Lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi (Hà Tĩnh)

Lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Trước đây, lễ hội diễn ra hai năm một lần, từ năm 2010 trở đi, lễ hội diễn ra một năm một lần, tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh – nơi vào năm Ất Dậu 1885, vua Hàm Nghi hạ Chiếu Cần Vương, đắp lũy, xây thành Sơn Phòng, chiêu binh, tuyển tướng bảo vệ dinh lũy; đánh chặn giặc từ Tuyên Hóa – Quảng Bình ra và trấn an quân đội, phòng đánh giặc từ Bắc ải tấn công vào.

Tương truyền, sau khi vua từ bỏ ngai vàng, từ biệt mẫu hậu cùng với quân thần yêu nước bôn tẩu ra Hà Tĩnh, đến xã Phú Gia, vua cùng đoàn ngự bôn với vị chủ tướng Tôn Thất Thuyết hoạt động ở đây được 3 tháng 10 ngày, ra hịch Cần Vương cứu nước, đã tổ chức phá kho thóc của Nhật Tổng Chu Lễ phát cho dân.

Trước sự tấn công quyết liệt của giặc Pháp, vua buộc phải rời khỏi thành Sơn Phòng. Lúc rời thành, vua sai Tôn Thất Thuyết vào tạ lễ cho đền Đức Thánh Mẫu hai con voi bằng vàng, các thanh bảo kiếm, áo hoàng bào của vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen,…

Từ đó, cứ đến mùng 7 tháng Giêng, các báu vật của vua Hàm Nghi đều được rước từ nhà cô đạo cũ tới nhà cô đạo mới để lưu giữ, bảo quản. Trước khi được rước tới nhà cô đạo mới, các báu vật phải rước qua đền Công Đồng Hội Sở, thành Sơn Phòng – nơi thờ vua Hàm Nghi để làm lễ và đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm với hàm ý rước sắc phong vua nhân dịp đầu năm mới để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, hai vụ chiêm, mùa ruộng đồng bội thu.

Người giữ báu vật của nhà vua được xét tuyển ở lễ Hạ nguyên vào tháng Chạp, trên nhiều mặt từ đạo đức, năng lực thờ phụng đến kiến thức văn hóa dân tộc, và khi xin keo trước bàn thờ vua phải được quẻ thuận.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, lễ hội rước phong sắc vua Hàm Nghi, hay còn gọi là lễ rước lộc đầu năm, là một nét văn hóa độc đáo đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây, được duy trì, gìn giữ, nhất là khi Sơn Phòng Hàm Nghi, miếu Trầm Lâm, đền Công Đồng đã trở thành quần thể Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.