văn hóa phong kiến sâu nặng hơn ta nhiều, nhưng anh chị em con cô cậu ruột, con dì ruột vẫn được lấy nhau. Bảo Thoa, Bảo Ngọc… trong Hồng Lâu Mộng yêu nhau, lấy nhau là chuyện bình thường.
    Ở nước ta, dưới triều Trần, con cháu nhà vua chỉ được lấy người trong hoàng tộc (lấy sang họ khác sợ bị nạn ngoại thích cướp ngôi). Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy Thiên Thành công chúa tức là cô ruột của mình. Vua Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm Hoàng hậu tức là chị con bác ruột. Vua Trần Minh Tông lấy Lệ Thánh Hoàng hậu tức em con chú ruột, đều là cháu nội vua Trần Nhân Tông (xem sơ đồ gia phả họ Trần ở phần phụ lục).
    Còn trong dân gian từ triều Lê trở về sau, nếu trong họ nội thân đều cùng ở quê mà lấy nhau bị gọi là hỗn thú, họ hàng không chấp nhận. Nếu cùng họ nhưng đã xa đời, thuộc 2 chi khác nhau, hoặc đã xa quê (gọi là biệt tổ ly tông), thì vẫn lấy nhau được. Thời xưa do trọng nam khinh nữ hoặc thiếu hiểu biết về gene di truyền nên anh chị em con cô cậu ruột coi như khác họ vẫn có quyền làm thông gia với nhau. Ca dao tục ngữ trong dân gian còn ca ngợi trường hợp “cháu cậu mà lấy cháu cô”, coi như “thóc lúa trong bồ: giống má nhà ta”.

TINH THẦN TỔ TIÊN SỐNG MÃI TRONG CON CHÁU

Ước vọng của cha ông ta là bồi đắp cho tương lai, mong cho con cháu mở mang, phát triển, hưởng cuộc sống tươi vui, rạng rỡ như cảnh sắc mùa xuân. Theo quy luật tự nhiên “vạn vật hữu tình tất hữu hoại”, nhưng lớp này mất đi, lớp khác tiếp theo; nếu trên thuận dưới hòa thì tinh thần tổ tiên vẫn sống mãi trong con cháu.

Việc thờ cúng tổ tiên là truyền thống lễ nghi phong tục của dân tộc ta. Cả nước có giỗ tổ Hùng Vương, từng họ có giỗ tổ họ, từng gia đình chưa ai bỏ giỗ ông bà cha mẹ. Hình hài mất đi, linh hồn còn tồn tại hay không? Các vị gia tiên có nghe lời khấn vái của con cháu mà về hưởng lễ hay không? Các cụ ngày xưa cũng chỉ giải thích: “Sắc sắc, không không”, “Âm dương đồng nhất lý”, “Tế thần như thần tại”. Tự do tín ngưỡng theo quan niệm từng người, nhưng ai ai cũng nhất trí rằng: “Cây có gốc mới thắm cành xanh lá, nước có nguồn mới biển cả sông sâu”.

Xã hội có tính kế thừa, sinh vật có tính di truyền, con người có cội nguồn, luôn hướng tới tương lai. Gia đình là tế bào của xã hội, gia tộc là khái niệm mở rộng của gia đình. Đạo hiếu là nền tảng của mọi đức tính khác; tình ruột thịt là tình cảm thiêng liêng, tình cảm tự nhiên của con người ở bất cứ chế độ xã hội nào. Nếu kết hợp hài hòa tình gia đình, gia tộc với tình cảm giai cấp, dân tộc thì càng có lợi cho cách mạng. Con người ta ai cũng có chức năng đối với xã hội, chức năng đối với gia đình. Những người hoàn thành tốt chức năng đối với xã hội trước hết phải là những người con hiếu thảo, những người cha, người mẹ trung hậu hiền từ. Làm cha làm mẹ ai cũng muốn con cháu mình sống tiếp đời mình cho xứng đáng: “Con hơn cha là nhà có phúc”.

Tổ tiên đã khuất từ lâu. Nhớ đến công ơn từ đâu mà có mình, nhờ ai mình được như ngày nay, chúng ta thành kính dâng nén hương thơm, tưởng tượng bóng dáng người xưa trong cõi xa xăm, nhưng tinh thần sống mãi trong sự nghiệp chúng ta, hòa quyện vào máu thịt ta, thôi thúc ta phải sống làm sao cho xứng đáng: “tiếng con nhà…”

“Đã mang dòng máu thơm thiên cổ
Phải trả ta cho mạch giống nòi.”
(Tố Hữu)