Tín ngưỡng thờ thần, thành hoàng của người Việt

Nói đến đình và đền ở Hà Nội tức là nói đến việc thờ thần, thành hoàng, một tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời, là nói đến văn hóa tâm linh từ thời cổ còn lưu truyền đến ngày nay. Có thể hiểu tín ngưỡng là một trạng thái tâm lý liên quan đến các hiện tượng thiên nhiên, xã hội mà con người cảm thụ nhưng chưa nhận thức được, cho là có sức mạnh hơn con người và thiêng liêng, nên con người sợ hãi và kính cẩn mong được che chở, giúp đỡ. Theo Ang ghen, tín ngưỡng nguyên thủy là sản phẩm văn hóa của con người do trình độ sản xuất thấp kém, nên trong quá trình đấu tranh với tự nhiên đã nảy sinh tình cảm sợ hãi, nương tựa và thần bí. Vì vậy, họ lấy một vật tự nhiên hoặc một sức mạnh tự nhiên làm đối tượng để sùng bái, nhằm giải quyết những mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, phục vụ cho sản xuất và đời sống con người. Việc thờ thần và thành hoàng của người Việt cũng xuất phát từ tín ngưỡng nguyên thủy, bên cạnh hiện tượng tự nhiên có sức mạnh của con người (con người thần bí thiêng liêng). Tín ngưỡng thần và thành hoàng của người Việt biểu thị lòng sợ hãi và kính trọng của người nông dân trong một xã hội nông nghiệp đối với cái thiêng liêng. Mục đích là cầu mong đời sống no ấm, yên ổn; tín ngưỡng thần và thành hoàng ở đây chưa thành tôn giáo nhân tạo vì chưa có một đấng tối cao, chưa có mô hình một thế giới khác, một xã hội lý tưởng. Chỉ cần một số nghi thức kính trọng thì cái đáng kính, sợ, thiêng sẽ giúp đỡ, phù hộ.

Tín ngưỡng thờ thần là tín ngưỡng bản địa của người Việt, tồn tại trước khi phong kiến Trung Hoa du nhập tục thờ thành hoàng vào Việt Nam từ thời Đường. Theo các sách Trung Hoa, từ thời cổ đại, họ đã thờ thành hoàng, và thành hoàng theo họ là vị thần bảo hộ thành trì cấp quốc gia, cấp phủ, châu, huyện, xã và thôn; thành hoàng bảo vệ các quan cai trị và cư dân trong một thành trì. Sách Trung Quốc thần bí văn hóa viết: “Thành hoàng tức là thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm thành, đào hào làm hoàng.”

Trong thời kỳ Bắc thuộc, năm 823, viên quan cai trị Trung Hoa là Lý Nguyên Gia xây La Thành đã dựng đền thờ Tô Lịch làm thành hoàng La Thành. Năm 866, Cao Biền xây thành Đại La lại, phong Tô Lịch làm Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Phan Rê Bính trong “Việt Nam phong tục” cũng nói về tục thờ thành hoàng có nguồn gốc từ bản địa kết hợp với việc du nhập từ Trung Hoa: “Xét về cái tục thờ thần hoàng này từ đời Tam Quốc trở về đã có từ những ngày xưa, thì nhà vua nhân có việc cầu dẫn gì mới thiết lập đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đúc Dụ làm tướng mới bắt đầu lập miếu thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ. Nước ta lúc bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tầu truyền sang đến bên này; kể đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi. Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn, đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tế cho việc ấm tí một phương mà thôi. Kế sau triều đình tính biểu những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đó thờ. Từ đó, dân gian dần dần bắt chước nhau, làng nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tế trong đình làng. Làng nào có sẵn người anh hùng hào kiệt mất đi thì thờ ngay người ấy; làng nào không có thì đi cầu lấy một vị thần linh khác rước về mà thờ. Hoặc nơi thì nhân việc mộng mị, việc bói khoa, việc tà khẩu, tin là một sự linh dị mà thờ. Hoặc nơi thì vì một sự ngẫu nhiên cho là thiêng liêng và xin duyệt hiệu để thờ. Té ra làng nào cũng có đền, xã nào cũng có miếu. Đến cả những xã mới lập trước hết cũng nghĩ ngay đến việc thờ thần.

Tổng chi là dân ta tin rằng: đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, cảnh thổ nào cũng phải có thành hoàng, vậy phải thờ phụ để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc sự thần một tịnh.”

Qua nhiều công trình nghiên cứu, tín ngưỡng thờ thành hoàng ở Việt Nam đã được du nhập từ Trung Hoa vào thời Bắc thuộc. Làng xã Việt Nam không phải là thành trì, người Việt Nam ở làng xã có tín ngưỡng nguyên thủy thờ thần. Việc thờ thần đã được kết hợp với việc thờ thành hoàng từ phương Bắc do phong kiến Trung Hoa đem vào và được phong kiến Việt Nam, với ý thức tự chủ, đã giành được độc lập, áp dụng theo, đã trở thành tín ngưỡng thờ thần thành hoàng của làng Việt Nam.

Căn cứ vào các bản thần tích cổ khi Lý Thái Tổ dời đô ra Đại La, đổi tên thành Thăng Long, đã phong Tô Lịch làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Sau đó, các vua Trần phong thêm các mỹ tự: Bảo Quốc, Hiến Linh, Định Bang cho Thành Hoàng Tô Lịch. Theo sách “Việt điện u linh” và “Lĩnh Nam chích quái,” đời Trần đã sắc phong cho 25 vị thần. Đến đời Lê, nhất là từ Lê Thánh Tông, việc phong sắc cho thần ở các địa phương được thực hiện thường xuyên; các thần phả, thần tích đã được ghi lại trong các bia hay văn bản. Đến đời Nguyễn, việc phong sắc thần cũng được chú ý thực hiện, nhất là dưới đời Minh Mệnh và Tự Đức.

Tín ngưỡng thờ thành hoàng tuy là một phạm trù ngoại lai nhưng lại mang một nội hàm bản địa Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua sự tích của các thần được thờ làm thành hoàng của các đình là các phúc thần nông nghiệp mà hầu hết là nhân thần. Ở các làng Việt, không có thành, không có hào nên ban đầu không có thành hoàng bảo hộ như nguyên gốc từ Trung Hoa, song sự kết nối của những người nông dân Việt Nam trong một khu vực cư trú, làm nông nghiệp đều phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên khi khoa học chưa phát triển. Họ cùng có tín ngưỡng nguyên thủy như nhau, nên đã cùng thờ một hoặc nhiều vị thần chung giống nhau và các thần đó đã biến thành thần của làng. Khi giai cấp phong kiến Việt Nam đã giành được độc lập, ý thức được việc xây dựng một quốc gia tự chủ thì việc áp dụng tín ngưỡng từ phương Bắc cũng là một việc cần thiết.

Đến thế kỷ 15, khi nhà nước phong kiến toàn thịnh, triều đình đã thể hiện sự thống nhất về uy quyền đến tận làng xã, nên đã phong cho các thần làng làm thành hoàng làng theo cấp bậc. Việc sắc phong cho thần làng chính là nhằm thâu tóm tinh khí đất nước vào trong tay chính quyền trung ương. Vua sắc phong cho thành hoàng các làng thì rõ ràng vua là đấng tối cao của cả nước. Thành hoàng làng là chủ tể cho một làng về mặt tinh thần mà dân vẫn tế thờ phải chịu sắc phong do vua ban, tức là dưới vua, vậy thì uy quyền của vua là rất lớn. Dân làng đã quy phục uy quyền của thành hoàng thì tất nhiên phải quy phục trước quyền uy của Thiên tử. Thần quy phục phục vụ cho quân quyền, đó là sự kết hợp chặt chẽ dưới chế độ phong kiến ở nước ta trong hàng ngàn năm.

Triều đình phong kiến phong sắc cho thành hoàng làng có chọn lọc. Căn cứ vào thần thờ ở các làng, theo đề nghị của các quan sở tại, Bộ Lễ của triều đình chỉ phong sắc cho các thần có hai tiêu chuẩn: phò vua bảo vệ vương triều (ám phù) và giúp dân làng làm ăn phát đạt và qua khỏi các tai họa. Việc phò vua thì căn cứ vào các lời mộng mị, chiêm bao của các tướng tá giúp vua đánh giặc hoặc huyền thoại trong dân gian (như thần Dã Tượng; Huệ Thiên; Thành hoàng Trường Nhạc,…). Việc giúp dân còn theo tục xưa đã thành nhiều tích: tương trợ thần hộ cho dân vào mùa màng hay đến mùa thu hoạch, hoặc giúp đỡ về mặt hôn nhân của dân làng, chữa bệnh, có mồ yên mả đẹp… nên thần phò vua hoặc giúp dân hoặc cả hai.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao con người thường thờ thành hoàng làng hơn thờ thần khác? Đây là vì từ nguyên thủy, trong một khu vực nông thôn tập trung đông dân cư, con người phải sống gần gũi với nhau, sống từ ruộng, đất, sông… để phụ thuộc lẫn nhau, nên thần bảo hộ làng ra đời. Hơn nữa, trong lịch sử từ khi có chính quyền thì làng xã chính là một đơn vị hành chính thấp nhất trong nước. Làng là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng của người dân, nơi có chế độ thần linh bảo vệ. Từ đó, không gian cư trú đã xuất hiện nên tín ngưỡng thần bảo vệ cho làng đã xuất hiện. Thần bảo vệ cho làng được thờ một cách trang trọng như một vị vua bảo vệ quốc gia, nên họ được coi là thành hoàng.

Có một điều cần chú ý rằng, người dân Việt Nam thờ thành hoàng ở làng chứ không phải ở đền, miếu hay cung điện. Điều này có thể hiểu rằng đền thờ chỉ là một không gian tín ngưỡng thuộc về tầng lớp thượng lưu (quý tộc), hay thờ những thần rất linh thiêng, mà người dân thấp cổ bé miệng không có quyền ra vào. Hơn nữa, đối với người dân nông thôn, ngôi đền rất xa vời với họ, và trong tiềm thức của người nông dân, thần linh bao giờ cũng gần gũi hơn với nơi ở của họ. Khi họ sống ở làng, tự động thần làng chính là thần bảo vệ cho dân làng, giúp cho dân làng được an khang thịnh vượng.

Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng rất đa dạng và phong phú. Về số lượng, mỗi làng có thể có một hoặc vài thần bảo vệ, như làng có thần hộ trì, có thần núi, có thần sông, có thần ruộng. Về phẩm chất, vị thần bảo vệ làng mang đặc điểm rất riêng, như thần phò vua, thần phù hộ cho các nghề nghiệp truyền thống của làng. Khi có tín ngưỡng thờ thành hoàng làng thì các chức năng của thần hoàng làng xuất hiện, và do đó mà sự quan hệ giữa con người với thần linh đã trở thành mối quan hệ phức tạp, đa chiều và tồn tại từ lâu đời, trở thành một tín ngưỡng mạnh mẽ của người dân Việt Nam.

Bên cạnh các chức năng như vậy, thành hoàng còn thực hiện những chức năng văn hóa: dân gian yêu cầu vị thần làng bảo hộ cho mình và thể hiện trong các cuộc tế lễ hàng năm tại đình. Tại đình làng, các quan làng cùng nhau làm lễ tế thành hoàng để tri ân đến thần. Lễ hội đình được tổ chức vào ngày sinh thần của thành hoàng, nên nó trở thành hoạt động văn hóa quan trọng của làng.

Nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ thành hoàng làng ở nước ta có thể thấy rõ khi các vị thần được thờ đều có sự tích nổi tiếng của mình. Các thần này được thờ không chỉ là để tôn vinh mà còn để cảm ơn các bậc tiền nhân, những người có công giữ gìn đất nước hay phát triển nghề nông. Tín ngưỡng thờ thành hoàng của người Việt Nam đã trở thành một bộ phận quan trọng trong văn hóa dân tộc, kết nối giữa con người với nhau và giữa con người với thần thánh.

Phò vua giúp nước là sự thật, không thể tô vẽ gán ghép, và cũng được thêm vào những việc linh thiêng đối với dân làng. Nội dung các sắc phong cho thành hoàng làng nào cũng có những câu như: “Thần rất anh dũng, thông minh tài giỏi, đánh giặc phù hộ đất nước, cứu giúp cho dân được bình an.” Đối với các làng đã thờ các vua triều trước làm thành hoàng, như Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ… thì các vua triều sau không có phong sắc.

Các sắc phong của vua cho thành hoàng làng thường có các phần:

  • Tên địa phương có vị thần.
  • Tên vị thần và các mỹ hiệu (nhiều khi không có tên người).
  • Chức danh thành hoàng.
  • Vua cho địa phương được tôn thờ.

Các mỹ từ của thành hoàng thường là đề cao các tài năng phi thường hiển linh, danh hiệu tôn quý mà các triều đại đã phong cho thần. Các mỹ từ của thần cứ qua các triều đại lại dài thêm ra, có khi lên đến hàng trăm từ như thần Bạch Mã…

Sau đây là sắc phong của Bộ Lễ triều Lê cho thần Cao Sơn Quý Minh, được thờ ở nhiều nơi của Hà Nội và cả nước, trích trong Bách Thần Lục: “Sắc chỉ: Ban sắc hiệu thần Đại Đô Thành Hoàng Thiên Hạ Sơn Tinh Tản Viên Quý Minh thánh vương đang tôn thần. Sắc Quý Minh thánh vương Sơn Tinh Thành Hoàng hùng trấn anh linh, tôn nghiêm, chính thuận, anh dục sơn xuyên tứ chung hà hải cao phối thiên, hậu phối địa, hộ quốc bảo dân, hách quyết thanh trọc quyết linh, âm phù quốc tộ hoàng đồ củng cố, tân huệ thuỳ hưu tự vương tiến phong thượng đẳng thần.

Ngự chỉ nghi tứ thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Sơn Tây trấn, Lam Thao quận, Hoa Khê huyện, Nguyên Xá tông, Thuỵ Biểu trang, Thủy cầu trại phụng linh thần hữu phản hồi tự sự tương hựu bảo ngả ỉê dân. Khảm thử. Hồng Phúc nhị niên nhất nguyệt nhị thập nhật”.

Dịch nghĩa như sau: “Sắc chỉ ban thần hiệu Đại Đô Thành Hoàng cho thiên hạ Sơn Tinh Tản Viên Quý Minh thánh vương các tôn thần. Sắc phong Quý Minh thánh vương làm Sơn Tinh thành hoàng hùng trấn anh linh, tôn nghiêm, chinh thuận, anh dục sơn xuyên tứ chung hà hải cao phối thiên, hậu phối địa, hộ quốc bảo dân, hách quyết thanh trọc quyết linh, âm phù quốc tộ hoàng đồ củng cố, tân huệ thuỳ hưu. Các đời vua đã tấn phong, theo lề cần thăng trật. Nay sắc phong thượng đẳng thần. Vẫn cho dân trại Thủy cầu, trang Thủy Biểu, tông Nguyên Xá, quận Lâm Thao, trấn Sơn Tây, phụng lĩnh thần vị về thờ cúng để thần về phù hộ dân ta. Khảm thử. Hồng Phúc năm thứ hai ngày 20 tháng giêng.” (Giáp Tuất – 1574).

Trong thực tế, không phải tất cả các thần linh được thờ ở các đền đình làng xóm đều được triều đình công nhận là thành hoàng làng. Không phải một vị thần được thờ ở nhiều nơi đều được sắc phong là thành hoàng, và cá biệt cũng có thần được sắc phong là thành hoàng nhưng không được dân làng thờ mà lại thờ một thần khác. Có xã lại có thờ nhiều thành hoàng. Thần Cao Sơn, có thần tích cho là một trong 50 người con của Lạc Long Quân, được thờ ở thôn Dịch Vọng Tiền, phường Cầu Giấy, Hà Nội cũng đã được thờ ở 2017 nơi trong các đền ở cả nước, nhưng mới chỉ có 1771 nơi có sắc phong là thành hoàng. Xã Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội thờ đến 5 thành hoàng. Theo tư liệu điền dã của Nguyễn Duy Hinh trong “Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam” – Nguyễn Duy Hinh, trang 63.

Theo sách đã dẫn, trang 71, về các vị thần và thành hoàng được thờ ở đình, đền, miếu… chúng ta có thể phân chia ra làm 2 loại: loại thứ nhất gồm những nhân vật truyền thuyết, huyền thoại từ thời kỳ cổ đại như Tản Viên, Thánh Gióng…; loại thứ hai gồm những nhân vật lịch sử có tên tuổi được ghi trong lịch sử hoặc dã sử như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và các danh tướng. Có những thần tuy không có công với cả nước nhưng đã có công với dân trong vùng trong việc khai hoang, chống lụt, dạy nghề, cùng đều thuộc loại này.