Chùa Phật Tích còn có tên là chùa Vạn Phúc, thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đây là địa điểm tâm linh nổi tiếng tại khu vực phía Bắc, không chỉ bởi cảnh quan kiến trúc và lịch sử mà còn bởi những bảo vật vô giá được lưu giữ tại chùa.
Chùa được khởi công xây dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057).
Theo các nhà nghiên cứu, ngôi chùa được xây theo lối nội công, ngoại quốc và mang đậm phong cách kiến trúc thời Lý (1010-1225). Chùa tọa lạc trên núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha, núi Tiên Du, núi Nguyệt Hằng), cửa mở ra hướng Tây, trước mặt là sông Đuống, có nhiều kết cấu bằng đá như: thềm đá, bậc thang đá, tường kè bao quanh bằng đá…
Dấu tích kiến trúc cổ xưa của chùa cho thấy: ở giữa là ngôi tiền đường gồm 11 gian, tòa thiêu hương gồm ba gian, tòa thượng điện năm gian, tòa hậu cung chín gian; hai bên là hai dãy hành lang, mỗi dãy bảy gian, phía trái có nhà phương trượng năm gian, phía trước kề liền đó là tòa nhà Tổ với năm gian trước và ba gian điện phía sau. Trải qua thời gian và sự tàn phá của con người, nhiều công trình kiến trúc đẹp của chùa đã trở thành phế tích. Hiện nay, chùa còn lại bảy gian tiền đường dùng để tiếp khách, năm gian nhà thờ Phật, tám gian nhà Tổ và bảy gian nhà thờ thánh Mẫu.
Sau chùa có khu vườn tháp với 32 ngọn tháp lớn nhỏ xây bằng gạch và đá. Phần lớn các ngọn tháp này được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Đây là nơi cất giữ xá lỵ của các vị sư trụ trì.
Điểm độc đáo của chùa Phật Tích không chỉ ở những công trình kiến trúc mà còn ở các tác phẩm điêu khắc đá cổ kính.
Tác phẩm điêu khắc đá đầu tiên phải kể đến là pho tượng đá A Di Đà. Thân tượng được chế tác từ đá xanh nguyên khối. Tượng được tạc trong tư thế ngồi kết già trên tòa sen được tạc bằng đá. Hai bàn tay để ngửa, chồng lên nhau, đặt trên đùi. Lớp áo ngoài buông xuống phủ kín đôi chân. Thân hình tượng thanh mảnh, ngồi với tư thế hơi dướn lên phía trước, khuôn mặt hiền từ, khẽ mỉm cười. Tòa sen được đặt trên bệ đá hình bát giác được chạm khắc rất tinh xảo. Bệ tòa sen tạo hình từ các đóa sen đang nở với hai tầng cánh. Tầng trên chạm đôi rồng, bệ bát giác, các họa tiết trang trí được chạm khắc cả bề mặt. Mặt bên của cả hai tầng đều chạm hình đôi rồng đang vờn nhau, ẩn hiện trong mây. Mặt trên của tầng diềm chạm những chùm hoa dây mềm mại. Cuống hoa có hình ảnh nhiều người leo trèo. Mặt dưới là hình sóng nước cách điệu. Tất cả đều rất tỉ mỉ, sống động.
Tác phẩm điêu khắc đá thứ hai mang giá trị nghệ thuật là tượng mình người đầu chim đang vỗ trống. Tượng được tạc bằng chất liệu đá xanh. Khuôn mặt tượng phúc hậu hiền từ, toát lên vẻ trí tuệ và thánh thiện. Pho tượng này có lẽ là hình ảnh của thần nhạc công.
Tác phẩm điêu khắc đá thứ ba là chân cột bằng đá chạm hình ảnh dàn nhạc đang hoạt động. Chân tảng đá được chạm nổi ở cả bốn mặt, tạo thành những mảng bố cục theo chiều ngang. Lấy điểm giữa là một bông sen, tác phẩm điêu khắc chia thành hai phần đối xứng qua bông sen ấy, mỗi bên có năm người, trong đó có bốn nhạc công và một người dâng lễ. Cả tám nhạc công đều trong tư thế đang vừa nhảy múa vừa sử dụng nhạc cụ trên tay. Những nhạc cụ mà các nhạc công sử dụng là trống cơm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn thập lục, tiêu, sáo, nhị, trống da.
Tác phẩm điêu khắc thứ tư là hàng linh thú trước sân chùa. Mười linh thú gồm năm đôi: tê giác, ngựa, trâu, voi, sư tử. Những con vật này đều gắn bó hoặc có liên quan đến cuộc đời và nghiệp truyền đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tác phẩm điêu khắc thứ năm là ao rồng. Tại giữa cửa tầng nền thứ ba, cách mép nền 14,30m có một ao nhỏ, gọi là Long trì (ao rồng). Ao có chiều dài 7m, rộng 5m, sâu 2m. Xung quanh bờ đều được kè bằng đá tảng, vách đứng, vuông góc. Dưới đáy ao rồng có chi tiết chân rồng được tạc bằng đá với bắp chân to, mập và bộ móng chắc khỏe.
Lễ hội chùa Phật Tích được tổ chức vào ngày mồng 4 Tết Nguyên Đán hằng năm, thu hút hàng nghìn người đến dâng hương, cầu phúc và vãn cảnh chùa.
Ngày 28-4-1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 313/VH-VP công nhận chùa Phật Tích là Di tích lịch sử – văn hóa. Gần đây, ngày 31-12-2014, Chính phủ đã ra Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Phật Tích là Di tích quốc gia đặc biệt.