Lễ hội Bà Triệu (Thanh Hóa)

Lễ hội Bà Triệu được tổ chức từ ngày 20 đến 23 tháng Hai âm lịch hằng năm tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; nhằm tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh – người đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248. Sau khi anh trai tử trận, Bà đã lãnh đạo nghĩa quân. Thanh thế của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến giặc Ngô hết sức hoảng sợ, phải cử nhiều đạo quân lớn cùng những viên tướng giàu kinh nghiệm trận mạc sang đàn áp nghĩa quân. Do sức mạnh và mưu mô thâm độc, quỷ quyệt của địch, nghĩa quân bị thất bại, Bà đã tuẫn tiết tại núi Tùng (huyện Hậu Lộc) vào ngày 22 tháng Hai năm Mậu Thìn (248). Tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của Bà không chỉ làm cho kẻ thù run sợ mà còn là nguồn cổ vũ lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Để tỏ lòng biết ơn và tôn vinh Bà Triệu, nhân dân ta đã xây dựng đền Bà Triệu trên núi Gai, lăng của Bà ở núi Tùng và đình làng Bà Triệu ở làng Phú Điền. Lễ hội Bà Triệu được tổ chức với quy mô lớn trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng, đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra hoạt động tế lễ với nghi thức trang trọng vừa truyền thống vừa kết hợp với lễ hội đương đại. Tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ như: rước kiệu, tế nữ quan. Phần Hội không có trò diễn dân gian mà chỉ có hội trận nhằm khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của nghĩa quân do Bà lãnh đạo. Tiếp sau những đại lễ, rước kiệu… còn có hát chầu văn, một hình thức âm nhạc truyền thống trong ngày lễ linh thiêng.

Lễ hội thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh khí phách anh hùng của hậu thế đối với Bà Triệu – người nữ anh hùng của nhân dân Xứ Thanh.