Người Giẻ Triêng trước đây có cuộc sống du canh du cư. Khi tìm được một địa điểm để lập làng mới, họ thường ở lại khoảng 5-7 mùa rẫy. Sau khi đất đai bạc màu, họ lại đi tìm vùng đất mới để lập làng. Việc đầu tiên khi lập làng mới là phải tìm địa điểm để xây dựng nhà Rông. Mỗi làng Giẻ Triêng thường có từ 25-30 nóc nhà. Sau khi đã làm lễ tế “Giàng,” họ cùng chung tay xây dựng nhà Rông, ngôi nhà lớn của cộng đồng mình, là nơi để tụ họp bà con, bàn bạc công việc làm ăn và giải quyết mọi câu chuyện của cộng đồng.
Lễ hội mừng nhà Rông mới của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng tại làng Đăk Gô, xã Đăk Krông, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum là một nghi lễ mang đậm tín ngưỡng dân gian. Lễ hội được bắt đầu bằng những công việc rất nhỏ: chị em phụ nữ xuống suối bắt cá, đi hái rau rừng; các chàng trai vào rừng săn bắn lấy thực phẩm phục vụ cho lễ hội. Không gian lễ hội mừng nhà Rông mới của người Giẻ Triêng bao giờ cũng phải có cây nêu và con trâu.
Cây nêu, trong quan niệm của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc: những cành nêu trĩu nặng tượng trưng cho những bông lúa, quả bắp trĩu hạt, ý chỉ mùa màng bội thu. Ngọn cây nêu vươn thẳng lên trời cao tượng trưng cho đường lên trời, hàm ý chuyển lời cúng của chủ lễ, già làng, và lời cầu xin của bà con lên thần linh trên trời để mong muốn một cuộc sống no đủ, hạnh phúc, không có chiến tranh, dịch bệnh xảy ra, và làm ăn mùa sau luôn được nhiều thóc lúa hơn mùa trước; trâu, bò, heo, gà luôn nằm chật gầm sàn,…
Việc chặt cây nêu cúng Giàng phải do những chàng trai có bàn tay khéo léo, tài hoa được già làng chọn lựa thực hiện. Trước khi đi, các chàng trai phải lên nhà Rông ngủ chay 3 ngày 3 đêm, sau đó xuống suối tắm rửa sạch sẽ rồi mới được vào rừng chặt cây về làm cây nêu.
Cùng với đó, trâu là con vật rất có ý nghĩa đối với người Giẻ Triêng. Nếu như với người Kinh, con trâu là đầu cơ nghiệp, thì đối với người Giẻ Triêng, con trâu còn là một người bạn thân thiết, là con vật linh thiêng của họ. Bởi đồng bào Giẻ Triêng theo chủ nghĩa đa thần, xem trâu là vật thiêng để cúng Giàng, là vật thế mạng để cầu xin thần linh cho buôn làng khỏe mạnh. Chính vì vậy, trong lễ hội mừng nhà Rông mới không thể thiếu lễ đâm trâu.
Trước khi tiến hành lễ đâm trâu, già làng sẽ thực hiện nghi lễ để con trâu trở thành vật hiến sinh cúng Giàng. Họ cài vào sừng trâu những chùm hoa sặc sỡ. Sau khi nghi lễ được tiến hành xong, người dân trong làng hò reo, các chàng trai vừa nhảy vừa đánh cồng chiêng vòng quanh cây nêu và con trâu. Phụ nữ thì cùng nhau múa những điệu múa đơn giản nhưng vô cùng sinh động, thể hiện những động tác trong lao động sản xuất của người Giẻ Triêng, từ làm cỏ lúa, gieo hạt, xua đuổi sâu bọ phá hoại mùa màng đến những động tác thể hiện việc chào mời khách vào cùng chơi, cùng vui hội với họ. Khi những người tham gia lễ hội như được thông linh với thần, họ trở nên thăng hoa, nhịp chiêng của các chàng trai ngày càng náo nức, nhộn nhịp, các cô gái cũng chuyển từ điệu múa Xoang sang điệu Bông rốk vô cùng mạnh mẽ. Theo sự phân công của già làng, một chàng trai khỏe mạnh trong làng cầm giáo đuổi theo và đâm vào con trâu thiêng đã được cột sẵn. Sau một vài nhát giáo đâm tượng trưng, người trong làng đưa trâu đi mổ, thịt trâu được chia đều cho tất cả mọi người dân trong làng, ai cũng có phần để được may mắn.
Lễ hội đâm trâu kết thúc, mọi người được mời vào nhà Rông, cùng đánh cồng chiêng, múa điệu Bông rốk, uống rượu thiêng… để mừng làng mới, nhà mới, và mừng một vụ mùa bội thu sắp tới.