Lễ hội đền Sòng (Thanh Hóa)

Đền Sòng Sơn xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hóa, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh – một trong Tứ bất tử của người Việt Nam từ xa xưa. Lễ hội đền Sòng thường diễn ra từ ngày 10 đến 26 tháng Hai âm lịch hằng năm, chính hội vào ngày 25 tháng Hai, là ngày Thánh Mẫu hạ giới.

Ngày chính hội diễn ra từ 5 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa, nhưng tất cả mọi việc phải chuẩn bị từ trước đó một tháng. Lễ hội được chia thành hai phần Lễ và Hội.

Nghi lễ chính trong phần Lễ là lễ rước Thánh Mẫu từ đền Sòng đến đền Chín Giếng và tế nữ quan. Tuy thủ tục không nhiều nhưng được cắt đặt chặt chẽ và theo một quy trình nhất định. Lễ vật gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, xôi thịt. Một số địa phương quanh vùng còn làm nhiều thứ bánh như: bánh chưng, bánh lá răng bừa, bánh nếp, bánh mật, bánh trôi,… đem tới dâng lễ.

Việc cúng lễ, theo tài liệu xưa ghi lại, là do phụ nữ đảm nhiệm, gọi là bà đồng. Bà đồng thường là những người sống độc thân từ hồi còn trẻ, tự nguyện làm nghề đồng và coi giữ ngôi đền Thánh Mẫu, hầu Mẫu, hầu Thánh bằng nhiều hình thức như: lên đồng, nhảy đồng,… còn đàn ông thường chỉ đánh đàn và hát chầu văn. Trong thời gian mở hội, các bà đồng phải sống riêng biệt: ở ẩn và ăn chay để giữ cho lòng mình luôn thanh sạch.

Ngày nay, việc cúng tế không chỉ do phụ nữ đảm nhiệm mà thuộc về các bản hội. Có nhiều bản hội tới tế lễ như: bản hội bà Sang, bà Toàn, ông Hào, v.v.. Các bản hội thường chuẩn bị và tập luyện trước kỳ khai hội khoảng một tháng. Ngoài ra, còn có bản hội ở các tỉnh, thành phố khác về hội lễ như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,…

Trình tự cuộc tế lễ như sau: Già làng Cổ Đam sau khi thắp một tuần hương cáo yết, cầu Thánh ban cho dân làng một năm an khang vật thịnh… thì bắt đầu tổ chức rước Mẫu. Tượng Thánh Mẫu được ngự kiệu từ chính tẩm rước qua cung Đệ nhị, Đệ tam và rước quanh đền. Việc rước này theo quan niệm của nhân dân là để cho Thánh Mẫu có thể quan sát lại cảnh vật, đất đai, sông núi xưa…

Phần Hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, võ công, thi hát đối chầu văn. Trước kia các trò chơi tương đối phong phú như: múa rồng, đánh cờ, đánh vật, đánh đu, leo dây, múa sư tử,… Ngày nay do thời gian buổi lễ rút ngắn lại nên các trò chơi theo đó cũng giảm dần, chỉ giữ lại một số trò độc đáo.