Xây Dựng Cơ Cấu Quản Lý Họ Tộc Hiện Đại: Cách Tổ Chức Và Điều Hành Mọi Công Việc

TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM ĐIỀU HÀNH VIỆC HỌ TRONG THỜI ĐẠI MỚI

  1. TỘC TRƯỞNG, TRƯỞNG CHI VÀ BAN ĐIỀU HÀNH VIỆC HỌ

Dưới đây là nội dung cuộc tọa đàm giữa những người chăm lo việc họ.

Mở đầu có ý kiến nêu lên: Việc họ đã có tộc trưởng, tự ngàn xưa đã vậy, lớp ông cha ta cũng vậy, ta cứ thế noi theo, việc gì mà phải bàn ngược bàn xuôi?

Thế là nổi lên một cuộc bàn cãi sôi nổi giữa những người chăm lo việc họ, xoay quanh vấn đề: Nên có một cơ cấu điều hành việc họ như thế nào cho phù hợp với cơ chế mới, hay cứ để một mình tộc trưởng lo liệu?

Tộc trưởng ngày xưa đã có ruộng hương hỏa. Họ lớn có ruộng hương hỏa của họ lớn, họ bé có ruộng hương hỏa của họ bé. Ngay từng gia đình giàu hay nghèo cũng vậy, người con trưởng đã có phần hương hỏa ghi trong chúc thư. Trưởng khuyết (không có con trai nối dòng, hoặc phiêu bạt xa quê) thì người thứ lên thay, hàng năm lấy tiền thóc tô mà biện lễ giỗ lễ tết, vì vậy hương khói không bao giờ dứt. Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ. Ruộng đất ngày nay thuộc sở hữu toàn dân, các họ không còn ruộng hương hỏa hay tự điền gì khác nữa, thiết tưởng ngày nay không thể cột trách nhiệm cho tộc trưởng như thời xưa. Vả lại, gia đình tộc trưởng cũng phải lo sinh kế làm ăn hoặc có người tham gia công tác xã hội ở phương xa.

Thời trước, với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp, nhân dân nước ta — tuyệt đại bộ phận là nông dân — suốt đời không rời khỏi xóm làng. Cư trú sang làng bên cạnh cũng gọi là “biệt tổ ly tông”. Thời nay đất nước ngày càng công nghiệp hóa, nông thôn trên đà chuyển hóa, họ hàng ngày càng có nhiều người ly tán xa quê, tình trạng khuyết trưởng ngày càng phổ biến trong phần lớn các họ và chi họ. Đó là hợp quy luật phát triển.

– Theo phong tục, anh con trai trưởng mất thì cháu đích tôn lên thay, các chú vẫn đứng hàng thứ, hàng phụ. Suy rộng ra cả họ, có tộc trưởng đang nằm trong nôi, trong khi các chi thứ đã có các vị cao tuổi lên hàng cụ kỵ. Trong trường hợp đó, các bậc thúc phụ phải tạm thời phò tá cho đến năm cháu tộc trưởng đến tuổi trưởng thành. Cũng như công việc triều đình: nếu vua còn trẻ, phải có phụ chính đại thần phò vua theo di chiếu của vua cha để lại.

Vai trò tộc trưởng, trưởng chi và các bậc thúc phụ hết sức quan trọng trong việc phục hồi, phát triển, xây dựng họ, nhất là về mặt lễ nghi, tế tự. Nhưng trong quá trình phục hồi, xây dựng có nhiều việc phải làm: gia phả, từ đường, tế khí, phần mộ, lễ nghi v.v… Cho dù họ có tộc trưởng nhiệt tình, năng lực cũng không thể kham nổi mọi việc, phải có một cơ cấu tổ chức đủ khả năng điều hành công việc. Tổ chức đó được đặt tên là gì? Hội đồng Gia tộc, Hội đồng Tộc biểu, Ban lễ nghi, Ban quản lý, Ban xây dựng v.v…?

Việc đặt tên là hội đồng gì, ban gì không quan trọng, vả lại chưa có quy định thống nhất về tên gọi tổ chức, chức năng, nhiệm kỳ, cơ cấu, thành phần v.v… nhưng tổ chức đó phải gồm những thành viên nhiệt tình, tương đối có ảnh hưởng, uy tín đối với con cháu trong họ, có đủ khả năng, trình độ điều hành quản lý các việc đối nội, đối ngoại của họ. Không nên mọi việc đều dồn trách nhiệm cho tộc trưởng.

Cơ cấu điều hành việc họ của họ Hồ Quỳnh Í.Ô

Việc điều hành họ có Hội đồng Tộc biểu (ngày nay là Ban Cán sự) gồm các bậc thế thứ cao, có danh vị, được tín nhiệm và là đại diện của các trung chi. Đứng đầu Hội đồng là Tộc trưởng, phải là người có thế thứ cao nhất, có khoa danh, có uy tín.

Hội đồng Tộc biểu chăm lo việc họ:

  • Tổ chức lễ tế hàng năm.
  • Thanh quyết toán thu chi.
  • Sửa sang từ đường, phần mộ.
  • Lập nhân danh bạ, nhận người mới vào họ.
  • Quan hệ với các chi phái các nơi.
  • Giải quyết các xích mích trong họ.

Thường ở những thời kỳ mà Hội đồng Tộc biểu có uy tín, có năng lực, các Tộc trưởng tiêu biểu cho trí tuệ, truyền thống đoàn kết thì việc họ “trong ấm ngoài êm”, làm được nhiều việc.

1. VẤN ĐỀ SOẠN THẢO TỘC ƯỚC

Nhà nước có Hiến pháp, có luật và những văn bản dưới luật.
Đoàn thể xã hội có điều lệ, nội quy. Làng xã có hương ước. Họ hàng tuân theo gia lễ, luật tục. Một số họ thời xưa cũng đã có tộc ước.

Hương ước, nói nôm na là “lệ làng”. Lệ làng nhiều nơi có hiệu lực hơn cả “phép vua”. Còn tộc ước tức là “lệ họ”. Lệ họ quy định những việc gì? Có những quy định thành văn, nhưng cũng có những quy định chỉ truyền miệng.

Thí dụ:

  • Tộc trưởng phải làm những gì? Hưởng quyền lợi gì?
  • Mỗi năm có bao nhiêu lễ giỗ, lễ Tết? Mỗi lễ có bao nhiêu mâm bàn?
  • Những người có tuổi tác, có chức sắc trong họ thì phần thủ, phần biếu ra sao?
  • Bao nhiêu tuổi được mừng thọ? Mỗi lễ mừng thọ được bao nhiêu quan tiền?
  • Học điền, binh điền phân phối cho con cháu trong họ bao nhiêu định suất? Mỗi định suất là bao nhiêu cân thóc?
  • Hàng năm đóng góp cho họ mỗi đinh hay mỗi hộ bao nhiêu tiền, bao nhiêu ngày công?
  • Tổ chức tương tế, cứu tế trong họ: Khi lễ cưới, khi lễ tang, khi ốm đau, khi lợp nhà… quy định từng việc thế nào?
  • Họ tương tế, cứu tế, cho vay cứu đói với lãi suất bao nhiêu?

Trên đây là nội dung đại thể của những tộc ước thời xưa.

Thời nay, nội dung tộc ước cần thâu tóm những tinh hoa của tộc ước cũ, đồng thời bao gồm những vấn đề mới do xã hội hiện đại đặt ra. Như:

  1. Chức năng của Tộc trưởng và các Trưởng chi trong cơ chế mới.
  2. Chức năng của Hội đồng Gia tộc (hoặc có các tên gọi khác như: Hội đồng Tộc biểu, Ban Lễ nghi, Ban Quản lý…). Tộc ước cần quy định rõ trách nhiệm, phân công, quyền hạn, thành phần cơ cấu của Hội đồng.
  3. Những công việc định kỳ thường niên của toàn họ và từng tiểu chi.
  4. Việc họ đối với con dâu, con gái:
    Thời xưa, đàn bà con gái chỉ được quyền nấu nướng, soạn mâm cỗ. Còn việc đặt lễ lên bàn thờ, cúng tế phải do đàn ông đảm trách vì cho rằng phụ nữ làm là uế tạp, thiếu thành kính. Làm cỗ thì đàn bà làm, nhưng chia phần thì chỉ con trai mới được hưởng, con gái, con dâu không có phần.

Ngày nay, thực tế đã chứng minh: Nhà nào con cái hòa thuận, học hành chăm chỉ, làm ăn thịnh đạt – chủ yếu nhờ vai trò của người mẹ. Do vậy, nàng dâu đóng vai trò hết sức quan trọng trong phong trào phục hồi việc họ. Trong thời đại nam nữ bình đẳng, đặc biệt trong phong trào kế hoạch hóa gia đình, quan niệm cũ “con gái là con người ta” cần được thay đổi. Thí dụ: việc vào sổ họ đối với con gái, việc nhìn nhận con rể cũng như con dâu. Những điều này cần thể hiện trong tộc ước.

2. TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP VÀ QUẢN LÝ QUỸ CỦA HỌ

  1. Thời xưa, có ruộng hương hỏa giao cho Tộc trưởng lo việc hương khói. Ngoài ra có:
  • Tự điền: ruộng cúng giỗ
  • Hậu điền: ruộng của người không có con trai nối dõi, đóng vào họ để khi mất họ lo ma chay, giỗ kỵ
  • Học điền: chia phần tô cho học sinh trong họ
  • Binh điền: chia phần tô cho người đi lính hoặc làm công ích

Ngày nay, ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân, chế độ thu tô đã bị bãi bỏ từ thời cải cách ruộng đất. Do vậy, chế độ đóng góp chung để lo việc họ và cách quản lý quỹ họ cần được thể hiện trong tộc ước.

  1. Trường hợp vắng Tộc trưởng hoặc các Trưởng chi, ai đứng ra giải quyết việc họ?
    Đất nước ngày càng công nghiệp hóa, nhân khẩu và lao động nông nghiệp ở nông thôn biến động lớn. Tình trạng thiếu Tộc trưởng, Trưởng chi trong các họ sẽ dần phổ biến. Vậy quy định ai sẽ thay Tộc trưởng, Trưởng chi lo việc giỗ chạp, từ đường, mồ mả tiên linh – cũng cần ghi rõ trong tộc ước.
  2. Các lễ thọ, lễ khao vọng, lễ yết cáo Tổ tiên:
    Ngày xưa, trong họ có người hiển đạt, đỗ đại khoa được “vinh quy bái tổ”, Nhà nước có điển lệ ban ra, cả nước phải thi hành. Người đỗ trung khoa như Hương cống, Cử nhân thì họ hàng, làng xã cũng làm lễ khao vọng, bái yết Tổ tiên, Thành hoàng. Các cụ cao niên thượng thọ 70, 80, 90, 100 tuổi được hưởng tước lộc trời ban, gọi là “Thiên tước”, cũng được họ hàng khao vọng.

Thiết tưởng những điều này là thuần phong mỹ tục, nên lưu ý thể hiện trong tộc ước.

III. VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP CHO HỌ VÀ CHI TIÊU QUẢN LÝ QUỸ HỌ

  1. VẤN ĐỀ ĐÓNG GÓP CÔNG SỨC, TIỀN CỦA

Tùy tâm:
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, ngày xưa có ruộng hương hỏa, ruộng giỗ, con cháu được chia nhau hưởng lộc tổ tiên. Ngày nay muốn họ mạnh thì phải đóng góp công sức, tiền của, không thể nói suông. Người có tiền góp tiền, người có công góp công, người có tâm trí thì đem hết tâm trí ra chăm lo việc họ. Nhưng “tộc là tình”, nên phải vận động, khơi dậy nhiệt tình một cách hoàn toàn tự nguyện, chớ nên gò ép hay đặt định suất như kiểu đóng thuế thân cho từng đinh, từng hộ.

Tùy hoàn cảnh:
Đối với người giàu có nhưng keo kiệt, họ cố gắng vận động thuyết phục nhưng không gò ép, vì “Sống thì tiền chảy bạc ròng, chết không mang được một đồng nào đi.” Nhưng đối với người nghèo khó thì: “Trăm lạy tổ tiên, nghìn lạy tổ tiên, trước hết vợ chồng chúng tôi phải lo cái ăn, cái mặc, thuốc men chữa bệnh, giấy bút cho con cháu học hành đã!” – Họ phải thông cảm.

Tùy nhu cầu công trình:
Họ có họ to, họ bé, có họ đại tôn, có họ tiểu chi, có từng cánh nội thân; trong họ cũng có kẻ thân người sơ, có kẻ giàu người nghèo, mức hưởng lộc tổ tiên cũng không quân bình. Có người làm ăn thịnh đạt, có kẻ sống vất vưởng xa quê. Nếu họ lớn, nhiều người đóng góp thì mức đóng góp sẽ thấp; ngược lại, họ ít người mà muốn làm việc lớn thì mức đóng góp phải cao. Việc đóng góp cho họ không ai thẳng thừng từ chối, nhưng có người nhiệt thành hưởng ứng, có kẻ viện lẽ này lẽ nọ để “nước chảy bèo trôi” cho qua chuyện.

Tránh gượng ép:
Với lòng thành kính tổ tiên, mọi thành viên đều có trách nhiệm. Nên vận động bà con làm gương, không nên so bì, cũng không nên ỷ lại. Thờ cúng tổ tiên cốt ở lòng thành kính. Có thì mâm cao cỗ đầy, từ đường tế khí khang trang; không có thì nén nhang, bát nước tinh khiết cũng được. Việc đóng góp công sức, tiền của là trách nhiệm chung, nhưng chớ để anh em bất hòa, vợ con phàn nàn, mất lòng thành kính – thì thà không tế lễ còn hơn.

  1. VẤN ĐỀ GÂY QUỸ HỌ
  • Vài năm trước, họ chúng tôi đã lập được quỹ. Lúc đó, con cháu các gia đình ai cũng hồ hởi hưởng ứng, kể cả một số đông con gái, con rể và cháu ngoại. Một số con cháu ở xa quê cũng tự động tìm đến họ đóng góp phần hương khói thờ cúng tổ tiên. Thời đó, đóng góp được hơn hai chục nghìn đồng đã là một món tiền lớn. Họ bàn bạc gửi quỹ tiết kiệm, hàng năm chỉ trích khoản tiền lãi cũng đủ mua sắm xôi gà, rượu chè, hoa quả, hương nến… Trước là thờ cúng tổ tiên, sau là con cháu chung vui hưởng lộc.
    Những năm đầu đông vui, phấn khởi lắm. Nhưng dần dần đồng tiền mất giá, chỉ vài năm sau tiền lãi không đủ mua hương nến, con cháu thưa dần. Đến nay chỉ còn lại một số cụ già nhớ ngày giỗ tết, lấy nén hương sẵn ở nhà mình tới nhà thờ bùi ngùi khấn vái tổ tiên. Nhìn thấy nhà thờ dột nát mà ứa nước mắt, khóc ngầm.
  • Họ chúng tôi cũng lập quỹ nhưng không gửi tiết kiệm. Chúng tôi quy tiền ra thóc, cho con cháu vay với tỷ lệ lãi thấp: vừa có cỗ bàn hương khói tổ tiên, vừa tương tế tương trợ trong họ. Một hai năm đầu trôi chảy, nhưng đến năm mất mùa đói kém, một số gia đình sa sút không trả được nợ, họ cho miễn. Hậu quả: người nọ nhìn người kia, dần dần họ mất cả vốn lẫn lãi. Nhưng biết tính sao? Vì tình cảm một thịt, không nỡ nặng lời, đành phải cho qua.
  • Dù sao, quỹ họ dùng hai hình thức trên còn có lợi mặt này mặt nọ, chả bù cho họ chúng tôi gửi tiền vào quỹ “Tín dụng” (khoảng năm Canh Ngọ – 1990), rốt cuộc mất cả chì lẫn chài. Không biết chúng vứt chữ “Tín” đi đâu!
  • Họ chúng tôi họp bàn cách sinh lợi, có nhiều ý kiến rôm rả lắm: Có người đề xuất nên mua máy bơm nước, máy xay xát, vài chiếc máy khâu… rồi cho con cháu trong họ đi học nghề, giao máy cho làm ăn kiếm sống, Ban quản lý trích quỹ khấu hao, trích một tỷ lệ lãi thích đáng để đóng góp cho quỹ họ.
    Có người đề nghị mua bát đĩa, phông màn cho thuê dịch vụ việc hiếu hỷ ở địa phương, có ưu tiên giảm giá cho bà con trong họ. Có người lại đề nghị họ đứng thầu một công trình của địa phương như vườn cây, ao cá, sân chơi, v.v…
    Nói chung, ý kiến nào cũng hay cả, nhưng tìm mãi không ai đứng ra đảm nhận việc tổ chức điều hành.
  • Họ chúng tôi chẳng lập quỹ. Khi cần sửa sang, xây dựng nhà thờ hay mộ Tổ, hoặc tiến hành một công trình chung cho cả họ, thì họ cử ban kiến thiết lập dự trù kinh phí, rồi cứ theo số đinh trong họ mà phân bổ. Làm xong thì báo cáo tài chính công khai, dứt điểm từng việc. Làm xong công trình thì ban kiến thiết cũng tự giải thể.
    Việc tế tự hàng năm thì tùy theo khả năng, hoàn cảnh từng gia đình đem lễ vật đến lễ, ai có gì cúng nấy. Cúng xong, lễ vật nhà nào nhà ấy thu về. Nhà nào có thịnh tình thì cơi trầu, chai rượu, chút ít thức ăn mời các cụ già và gia đình tộc trưởng, thủ từ nhấm nháp chốc lát. Họ cũng hoan nghênh, không có cũng chẳng ai trách móc.
  • Họ chúng tôi cũng làm như quý họ, nhưng dẫu sao Ban lễ nghi của họ cần có một món tiền quỹ tối thiểu để lo việc chung.
  • Trong việc xây dựng các công trình chung của họ, chúng tôi cũng làm như quý họ, nhưng chúng tôi không phân bổ đóng đều theo số quy định. Vì tình trạng chung: nhà nào càng đông nhân khẩu, đời sống càng khó khăn, càng phải đóng góp nhiều. Việc họ, người ta không chối từ, nhưng vì đời sống khó khăn, vài ba năm sau mới đóng đủ theo định suất. Lúc đó đồng tiền đã bị trượt giá. Bản thân các hộ đó không phải thiếu lòng thành kính với tổ tiên, nhưng cảm thấy bị gò ép, thiếu tinh thần tương thân tương trợ trong họ.
    Kết quả là trầy trật mãi mấy năm sau mới “khánh thành”. Tuy có “thành”, nhưng không có “khánh” (khánh là vui mừng).
  • Họ chúng tôi cũng vấp phải tình trạng trên. Vì vậy chúng tôi rút kinh nghiệm: hễ thu được tiền đến đâu là chi ngay đến đó. Chúng tôi mua sắm dần nguyên vật liệu để dành, tránh tình trạng trượt giá. Khi ước lượng được 80% kinh phí là bắt đầu thi công. Nợ tiền công con cháu trong họ thì Ban kiến thiết đôn đốc, sẽ thu thêm và trả dần.
  1. Việc QUẢN LÝ QUỸ HỌ

Lâu nay, trong xã hội, nạn tham ô (nhũng lạm) đang là vấn đề phổ biến làm nhức nhối lòng dân, nhưng đối với tiền quỹ các họ nói chung ít ai thắc mắc nghi ngờ, vì những người đứng ra chăm lo việc họ đều là những người thành tâm thờ cúng tổ tiên, không xuất phát từ động cơ vụ lợi. Họ đã được con cháu tín nhiệm cử ra, họ tự nguyện xuất công xuất của nhà phục vụ cho họ, chẳng mấy ai tìm cách xà xẻo, ăn xén ăn bớt. Hơn nữa, quỹ họ giàu nghèo có khác nhau nhưng nói chung hiện giờ chẳng đáng là bao.

Con cháu trong họ, người này người nọ, có băn khoăn về cách sử dụng, cách quản lý, cách sinh lợi và cách kiểm tra quỹ họ. Vậy nên vấn đề quỹ họ cần được bàn kỹ trong từng họp, từng chi, tài chính công khai là chế độ được áp dụng rộng rãi trong hầu hết các họ.

  • Họ chúng tôi có lập sổ ghi công tích. Mọi con cháu xa hay gần trong họ đều có quyền xem sổ. Những người cúng bạc triệu, cũng như người cúng một ngày công, một cân thóc v.v., đều được ghi vào sổ. Cuối năm có báo cáo thống kê rõ ràng.
  • Họ chúng tôi có sổ vàng, có báo cáo thống kê, nhưng có nhiều người thắc mắc: Ông A đóng 5.000đ năm 1975, Ông B đóng 5.000đ năm 1985, Ông C đóng 5.000đ năm 1995. Nếu cộng chung số tiền đóng góp của ba ông là 15.000đ thì thật là phi lý. Số tiền trên phải quy ra thóc theo thời giá thì thống kê mới tương đối chính xác.
  • Đề nghị ban điều hành việc họ phải cân nhắc trong khi quỹ họ còn nghèo nên làm việc gì trước, việc gì sau, khoản chi nào lớn phải đưa ra tập thể bàn bạc thống nhất, còn khoản chi nào bé đã quy định lệ thì một mình trưởng ban hoặc người được ủy quyền quyết định chi, đỡ mất thời gian bàn bạc chung.
  • Họ chúng tôi tuy không có nguồn thu nào lớn, nhưng quỹ họ còn dư khoảng chục triệu đồng. Chúng tôi dự tính học theo kinh nghiệm các cụ thời xưa: Lập quỹ nghĩa thương giúp cho các gia đình khó khăn vay thóc trả thóc trong lúc giáp hạt. Việc này có nhiều người hưởng ứng nhưng cũng còn nhiều lời bàn tán xôn xao, e rằng thả ra không đòi lại được.

Vấn đề quỹ họ khác với các loại quỹ khác. Họ không có nguồn thu nào khác ngoài sự đóng góp của các gia đình, nói chung đều là “của ao đắp bờ” cả. Vấn đề chủ yếu là động viên nhiệt tình, tinh thần tương thân tương ái, thể hiện hoàn cảnh không suy bì nhau và biết cách sử dụng quỹ sao cho tốt, có chế độ quy định và có công tâm.

Thí dụ: Tiền thưởng cho các cháu học sinh, chung quy cũng là tiền đóng góp của ông bà, mẹ, nhưng một quyển vở, một cái bút của họ thưởng cho, có giá trị hơn nhiều so với của bố mẹ mua cho. Một bộ cờ trống v.v. mua sắm cho họ, mỗi năm chỉ dùng một hai lần trong lễ tế tổ. Nếu họ nào có sáng kiến dùng cờ trống đó cho việc tang hiếu của các gia đình trong họ (tất nhiên mau hỏng hơn), nhưng con cháu lại hưởng ứng đóng góp rôm rả hơn để mua sắm thêm cờ quạt chiêng trống khác. Cũng có họ áp dụng chế độ cho thuê đối với các gia đình ngoài họ.