Cách vái lạy khi cúng gia tiên
Vái thường được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường hợp, người ta vái 2, 3, 4, hay 5 vái.
Vái thì chỉ thực hiện sau khi lạy và chỉ 2 vái mà thôi (cho dù có thực hiện 2, 3, hay 4 lạy cũng thế).
Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác đối với người trên hay người quá cố vào bậc trên của mình. Lạy tức là chắp hai tay đưa cao quá trán và hạ từ từ xuống phía trước mặt đến ngang ngực và trong một số trường hợp rất cung kính thì người lạy tiếp tục quỳ xuống, chống hai lòng bàn tay xuống đất rồi đầu cúi xuống đến khi trán chạm đất thì hết quy trình 1 lạy. Nếu người lạy ở tư thế đứng lạy thì có thể kẹp thêm một nén nhang giữa hai lòng bàn tay úp vào nhau cũng được. Với động tác lạy thì người lạy phải nhìn về phía trước, khi tay đưa xuống thì đầu đồng thời cúi xuống theo. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều mang ý nghĩa khác nhau.
Thế lạy của đàn ông: Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và giơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quỳ gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quỳ để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quỳ cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy. Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
Có thể quỳ bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quỳ chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quỳ chân nào xuống trước thì khi chuẩn bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa học và vững vàng, sở dĩ phải quỳ chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn bị đứng lên cũng vậy. Sở dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.
Thế lạy của phụ nữ: Thế lạy của phụ nữ là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết. Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.
Cũng có một số người lại áp dụng thế lạy theo cách quỳ hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này không những làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không đẹp mắt.
Thế lạy của đàn ông có vẻ hùng dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của phụ nữ có tính chất uyển chuyển tha thướt, tượng trưng cho âm. Thế lạy của đàn ông có điều bất tiện là khi mặc âu phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao niên còn áp dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.
Thế lạy của đàn ông và phụ nữ là truyền thống rất có ý nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành khẩn vừa trang nghiêm trong lúc cúng gia tiên. Nếu muốn giữ phong tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh niên phải có lòng tự nguyện. Muốn áp dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập dượt lâu mới nhuần nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.
Số lần lạy và vái đều mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là phong tục đặc biệt của Việt Nam ta.
Ý nghĩa của 2 lạy và 2 vái: Hai lạy dùng để áp dụng cho người sống như trong trường hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ. Khi đi phúng điếu, nếu là vai dưới của người quá cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em…, ta nên lạy 2 lạy. Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý nghĩa của ba vái này, như đã nói ở trên, là lời chào kính cẩn, chứ không có ý nghĩa nào khác. Nhưng trong trường hợp người quá cố còn để trong quan tài tại nhà quàn, những người đến phúng điếu, nếu là vai trên của người quá cố như các bậc cao niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì… của người quá cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan tài đã được hạ huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái. Theo nguyên lý âm dương, khi chưa chôn, người quá cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng trưng cho âm dương nhị khí hòa hợp trên dương thế, tức là sự sống. Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải lạy 4 lạy.
Ý nghĩa của 4 lạy và 4 vái: Bốn lạy để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Nói chung, bốn lạy bao gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú ngụ.
Bốn vái dùng để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp dụng thế lạy.
Ý nghĩa của 5 lạy và 5 vái: Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, và thổ), vua tượng trưng cho trung cung tức là hành thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý kiến cho rằng 5 lạy tượng trưng cho bốn phương (đông, tây, nam, bắc) và trung ương, nơi nhà vua ngự trị. Ngày nay, trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương, trong ban tế lễ thường lạy 5 lạy vì Hùng Vương là vị vua khai sáng giống nòi Việt.
Năm vái dùng để cúng khi không thể áp dụng thế lạy vì quá đông người và không có đủ thời giờ để mỗi người lạy 5 lạy.
Phong tục có được là do thói quen mà mọi người đã chấp nhận, nhiều khi không giải thích được lý do tại sao lại như thế mà chỉ biết làm theo cho đúng thôi. Trong mỗi gia đình Việt Nam, dù theo đạo nào cũng vậy, chúng ta, con dân nước Việt, hãy cố gắng thiết lập một bàn thờ gia tiên. Có như thế, con cháu ta mới có cơ hội học hỏi cách thiết lập bàn thờ gia tiên, và hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng ra sao.
Thờ cúng là cách biểu thị lòng nhớ ơn gia tiên cũng như lòng thương và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt mà chúng ta cần phải duy trì. Lời khấn vái là lời nói chuyện với người quá cố, do đó lời khấn là tấm lòng của người còn sống, có thể khấn sao cũng được. Tuy nhiên, người xưa cũng đã đặt ra lễ khấn và lời khấn.
Lễ khấn gồm các thủ tục như sau: Sau khi mâm cỗ đã đặt xong thì gia trưởng ăn mặc chỉnh tề (ngày xưa thì khăn đóng áo dài) đi ra mở cửa chính. Ở xứ lạnh thì cũng phải ráng hé cửa chứ không đóng được cửa kín mít.
Sau đó phải khấn xin Thành hoàng, Thổ địa để họ không làm khó dễ linh hồn của gia tiên về hưởng lễ giỗ.
Người lạy đứng thẳng, chắp tay lên cao ngang trán, cong mình xuống, đặt hai tay vẫn chắp xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống gần bàn tay đang chắp (đây là thế phủ phục), cất đầu và mình thẳng lên đồng thời co hai tay vẫn chắp trước ngực và co đầu gối bên phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy, đem hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải mà đứng lên, chân trái đang quỳ tự nhiên theo cử động chót này cùng đứng thẳng lên. Người lạy, trước khi khấn đã lễ bốn lạy, và sau khi khấn từ tư thế quỳ đứng lên, đã qua như lễ được một nửa lạy, cho nên người ta thường nói là lạy “bốn lạy rưỡi” là vậy.
Cách vái lạy khi cúng Phật
Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, các đệ tử từ vua quan đến dân chúng, mỗi lần được may mắn gặp Đức Phật Thích Ca, đều cúi xuống ôm chân Phật và đặt trán mình lên chân Ngài để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn thờ một bậc tối thượng: Bi, Trí siêu phàm. Cử chỉ ấy là một cử chỉ vô cùng khiêm tốn, nhu thuận và hoàn toàn tin cậy đối với Đức Phật. Sau khi Phật nhập diệt, toàn thể tín đồ vẫn xem Ngài như còn tại thế, và cái cử chỉ cúi xuống ôm chân Phật vẫn còn tiếp nối tồn tại cho đến ngày nay và muôn ngàn năm sau. Cử chỉ ấy có công dụng làm cho tín đồ bao giờ cũng hình dung như Đức Phật còn ngồi trước mặt mình để chứng giám cho tấm lòng thành kính của mình.
Để cho đúng với ý nghĩa trên, khi lạy Phật phải quỳ xuống, ngửa hai bàn tay ra như đang nâng hai chân Phật và cúi lưng xuống đặt trán mình trên hai lòng bàn tay. Trước khi lạy Phật, phải rửa mặt, súc miệng, lau tay chân, thay y phục và mặc áo tràng. Xong xuôi, mới đốt hương ra trước bàn thờ Phật, đứng ngay thẳng, tay chắp để trước ngực, mắt nhìn tượng Phật, tâm tưởng đến các tướng tốt và những đức hạnh cao cả của Ngài, và tỏ bày nguyện vọng chân chính của mình, xá rồi cắm hương vào lư, đánh tiếng chuông và lạy Phật ba lạy. Lễ Phật như thế mới đúng pháp; trong kinh gọi là “thân tâm cung kính lễ”, nghĩa là thân tâm hăng hái tề chỉnh, nghiêm trang, tâm thì hớn hở vui mừng và hết lòng thành kính như gặp được Phật còn tại thế. Trái lại, chúng ta lễ Phật với lòng ngã mạn (ngã mạn lễ), hay với tâm cầu danh (cầu danh lễ), thì đã không có kết quả gì, mà còn mang thêm tội.
Về phương diện lý thì có bốn phép lễ:
- Phát trí thanh tịnh lễ: Trong phép này, người hành lễ phải thấu suốt rằng cảnh giới của Chư Phật đều tùy tâm hiện bày, nên lạy một Đức Phật, tức là lạy tất cả Chư Phật, lạy một lạy, tức là lạy tất cả Pháp giới, vì Pháp thân của Phật dung thông.
- Biến nhập pháp giới lễ: Trong pháp này, người hành lễ phải tự quán thân, tâm cùng tất cả các pháp, từ hồi nào đến giờ đều không rời pháp giới.
- Chánh quán lễ: Trong pháp này, người hành lễ lạy Đức Phật ngay nơi tự tâm của mình.
- Thật tướng bình đẳng lễ: Trong pháp lễ này, người lạy và đấng mình lạy, thể tính đều vắng lặng. Như thế mới thấu đáo và hợp lý Bát Nhã.
Bốn phép lễ này, lý cao khó nghĩ bàn, nếu chẳng phải bậc thượng căn, thượng trí, thì không thấu nổi và khó làm theo được.
Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy tượng trưng cho Phật, Pháp, và Tăng. Phật ở đây là giác, tức là giác ngộ, sáng suốt, thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chánh, tức là điều chính đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong sạch, thanh tịnh, không bợn nhơ. Đây là nói về nguyên tắc phải theo. Tuy nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.
Trong trường hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ Âu phục, nếu cảm thấy khó khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật.
Trong thế gian về mặt sự tướng, tức là về mặt hình thức, có ba cách lạy phổ thông mà người đời thường áp dụng. Trong ba cách lạy nói trên, có hai cách lạy mà người Phật tử chân chính cần phải để ý và tuyệt đối không nên áp dụng. Hai cách lạy đó là Ngã Mạn Lễ và Cầu Danh Lễ. Hai cách lạy này chính là những tật xấu không thể có nơi con người thánh thiện.
- Ngã Mạn Lễ: Nghĩa là người lạy Phật hoặc lạy Ông, lạy Bà, lạy gia tiên, vì hoàn cảnh bắt buộc phải hành lễ, nhưng thâm tâm của họ không muốn lạy, do đó họ lạy với cử chỉ ngạo nghễ, thái độ kiêu căng, không có chút nào lễ độ cung kính cả. Đầu họ lạy xuống không sát đất và họ đứng lên cúi xuống một cách cẩu thả cho qua việc. Họ vì sợ mất thể diện với bạn bè và sợ dơ bẩn quần áo quý giá của mình, nên buộc lòng phải lễ bái theo kiểu Ngã Mạn. Họ sợ mọi người chê trách mình là kẻ bất hiếu, bất nghĩa, bất tín, bất trung, cũng như họ quý trọng quần áo và bạn bè hơn chư Phật, gia tiên. Cách lạy đó gọi là Ngã Mạn Lễ.
- Cầu Danh Lễ: Nghĩa là người lạy vì mong cầu danh vọng, quyền tước qua sự chú ý và ngợi khen của cấp trên cũng như lấy lòng quần chúng ủng hộ. Khi có cấp trên cũng như khi có quần chúng, họ siêng năng lễ lạy để cho mọi người thấy rằng mình có đạo đức, thượng cấp nên nâng đỡ và quần chúng nên ủng hộ. Thật ra thâm tâm của họ không có chút gì tín thành cả và ngược lại, một khi không có ai, họ lại biếng nhác giải đãi trong việc lễ lạy. Như vậy họ lễ lạy vì mọi người chứ thật ra không phải lễ lạy cho chính họ. Cách lạy này gọi là Cầu Danh Lễ.
Đức Phật sở dĩ nêu lên trong kinh điển nhằm mục đích chỉ dạy cho người con Phật sau này phải ngăn ngừa và người con hiếu hạnh phải tránh xa.
“Thân tâm cung kính lễ”: Nghĩa là người lễ lạy phải thể hiện thân và tâm đều cung kính. Thân và tâm người lễ lạy đều cung kính thì sự lễ bái mới có giá trị. Nói cách khác, người lễ lạy phải chí thành cả thân và tâm, nghĩa là họ phải có đức tin trong sự lễ lạy thì sự cảm ứng rất dễ dàng với chư Phật, với các thánh hiền, với gia tiên. Ngược lại, tâm người lễ lạy nếu như thiếu cung kính thì thân họ sẽ hiện ra phong cách thiếu lễ độ dễ nhìn thấy (“Hữu ư trung xuất hình ư ngoại”, nghĩa là tâm ở trong như thế nào thì tướng hiện ra như thế đó). Người lễ lạy muốn cho thân và tâm đều cung kính thì phải theo cách lạy của Phật giáo mà ở trên đã giải thích và phải lạy thường xuyên để cho cung cách được thuần thục. Người lễ lạy đã thuần thục thì mới có khả năng nhiếp phục tâm loạn động của mình. Thân tâm cung kính lễ là cách lạy cơ bản của Phật giáo về mặt sự tướng, tức là về mặt hình thức mà người xuất gia cũng như kẻ tại gia phải hành trì cho nghiêm túc. Nhờ đó họ sau này mới đủ khả năng bước vào lĩnh vực Thánh giáo lễ của các bậc Thánh chúng về mặt lý tính không cảm thấy trở ngại.
Lạy là nghi thức rất phổ thông trong dân gian, mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn và niềm tôn kính đến với các đấng thần linh, các bậc thánh hiền có công khai phá giang sơn, bảo vệ sơn hà xã tắc, và gia tiên dòng họ tiếp nối. Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Trung Hoa, nên việc lễ lạy, từ hình thức đến nội dung, từ lễ gia tiên ông bà ở nhà cho đến lễ lạy Trời, Phật, Thánh, Thần ở đình, chùa, làng, miếu cũng đều bị ảnh hưởng theo.
Hầu hết các tôn giáo đều có lễ lạy nhưng với nghi thức và ý nghĩa khác nhau. Với Phật giáo, ý nghĩa và cách thức lễ lạy khác với các đạo giáo khác. Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ. Tại xứ này ngày xưa, dân chúng thường bày tỏ lòng tôn kính chân thành đến một người nào đó họ ngưỡng mộ kính mến bằng cách quỳ xuống sát đất, đặt trán mình lên chân của vị ấy. Đức Phật là vị Đạo Sư, là bậc giác ngộ được tôn kính đặc biệt tại xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Lúc đức Phật còn tại thế, mỗi lần nghe pháp hay thưa thỉnh việc gì, chư Tăng thường chắp tay lạy ba lạy rồi thưa hỏi hay ngồi nghe pháp. Đức Phật mặc nhiên chấp nhận cung cách này như là một tục lệ có từ lâu đời của xã hội Ấn Độ. Tuy vậy Ngài cũng không đặt thành nghi thức lễ lạy mà để tùy tâm các đệ tử. Sau khi Phật Niết Bàn, hình thức lễ nghi và sự tôn kính ấy vẫn được duy trì trong các hàng đệ tử của Ngài. Sự duy trì hình thức ấy với mục đích là luôn luôn xem đức Phật như còn tại thế. Chư Tăng mỗi khi tụng kinh ôn lại lời Ngài dạy, phải mặc áo cà sa trang nghiêm, lạy Phật ba lạy. Hàng đệ tử tại gia cũng theo quý chư Tăng lạy Phật như thế.
Tại sao lại lạy ba lạy mà không lạy hai lạy, bốn lạy hay năm lạy? Ba lạy chính là lễ lạy ba ngôi quý báu tức Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Người đời thường xem vàng, bạc, kim cương, hột xoàn, đô la, và danh lợi thế gian là quý báu. Nhưng thực tế cho biết những thứ này không đem lại hạnh phúc chân thực, không cứu được con người thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Nhưng với ba ngôi quý báu Tam Bảo: Phật, Pháp, và Tăng có năng lực dẫn dắt con người thoát khỏi mọi phiền não và ra khỏi sinh tử luân hồi.
Phật là Giác, là thức tỉnh ra khỏi sự u mê. Đức Phật là người đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Ngài là một bậc đạo sư, một người chỉ lối dẫn đường cho mọi chúng sinh, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy đầu tiên là để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ và nhờ ơn Phật, cùng là thề nguyện sẽ theo gương Ngài mà tu hành để về bến giác. Pháp là những lời Phật dạy các đệ tử, sau đó được ghi bằng chữ, gọi là Kinh và Luật. Còn Luận là những lời bàn luận của các vị Bồ tát, đệ tử của Phật để làm sáng tỏ thêm những lời Phật dạy. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy thứ hai là lạy Pháp bảo nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến những lời dạy của Phật, những lời dạy mà, nếu chúng ta thực hành sẽ có công năng đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bến bờ giải thoát. Tăng là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà xuất gia đi tu, giữ đầy đủ giới luật của Phật đặt ra, với mục đích tu hành giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh. Vì thế cái lạy thứ ba là lạy Tăng Bảo, từ các vị Thánh Tăng xuất thế đến các vị Tỳ Kheo trụ thế tu hành chân chính, đạo đức trong sạch, và giới luật trang nghiêm, để tỏ lòng thành kính và biết ơn những vị này đã sống đời sống lý tưởng, đã hy sinh gia đình tiền của và danh vọng, đã xem tiền bạc châu báu như rắn độc, danh lợi như đôi dép rách, sắc đẹp như cạm bẫy, ăn ngon mặc đẹp như xiềng xích trói buộc, để tình nguyện thay Phật dẫn dắt chúng sinh trên đường đạo.
Ngoài ý nghĩa lễ lạy Phật, Pháp và Tăng nêu trên, ba cái lạy cũng còn mang ý nghĩa lễ lạy ba ngôi quý báu bên trong chúng ta và trong mỗi chúng sinh, vì chúng sinh cùng chư Phật đồng một thể tính sáng suốt (Phật tính), đồng một pháp tính từ bi và bình đẳng (Pháp tính), và đồng một đức tính thanh tịnh, hòa hợp (Thanh tịnh tánh). Về cung cách lạy cũng có nhiều thứ. Người Ấn Độ cũng như Trung Hoa có nhiều cách lễ lạy khác nhau. Riêng Phật giáo Việt Nam thường lạy theo phương cách “Ngũ thể đầu địa”, tức là làm thế nào cho hai tay, hai chân và đầu chạm mặt đất. Đây là một phương cách lạy tôn kính nhất trong tất cả các cung cách lễ lạy. Khi lễ lạy, người Phật tử đứng ngay thẳng, hai chân khép sát vào nhau, hai bàn tay chắp sát lại nhau cho khít theo thế hiệp chưởng (không phải thế hình búp sen) tiêu biểu cho sự nhất tâm. Khi lạy Phật có người để hai tay trước ngực lạy xuống. Cũng có người đưa hai tay lên trán rồi mới lạy xuống theo phương cách ngũ thể đầu địa, tức là khi lạy phải quỳ xuống, ngửa hai bàn tay ra như đang nâng hai chân Phật và cúi lưng xuống đặt trán mình lên trên hai lòng bàn tay. Đối với phụ nữ, thường là quỳ thẳng lưng rồi lạy, chứ không đứng, vì hình thể đặc biệt của phụ nữ, khác với nam giới nên thế đứng thẳng trông hơi lộ liễu.
Trong đạo Phật bao giờ sự và lý cũng phải viên dung. Chúng ta lạy Tam Bảo với tất cả thân tâm thành kính nhớ ơn, thành kính nhớ ơn Phật, thành kính nhớ ơn Pháp, và thành kính nhớ ơn Tăng. Thế còn cái tâm của chúng ta trong khi lạy phải như thế nào? Nghĩ ngợi gì? Tưởng nhớ đến ai, đến cảnh gì, vật gì? Hay là để tâm không nghĩ ngợi, không cầu mong điều gì? Chúng ta hãy nhớ lại bài kệ “Quán tưởng” mà chúng ta thường tụng trước khi đảnh lễ:
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,
Ngã thử đạo tràng như Đế Châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.
Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
Lưới Đế Châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật hiện hào quang sáng ngời,
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,
Cúi đầu xin thề nguyện quy y.
Như thế thì bản chất Phật và chúng sinh vốn là “không tịch” lặng lẽ, tạm gọi là chân tâm. Chỉ từ khi bắt đầu khởi niệm, là bắt đầu bị cuốn vào dòng vô minh, rồi thức mới hoạt động, mới suy nghĩ, mới phân biệt ra cái “ta” (năng) và cái “không phải ta” (sở), mới nảy sinh ra tình cảm yêu ghét, tạo nghiệp, trả quả, xoay chuyển trong vòng sinh tử không thấy đường ra.
Phật thương xót chúng sinh mê muội “trong trí bồ đề mà không thanh tịnh, trong cảnh giải thoát mà sinh ràng buộc” (Lời sám hối), mới dạy cho chúng sinh tu hành để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn đó bằng cách trì giới, tham thiền, niệm Phật, trì chú, mục tiêu đều để giảm bớt những thói quen chấp trước, phân biệt, yêu ghét, từ từ đi tới định tâm. Khi tâm đã “định”, thì trí huệ bát nhã mới có dịp hiển lộ. Cho nên nếu muốn báo đền ơn Phật, vâng lời Phật thì ít nhất là trong khi lễ lạy phải tuân theo lời Phật dạy, không suy nghĩ gì cả, chỉ theo dõi hành động mà thôi, lễ xuống thì chỉ biết là lễ xuống, đứng lên thì chỉ biết là đứng lên, chắp tay thì chỉ biết là chắp tay, v.v… không có nghĩ đến bất cứ ai, không tưởng nhớ đến bất cứ cái gì. Hễ một niệm tưởng dấy lên là hết “không tịch” rồi, là từ “nhất niệm vô minh” trôi lăn vào dòng vô minh miên viễn rồi.
Nói tóm lại, “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch”, nghĩa là người lạy và đấng mình lạy, thể tánh đều vắng lặng bình đẳng. Thật tướng vạn pháp đều thể hiện một cách bình đẳng, không phân biệt, không thấy có mình lạy và người để cho mình lạy. Nếu khi lạy Phật mà tâm còn vướng mắc một chút xíu mong cầu, hay một chút tơ tưởng đến dòng họ gia tiên, dù mỏng như một sợi tơ cũng không đúng phép. Tâm phải ở trạng thái thanh tịnh vắng lặng. Phật giáo Việt Nam đã thực hiện phép lý lạy này từ ngàn xưa, thiết tưởng không có phép nào đầy đủ ý nghĩa và hợp với lý Bát Nhã hơn.