Lễ hội ở đình, đền

Đình, đền ở làng thường mở lễ hội hàng năm vào các ngày sinh, ngày hóa của thần, thành hoàng để tỏ lòng biết ơn thánh thần, cầu mong phù hộ cho đời sống yên vui, làm ăn phát đạt. Các nghi thức của việc tế lễ cũng tùy theo tập tục của việc thờ cúng từng thần, từng làng. Trong việc tế lễ thần, thành hoàng thường có việc rước thần, diễn lại sự tích của thần trong việc đánh đuổi quân giặc ngoại xâm (như Phù Đổng) hay các thế lực quấy rối khác. Người ta rước kiệu bát cống trên có đặt ngai thờ thần, do tám trai tráng khiêng; phía trước là cờ quạt, hai bên là tàn lọng, kèm theo là phường bát âm thổi các điệu với kèn trống, đàn, nhị, sáo… Những phu đinh đi rước cũng thường được mặc quần áo như trang phục của lính thú thời xưa (Xem lễ hội đền Phù Đổng và đền Sái ở Thụy Lâm, Đông Anh).

Sau phần lễ thần đến phần hội có các trò chơi như đấu vật, bơi trải, hát xướng, thi nấu cơm, cờ người, múa rối, múa bông, chọi trâu, chọi gà… đã được tổ chức, lôi kéo nhiều dân làng tham gia. Hội trong ngày lễ thường gắn với sự tích của thần được thờ, nhằm diễn lại việc đánh giặc hay hy sinh của thần. Hội bơi trải ở làng Đăm (xã Tây Tựu), làng Diễn (xã Phú Diễn) nhằm diễn lại việc tiên quân đánh phương Bắc của thần Bạch Hạc Tam Giang, là tướng của Vua Hùng Duệ Vương. Hội bơi trải của làng Đại Cát và Thương Cát trên sông Hồng để tưởng nhớ đến 2 vị nữ tướng của Hai Bà Trưng là Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương đã luyện tập quán thủy trên sông Hồng; và đến ngày mồng 10 tháng 3, bỗng nhiên bị gió xoáy, hai thần cùng quân sĩ đều bị chết.

Hội thổi cơm thi ở (tình Thị Cấm thờ thần Phan Tầy Nhạc, là bộ trưởng của Vua Hùng Duệ Vương) nhằm tuyển chọn người thổi cơm giỏi để nuôi quân lính đánh giặc. Hội thổi cơm thi ở làng Nghĩa Đô để tưởng nhớ đến việc làm của Hồng Nương và Quế Nương đã thổi cơm cho tướng lĩnh của Vua Lê Đại Hành đánh quân Tống; sau khi mất được vua sai lập đền thờ và phong tặng. Hội được tổ chức gắn liền với lễ. Để biểu dương tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe đấu tranh với thiên nhiên và chống ngoại xâm giữ nước, là những màn diễn xướng tổng hợp văn nghệ, thể thao được đông đảo dân làng chờ đón và tham dự vui vẻ.

Lễ hội làng ngày xưa có ý nghĩa thiêng liêng, là một sinh hoạt văn hóa tâm linh cần thiết, nhắc nhở dân làng nhớ về cội nguồn, biết ơn tiền nhân. Nó cũng là hình thức liên kết cộng đồng, vui chơi giải trí sau những ngày làm ăn vất vả khó nhọc, chuyển giao các hình thức văn hóa, khích lệ óc sáng tạo thẩm mỹ.

Ngoài lễ hội chính trong một năm, ở các đình, đền còn có những lễ vào các ngày sóc, vọng (ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng). Các bô lão trong làng đem lễ vật gồm oản, chuối, trầu, rượu hoặc xôi gà, rượu để tế. Sau khi tế, lễ vật được đem ra chia cho những người dự, gọi là cỗ kiến tại. Cũng có khi chỉ chia tại chỗ một nửa, còn một nửa chia cho những người không có mặt.

Trong một năm còn có ngày lễ vào các ngày tuần tiết như Lễ thượng điền, hạ điền mở đầu hoặc kết thúc vụ mùa cấy cấy của một năm. Cũng còn Tế kỳ phúc vào mùa xuân và mùa thu để cầu thần cho dân được bình an. Các ngày Tết trong năm cũng có tế lễ thần ở đình làng, như Tết nguyên đán, Tết thanh minh, Tết đoan ngọ, Tết trung nguyên, Tết trung thu, Tết trùng thập… Trong làng, các nhà có công việc như cưới xin, ma chay, sinh con… cũng đem lễ ra đình, đền lễ thần. Lễ vật có thể là lễ chay hoặc lễ mặn tùy theo hoàn cảnh mà to, nhỏ, nhiều, ít tùy tâm, song cốt ở tấm lòng thành.

Ngày nay, các đình, đền thường mở lễ hội năm một lần. Đình, đền vẫn là những nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Khách đến dâng hương nơi đình, đền là để thỏa mãn nhu cầu văn hóa truyền thống, uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiền nhân, anh hùng tổ tiên như lễ đền Kiếp Bạc, đền Đồng Nhân… Song cũng có nhiều người thể hiện tín ngưỡng, cầu mong tài lộc, phúc đức… Người đi lễ đình, đền để thực hành tín ngưỡng trước hết phải có tâm thành, phải xua đuổi, xóa bỏ những bất chính xấu xa, phải có thiện tâm.

Lễ vật có thể là lễ chay hoặc lễ mặn tùy theo tập tục nơi đình, đền. Lễ vật gồm có lễ trình nơi thần thổ địa và lễ chính nơi thần ngự. Sau khi bày xong lễ vật thì thắp hương từ trong ra ngoài. Khi thắp hương cần thắp theo số lẻ 1, 3, 5 hoặc 7 nén. Sau khi châm hương, dùng hai tay cắm vào bình hương trên bàn thờ. Hết tuần hương thì tiến hành hạ lễ; khi hạ lễ thì hạ từ ban ngoài vào đến ban chính. Đồ lễ thường được để lại một phần biếu người trông coi đền, đình. Ở nơi có đặt hòm công đức, người đi lễ tùy tâm bỏ tiền nhiều, ít vào sau khi lễ.

Đối với khách vãng cảnh và du lịch, dù không thực hành lễ nhưng theo phong tục vẫn nên thắp hương cắm nơi ban thờ sau khi vái. Dù không thực hành tín ngưỡng, nhưng đến vãng cảnh nơi đình, đền thờ cúng thánh thần cần giữ nếp sống có văn hóa, không có những hành vi, lời nói ồn ào, thô tục và nên tôn trọng tín ngưỡng của người khác.