A. CƯỚI HỎI
Từ xưa, cha mẹ đã có vai trò rất quan trọng trong việc dựng vợ gả chồng cho con cái. Sau khi nhờ được người mối lái, tìm được người vừa ý để kết duyên cho con, gia đình hai bên trai gái sẽ quyết định tổ chức hôn lễ. Người ta thường chuẩn bị sáu lễ cho việc cưới hỏi, nhưng trên thực tế, người Việt thường thu gọn vào ba lễ chính: lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới. Đối với những gia đình nghèo, có khi còn bỏ cả lễ chạm ngõ.
1. LỄ CHẠM NGÕ
Sau khi hai nhà đã thỏa thuận việc cưới gả, người mối sẽ hẹn ngày với bên nhà gái để đưa người chủ hôn hoặc cha mẹ nhà trai và chú rể đem lễ vật trầu cau đến nhà gái xin đính ước.
Khi đã xác định được ngày tốt (tức là ngày âm dương bất tương, vợ chồng sau này mới gặp điều tốt lành), nhà trai sắm một lễ mọn cúng tổ tiên để báo về công việc hệ trọng này. Nhà nghèo chỉ có bát nước, nén hương; nhà khá giả thì làm gà, thổi xôi. Sau đó, nhà trai sửa một lễ mang sang nhà gái gồm: một cơi trầu cánh phượng, cau bổ tư bẻ cánh tiên, mứt sen, trà, đựng trong quả sơn son thiếp vàng.
Đoàn người đi sang nhà gái gồm bà mối, bà mẹ, bà dì, bà cô của chú rể. Các cô gái chưa chồng ở trong họ thường đội các mâm quả hoặc bưng khay trầu đi trước, sau đó là nam giới và chú rể. Lễ được chia làm hai phần. Phần lớn được đặt lên bàn thờ để cha cô dâu khấn vái tổ tiên, báo tin con cháu sắp lập gia đình. Phần còn lại sẽ đưa về nhà ông cậu của cô gái để lễ gia tiên bên ngoại. Trước khi nhà trai về, nhà gái thường sửa một phần lễ để biếu lại nhà trai, gọi là lại quả.
2. LỄ ĂN HỎI
Đây là lễ trọng thể, mang tính chính thức trước khi cưới và phải chọn ngày tốt. Sáng sớm, nhà trai làm lễ cáo gia tiên. Sau đó, người mối đưa cha mẹ nhà trai, chú rể và những người họ hàng thân thuộc đem lễ vật trầu cau, chè mứt, bánh cốm hay bánh su sê đến nhà gái để nhà gái làm lễ cáo gia tiên. Sau đó, nhà gái đem các vật phẩm này chia phần cho bạn hữu, họ hàng thân thuộc.
Sau lễ hỏi là việc báo hỷ và chia trầu. Mỗi phần lễ đem chia thường gồm: một lá trầu, một quả cau, chục hạt mứt sen, một ấm trà nhỏ, một cái bánh cốm. Những thứ này được phong trong giấy hồng, gấp thành hình hộp vuông, mỗi chiều khoảng 5 – 6 cm, cao độ 2 cm. Trên hộp vuông, người ta dùng giấy bạc trang kim cắt hình chữ “Hỷ” dán lên.
Ở miền Nam, thường có tục nhà trai trình trước hai họ những món sính lễ quan trọng như hoa tai, nhẫn… ngay trong lễ ăn hỏi để được nhà gái chấp thuận và ưng thuận lời hứa hôn.
Trong lễ ăn hỏi, hai họ cũng xem ngày và định ngày cưới cho đôi trẻ. Đây là một ngày hệ trọng của đời người nên phải xem ngày giờ cẩn thận. Ngày xưa, người ta chọn ngày cưới là ngày bất tương, thiên hỷ, thiên đức, nguyệt đức… Giờ cưới luôn luôn phải là giờ Hoàng đạo. Sau lễ hỏi, thông qua bà mối, nhà trai sẽ biết nhà gái thách những gì.
3. LỄ XIN DÂU
Trước giờ đón dâu, nhà trai có vài người mang một cơi trầu, một be rượu đến xin dâu, báo trước giờ mà đoàn đón dâu sẽ đến để nhà gái chuẩn bị tiếp đón. Cơi trầu và be rượu này, nhà gái đặt lên bàn thờ cáo tổ tiên, rồi hạ xuống để đón đoàn khách đưa dâu. Đại diện mang lễ này của nhà trai có thể là mẹ chồng tương lai hoặc một người cô, thím trong họ.
Khi đoàn đón dâu đến, họ nhà gái mời nhà trai vào nhà. Nhà trai cho đặt đồ lễ lên bàn thờ. Các phù rể bưng lễ vật đứng dàn hàng ngang trước mặt các phù dâu và trao các mâm quả hoặc tráp lễ vật. Các cô này sẽ đem lễ vật đặt lên bàn thờ theo thứ tự trước bàn thờ gia tiên.
Lúc này, nhà gái kiểm điểm lại đồ thách cưới (một phần đã được đưa đến từ mấy hôm trước). Đồ lễ đủ, nhà gái cho thắp hương để chú rể và cô dâu cùng lễ gia tiên. Hương thắp phải do bố (hoặc anh trai, em trai) cô dâu thắp. Nếu là anh trai hay em trai cô dâu thắp, nhà trai phải tặng một món tiền gọi là tiền thắp hương.
Văn khấn lễ cưới
Hôm nay, ngày … tháng … năm … giờ …
Gia chủ là người thôn …, xã …, huyện …, tỉnh … (hoặc: ngụ tại số nhà …, phường …, quận …, thành phố …, nước Việt Nam),
Có con trai (hoặc con gái) tên là …, kết duyên cùng con gái (hoặc con trai) của ông bà …, người thôn …, xã …, huyện …, tỉnh …
Nay thủ tục hôn lễ đã thành, xin kính dâng lễ vật gồm: hương, đăng, trầu, quả… gọi là theo phong tục lễ nghi thành hôn và hợp cẩn.
Trước linh tọa Ngũ tự gia thần chư tôn linh vị,
Trước linh vị liệt gia tiên chư chân linh, xin kính cẩn khẩn cầu:
Phúc tổ di lai, sinh trai có vợ (hoặc: sinh gái gả chồng),
Lễ mọn kính dâng, duyên lành gặp gỡ, giai lão trăm năm, vững bền hai họ.
Nghĩa thất nghĩa gia, có con có của,
Cầm sắt giao hoà, trông nhờ phúc tổ.
Cẩn cáo.
4. RƯỚC DÂU
Ngày xưa, người ta thường rước dâu vào ban đêm theo đúng giờ hoàng đạo đã chọn. Nhà trai thường nhờ một cụ già hiền lành, vợ chồng song toàn, đông con nhiều cháu, cầm một bó hương hay một đỉnh trầm đi trước, tục gọi là Tơ hồng. Kế đến là người dẫn lễ vật như mâm cau, bánh mứt, lợn, rượu… Chú rể khăn áo chỉnh tề cùng với những người trong họ đi rước dâu. Tục lệ ở nhiều địa phương là chỉ có bố chồng đi đón.
Khi đoàn đón dâu đến ngõ nhà gái, cụ già cầm hương cùng đi với một người đội lễ — thường là một quả đựng trầu cau và rượu — vào trước. Mâm lễ ấy được đặt lên bàn thờ, cụ già thắp hương vái, nhà gái vái trả lễ, rồi một vị đứng đầu họ nhà gái cùng ra đón đoàn xin dâu vào.
Ngay sau đó, cô dâu cùng chú rể đến lạy trước bàn thờ gia tiên, xin tổ tiên đồng ý cho cô dâu cùng chú rể đem hộp trầu đi mời mọi người trong họ. Trước khi về nhà chồng, cô dâu lạy ông bà, cha mẹ mình. Thông thường lúc đó, cha mẹ cô dâu sẽ cho một vật gì đó như hoa tai, nhẫn cưới hoặc một ít quan tiền (nếu là nhà giàu), hoặc cái quạt, gương soi (nếu là nhà nghèo) để làm kỷ niệm. Sau đó, cô dâu chú rể đi lễ nhà thờ tổ họ nội và họ ngoại của cô dâu.
Tiếp đó, chủ hôn nhà trai nói với chủ hôn nhà gái để cô dâu chú rể mừng tuổi ông bà, cha mẹ vợ. Ngày xưa, chú rể phải làm lễ bốn lễ ba vái, nhưng sau này theo quy định của triều Nguyễn chỉ lễ ba vái. Tục lệ này về sau cũng được bãi bỏ ở nhiều nơi. Sau đó, người chủ hôn đích thân hoặc ủy thác cho một vị lớn tuổi khác đi chào tất cả họ hàng có mặt trong đám cưới. Lúc này, ông bà, cha mẹ vợ sẽ có vài lời bảo ban, dạy dỗ đôi vợ chồng trẻ và ban cho chú rể một vật gì đó quý giá. Các vị trong họ như chú bác cũng có tiền mừng cho đôi trẻ, rồi mới bước vào tiệc cưới.
Khi tiệc xong, chủ hôn nhà trai sẽ nói với chủ hôn nhà gái là đã đến giờ tốt, xin phép được rước dâu. Sau đó, đoàn đón dâu lên đường về nhà trai. Trước cửa nhà trai thường đặt một lò than hoa hồng để cô dâu bước qua nhằm “đốt vía” — xua đi vận xui từ những người có vía dữ gặp trên đường.
Nhiều nơi ở quê còn có tục chăng dây. Khi gặp dây chăng, cụ già đi đầu đoàn đón dâu sẽ cho trẻ con mấy đồng kẽm để chúng gỡ dây đi, vì sợ gặp phải chuyện “giữa đường đứt gánh”. Theo sau cô dâu là những người đội các hòm đựng đồ dùng riêng của cô dâu.
Ngày xưa còn có tục đốt pháo, nên đến ngõ nhà trai, pháo nổ ròn rã. Người ta thường chọn loại pháo tốt, hạt khô, buộc từng hai bánh một với nhau để nổ cho giòn, tránh pháo tịt vì sợ điều không may. Khi về đến nhà trai, ở ngoài cửa đã có sẵn người cầm cơi trầu chực sẵn để đón mời quan khách nhà gái.
Lúc này, mẹ chồng cầm bình vôi lánh mặt đi chỗ khác để cô dâu bước vào nhà. Có nơi cho rằng, ngày xưa bình vôi là biểu hiện của tài sản, nên không bao giờ để bình vôi sứt miệng, thường quệt thêm vôi lên miệng bình vì tin rằng bình vôi càng dày, của cải trong nhà càng nhiều. Mẹ chồng cầm bình đi vì muốn giữ quyền hành trong nhà, không để con dâu điều hành ngay từ đầu.
Ở các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, mẹ chồng có tục ra cất nón cho cô dâu. Cô dâu vào đến cổng, múc nước rửa mặt đựng trong một cái nồi đồng. Sau đó, mẹ chồng dắt con dâu vào nhà, đặt quan tiền và cái quạt lên bàn thờ rồi làm lễ gia tiên: bốn lạy ba vái.
Lễ xong, mẹ chồng cùng cô dâu bước vào buồng. Trong buồng có sẵn một đôi chiếu mới trải úp vào nhau. Người trải chiếu phải là người ăn nên làm ra, con đàn cháu đống. Nếu mẹ chồng đủ điều kiện như vậy thì bà sẽ trải chiếu, dọn giường cho cô dâu chú rể.
Nghỉ ngơi một lát, sau đó cô dâu chú rể vào lạy gia tiên, đi lễ các nhà thờ của đôi bên cha mẹ chồng và làm lễ Tơ hồng. Xong xuôi, cô dâu chú rể vào mừng tuổi ông bà, cha mẹ chồng, cầm hộp trầu đi mời khắp trong họ.
Nghi lễ đưa dâu đến đây là kết thúc. Có gia đình nhà trai mời những người nhà gái đi đưa dâu ở lại ăn uống rồi mới ra về. Có khi nhà trai phải tiễn đưa họ nhà gái về đến tận nơi, những người này sẽ nói với bố mẹ nhà gái rằng việc đưa dâu đã chu đáo rồi mới giải tán. Nếu trong số họ có ai tạt ngang bỏ về trước thì sẽ bị cho là điềm không hay, là “không đi đến nơi, về đến chốn”.
Khi nhà trai đưa họ hàng nhà gái về xong xuôi thì mở tiệc ăn mừng.
5. DÂU RỂ LÀM LỄ GIA TIÊN
Mọi việc trong gia đình, từ việc hiếu đến việc hỷ, từ việc vui đến việc buồn, con cháu trong nhà đều phải cúng cáo gia tiên. Trong ngày lễ thành hôn cho con cháu, ngoài gia trưởng phải khấn vái tổ tiên thì cô dâu chú rể cũng phải cúng lễ tổ tiên. Trước khi sang nhà gái đón dâu, chú rể phải làm lễ ở nhà mình. Khi sang nhà gái đón dâu, cả cô dâu và chú rể lại phải xin phép hai họ để cúng lễ tổ tiên nhà vợ tại chính nhà bố mẹ vợ, và cả tại nhà thờ họ bên vợ (nếu có).
Về phía cô dâu, khi về nhà chồng, việc đầu tiên là phải lễ trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng. Sau đó, họ nhà chồng đưa cô dâu đi lễ nhà thờ trong hai họ nội ngoại nhà chồng. Việc làm lễ trước bàn thờ hai họ là để cô dâu chú rể trình diện với tổ tiên, và là dịp tổ tiên nhận mặt chàng rể, cô dâu.
6. LỄ TƠ HỒNG
Người ta cho rằng vợ chồng lấy được nhau là có ông Nguyệt Lão định trước, cho nên phải tạ ơn ông ấy và cầu ông phù hộ được sống với nhau trọn đời. Vì thế, sau khi đón dâu về, gia đình chú rể bày hương án ra sân, bày lễ gồm xôi, gà, trầu, rượu làm lễ tế Tơ Hồng. Chủ hôn vào lễ trước, rồi hai vợ chồng vào lễ sau.
Văn tế Tơ Hồng mỗi nơi mỗi khác, nhưng nội dung chính là ca tụng công đức ông Tơ bà Nguyệt xe mỗi duyên lành cho đôi trẻ, và mong ông bà phù hộ cho cô dâu chú rể ăn ở với nhau trọn tình nghĩa, đến đầu bạc răng long, sinh được con đàn cháu đống.
Phong tục này không phổ biến, chỉ có ở một số địa phương.
7. LỄ HỢP CẨN
Khi cô dâu chú rể vào phòng, ông cụ cầm hương dẫn đoàn đón dâu của nhà trai trải chiếu cho cô dâu chú rể. Chiếu phải trải phẳng, kiêng trải lệch. Sau đó cụ rót hai chén rượu mời cô dâu chú rể uống, rồi ý tứ lui ra ngoài, khép cửa buồng lại. Cô dâu chú rể sẽ ăn cùng nhau bữa cơm đầu tiên.
Tối hôm đó, khi nhập phòng, người chồng lấy cơi trầu tế Tơ Hồng, trao một miếng cho vợ, rót một chén rượu, mỗi người uống một nửa, gọi là lễ Hợp Cẩn.
8. LỄ LẠI MẶT
Sáng hôm sau ngày cưới, hoặc có khi sau hai ngày, đôi vợ chồng trẻ sẽ trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên. Nếu nhà nghèo thì chỉ cần ba lá trầu, ba quả cau, một nậm rượu. Nhà giàu thì có thêm mứt sen, bánh kẹo, lợn quay, xôi gấc,… Lễ này gọi là lễ Lại Mặt.
Lễ xong, nhà gái sẽ đem chia, biếu cho những người thân trong họ. Hôm đó, bố mẹ vợ làm một mâm cơm để dâu rể cùng ăn.
B. MỘT VÀI TỤC KHÁC TRONG CƯỚI XIN
1. CƯỚI CHẠY TANG
Tục này thường được sử dụng trong những trường hợp bất đắc dĩ bởi luật pháp xưa cấm nhà trai và nhà gái khi có tang, kể từ tang cơ niên (tang một năm) không được làm lễ cưới gả. Vì vậy, hai họ có thể tổ chức cưới chạy tang. Người chết chưa phát tang, chưa khâm liệm thì họ nhà trai mang lễ sang nhà gái xin cưới. Đám cưới được tiến hành khẩn trương trong vòng một hoặc hai ngày. Có thể không cần ngày tốt, nhưng phải là giờ hoàng đạo. Cô dâu về nhà chồng mấy tiếng thì gia đình bắt đầu phát tang và cô dâu sẽ chịu tang. Sau đám cưới chạy tang, cô dâu chú rể không được quan hệ với nhau trong vòng 100 ngày.
2. Ở RỂ
Những gia đình chỉ sinh con gái, cha mẹ thường có ý lựa chọn chàng trai hiền lành, khoẻ mạnh, chăm chỉ và phải là con thứ (vì không có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên) cho ở rể. Nhà gái bắn tin gả con và gây dựng cho chàng rể ấy để nương tựa lúc về già, hương khói lúc nằm xuống. Vì vậy, nhiều khi nhà gái không đòi hỏi chú rể chi phí về đám cưới. Cưới xong, chú rể đến ở nhà vợ và trở thành thành viên chính thức trong gia đình.
3. TÁI GIÁ
Theo phong tục, cha mẹ chỉ gả con một lần. Những lần sau, cha mẹ sẽ không tham gia. Có hai trường hợp người phụ nữ tái giá: chồng chết hoặc do ly hôn.
Khi hai vợ chồng chưa có con với nhau thì việc ly hôn được gọi là “trai chê trai bỏ, gái chê gái đền”. Nếu là “gái chê”, nhà trai thường bắt nhà gái phải đền số tiền gấp hai, ba lần chi phí mà nhà trai đã bỏ ra để tổ chức đám cưới, sêu Tết…
Nếu vợ chồng đã có con mà bỏ nhau thì con và mọi thứ của cải đều thuộc về người chồng, trừ đồ nữ trang do nhà gái sắm cho cô dâu. Người con gọi người mẹ bị cha bỏ là “xuất mẫu”. Nếu sau này đôi vợ chồng đã ly hôn lại làm lành với nhau thì không gọi là tái giá, nhưng trước khi trở về sống chung phải làm lễ tạ gia tiên nhà chồng và cha mẹ chồng.
Nếu chồng chết, người vợ phải chờ ba năm đoạn tang mới được tái giá. Người mẹ goá lấy chồng khác được gọi là “goá mẫu”. Trước khi tái giá, người phụ nữ phải lo liệu cho người chồng cũ được “mồ yên mả đẹp”, làm lễ tạ chồng cũ, khấn cầu chồng cũ phù hộ. Nếu cha mẹ chồng vẫn còn thì phải đem trầu, rượu đến lễ tạ và xin phép được đi bước nữa.
Nếu có con thì con vẫn thuộc về nhà nội, người mẹ muốn mang đi phải xin phép cha mẹ hoặc chú bác của chồng.
4. NHỮNG TRƯỜNG HỢP HÔN NHÂN VÔ HIỆU LỰC
Có 9 trường hợp sau đây, dù hôn lễ đã được cử hành nhưng vẫn bị coi là vô hiệu lực:
-
Mạo hôn (tráo hôn).
-
Đem vợ, đem nàng hầu cầm cho người ta làm vợ, làm nàng hầu; hoặc đem vợ, đem nàng hầu giả làm chị em để gả cho người khác.
-
Đem vợ lẽ làm vợ cả, hoặc đã có vợ cả rồi lại cưới thêm vợ cả nữa.
-
Cử hành hôn lễ trong lúc có đại tang.
-
Bà con họ hàng lấy nhau.
-
Người có chức quyền ép người khác lấy mình.
-
Lấy đàn bà đang có tội bỏ trốn.
-
Thầy tu lấy vợ.
-
Một phụ nữ lấy hai chồng.