Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Kính lạy các ngài:
- Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật
- Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần,
- Long Mạch, Táo Quân, chư vị Tôn thần
- Đồng kính lạy các vị Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội nội, ngoại chư vị tiên linh họ …
Nay là phút Giao Thừa năm …
Con (chúng con) là: … (đọc rõ họ tên)
Trú tại xã (phường) … huyện (quận) … tỉnh (thành phố) …
Phút thiêng Giao Thừa vừa tới, nay theo vận luật, tống cựu nghinh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên Đán. Tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con xin kính mời: Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, chư vị Đại Vương, Ngài Bản Xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc Đức Chính Thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Long Mạch, Tài Thần, các Bản Gia Táo Quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Con lại kính mời các cụ tiên linh Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội, nội ngoại tộc chư vị hương linh, cúi xin giáng thế về linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này. Nhân tiết Giao Thừa, giáng lâm trước án chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ: an ninh khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Theo tục xưa để lại, lễ tạ được tiến hành vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch.
Theo sách “Phương sóc chiêm thú”, thì sở dĩ lễ tạ được tiến hành vào ngày mồng 7 tháng Giêng là vì ngày thứ bảy đầu năm mới là “Ngày của Người” (Nhân Nhật); còn các ngày khác từ mồng 1 Tết Nguyên Đán đến mồng 8 tháng Giêng là các ngày của các giống động vật và thực vật:
- Mồng 1 là ngày của giống Gà,
- Mồng 2 của giống Chó,
- Mồng 3 của giống Lợn,
- Mồng 4 của giống Dê,
- Mồng 5 của giống Trâu,
- Mồng 6 của giống Ngựa,
- Mồng 8 của giống Thóc (lúa).
Vào chiều ngày ấy, ngày nào đẹp trời thì giống thú hay thực vật của ngày ấy sẽ khỏe mạnh, tốt đẹp trong cả năm đó. Hiện nay vẫn có người tin vào những “điềm” báo trước ấy để có những “tiên đoán” cho cả năm.
Ngày nay, tùy hoàn cảnh cụ thể công việc của mỗi nơi, người ta có thể tiến hành lễ tạ vào các ngày khác như vào mồng 2, mồng 3,… chứ không cứ phải vào mồng 7. Người Việt Nam hiện nay chủ yếu căn cứ vào hoàn cảnh công việc mà làm lễ tạ chứ không câu nệ theo sách xưa.
Ý nghĩa quan trọng lễ tạ của người Việt Nam là ở chỗ: tạ lễ Trời, Đất, Thần, Phật, Gia Tiên… đã về chứng giám cho lòng thành và sự vui vẻ của những người đang sống nhân dịp Tết đầu năm và cầu xin các đấng cao minh, Tiên tổ gia cát, phù trì cho mọi người trong gia đình tiếp tục bước vào cuộc sống may mắn, phát đạt mọi bề suốt cả năm mới.
Với ý nghĩa đó, không có gia đình Việt Nam nào, xưa cũng như nay, đã dâng hương cúng lễ Giao Thừa vào sáng mồng 1 Tết mà lại bỏ qua làm lễ dâng hương Khai Hạ, thậm chí những người có điều kiện còn tổ chức buổi lễ tạ khá lớn, mời họ hàng thân thích, bạn bè cùng đến dự và bàn tính dự kiến công việc đầu năm.
Nét khác biệt trong việc dâng hương vào dịp Tết Nguyên Đán so với các dịp lễ, tiết khác trong năm là ở chỗ vào suốt dịp Tết Nguyên Đán, kể từ lễ Tất Niên vào chiều ngày 30 năm cũ, tháng Chạp cho tới hết lễ tạ, trên các ban thờ trong nhà, hương, đèn (nến) không bao giờ không thắp, ngày cũng như đêm. Các phẩm vật dâng cúng dịp Tết như tiền, vàng (đồ hàng mã), bánh chưng, mứt kẹo, ngũ quả, trầu cau,… cũng chỉ được phép hạ xuống vào sau buổi lễ dâng hương Khai Hạ; trừ các lễ cúng mặn không thể để dài ngày như xôi, thịt… thì có thể hạ lễ ngay sau mỗi tuần hương dâng cúng vào các buổi, các ngày trong dịp Tết Nguyên Đán.
Sở dĩ phải như vậy vì tục tín ngưỡng cho rằng trong suốt dịp Tết Nguyên Đán trước khi làm lễ Khai Hạ thì các bậc Thần Minh và Gia Tiên luôn luôn ngự trên ban thờ. Nếu để hương, đèn (nến) tắt, tự tiện hạ các phẩm vật trước khi lễ tạ là bất kính đối với Thần Minh và Tiên Tổ.
Với ý nghĩa quan trọng của ngày lễ tạ nên ngày làm lễ tạ được quan niệm cũng là một cái “Tết” – Tết Khai Hạ. Nó quan trọng chẳng kém lễ Giao Thừa. Bởi thế, trước khi dâng hương lễ tạ, ngày xưa người ta cũng có đốt pháo mừng. Nhiều gia đình tính cẩn thận còn có cả lễ ngoài trời như lễ lúc Giao Thừa nữa.
Trước khi hạ toàn bộ phẩm vật dâng cúng trong dịp hết một tuần hương thì trước tiên phải thực hiện việc hóa vàng tiền. Mỗi lễ vàng, tiền dâng cúng đều được hóa riêng theo thứ tự: Gia Thần trước, Gia Tiên sau – từ các bậc cao nhất đến bậc dưới. Trước khi hạ mỗi lễ như vậy đều cần vái ba vái và khấn: “Con xin thiêu hóa tiền vàng, quần áo,… thỉnh vong linh nhận chút lễ bạc. Tâm thành, kính cáo Tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới.”
Theo tục xưa, khi hóa mã thường có lễ cáo thần “Vũ Lâm Sứ Giả” để ngài chứng tri cho. Văn khấn đọc khi bắt đầu hóa mã, tại ban thờ, để xin phép Thần Vũ Lâm Sứ Giả, mục đích tránh quỷ, ma đói khát cướp quần áo, tiền vàng của tín chủ gửi cho vong. Khi gửi đồ mã cho vong nên ghi vào giấy đầy đủ các đồ hiến cúng và gửi cho ai mộ táng tại đâu. Giống như ta gửi ở trần sao thì âm vậy, phải có tên địa chỉ người gửi, người nhận. Khi hóa mã xong, nên đọc câu kính xin Tôn thần kính rước vong linh về nơi âm giới.
Ngày nay, nhiều người làm ăn, buôn bán, sau lễ tạ đều có kén chọn giờ tốt, ngày tốt để khai trương cửa hàng, cửa hiệu.
Sắm lễ:
Lễ vật dâng cúng trong lễ tạ năm mới gồm:
- Hương, hoa, nước, quả (ngũ quả)
- Trầu cau
- Rượu
- Đèn, nến
- Lễ ngọt, bánh kẹo
- Mâm cỗ mặn: xôi, gà, bánh chưng, các món Tết đầy đủ, tinh khiết.