Lễ hội Cầu Ngư ở Cửa Hội (Thừa Thiên Huế)

Lễ hội Cầu Ngư là một trong những sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân vùng cửa biển. Nó gắn với các tín ngưỡng thờ cá – là vật tổ từ xa xưa của cha ông ta trong những ngày đầu di dân về phía biển. Lễ hội Cầu Ngư ở Cửa Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức trang nghiêm, hoành tráng vào mùng 3 Tết Nguyên đán hằng năm.

Trong quan niệm của những người đi biển ở đây, “Cá Ngài” là chúa tể của muôn loài chốn biển khơi. “Cá Ngài” là biểu tượng về sự thiêng liêng, uy quyền. Đồng thời, mọi biểu hiện của cá đều là sự dự báo chính xác về mọi điều tốt xấu, may rủi trong một năm, một vụ mùa hay một sự kiện liên quan tới nghề biển.

Trong Lễ hội Cầu Ngư, nét đặc sắc và tiêu biểu nhất là ở phần Lễ, được tổ chức trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Đúng 5 giờ sáng, ở phía nam Cửa Hội, một vị bô lão trong trang phục áo the, khăn đóng chỉnh tề đánh lên ba hồi trống trầm ấm, dứt khoát. Khi tiếng trống vang lên, ba chiếc thuyền lớn từ bờ bắc xếp theo hình mũi tên: một chiếc hơi nhô về phía trước, hai chiếc còn lại song song áp sát theo sau từ từ tiến ra giữa dòng. Cả ba chiếc thuyền đều được trang trí rực rỡ; trên mũi mỗi thuyền đều thắt một tấm vải đỏ (biểu tượng cho sự may mắn). Hai bên đầu thuyền là hai con mắt được vẽ nổi. Cả ba thuyền trong lúc hành lễ đều phải là thuyền chèo. Thuyền đi đầu tiên gồm có 9 người, trong đó có 8 tay chèo do 8 thanh niên khỏe mạnh và có kinh nghiệm đi biển đảm nhiệm. Tất cả đều phải trong trang phục của ngư dân xưa: áo quần màu nâu, mành cánh buồm đều tay để đưa thuyền ra giữa “lạch”. Còn người cuối cùng trên thuyền là một ngư ông cao tuổi – là linh hồn của Lễ hội Cầu Ngư. Ông phải là người đi biển nhiều năm, am tường mọi biến đổi về thời tiết của vùng, đồng thời là người có uy tín và có tiếng nói nhất vùng. Ông là người giữ vai trò chủ tế, được cả làng tín nhiệm cử ra từ trước. Điều đặc biệt nữa là ngay con thuyền này còn chở “Cá Ngài” với chiều dài gần hết con thuyền. “Cá Ngài” được làm bằng nhựa mềm và giống cá thật.

Cả ba con thuyền chầm chậm tiến ra giữa dòng trước sự chứng kiến của hàng chục vạn người. Ra đến giữa dòng, ba mũi thuyền lập tức đồng loạt hướng về phía Biển Đông theo hướng chỉ tay của vị chủ tế. Khi thuyền ra giữa trung tâm “lạch” cũng là lúc phần Lễ của Lễ hội Cầu Ngư ở Cửa Hội chính thức bắt đầu.

Khi phần Lễ được bắt đầu cũng là lúc trống từ hai bờ Bắc Nam cất lên khoan thai, trịnh trọng. Vị chủ tế đứng thẳng, mắt hướng về phía “lạch”, hai tay đan vào nhau để lên trán và đọc lời cầu lễ. Đó là lời cầu nguyện của đại diện cho toàn thể ngư dân cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá dồi dào, ngư dân gặp nhiều may mắn. Cứ sau mỗi đoạn tế ngắn thì vị chủ tế quỳ xuống, dập đầu lạy ba lạy, hai vị thuyền trưởng còn lại cũng hành lễ theo trong sự yên lặng theo dõi của mọi người hai bên bờ. Thỉnh thoảng, hai thuyền trưởng sẽ ném dần lễ vật như: vàng hương, gạo, hoa quả, đèn xuống cửa sông.

Phần Lễ được tiến hành trong khoảng 30 phút thì kết thúc. Sau khi làm lễ xong, vị chủ tế cùng hai thuyền trưởng phía sau dập đầu lạy chín lạy, rồi hai thuyền trưởng của hai thuyền phụ sẽ sang thuyền lớn, cùng vị chủ tế đưa “Cá Ngài” xuống cửa sông trong tiếng trống đổ dồn. Việc đưa “Cá Ngài” xuống nước mang ý nghĩa là sự trở về với giang sơn biên cả của chúa muôn loài khi đã mang trong mình đầy đủ những thông điệp cũng như những lời nguyện cầu của muôn dân về một năm may mắn, tốt lành. Đây cũng là lúc mọi người cảm thấy nhẹ nhõm, trong lòng trở nên phấn chấn và tự tin hơn. Sau màn tế lễ, mọi người sẽ tổ chức nghi thức quăng mẻ lưới đầu tiên. Khi lưới được vây kín đến gang tay cuối cùng cũng là lúc hàng trăm thuyền máy lớn nhỏ đồng loạt khởi động chạy ra cùng vui hội và “chia phần”. Những con thuyền này cố gắng lượn thật sát mẻ lưới đầu tiên đầy linh thiêng và múc nước nơi thả lưới đổ vào lòng thuyền mình. Họ cho rằng làm như vậy thì mọi may mắn trong năm sẽ đến với thuyền mình. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ “chia phần”, các con thuyền này sẽ chạy ra vòng ngoài, nhường chỗ cho những con thuyền khác ở vòng ngoài vào “lấy lộc”.

Trong khi các con thuyền liên tục vào ra thì ba con thuyền hành lễ ban đầu vẫn miệt mài với công việc của mình. Họ tiến hành thủ tục đánh cá như thật; cá thu được có khi lên đến hàng tạ. Dù không nhiều nhưng những năm như thế mọi người đều rất hoan hỉ. Vì họ cho rằng đó