Hồ Hoàn Kiếm (còn gọi là hồ Gươm) và đền Ngọc Sơn là những di tích, thắng cảnh nổi tiếng, là niềm tự hào của người Hà Nội và nhân dân cả nước khi hướng về Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Hồ Hoàn Kiếm là một hồ nước ngọt nằm giữa Thủ đô Hà Nội, có diện tích khoảng 12 ha. Hồ nổi tiếng với màu nước xanh lục, màu lục thủy do một loài tảo đặc trưng sống trong hồ mang lại. Hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng. Do nước hồ quanh năm có màu xanh biếc, trước đây hồ được gọi là hồ Lục Thủy. Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ, về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng một cụ rùa lớn xuất hiện. Lê Thái Tổ giơ gươm ra thì gươm bay về phía cụ rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thủy có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm. Trên hồ có hai hòn đảo: đảo Ngọc và đảo Rùa. Năm 1865, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra sửa sang lại đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc. Trên gò Ngọc Bội, ông cho xây một ngọn tháp hình bút, đó là tháp Bút ngày nay, và bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc (tên cầu có nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời). Tháp Bút được xây dựng trên núi Ngọc Bội (núi Độc Tôn cũ). Đỉnh tháp hình ngọn bút lông dựng ngược, thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi là Tháp Bút. Đài Nghiên là phần không thể thiếu của Tháp Bút. Ba chân kê nghiên có hình tượng ba con cóc. Trên thân nghiên khắc một bài minh, gồm 64 chữ Hán nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết học. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.
Đền Ngọc Sơn được xây dựng từ thế kỷ XIX. Lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi thành đền Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương, ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử, và thờ Đức Đại vương Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc có công lãnh đạo quân dân đánh thắng quân Nguyên thế kỷ XIII. Lịch sử ghi lại rằng khởi nguyên, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, ngôi đền đã có tại đây được gọi là Ngọc Tượng. Đến đời nhà Trần, đổi tên thành Ngọc Sơn. Thời Trần, ngôi đền để thờ những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 – 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía đông đối diện với Ngọc Sơn, gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội. Cuối đời Lê, cung Thụy Khánh bị Lê Chiêu Thống phá hủy. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn trên nền cung Thụy Khánh cũ. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), một hội từ thiện đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đưa tượng Văn Xương Đế quân vào thờ và đổi tên thành đền Ngọc Sơn (Văn Xương là nhân vật đời Kiến Vũ, Trung Quốc, sau khi chết được phong là thần chủ về văn chương khoa cử).
Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất ở phía Bắc thờ Đức Đại vương Trần Hưng Đạo và Đức Văn Xương Đế quân. Phía Nam có đình Trấn Ba, đình hình vuông có tám mái, mái hai tầng có tám cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ. Kiến trúc của đền rất đẹp; tuy không phải là một công trình kiến trúc có lịch sử dài, song đền Ngọc Sơn là một điển hình về sự kết hợp giữa cảnh quan tự nhiên và kiến trúc do con người xây dựng. Sự kết hợp giữa đền và hồ đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, gợi nên cảm giác hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
Khu Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 10-7-1980.