Lễ Nghi Gia Đình Cổ Truyền: Tân Gia, Khánh Thành, Mừng Thọ và Dâng Hương Tại Gia

Cúng giải tà ma

Tục lệ tin rằng tà ma có thể ám ảnh con người và gây nên hiện tượng hiếm muộn, đặc biệt là trường hợp “hữu sinh vô dưỡng”. Cũng có khi tà ma là do có người thù hằn, nhờ bọn thầy pháp sai khiến để quấy nhiễu. Trong những trường hợp như vậy, cần phải cúng giải để hóa giải sự theo đuổi của vong hồn người khuất. Người ta thường tụng kinh siêu độ cho những người này.

Những người mắc chứng “hữu sinh vô dưỡng” còn tin rằng bị giặc Phạm Nhan quấy nhiễu. Phạm Nhan là tên tướng giặc Nguyên từng sang xâm lược nước ta, bị giết chết, nhưng ma hồn vẫn còn theo đuổi, hãm hại phụ nữ sinh nở. Gặp trường hợp này cũng phải cúng trừ và dùng bùa yểm.

Siêu thăng

Việc cầu siêu cho những vong hồn người quá cố gọi là lễ siêu thăng, nhằm cầu xin Phật độ cho những vong linh này thoát khỏi địa ngục. Theo kinh điển nhà Phật, thành tựu Bồ đề chia làm ba bậc:

  • Thượng căn: thành Phật ngay khi còn sống.

  • Trung căn: sau khi chết mới được siêu thăng.

  • Hạ căn: phải đi qua giai đoạn “trung ấm” mới có thể thành tựu.

Vì vậy, người thuộc hạ căn cần đến sự tụng kinh siêu độ và các việc công đức của con cháu – những người vì họ mà thực hiện. Cho nên, nếu thân quyến người quá cố biết làm việc công đức thì sự siêu thăng ắt thành, nhưng cốt yếu vẫn là phải tụng kinh niệm Phật.

Người xưa quan niệm rằng, vong linh sau khi chết phải trải qua nhiều cảnh tượng hãi hùng, nên nếu có người niệm Phật, nghe kinh và tạo công đức thì mới có thể phát sinh hiệu lực vô thường. Trong việc siêu thăng cần chú ý ba điều: trai giới, thành khẩntuyển trạch.

Bắc cầu giải oan

Là lễ cúng cho những vong hồn vất vưởng, không nơi nương tựa, hoặc những người chết do tai nạn bất ngờ. Lễ này nhằm dẫn độ linh hồn từ nơi lâm nạn về nương nhờ cửa Phật. Riêng với những người chết đuối, lễ bắc cầu giải oan rất được chú trọng. “Lễ bắc cầu” ở đây có ý nghĩa rất thực tế, với 11 hạng mục đồ thờ chính:

  1. Hai bàn thờ:

    • Một bàn thờ Hà Bá và Âm phủ đặt trong long đình, với hai chiếc mũ: mũ trắng (Hà Bá), mũ vàng (Âm phủ), cùng một thông điệp gửi sứ giả ngũ đạo tướng quân và đương cảnh Thổ Địa, yêu cầu tiếp dẫn vong hồn vào thần phan.

    • Một bàn thờ vong linh nạn nhân đặt trên bàn gỗ, có ảnh hoặc bài vị, một đĩa đặt hai đồng tiền để xin âm dương, cùng các đồ lễ thông thường khác.

  2. Gương chiếu: đặt trên tấm ván nhỏ kê trên đòn tay long đình, dùng để khai quang.

  3. Cây kim tích tượng: là cây gậy gỗ tượng trưng cho Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bồ Tát dùng cây này để rung chuyển cõi âm, phá khóa ngục cứu vong hồn.

  4. Thần phan: cây phan thần bằng giấy hình chữ nhật, có dấu ấn nhà Phật.

    • Ghi họ tên, nghề nghiệp nạn nhân, ngày sinh – mất.

    • Ghi tên ba vị thần trông coi từ trái sang phải: Bành Cư – Bành Kiêu – Bành Chất.

    • Câu chú dưới mỗi thần:

      • Dưới Bành Cư: “Tam hồn câu chí” (ba hồn đều tới).

      • Dưới Bành Chất: “Thất phách câu lai” (bảy vía cùng về); nếu là nữ thì ghi “Cửu phách câu lai” (chín vía cùng về).

    • Thần phan buộc vào cành tre, vong hồn nhập vào cành phan dưới sự che chở của Bồ Tát.

  5. Hình nhân giấy: bằng đồ mã để thế mạng nạn nhân, ngực ghi dòng chữ: Hình nhân nhất tương thế mệnh X quý húy Y. Sau lễ, hình nhân được thả trôi sông.

  6. Cầu vải: gọi là cầu hồn, bắc từ sông lên tấm ván đặt gương khai quang. Cầu có 6 xà ngang bằng tre.

  7. Thang bằng bẹ chuối: nối vào cầu vải, phần chân thang ngâm xuống nước để vong hồn leo lên.

  8. Bảy lá cờ giấy: cắm dọc cầu vải, ghi chú hoặc lệnh của Địa Tạng Vương cho Hà Bá và sứ giả đi tìm hồn vía.

  9. Thần kê (gà sống): nhốt trong lồng bên thần tượng, dưới cầu vải. Gà được cho nuốt bùa để có linh lực dẫn đường cho vong linh. Gà sống mang đủ 5 đức: văn, vũ, dũng, nhân, tín – nên được xem là gà thần.

  10. Nồi bùa: là nồi đất đậy kín, đựng bùa, trên nắp chèn hòn gạch để phong tỏa mãnh lực có thể gây hại nếu phát tán.

  11. Thuyền cúng: neo ở bờ sông, chở nồi bùa, hình nhân và thần kê ra giữa dòng để thả trôi – hoàn tất nghi lễ.

Theo truyền thống, pháp sư làm chủ lễ. Chủ lễ và hai phụ tá ngồi trên chiếu bên phải bàn thờ, quay mặt về phía sông. Gia chủ và thân nhân ngồi trên chiếu khác, cùng hướng với chủ lễ. Trong lễ, pháp sư đọc sớ xin Hà Bá chiêu hồn nạn nhân. Sau khi đọc sớ khấn Hà Bá, thần lính, phụ tá đọc sớ chiêu hồn và sớ khấn vong. Phép chủ và phụ tá làm phép, đọc xong thì hóa sớ, sau đó pháp sư dẫn vong nhập thần phan.

Tiếp theo là lễ khai quang – dùng gương để soi tỏ, giúp hồn phách trở nên sáng suốt. Cuối cùng, pháp sư và người hành lễ xuống thuyền mang theo hình nhân, nồi bùa và thần kê, chèo quanh nơi nạn nhân lâm nạn. Pháp sư niệm chú, phụ tá đánh trống, rồi thả hình nhân và thần kê xuống sông. Cuối cùng, nồi bùa cũng được ném xuống dòng nước, kết thúc lễ bắc cầu giải oan.

Gọi hồn

Muốn gọi hồn cần phải đặt quẻ, và quẻ phải do người lành vía đặt. Người này đưa một cơi trầu và mấy đồng tiền kẽm. Món tiền này chính là để thù lao cho cô hồn. Cô hồn thắp hương, đặt lên cơi trầu, đoạn bưng cơi trầu (trong có đặt tiền quẻ), nâng ngang trán khấn ông Chiêu và ông Dí để hai vị linh thần này xuống âm phủ tìm linh hồn người đã chết về.
Một lát sau, âm hồn nhập vào cô hồn, kể lể khóc lóc, rồi lại lúc lâm chung, tả oán cảnh tình ly biệt. Lúc ấy, người thân xúm vào hỏi hồn. Hồn sẽ tùy những câu hỏi mà trả lời, và tùy theo người hỏi nhận anh em, vợ con hoặc người khác trong gia đình. Người ta cho rằng, âm hồn có thể nhận đúng ai là cha, ai là mẹ… và nói được nguyên do tại sao mà chết, chết ngày nào, cho người nhà biết hiện ở âm phủ làm gì và tình trạng ra sao. Âm hồn nếu muốn xin gì, người nhà sẽ cúng cho. Những cô hồn nói đúng đều được người nhà thưởng tiền, còn nếu có những câu sai thì cô hồn thay lời âm hồn sẽ nói là do quá thương xót người sống nên âm hồn đã nhầm lẫn (?!).
Âm hồn nhập vào cô hồn một lát, sau khi đã được người nhà hỏi đủ chuyện rồi thì thăng.
Các cô hồn thường là những người sành tâm lý hoặc những người có tật mù nhưng rất thính tai, và dường như có giác quan thứ sáu để nhận biết mỗi khi nói sai.

Thờ cúng thần sao

Có những trường hợp, tất cả con cái trong một gia đình luôn bị đau ốm quặt quẹo; thuốc thang, cúng vái nhiều vẫn không khỏi. Sau khi xem số mới biết tại cung Tử của bố mẹ có các sao dữ, ảnh hưởng tới sức khỏe của con cái, như sao Bạch Hổ.
Muốn cho con cái được bình yên khỏe mạnh, cha mẹ phải thờ cúng các vị thần sao, nhất là thần Bạch Hổ, khi lá số của bố mẹ có sao này trong cung Tử. Sau khi nghi lễ xong, kẹp một nén hương vái bốn phương trời, rồi quay về hướng cúng sao.

Lời khấn:
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy 9 phương trời, 10 phương đất, chư Phật mười phương.
Kính lạy đương niên thiên quan…
Con tên là… tuổi… ngụ tại số nhà… phố… phường… tỉnh…
Năm gặp sao chiếu mệnh… hạn tới… thành tâm thiết lễ, giải hạn nhân tình.
Lòng thành cúi lạy: Trung thiên tỉnh chủ, Bắc cực Tử Vi đại đế, Ngọc bệ hạ giáng trần soi xét, cầu cha mẹ khương tinh trường thọ, Phật thánh hiền phù hộ cháu con.
Trong nhà đều hạnh phúc đăng long, lớn nhỏ thảy đều hoan lạc.
Nguyện thi quân hạn thần chiếu tặc.
Giải hạn – bệnh tật – trừ thanh.
Dứt tà hung, khiến gặp điều lành, hộ đệ tử lòng thành khấn tấu.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Nam mô Thiên Tai Giáng Cát Trường Bồ Tát (13 lần)
Nam mô Chủ Tinh Quân, Chủ Hạn Thần (21 lần)

Dâng sao giải hạn

Người Việt xưa tin rằng, vào một số tuổi nhất định, con người ta thường gặp vận hạn (những chuyện không may), nên người Việt nào cũng biết câu: “49 chưa qua, 53 đã tới”.
Quan niệm này không hoàn toàn chỉ là quan niệm thuần túy mê tín, mà xét theo khía cạnh nào đó, những năm tuổi mà người dân “lo lắng” cũng tương quan với những chu kỳ biến đổi (có nhiều khả năng bất lợi) về sinh học của con người.
Muốn làm giảm nhẹ điều này, họ thường cúng “giải sao” (dâng sao giải hạn). Có thể nói, việc làm này cũng có phần ích lợi vì nó làm yên lòng những người rơi vào “năm vận hạn” theo quan niệm “có kiêng có lành”.
Đầu năm và hàng tháng, người ta thường làm lễ dâng sao giải hạn. Lễ dâng sao có thể thực hiện tại chùa hay ngay tại nhà. Nghi thức tiến hành như sau:

Sao Thái Dương

Những người 5, 14, 23, 32, 41, 50, 59, 77, 88 và 95 tuổi là gặp sao Thái Dương chiếu. Sao này tốt với nam, không tốt đối với nữ. Hàng tháng dùng bài vị màu vàng để làm lễ giải sao này vào ngày 27. Sắm hương, hoa, tiền vàng, bài vị, mũ màu vàng, 12 ngọn nến và 36 đồng tiền, hướng về phương Tây làm lễ giải sao.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Nam mô Hữu Thiên Chí Tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kính lạy Đức Trung Thiện Tinh Chúa Bắc Cực Tử Vi Tràng Sinh Đại Đế.

Kính lạy Đức Tả Nam Tào Lục Ty Duyên Thọ Tinh Quân.

Kính lạy Đức Hữu Bắc Đẩu Cẩu Hàm Giải Ách Tinh Quân.

Kính lạy Đức Nhật Cung Thái Dương Thiên Tử Tinh Quân.

Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân.

Hôm nay là ngày 27 tháng… năm…

Chúng con là… tuổi… ngụ tại số… phố… phường… quận… tỉnh…

Thành tâm sắm hương hoa, lễ vật thiết lập tại… làm lễ giải sao Thái Dương chiếu mệnh.

Cúi mong chư vị chấp kỳ bạc lễ, phù hộ độ trì giải trừ vận hạn, ban phúc, lộc, thọ cho chúng con gặp sự lành, tránh mọi sự dữ, gia đạo bình yên, an khang thịnh vượng.

Chúng con cúi đầu chí thiết, chí thành, nhất tâm bái lạy.

Nam mô A Di Đà Phật (lễ tạ 3 lạy)

Hết một tuần hương thì hóa (đốt) bài vị, tiền, vàng…

Sao Thái Âm

Những người 8, 17, 26, 35, 44, 53, 62, 71, 80, 89 và 98 tuổi là gặp sao Thái Âm chiếu mệnh. Thái Âm là sao tốt, nhưng không tốt lắm đối với nữ. Hàng tháng vào ngày 26, dùng bài vị màu vàng để làm lễ giải sao này. Sắm hương, hoa, tiền, vàng, mũ vàng, 7 ngọn nến và 36 đồng tiền, hướng về chính Tây làm lễ giải sao.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật.

Kính lạy Đức Hiệu Thiện Chí Tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kính lạy Đức Nguyệt Cung Thái Âm Hoàng Hậu Tinh Quân.

Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân.

Hôm nay là ngày 26 tháng… năm…

Chúng con là… tuổi… ngụ tại số… phố… phường… tỉnh…

Thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật thiết lập tại… làm lễ giải hạn sao Thái Âm chiếu mệnh.

Cúi mong chư vị…

Khi tàn hết một tuần hương thì đốt bài vị, tiền, vàng…

Sao Mộc Đức

Những người 9, 18, 27, 36, 45, 54, 63, 72, 81, 90 và 99 tuổi là gặp sao Mộc Đức chiếu mệnh. Mộc Đức là sao tốt, nhưng không tốt cho những người vượng Hỏa. Hàng tháng, vào ngày 25, dùng bài vị màu xanh để làm lễ giải sao này. Sắm hương hoa, tiền, vàng, mũ xanh, 20 cây nến và 36 đồng tiền, hướng về chính Tây làm lễ giải.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật.

Kính lạy Đức Hiệu Thiện Chí Tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kính lạy Đức Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh Quân.

Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân.

Hôm nay là ngày 25 tháng… năm…

Chúng con là… tuổi… ngụ tại số… phố… tỉnh…

Thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật thiết lập tại… làm lễ giải hạn sao Mộc Đức Triều Nguyên Tinh chiếu mệnh.

Cúi mong chư vị… (phần cuối như bài trên)

Sao Vân Hán

Những người 6, 15, 24, 33, 42, 51, 60, 69, 78, 87 và 96 tuổi là gặp sao Vân Hán chiếu mệnh. Vân Hán là sao xấu, chủ về ốm đau, bệnh tật. Hàng tháng vào ngày 29, dùng bài vị màu đỏ để làm lễ giải sao này. Sắm hương, hoa, tiền, vàng, mũ đỏ, 15 cây nến và 36 đồng tiền, hướng về phương Tây để làm lễ giải sao.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật.

Kính lạy Đức Hiệu Thiện Chí Tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kính lạy Đức Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Tinh Quân.

Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân.

Hôm nay là ngày 29 tháng… năm…

Chúng con là… tuổi… ngụ tại số… phố… tỉnh…

Thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật thiết lập tại… làm lễ giải hạn sao Vân Hán Hỏa Đức Tinh Quân chiếu mệnh.

Cúi mong chư vị… (phần cuối như bài trên)

Sao Thổ Tú

Những người 2, 11, 20, 29, 38, 47, 56, 65, 74, 83 và 92 tuổi là gặp phải sao Thổ Tú chiếu mệnh. Đây là sao xấu, chủ về tai vạ, kiện tụng, xấu cả nam nữ và gia trạch. Ngày 19 hàng tháng dùng bài vị màu vàng làm lễ giải sao này. Sắm hương, hoa, tiền, vàng, mũ vàng, 5 cây nến và 36 đồng tiền, hướng về chính Tây để làm lễ giải sao.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật.

Kính lạy Đức Hiệu Thiện Chí Tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kính lạy Đức Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Tinh Quân.

Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân.

Hôm nay là ngày 19 tháng… năm…

Chúng con là… tuổi… ngụ tại…

Thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật thiết lập tại… làm lễ giải hạn sao Thổ Tú, Thổ Đức Tinh Quân chiếu mệnh.

Cúi mong chư vị… (phần cuối như bài trên)

Sao Thái Bạch

Những người 4, 13, 22, 31, 40, 58, 67, 85 và 94 tuổi là gặp phải sao Thái Bạch chiếu mệnh. Sao này xấu, chủ về thiệt hại tiền của, khẩu thiệt, xấu cả nam và nữ (nhưng nam đỡ hơn). Ngày 15 hàng tháng dùng bài vị màu trắng, sắm hương, hoa, tiền vàng, mũ trắng, 8 ngọn nến và 36 đồng tiền, hướng về chính Tây làm lễ giải sao.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật.

Kính lạy Đức Hiệu Thiên Chí Tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kính lạy Đức Tây Phương Canh Tân Kim Đức Thái Bạch Tinh Quân.

Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân.

Hôm nay là ngày… tháng… năm…

Chúng con là… tuổi… ngụ tại…

Thành tâm sắm sửa hương hoa, phẩm vật thiết lập tại… làm lễ giải hạn sao Thái Bạch Triều Dương Kim Tinh chiếu mệnh.

Cúi xin chư vị… (phần cuối như bài trên)

Sao Thủy Diệu

Những người lên 3, 12, 21, 30, 39, 48, 57, 66, 75, 84 và 93 tuổi là gặp sao Thủy Diệu chiếu mạng. Thủy Diệu là sao Phúc Lộc, nhưng xấu với nữ và chủ về tai hạn, tang chế.
Ngày 21 hàng tháng dùng bài vị màu đen, lễ nghi gồm tiền vàng, hương hoa, mũ đen, 7 ngọn nến và 36 đồng tiền, hướng về chính Tây để làm lễ giải sao.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật
Kính lạy Đức Hiệu Thiên Chí Tôn Kim Nguyệt Ngọc Hoàng Thượng Đế
Kính lạy…
Kính lạy Đức Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Đức Tinh Quân
Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân

Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Chúng con là… tuổi… địa chỉ…
Thành tâm sắm sửa hương hoa phẩm vật thiết lập tại…
Làm lễ giải hạn sao Thủy Diệu tinh quân chiếu mạng, cúi xin chư vị…
(Phần cuối như bài trên)

Sao La Hầu

Những người lên 1, 10, 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82 và 91 tuổi là gặp sao La Hầu chiếu mạng.
La Hầu là sao xấu, chủ về khẩu thiệt, đặc biệt nam xấu hơn nữ.
Ngày mồng 8 hàng tháng dùng bài vị màu vàng, lễ nghi gồm hương hoa, tiền vàng, mũ vàng, 9 ngọn nến và 36 đồng tiền, hướng về chính Bắc để làm lễ giải sao.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật
Kính lạy Đức Hiệu Thiên Chí Tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng Đế
Kính lạy…
Kính lạy Đức Thiên Cung Thần Thủ La Hầu Tinh Quân
Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân

Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Chúng con là… tuổi… địa chỉ…
Thành tâm sắm sửa hương hoa phẩm vật thiết lập tại…
Làm lễ giải hạn sao La Hầu khẩu thiệt chiếu mạng, cúi xin chư vị…
(Phần cuối như bài trên)

Sao Kế Đô

Những người lên 7, 16, 25, 34, 43, 52, 61, 70, 79, 88 và 97 tuổi gặp phải sao Kế Đô chiếu mạng.
Đây là Hung tinh xấu nhất về xuân hạ, nhưng nếu xuất ngoại, đi xa lại gặp điều tốt hơn. Nữ giới bị ảnh hưởng xấu hơn nam giới.
Ngày mồng 8 hàng tháng dùng bài vị màu vàng, lễ nghi gồm hương hoa, tiền vàng, mũ vàng, 9 ngọn nến và 36 đồng tiền, hướng về chính Bắc để làm lễ giải sao.

Lời khấn:

Nam mô A Di Đà Phật
Kính lạy Đức Hiệu Thiên Chí Tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng Đế
Kính lạy…
Kính lạy Đức Địa Cung Thần Vỹ Kế Đô Tinh Quân
Kính lạy Đức Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân

Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Chúng con là… tuổi… địa chỉ…
Thành tâm sắm sửa hương hoa phẩm vật thiết lập tại…
Làm lễ giải hạn sao Kế Đô tinh quân chiếu mạng, cúi xin chư vị…
(Phần cuối như bài trên)

Cúng giải trừ yểm

Xưa kia, có những người thù ghét nhau nhưng không thể trực tiếp làm hại nhau được, họ đã nhờ những thầy ngải, thầy pháp, thầy tử để trù yểm kẻ thù, khiến đối phương mắc bệnh tật.
Muốn khỏi bệnh, phải nhờ các thầy cao tay cúng giải sự trù yểm, hoặc phải cúng lễ tại những nơi linh thiêng để xin thần linh giải trừ giúp.

Bắt tà

Nhiều người bị bệnh, chữa bằng thuốc không khỏi; theo tục lệ, họ đi xem bói, xin quẻ, được cho là có ma làm. Có thể là ma đói, ma khát, hoặc ma quỷ được thờ cúng ở các gốc đa, gốc đề, miếu ven đường.
Gặp những trường hợp như vậy, cần cúng lễ hoặc yểm bùa. Nếu ma tà bướng bỉnh không chịu buông tha, người ta phải tổ chức bắt tà tại các đền điện mới có thể giải trừ được.

Cúng ngày Sóc, ngày Vọng

  • Ngày mồng Một âm lịch gọi là ngày Sóc
  • Ngày Rằm gọi là ngày Vọng

Trong những ngày này, tại gia đình thường cúng Tổ tiên, Thổ Công, Thánh Sư, Tiền chủ, Thần Tài tại bàn thờ gia tiên.
Lễ vật có thể là lễ mặn (trừ cúng Phật), hoặc đơn giản là thẻ hương, hoa, trầu, rượu.

Tại chùa, dân làng dâng lễ gồm hương hoa, oản, chuối để lễ Phật.
Tại miếu, đền, đình, dân làng chuẩn bị oản chuối, trầu rượu, hoặc lễ mặn để lễ thần.

Theo lệ thường, muốn cúng điều gì, trước hết phải cúng Táo quân (Đệ nhất gia chi chủ) để xin phép Ngài cho các vị được cúng lễ có thể tới phối hưởng (xem phần Định phúc Táo quân).

Lễ vật cúng Sóc – Vọng thường gồm:

  • Hương, đèn
  • Trầu cau
  • Quả, tiền vàng
    Không nhất thiết phải có lễ mặn vào dịp này.

Văn khấn có thể dùng mẫu văn khấn chung, đến câu:

“Kính cẩn thưa rằng…” thì khấn tiếp:

Cứ theo tế luật, mồng Một đến ngày, kính bày lễ Sóc…
(hoặc: Lễ Vọng đêm Rằm, đến vận phong đăng, ánh trăng vằng vặc…)
Tuân theo lệ tục, bát nước chén nhang, kính cẩn lạy dâng Tôn Thần Tiên Tổ.
Cúi trông phù hộ, cứu khổ tai, tiến lộc đăng tài, gái trai hiếu thảo,
Vợ chồng hòa hảo, vận đáo hanh thông, sắc sắc không không, âm dương tương đồng, dốc lòng cầu khấn.
Cúi xin soi xét tận ý thần tâm thành, muôn đội tôn linh, phục duy cẩn cáo.

Cúng bánh trôi

Trong các ngày sóc vọng tháng Ba, dân ta có tục cúng bánh trôi bánh chay (gọi là trôi nước); riêng dân làng Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Tây) lại không dùng bánh trôi trước ngày mùng 6 tháng Ba.
Ngày hôm đó, trong khi ở đền cúng Hai Bà, tại các gia đình người ta cũng làm bánh trôi để cúng tổ tiên; và chỉ sau cuộc cúng lễ này, người ta mới ăn bánh trôi. Đối với dân làng Hát Môn, đây là một thứ bánh thánh – Thánh hưởng thụ rồi dân mới ăn. Nếu chưa đến ngày mùng 6 tháng Ba, dân làng dù có đi đâu, cũng không bao giờ ăn bánh. Đây là do lòng thành kính của họ đối với Hai Bà: chưa đến ngày giỗ, Hai Bà chưa hưởng, họ chưa ăn. Tục lệ này cũng là để nhớ lại cử chỉ cao đẹp của bà hàng bánh trôi, dù nghèo khổ cũng dâng bánh lên Hai Bà, trước khi Hai Bà xuất trận.

Cúng đầy tháng

Kể từ ngày sinh, khi đứa trẻ đầy cữ thì cha mẹ cúng đầy cữ, tới khi con được đầy tháng lại có cúng đầy tháng. Qua một cữ, một tháng là qua một giai đoạn trong đời người. Cúng đầy tháng, ngoài việc cúng mụ và đồ lễ tương tự như cúng đầy cữ, còn có cúng Thổ công và gia tiên. Những gia đình khá giả còn làm một bữa tiệc thịnh soạn mời họ hàng và bạn bè tới dự. Khách tới nhà lần này chỉ có quà mừng cho cháu bé chứ không có quà mừng cho mẹ như khi đầy cữ.

Lời khấn:
Duy niên hiệu… tỉnh, huyện, xã, thôn…
Tín chủ là… phu thê, đồng gia
Kính cáo:
Nhân ngày…tháng… năm nay (hoặc năm ngoái) vợ chồng chúng tôi sinh con trai (hoặc gái) đầu (hoặc thứ) đặt tên là…
Đến nay vừa chẵn tháng.
Kính cẩn sắm lễ vật cỗ chay (hoặc mâm cỗ mặn), hương đàn, trầu rượu, hoa quả, khấn với:

  • Đệ nhất Thiên tỷ đại tiên chủ
  • Đệ nhị Thiên đê đại tiên chủ
  • Đệ tam Tiên mụ đại tiên chủ
  • Thập nhị bộ tiên nương
  • Tam thập lục cung chư vị tiên nương An hạ.
    Cúi mong chư vị tôn linh chứng giám, phù hộ cho cháu bé được thân mệnh bình yên cường tráng. Kính nhờ vào đại đức các vị tiên bà phù trừ.
    Cẩn cáo.

Cúng đầy năm

Đứa trẻ đầy năm gọi là đầy tuổi, cúng đầy năm còn gọi là cúng đầy tuổi hoặc lễ thôi nôi. Ngoài việc cúng lễ trong dịp này, người ta còn có tục thử đứa trẻ. Hôm ấy, đứa trẻ được ăn mặc chỉnh tề. Con trai thì bày cung tên, giấy bút; con gái thì bày dao kéo, kim chỉ bên cạnh. Đứa trẻ, được đặt trước những vật dụng đó và sẽ nhặt lấy một thứ mà nó thích.
Người ta cho rằng: nếu đứa con trai chọn kiếm cung, giấy bút thì nó sẽ theo nghiệp võ hay nghiệp văn; con gái nếu chọn kim chỉ thì sẽ có tài nội trợ.
Trong buổi cúng đầy năm, nhiều nhà làm cỗ bàn rất linh đình, khấn trình trước bàn thờ gia tiên và mời khách khứa đông hơn cả cúng đầy tháng.

Lời khấn:
Hôm nay là ngày…tháng…năm…
Nay con giữ việc phụng thờ tên là”, tuổi.“ sinh tại xã.“ huyện… tỉnh… cùng toàn gia, trước bàn thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.
Kính dâng lễ bạc: trầu rượu trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật, lòng thành nhân dịp sinh hạ cháu trai (gái), kính mời hương hồn nội ngoại gia tiên, kỵ cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.
Con kính xin gia tiên phù hộ độ trì cho cháu… hay ăn chóng lớn và toàn gia khang kiện.
Cẩn cáo.

Lễ động thổ

Với người Việt, làm nhà là một trong những việc trọng đại nhất của đời người, liên quan tới sinh mệnh của những người sẽ sống trong ngôi nhà đó. Bởi vậy, dân gian rất chú trọng tới các nghi thức, các bước phải làm lễ cúng.
Sau khi chọn ngày hợp với tuổi gia chủ, người ta làm lễ động thổ (cúng thần đất) để xin được làm nhà trên mảnh đất đó. Trong lễ động thổ, ngày xưa phải cúng tam sinh, ngày nay đơn giản hơn, nhưng phải có con gà, đĩa xôi, hương, hoa quả. Sau khi làm lễ, gia chủ là người cầm cuốc bổ những nhát đầu tiên, trình với Thổ thần xin được động thổ, tiếp sau đó mới cho thợ đào móng.

Lời khấn:
Kính lạy Đông trù tư mệnh,
Táo phủ thần quân,
Cống mệnh thổ thần – cập thể.
Chủ vị thần tài – thông minh, chính trực,
Chí thần, chí linh.
Xưa, thần vâng mệnh thiên đình,
Đông trù chấp trưởng chấp hành nghiêm trang
Thay trời giáng phúc trừ ương
Xem xét thiện ác một phương không lầm,
Tiền chủ lễ bạc thành tâm.
Chừng cho đắc lễ chẳng lầm chẳng,
Vun trồng quế huệ xanh tươi
Trẻ già mạnh khỏe, người người an khang.
Trót lầm, xin xá xin thương
Để cho con được mở đường thành tâm
Bốn mùa thu, hạ, xuân, đông
Làm ăn phú quý, bớt phần nguy nan.
Nay nhân ngày…tháng…năm… giờ…
Tín chủ con tên là… cùng vợ (chồng)… con trai (con gái)… cháu…
Ngụ tại thôn…xã… huyện… tỉnh… (hoặc số nhà…phường…quận…thành phố…).
Thành tâm sắm một lễ vật, gồm: hương đăng… cung thỉnh chư vị đồng lai hiến hưởng.
Chấp kỳ lễ bạc, phù hộ độ trì cho chúng con…

Ăn mừng nhà mới

Khi làm xong nhà mới, chủ nhà sẽ chọn ngày lành tháng tốt để dọn tới ở. Sau đó làm lễ, có cỗ bàn thịnh soạn, mời bà con, họ hàng, bạn bè đến ăn mừng nhà mới (lễ Tân gia), cáo Táo quân, Thổ thần và gia tiên.
Lễ Tân gia thường được tổ chức long trọng. Những người được mời đến mang lễ vật tới như câu đối, các bức đại tự, trầu cau… Xưa kia người ta thường đốt pháo vui vẻ.

Lời khấn yết cáo Táo quân, Thổ thần:
Hôm nay, ngày… tháng… năm…
Tại: thôn…, xã…, huyện…, tỉnh…
Tín chủ là…
Trước án tọa Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân,
Kính cẩn tâu rằng:
Ngài giữ ngôi Tam Thai,
Nắm quyền tạo hoá.
Trừ tai, cứu hoạ,
Bảo vệ dân lành.
Nay bản gia hoàn tất công trình,
Chọn ngày lành gia đình nhóm lửa.
Nhân lễ khánh hạ,
Kính cẩn tâu trình:
Cầu xin gia đình an ninh khang thái,
Làm ăn tiến tới,
Tài lộc dồi dào.
Cửa rộng nhà cao,
Ngoài êm trong ấm,
Vợ chồng hoà thuận,
Con cháu sum vầy.
Cúi nhờ ân đức cao dày,
Đoái thương phù trì bảo hộ.
Cẩn cáo.

Văn khấn khánh thành nhà thờ tổ:
Cúi nghĩ rằng:
Vừng nhật nguyệt mười phương rạng rỡ,
Đức tổ tông muôn thuở sáng ngời.
Ngưỡng trông! Phúc ấm nối đời,
Tế thần thần tại, về nơi từ đường.
Để con cháu lửa hương phụng sự,
Nghìn năm sau xuân tự, thu thường.
Băn khoăn tự thuở phiêu hoàng,
Đến nay đồng tộc sửa sang khánh thành.
Kính thiết lễ: chiêu nghênh, yên vị,
Rước thần thông: tẩy uế, khai quang.
Mừng nay xuân tiết vừa sang,
Gần xa tụ hội họ hàng đông vui.

Viễn tôn đời thứ… là tộc trưởng…
Hợp cùng các bậc kỳ lão, các vị huynh trưởng
Và con cháu nội ngoại các chi trong toàn tộc, kính cẩn trình tâu:
Ơn Trời Đất cao dày che chở,
Ơn tổ tiên phù hộ độ trì,
Ơn nhờ đức Phật từ bi,
Ơn nhà Thánh Chúa, thần kỳ chứng soi:

Cây vững cỗi, thắm chồi, xanh lá,
Nước trong nguồn, bể cả, sông sâu.
Chữ Trung, chữ Hiếu làm đầu,
Ai không tâm niệm: “Vì đâu có mình?”

Nhờ tiên tổ anh linh phù hộ,
Dìu cháu con tiến bộ trưởng thành.
Trẻ già trai gái yên lành,
Họ hàng thịnh vượng, gia đình tươi vui.

Buổi sơ khai, một ngôi thuỷ tổ,
Đời nối đời, chia hộ, chia chi.
Cây cao bóng cả sum suê,
Lá rơi về cội, người về tổ tông.
Nghìn thu sau, nối dòng mãi mãi,
Ai trồng cây tốt ắt hái quả ngon.
Vậy nên dạy cháu, khuyên con,
Vun bồi tổ trạch, giữ tròn gia thanh.
Trong gia đình, trên bình dưới thuận,
Trong họ đương “bách nhẫn thái hoà”.
Xuân hồi thắm trổ muôn hoa,
Non sông gặp hội âu ca thái bình.

Nay nhân lễ khánh thành, kính bái:
Chư tiên linh trở lại từ đường,
Tả chiêu hữu mục theo hàng,
Tinh anh hội tụ, khói nhang phụng thờ.
Tuy nén hương đơn sơ lễ nhỏ,
Xin lượng trên thấu tỏ lòng thành.
Nguyện cầu Tứ phủ vạn linh,
Thập phương Tam Bảo chứng minh độ trì.
Cẩn cáo.

Thượng thọ

Nhà nào có cha mẹ già đến bảy, tám mươi tuổi mà nhà khá giả, đông con cái thì tổ chức lễ mừng thọ cha mẹ.
Hôm ăn mừng, trước hết làm lễ gà xôi hoặc tam sinh, lễ bò đầy đủ để cúng thần, gọi là “bái tạ thần hiếu”, nghĩa là tạ ơn thánh thần đã phù hộ cho cha mẹ được sống lâu.

Đến lúc lễ, cha (hoặc mẹ) ăn mặc đẹp, ngồi ghế đặt chính giữa, con cháu tế tự lễ bái. Con cái dâng lễ, mỗi người chén rượu mừng thọ, hoặc là quả đào, gọi là “bàn đào chúc thọ”.

Con cháu lễ bái xong, rồi ăn mừng, mời làng nước khách khứa. Khách đem đồ lễ vật đến mừng và chứng kiến sự hạnh phúc của hai cụ, sự hiếu thảo của con cháu. Họ hàng cũng có lời chúc mừng. Hai bên nhà có treo những câu đối, những bức đại tự để mừng hai cụ. Có nhà còn mời ca nhi tới để ngâm thơ và câu đối. Bữa tiệc khao rất linh đình, luôn có pháo nổ.

Lời yết cáo tổ tiên:
Hôm nay,
Ngày… tháng Giêng năm…, tại thôn…, xã…, huyện…, tỉnh…
Hậu duệ tôn là: (tên người đứng lễ)
Quỳ trước linh vị (đọc tên linh vị của thuỷ tổ, tiên tổ được liệt thờ trong nhà thờ họ)
Kính cẩn lạy tâu rằng:

Cúi nghĩ:
Tuổi tác tự Trời Phật ban cho,
Hình hài nhờ tổ tiên mới có.
Nay toàn dân hớn hở đón xuân sang,
Tín chủ mừng vui làm lễ thọ.

Lễ yết cáo chư vị thần linh,
Kính lạy miếu đường tiên tổ.
Xin rộng mở lòng nhân,
Nguyện vun trồng đức độ,
Mong sao ngày tháng mãi bền lâu.
Ước được gốc cành thêm củng cố,
Tưởng niệm công đức ngày xưa,
Gọi chút khói hương lễ nhỏ,
Ngưỡng trông chứng giám tấc thành,
Cúi xin phù trì bảo hộ.

Mong tiên linh khơi rộng mạch Trường Sinh,
Cho hậu duệ leo lên thềm Thượng Thọ.
Trên Thiên Tào tăng niên kỷ lâu dài như rùa hạc vô cương,
Dưới Hải Ốc tưới phúc lộc dồi dào như suối nguồn bất hủ.

Khấn đầu cúi lạy thần linh, tiên tổ.

Dâng hương tại gia

Từ xưa, người Việt có tục dâng hương lễ bái tại gia các vị Gia thần và Gia tiên vào các dịp tuần, tiết. Mỗi tuần tiết dâng hương tại gia đều có những điểm khác nhau nhất định, từ phẩm vật dâng cúng tới một số nghi thức và văn khấn, song vẫn có những nguyên tắc chung: dâng hương cáo lễ Gia thần trước, Gia tiên sau.

Các phẩm vật dâng hương cũng có thể là lễ chay hoặc lễ mặn (các gia đình thờ Phật thì chỉ dâng lễ chay). Tùy hoàn cảnh từng gia đình mà có thể sắm lễ khác nhau, nhưng thường có những đồ lễ dâng không thể thiếu: hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng.

Riêng đèn (nến) thường là một cặp, được đặt cả hai bên bàn thờ, cao hơn các vật phẩm khác. Chúng tượng trưng cho hai vầng nhật – nguyệt và được thắp sáng suốt buổi lễ. Lễ vật trên bàn thờ có thể là chung, nhưng nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương cả, và thắp theo số lẻ (1, 3, 5… nén) vì số lẻ thuộc âm.

Khi cháy gần hết một tuần hương, gia chủ lại thắp thêm một tuần nữa, rồi xin phép tổ tiên hóa vàng. Tiền vàng khi đã hóa thành tro thì rót vào đó một chén rượu.

Mọi kỳ dâng hương đều có vái và lễ. Vái thì các ngón tay đan vào nhau, còn lễ thì hai bàn tay áp vào nhau và đều đặt ở vị trí ngang trước ngực. Nghi lễ này đòi hỏi người làm lễ (là gia chủ) phải thành tâm, trầm tư mặc tưởng trước đấng tiên tổ, thần minh.

Vái lễ chỉ được thực thi sau khi các lễ vật đã được đặt lên bàn thờ, đèn đã được thắp sáng, hương đã được châm lửa. Người làm lễ sau khi đã châm lửa, kính cẩn dùng hai tay dâng các nén hương ở vị trí ngang trán, vái ba vái rồi mới cắm hương vào bát hương.

Vái ba vái xong thì đọc văn khấn (mỗi dịp tuần tiết đều có nội dung khác nhau). Khấn xong, lễ bốn lễ và thêm ba vái.