Không gian thờ cúng và nguyên tắc phong thuỷ

Người Á Đông chúng ta, hầu hết mỗi gia đình đều có một bàn thờ thờ cúng. Đối với kiến trúc hiện đại, luôn cần dành một không gian hợp lý cho bàn thờ, vì đây là góc tâm linh của người Việt. Bố trí, sắp đặt và chăm chút bàn thờ không chỉ thể hiện lòng hiếu kính và tưởng nhớ đến ông bà gia tiên, Phật, Thánh, mà còn có vai trò rất quan trọng trong phong thuỷ dương trạch. Mỗi khi xuân về, năm hết Tết đến, việc chuẩn bị cho bàn thờ luôn được mọi người đặt lên hàng đầu. Phong thuỷ đề ra một số nguyên tắc cơ bản cho bàn thờ:

Nguyên tắc “Nhất vị, nhị hướng”: Vị trí đặt bàn thờ phải là nơi có điểm tựa vững chắc. Tốt nhất, nên có một phòng riêng gọi là phòng thờ; nếu không, có thể bố trí trong phòng sinh hoạt hoặc phòng khách. Không nên bố trí bàn thờ trong phòng ngủ, phòng ăn, hay bếp. Bàn thờ cần yên tĩnh, tránh động, do đó không nên đặt gần các nút giao thông trong nhà, dưới chân cầu thang, hoặc ngay trên cửa sổ (sau lưng bàn thờ không nên có cửa sổ, phía dưới không nên có cửa ra vào). Bàn thờ không đặt thẳng cửa chính hoặc cửa sổ khiến gió thổi xộc vào; nếu phạm phải, cần có bình phong chắn gió.

Về học thuật phong thủy chuyên sâu, “vị” ở đây ám chỉ vị trí bàn thờ nên đặt tại các cát cung theo thuật định vị Cửu Cung Thần Sát như Âm Quý Nhân, Dương Quý Nhân, Thiên Lộc (nếu đặt đúng cung Tài thành Lộc cư Lộc vị là đắc cách), và Thiên Mã. Trong đó, Âm Quý Nhân được xem là vị trí đặt bàn thờ đại cát khánh. Tiếp theo là Dương Quý, sau đó là Lộc vị, rồi đến 16 cung Huyền không trạch vận (các cung Diên thọ, Tài lộc, Tử tức). Trong trường phái Bát Trạch có câu: “Cát tọa, cát hướng” cho bàn thờ, nhưng thường bị hiểu lầm. Về bản chất, nguyên khí từ dưới lòng đất bốc lên, là khí của cửu cung trong vùng khí trường. Do đó, khi xét vị trí của vật thể, ta phải xét đến khí của cửu cung trong vùng khí trường, chứ không phải là “phương tọa” trong Bát khí như nhiều chuyên gia phong thủy thường hiểu sai.

Nguyên tắc sạch sẽ nhằm kích hoạt cát khí:

Bàn thờ là nơi ngự trị của Phật, Thánh và các bậc tiền nhân trong gia đình, nên thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà (trừ bàn thờ Thần Tài). Điều này không chỉ để tránh sự va chạm, mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau dọn bàn thờ là công việc được thực hiện đầu tiên và một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ phải được dùng riêng. Nước lau bàn thờ nên dùng từ nguồn nước sạch, kỹ càng hơn có thể dùng nước mưa (thiên hà thủy) hoặc nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề. Ngoài ra, có thể dùng rượu pha với gừng tươi để tẩy trần. Không gian thờ tự là nơi thiêng liêng, lưu giữ nhiều ký ức giữa các thế hệ, nên việc giữ bàn thờ luôn sạch sẽ không chỉ thể hiện lòng tôn kính mà còn chăm sóc cái tối tâm linh trong mỗi con người. Việc đánh sáng bộ lư đồng, lau chùi khung ảnh, thay cát bát hương đều cho thấy sự giao hòa giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng.

Trong những ngày quan trọng như tất niên, giao thừa, và mừng năm mới, người đàn ông thường được ưu ái lo việc bày biện bàn thờ. Đây là trách nhiệm thể hiện lòng hiếu kính của người chủ gia đình. Việc thắp nhang thường xuyên, giữ bàn thờ sạch sẽ, bật đèn để thu hút năng lượng dương là những điều cần thiết. Bàn thờ không nên đặt trực tiếp nhìn vào nhà vệ sinh, phía trên không nên có phòng vệ sinh, và bàn thờ không nên dựa lưng vào phòng bếp.

Các điều cấm kỵ về vị trí bàn thờ:

  • Không đặt bàn thờ đối diện trực tiếp với cầu thang, nhà vệ sinh.
  • Không đặt bàn thờ trong phòng ngủ, đặc biệt là phòng vợ chồng.
  • Không kê bàn thờ dưới tầng có giường, bàn ghế, tủ quần áo.
  • Không để bàn thờ tối, đèn trên bàn thờ phải luôn bật sáng để thu hút năng lượng dương.
  • Tượng thánh thần không đặt chung tường với phòng vệ sinh, không đặt dưới cầu thang hay xà nhà.

Tất cả những điều này nhằm giữ cho không gian thờ cúng luôn trang nghiêm, hài hòa với phong thủy, mang lại sự bình an cho gia đình.