TRAO ĐỔI TÂM TÌNH GIỮA NHỮNG NGƯỜI CHĂM LO VIỆC HỌ
CHĂM LO VIỆC HỌ PHẢI XUẤT PHÁT TỪ LÒNG THÀNH KÍNH TỔ TIÊN VÀ GẮN BÓ TÌNH THÂN THUỘC
Việc họ rất dễ mà cũng rất khó. Dễ vì bất cứ ai, không kể sang hèn, giàu nghèo, già trẻ, trình độ chính trị, văn hóa cao hay thấp, chính kiến hay dở, ai có lòng thành kính với tổ tiên, thân ái với họ hàng, đều có thể làm được.
Khó vì muốn họ hàng ngày càng thịnh vượng, gắn bó, đùm bọc nhau; muốn động viên toàn bộ con cháu trong họ lớn, họ bé cùng chung sức, chung lòng thì người chủ trì chăm lo việc họ phải có đủ 4 yếu tố: Tâm – Trí – Lực – Tài:
- Tâm:
- Chữ hiếu, chữ đễ, chữ hòa, chữ kính.
- Hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
- Đễ với anh em, bà con, họ hàng.
- Hòa với kẻ dưới.
- Kính với bậc trên.
- Trí:
- Có tầm hiểu biết chung.
- Biết vận dụng khả năng từng đối tượng.
- Biết thuyết phục quần chúng.
- Có ảnh hưởng và uy tín trong họ.
- Lực (thể lực):
- Có sức khỏe tương đối, không quá già yếu.
- Tài (tài chính):
- Không quá khó khăn về kinh tế.
- Trong cuộc sống vật chất không quá vất vả để có thể đóng góp tiền của và công sức tương xứng.
Trong bốn yếu tố ấy, chữ Tâm là quan trọng nhất. Nếu có vai vế trong họ hàng và địa vị xã hội thì càng thuận lợi, nhưng bốn yếu tố trên vẫn là nền tảng cơ bản.
Tuy nhiên, việc chăm lo cho họ rất phức tạp, muôn hình vạn trạng, vì “Tộc là tình” – không có quyền lực nào áp đặt hay gò ép mọi người trong họ phải tuân theo.
Lo việc tổ tiên, họ hàng hoàn toàn là tự nguyện, chẳng đợi ai giao phó.
Chỉ có con tim và khối óc của mình. Làm tốt thì không có huân chương, không được đãi ngộ, nhưng làm sai, làm hỏng việc, tổn thương tình cảm thì dễ bị khiển trách.
Dẫu có đóng góp công sức, tiền của lớn đến đâu cũng không nên kể công, bởi suốt đời phụng sự họ hàng cũng chỉ mới mảy may đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục.
Muốn tỏ lòng thành kính với tổ tiên thì trước hết phải thương yêu, đoàn kết các chi phái trong họ.
Ngay đến anh chị em ruột còn có thể mâu thuẫn nhau, huống chi là cả họ. Vì vậy, phải biết thể thiếp, lượng thứ cho nhau. Chữ “Hiếu” phải đi đôi với chữ “Đễ”.
PHONG TRÀO KHÔI PHỤC VIỆC HỌ TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Có bạn hỏi:
Tại sao không có một chỉ thị, nghị quyết nào ban hành mà mấy chục năm nay, khắp trong Nam ngoài Bắc đều đồng loạt dấy lên phong trào khôi phục việc họ?
Xin trả lời:
Từ sau cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đến ngày 30/4/1975, cả nước phải dồn hết tâm lực vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Bản năng con người lúc ấy phải nghĩ đến cái sống, cái chết, nạn ngoại xâm, nạn đói, nạn rét trước tiên.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đồng bào cả nước – từ mỗi nhà, mỗi họ – mới có điều kiện chăm lo đến cuộc sống văn hóa.
Thờ cúng tổ tiên, phục hồi việc họ là một lĩnh vực hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, thuộc quy luật sinh tồn và phát triển của cộng đồng xã hội.
Phong trào khôi phục việc họ sở dĩ lan rộng nhanh chóng khắp các miền, các dòng họ là vì nó phù hợp với tâm lý chung.
Một người đề xướng có thể có hàng nghìn người hưởng ứng.
Tuy không có chỉ thị hay nghị quyết từ Trung ương hoặc bất kỳ cấp nào, nhưng cán bộ của Đảng, Chính phủ dù ở cấp nào cũng là con cháu của một dòng họ.
Nhiều cán bộ cấp cao tự nguyện tìm lại họ gốc và tham gia việc họ.
Ví dụ: Đồng chí Lê Duẩn quê ở Quảng Trị đã về tìm họ gốc ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh…
Những điều này cũng góp phần tạo nên một dư luận tích cực tác động mạnh mẽ đến phong trào khôi phục việc họ.
Tình cảm họ hàng là một tình cảm tự nhiên, có thể có sự phân biệt gần xa, thân sơ, nhưng:
“Máu loãng còn hơn nước lã”
“Chín mười đời còn hơn người dưng”.
Dù chính kiến khác nhau, thành phần giai cấp khác nhau, địa vị xã hội khác nhau, hay chế độ xã hội khác nhau – nhưng cùng chung huyết thống thì vẫn có thể vượt qua mọi rào cản, dễ dàng xích lại gần nhau.
Việc đoàn họ Lý ở Hàn Quốc – hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường – trở về Việt Nam tìm tổ, làm lễ hành hương tại đền thờ Lý Bát Đế là một ví dụ điển hình.