Lê Hữu Trác (1720-1791), quê gốc ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một danh gia vọng tộc, lớn lên thi đậu tam trường, nhưng khi cha mất, ông bỏ đường cử nghiệp chuyển sang học võ, nghiên cứu binh thư và đã giành được nhiều thắng lợi khi tham gia trận mạc. Về sau, chán cảnh máu chảy đầu rơi nơi chiến trận, ông xin về sống ở quê mẹ tại xóm Bàu Thượng, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, và chuyên tâm nghiên cứu nghề thuốc. Ông tự đặt cho mình hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, trở thành một thầy thuốc, một danh sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Sau khi ông mất, nhân dân và giới y học cả nước đã suy tôn ông là bậc “Y thánh của Việt Nam.”
Lễ hội truyền thống đền thờ Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm tại thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, để tưởng nhớ công lao to lớn của vị đại danh y Lê Hữu Trác, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta.
Phần Lễ của Lễ hội bao gồm các hoạt động tế lễ của 4 đội tế đến từ các thôn trong xã và hoạt động dâng hương của nhân dân địa phương cùng du khách thập phương. Phần Hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian truyền thống như: múa kỳ lân, chọi gà, thi đấu cờ tướng,… thu hút sự tham gia và cổ vũ của đông đảo người dự lễ hội.