Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và nghi thức Lên đồng

Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và nghi thức Lên đồng

Ở Nam Bộ, ngoài lớp văn hóa thờ Nữ thần và Mẫu thần, gắn với nó là nghi thức múa Bóng rỗi như chúng tôi vừa trình bày ở phần trên, thì còn một lớp văn hóa tín ngưỡng khác, đó là tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi thức Lên đồng. Hai lớp văn hóa tín ngưỡng này tuy đều tôn thờ nữ thần, một nét đồng văn của văn hóa Việt Nam và khu vực, nhưng chúng lại có nguồn gốc và quá trình hình thành khác nhau, nhất là trong mỗi hình thức có những sắc thái tín ngưỡng – văn hóa riêng.

Có thể khẳng định rằng, khác với tục thờ Mẫu ở miền Bắc, đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là sự phát triển liên tục từ thờ Nữ thần và Mẫu thần, thì thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ phủ ở Nam Bộ lại không trực tiếp phát triển từ tục thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa, mà chủ yếu là du nhập từ Đạo Mẫu Tam phủ.

Phủ, Tứ phủ từ miền Bắc, do người Việt di cư từ Bắc Bộ vào Nam Bộ vào những thời kỳ khác nhau.

Không kể những cư dân Việt đầu tiên từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ di cư vào Trung Trung Bộ rồi Nam Bộ suốt từ thế kỷ XI-XII đến thế kỷ XVII, họ mang theo tâm thức thờ Nữ thần và Mẫu thần vào hòa hợp với tục thờ nữ thần bản địa để tạo nên tục thờ Nữ thần, Mẫu thần rất điển hình ở Nam Bộ. Các lớp di dân diễn ra vào thế kỷ XX, đặc biệt là đầu thế kỷ XX với chính sách phát triển thuộc địa của thực dân Pháp, các đợt di dân vào năm 1954 sau hiệp nghị Giơnevơ, di dân phát triển kinh tế sau khi nước nhà thống nhất năm 1975. Với các đợt di dân này, người Việt ở miền Bắc nói chung và đồng bằng Bắc Bộ nói riêng đã đưa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ vào Nam Bộ.

Theo thông tin của Nguyễn Chí Bền và Hồ Tường, thì các đền miếu thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ do người Việt di cư từ miền Bắc, chủ yếu phát triển ở các địa bàn Sài Gòn, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… Một số cơ sở thờ tự Thánh Mẫu xuất hiện đầu tiên vào năm 1922, tại chùa Hòa Phước, tại ngã năm Bình Hòa (nay thuộc Bình Thạnh) cùng với thờ Đức Thánh Trần tại đền thờ Hưng Đạo Đại Vương ở số 36, đường Võ Thị Sáu, Quận 1.

Hai tác giả trên cũng đã liệt kê 11 di tích đền miếu khác thờ vọng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, như miếu Thiên Nhiên Cảnh, đền Mẫu Tuyên, Sòng Sơn, Sòng Sơn Thánh Mẫu, Phủ Mẫu Tiên Hương, đền Thần Quang, Hòa Phước Linh Từ, đền Hòa Hưng, đền Mẫu Thiên Hoàng, Miếu Nổi Phú Hòa Vạn, đền Hai Bà Trưng và Thánh Mẫu Phủ Dầy, đại công đồng thờ Tam Phủ Thánh Mẫu ở hẻm 26, đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1, đền Sòng Sơn ở 585/58 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Phủ thờ Thánh Mẫu Sòng Sơn ở 166/38 Đoàn Văn Bơ nối dài, phường 18, quận 4…

Ngoài Thánh Mẫu, thì nhiều đền miếu khác thờ các vị Thánh trong diện thần Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, như đền Quan Lớn Tuần Tranh, ở số 32, Lê Văn Sỹ, quận 3, đền thờ Hoàng Mười ở Quang Minh Điện, ở 224/13 Ông Ích Khiêm, quận 11, đền Cô Bé Bắc Lệ ở Bắc Lệ Vọng Từ, ở hẻm 193, đường Bạch Đằng, phường 15 quận Bình Thạnh, đền thờ Cô Bơ ở 94 khu phố 2, phường Thủ Thiêm, quận 2…

Tại Đồng Nai, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ ở chân núi Gia Lào, huyện Xuân Lộc, đền bà Chúa Thượng Ngàn được thờ ở nhiều nơi và có xu hướng hòa nhập với thờ Bà Ngũ Hành, tuy nhiên vẫn có nơi thờ riêng như ở đình Thành Hưng (thành phố Biên Hòa)…

Ở Bình Dương có 7 cơ sở tín ngưỡng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo (ấp 2A, xã Phước Hòa, huyện Tân Uyên), phủ Minh Sơn (xã Minh Hòa, huyện Bến Cát) thờ Đức Thánh Trần, Sơn Lâm Thánh Mẫu, Liễu Hạnh Thánh Mẫu và phối tự thờ thành hoàng, Hoa Nghiêm Tự (ở khu 4, thị trấn Dầu Tiếng), thờ Đức Thánh Trần, chùa Sơn Lâm, Thánh Mẫu công chúa và phối tự thờ Adiđà; Đông Quân Linh Từ (khu 2, thị trấn Dầu Tiếng) thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Nhị vị vương quan, Tam Tòa Thánh Mẫu, Cậu Cậu, cùng với thờ Adiđà; Phủ Ứng Linh (khu 3, thị trấn Dầu Tiếng) thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Liễu Hạnh công chúa; Đền Thánh Mẫu (ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát) thờ Liễu Hạnh công chúa, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Sơn Lâm Thánh Mẫu, thờ Ngũ Hành nương nương, Ngũ Hổ, trong khuôn viên còn có am Cô Bơ và Cậu Bé.

Việc người Việt di cư từ Bắc vào Nam mang theo đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ vào những thời điểm gần một thế kỷ nay, nhất là vào hai cái mốc năm 1954 và 1975, nên về cơ bản sự khác biệt giữa đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở miền Bắc và miền Nam không nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật lan truyền văn hóa, thì ít nhiều đều diễn ra những khúc xạ nhất định, về phương diện kiến trúc đền phủ, bài trí tượng thờ, thần điện có đôi chút khác biệt mang tính địa phương. Thí dụ, ở miền Bắc có sự thâm nhập khá mật thiết giữa Phật giáo và đạo Mẫu, thể hiện bằng việc xuất hiện tủ lâu diện Mẫu trong chùa, thì ở miền Nam, do sắc thái riêng của đạo Phật, nên hiện tượng này hầu như vắng bóng. Đổi lại, ở miền Bắc không thấy có việc thờ Thánh, thờ Mẫu trong đình, thì ở miền Nam, hiện tượng thờ mang tính tổng hợp trong các ngôi đình, nên thỉnh thoảng cũng có bắt gặp hiện tượng này. Hay là việc xuất hiện một số vị thần mang tính địa phương vào trong điện thần đạo Mẫu, như Lê Văn Duyệt, Tôn Thất Thuyết, vua Đồng Khánh được đưa vào hệ thống Thất Thánh, mà đầu tiên chúng ta bắt gặp ở Điện Hòn Chén (Huế) và một số đền ở Nam Bộ có gốc từ người Huế mang vào. Trong Lên đồng, đây đó xuất hiện các hình tượng các Bà Chúa địa phương, như Chúa Xứ, Bà Đen lồng vào các hình ảnh các vị thánh nữ hàng Chầu Bà.

Lên đồng là sinh hoạt thường xuyên trong nghi lễ tại các đền miếu thờ Mẫu ở Nam Bộ. Về cơ bản, Lên đồng ở Bắc Bộ và Nam Bộ không có nhiều sai biệt, trong khi đó Lên đồng ở Huế lại có nhiều sắc thái riêng. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa Lên đồng ở Bắc Bộ và Nam Bộ là hoàn toàn đồng nhất. Điều dễ nhận thấy nhất, đó là nếu như Lên đồng ở Bắc Bộ, nhất là Hà Nội, mang tính “kinh điển”, niêm luật, quy phạm, bao trùm lên đó là không khí linh thiêng, thì Lên đồng ở Nam Bộ diễn ra cởi mở, phóng khoáng. Sự giao tiếp giữa con nhang đệ tử với bà đồng, ông đồng tương đối cởi mở, do vậy, các buổi lên đồng ở đây thường náo nhiệt, vui vẻ hơn. Đấy là chưa kể trong hát chầu và âm nhạc chầu văn ở Nam Bộ dễ tiếp nhận những giao lưu với hát cải lương, thậm chí những âm điệu mới. Trong ăn mặc, lễ vật dâng cúng cũng đa dạng và phong phú hơn.

Cũng giống như đạo Mẫu ở miền Bắc, các đền miếu thờ Mẫu ở Nam Bộ tuân thủ các tuần tiết “Xuân thu nhị kỳ”, ‘Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ’, tức tháng ba giỗ Mẫu ở các đền miếu và tháng tám giỗ Đức Thánh Trần. Tuy phân chia như thế, nhưng cứ vào hai dịp Xuân Thu như vậy thì ở cả hai nơi thờ Mẫu và Đức Thánh Trần đều tiến hành các nghi lễ và hội hè. Điều này khác với thờ các vị nữ thần và mẫu thần mang tính bản địa của Nam Bộ.